“Nước non vạn dặm” - tiểu thuyết sử thi đặc sắc

Thứ Hai, 26/05/2025, 10:36

Từ lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là nguồn cảm hứng lớn với sáng tạo của các văn nghệ sĩ Việt Nam thuộc mọi loại hình nghệ thuật. Sau khi Bác qua đời, càng với độ lùi thời gian, hình tượng Bác càng trở nên phong phú, đa dạng và sâu sắc trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Chiếm số lượng đông đảo nhất vẫn là các tác phẩm thơ ca, âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật tạo hình. Văn xuôi hư cấu khiêm tốn hơn.

Cho đến bây giờ, mới chỉ có vài truyện dài “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng; tiểu thuyết “Cha và con” của nhà văn Hồ Phương… Bởi vậy, bộ tiểu thuyết sử thi 5 tập “Nước non vạn dặm” gần 1.200 trang in khổ 13,5cm x 23,5cm, của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, viết về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên được ghi nhận như một hiện tượng văn chương rất có ý nghĩa.

1. Tập 1, “Nợ nước non” (2022) kể về Hồ Chí Minh khi còn ở làng Chùa, làng Sen, rồi mấy lần ra vô Huế, vào Quy Nhơn, Phan Thiết, rồi vào Sài Gòn, trước khi lên tàu Admiral Latouche Tresville một ngày tháng 6/1911, bắt đầu cuộc đời bôn ba hải ngoại của một nhà cách mạng. Quãng thơ ấu chiếm phần lớn dung lượng thời gian của truyện kể, và đó là quãng thơ ấu của một cậu bé, một cậu bé bình thường chứ không phải một thần đồng với những lời nói hay hành động đột xuất, tiên báo một thứ phẩm chất “lãnh tụ” hay “đế vương” gì đó cho sau này.

Cậu bé Nguyễn Sinh Cung vô tư, hồn nhiên, hiếu động và hay hỏi những câu “trên trời” như phần lớn các cậu bé ở mọi nơi, mọi thời. Nhưng tuổi thơ của cậu không êm đềm, nó được đánh dấu bằng những cuộc dịch chuyển liên tục theo cha nay đây mai đó. Mới hơn 10 tuổi, cậu đã nếm trải tận cùng nỗi đau mất mát: mẹ và đứa em mới chào đời của cậu đã chết, vì ốm và đói, khi cha (dắt theo anh cả Khiêm) còn đang bận chấm thi ngoài Thanh Hóa. Nỗi đau ấy có lẽ chính là điều mà nhà văn muốn nhấn mạnh như một dẫn nhập vào cốt tủy của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh sau này: tình yêu thương con người, sự đau cùng nỗi đau của con người và nhân loại lao khổ.

“Nước non vạn dặm” - tiểu thuyết sử thi đặc sắc -1

Sau đó, Nguyễn Thế Kỷ kể về sự trưởng thành lý tính, trưởng thành nhận thức trước các vấn đề chính trị xã hội trong nước và trên thế giới của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Rằng nước Pháp thực dân đang dùng mọi chính sách hà khắc dã man để bóc lột chúng ta, rằng muốn đánh đuổi họ thì phải học họ để hiểu họ. Và chuyến xuống tàu rời cảng Sài Gòn của Nguyễn Tất Thành chính là một quyết định lịch sử, bước mở đầu cho công cuộc đền nợ nước của một vĩ nhân.

Tập 2, “Lênh đênh bốn biển” (2023) kể về quãng đời hoạt động 30 năm ở hải ngoại của Bác (1911 – 1941). Ba mươi năm, cuộc trường chinh ấy là cuộc trường chinh của một thanh niên dấn thân vì lý tưởng cao đẹp: tìm đường cứu nước. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ kể lại, theo một cách đầy hấp dẫn – về mười nghìn ngày Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp thế giới, vượt gian khó, vượt hiểm nguy, hết đói rét ốm đau đến bị truy nã, bị bắt bớ, phải ẩn mình, xê dịch. Người đã đi vào đời sống thợ thuyền, binh lính người An Nam ở Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp, tán thành Quốc tế cộng sản III và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Nhưng biến cố lớn nhất trong tập này là việc người bắt gặp ánh sáng của Luận cương Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nguyễn Thế Kỷ đã viết về tình huống ấy với rất nhiều xúc động:

“Anh bật khóc. Một nỗi nghẹn ngào không thể giải thích nổi ùa đến, bao trùm, tràn ngập tâm hồn anh.

- Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta. Đây là con đường giải phóng chúng ta.

Anh run rẩy cất lời một mình trong căn phòng nhỏ chật chội nhiều sách vở. Bên ngoài cửa sổ nhỏ là vòm cây sáng óng ánh bởi nắng đã ngả sang chiều. Mùa hè nước Pháp chưa bao giờ đẹp và đáng yêu đến thế”.

Tập 3, “Từ Việt Bắc về Hà Nội” (2024) kể về quãng thời gian từ ngày 28/1/1941, khi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc biên giới Trung – Việt, chạm đất Cao Bằng, đến ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình. Trong 5 năm ấy, nếu không kể đến quãng ngắn Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt trong một lần bí mật sang Trung Quốc công tác, rồi bị chúng giải đi loanh quanh khắp các nhà tù – nhà văn Nguyễn Thế Kỷ viết rất sinh động về hành trình lao lý này - thì Bác hoàn toàn lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, giáo dục chính trị cho quần chúng, chuẩn bị lực lượng vũ trang, chờ đợi thời cơ để làm cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, giành lấy chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm năm, nhưng lịch sử của một cá nhân đã gắn chặt, hòa vào và mang tính đại diện vô cùng tiêu biểu cho lịch sử của cả một quốc gia dân tộc trong những thời khắc nghìn năm có một. 

Tập 4, “Đường lên Điện Biên” (2025) viết về Bác trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đường lên Điện Biên là con đường được khởi đi từ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước quốc dân đồng bào và thế giới (2/9/1945), và kết thúc khi Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương (20/7/1954). Cuộc kháng chiến 9 năm thần thánh của dân tộc Việt Nam nằm trọn trong quãng thời gian này. Người đọc có thể nhận thấy ở đây, trước mỗi sự kiện, biến cố, tình thế chính trị quan trọng, ngoài việc để nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lên tiếng diễn giải, phân tích với các đồng chí của mình, nhà văn thường sử dụng thêm những đoạn văn theo kiểu “lời nói nửa trực tiếp” để đánh giá, bình luận, làm sáng rõ hơn về cục diện lịch sử.

Ví như, ở thời điểm ngay sau ngày 2/9/1945, khi các  đoàn quân của Tưởng Giới Thạch cùng các đoàn quân của đế quốc Anh tràn vào Việt Nam để giải giáp quân đội phát xít Nhật, và quân viễn chinh Pháp đã lấp ló phía sau với sự sẵn sàng hậu thuẫn của chính quyền Mỹ, thì tác giả đã để cho nhân vật của mình “cảm nhận”: “Việt Nam những ngày này như một chiếc bánh mà nhiều kẻ cùng lúc nhòm ngó. Chẳng có một cái gì gọi là nhân quyền ở đây, chỉ là sự xâu xé của những kẻ săn mồi. Sự tồn vong của một đất nước, sự tự do của một dân tộc không có ý nghĩa gì đối với chúng, tất cả chỉ xoay quanh hai chữ lợi ích. Một trong số các thế lực đó tiến hay lui cũng chỉ vì lợi ích mà thôi”.

Tập 5, tập khép lại bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã quyết định lấy một nhan đề mang tính khái quát hóa rất cao: “Việt Nam – Hồ Chí Minh”.

“Việt Nam” và “Hồ Chí Minh”, hai thành phần trong nhan đề của tiểu thuyết được nối với nhau bằng một dấu gạch ngang, gợi ý cho người đọc về một sự cân bằng và khả năng chuyển hóa: nói đến đất nước Việt Nam nghĩa là nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như một đại diện đầy đủ, trọn vẹn, đẹp đẽ nhất của đất nước Việt Nam. Tập này kể chuyện Bác đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc trường chinh mới: xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vạch ra đường lối cách mạng để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông Việt Nam liền một dải.

2. Nhìn chung, những sự kiện mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nêu trong chuyện kể ở tập 5 của bộ “Nước non vạn dặm” đều là những sự kiện đã được ghi lại trong các tài liệu lịch sử chính thống, được “vững chắc hóa” và phổ biến rộng rãi từ lâu. Tất cả nói lên rằng trong khoảng thời gian mười lăm năm kể từ khi rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội cho đến lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện diện như một nhà lãnh đạo tối cao, người hoạch định chiến lược và là linh hồn trong những vận động của cách mạng và của lịch sử dân tộc.

“Nước non vạn dặm” - tiểu thuyết sử thi đặc sắc -0
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ (giữa) tại lễ ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”.

Nguyễn Thế Kỷ - trong tư cách một nhà sáng tác văn học, một nhà nghiên cứu lịch sử, một nhà hoạt động chính trị - đã không xây dựng cuốn tiểu thuyết của mình bằng cách nói những gì nằm ngoài hoặc khác thế. Mà cách của ông là: vừa bám rất chắc vào các dữ kiện “bất khả tư nghị” mà ai cũng biết, vừa tìm ra ở các dữ kiện ấy những khoảng trống cho phép người viết văn thổi nguồn năng lượng tưởng tượng của mình vào, tạo ra những chi tiết có thể không có trong thực tế nhưng lại rất hợp lý, và có khi còn “thật hơn cả thật”.

Ở bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh như một vĩ nhân trong những thời khắc rực sáng của dân tộc. Đồng thời ông cũng xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh như một con người bình thường giữa đời thường, trong sự chia sẻ buồn vui với quê hương, gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, với mỗi người dân và mọi người dân. Năng lực sáng tạo và sự dày công nghiên cứu đã giúp nhà văn Nguyễn Thế Kỷ thực hiện rất hiệu quả dự án nghệ thuật lớn này.

Nguyễn Hoài Nam
.
.