Nốt trầm trên sông Vàm Nao

Thứ Ba, 22/10/2024, 09:15

Sách xưa kể rằng, khi Bùi Hữu Nghĩa bị đày đến coi giữ đồn Vĩnh Thông vào năm 1848, có đi ngang sông Vàm Nao và Núi Sập, thấy sóng to gió lớn, muỗi như sấm rền, ông thở dài than rằng: "Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi/ Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà".

Trong quyển “Gia Định thành thông chí”, tác giả Trịnh Hoài Đức gọi sông Vàm Nao là Vàm Giao. Sách “Đại Nam nhất thống chí” gọi Vàm Nao là Thuận Giang, có lẽ nói về sự hữu ích của nó khi giúp cho việc giao thương đường thủy từ sông Tiền qua sông Hậu được thuận lợi. Còn các học giả sau này như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Hầu, Vương Hồng Sển đều thống nhất gọi là Hồi Oa, nghĩa là vùng nước xoáy.

img_0980.jpg -0
Ông Tư Ôn nhìn sông Vàm Nao, hồi ức về thời còn nhiều tôm cá.

Ca dao miệt này có câu: Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Vàm Nao. Ý nói bắp còn non mà đưa vào lửa lò nướng thì dễ bị cháy khét chớ không chín đều, cũng như con đò Vàm Nao luôn chòng chành trên sóng nước, ai "ve" không khéo coi chừng lật ghe lật xuồng lộn cổ xuống sông như chơi.

Có thể thấy, trong cách miêu tả của các bậc tiền nhân, sông Vàm Nao hết sức dữ tợn, khiến ai muốn chinh phục phải "nao lòng", chùn chí. Dù chỉ dài khoảng 6,5 cây số chảy như phân giới đường thủy giữa huyện Phú Tân và Chợ Mới cùng thuộc tỉnh An Giang, nhưng Vàm Nao có vai trò quan trọng với việc cân bằng lưu lượng nước sông Tiền và sông Hậu, như một dấu gạch nối chắn ngang hai dòng chảy xiết nên tạo ra các vực xoáy cuộn tròn, nhất là vào mùa nước đổ. Có lẽ do vậy mà Vàm Nao trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài cá lớn, trong đó có cá hô, cá đuối, cá bông lau. Đây cũng là lý do tôi ngược về Vàm Nao chuyến này.

Tôi tới cồn Bình Thủy, ngay ngã ba nơi sông Hậu chạm mặt Vàm Nao vào một buổi trưa sững nắng. Khung cảnh ở xóm chài nhỏ nơi đây thật đẹp và yên bình. Những căn nhà sàn quay mặt xuống sông, vắt vẻo vài tay lưới treo trên vách. Mấy chiếc ghe, xuồng đậu xen kẽ giữa đám lục bình, buộc dây vào cây sào cắm sát mép nước. Tôi nghĩ ngay tới xóm câu Tịnh Thới và bồi hồi nhớ về bến sông quê tôi, chừng ba mươi năm trước. Khi ấy, cá trên sông còn nhiều lắm. Sau mùa nước nổi, dân quê tôi lại tiếp tục đi quăng chài, giăng lưới, dỡ chà, thả câu. Phải chăng xóm chài này vẫn còn làm nghề xôm tụ, vì tôi thấy trên mỗi chiếc ghe đều xếp vài mẻ lưới, dầm, sào và cả đèn đội đầu dùng cho những chuyến đánh bắt đêm?

Khi tôi còn đang miên man nghĩ ngợi và ngắm nhìn sóng nước Vàm Nao, bỗng một ông lão từ trong nhà bước ra cắt ngang dòng suy tưởng. Đó là ông Trần Văn Ôn, một lão ngư gần chín chục tuổi với bảy chục năm làm nghề hạ bạc ở xóm này. Sau vài câu bắt chuyện, ông bỗng hướng cái nhìn vời vợi tận ngã ba sông, chỉ tay bảo chỗ đó nước sâu lắm, cỡ sáu chục sải chớ không ít. Bởi vậy, cá lớn ở khúc sông này hồi xưa rất nhiều. Rồi ông kể lại cái ngày ông giăng lưới được con cá hô 185 ký lô, cách đây hơn bốn mươi năm. Ông chỉ tôi tấm lưới giăng cá hô trên vách nhà từ lâu không dùng tới, mắt lưới rộng hơn bàn tay xòe, dây lưới cọng nào cọng nấy bự bằng chiếc đũa. Vậy mà có khi cá còn đâm thủng lưới, ông nói vậy.

Con cá hô ông Tư giăng được cũng là con lớn nhất ở vàm sông này. Hôm đó xế chiều, ông ra thăm lưới như mọi ngày, được chừng nửa tay lưới thì bỗng bị giựt mạnh. Ông cố ghìm lại, ngồi trụ vững trên ghe, ép viền lưới sát vào be. Chiếc ghe của ông đột ngột bị kéo đi ào ào chừng mấy chục thước mới dừng. Biết dính cá lớn, ông Tư liền nhảy xuống nước, lấy mẻ lưới quấn chặt thân cá. Con cá cũng không dễ bị khuất phục, nó cứ vùng vẫy, lúc lặn sâu lúc trồi lên khiến ông bám theo hết sức khó khăn, kỳ cá đâm ngực ông tứa máu. Nhưng cái gan lì của nghề hạ bạc lâu năm khiến ông không bỏ cuộc, cứ vật lộn với con kình ngư trong nước, khiến khúc sông nổi sóng đùng đùng. Thế rồi con cá cũng chịu thua, nằm lật bụng thả xuôi theo dòng nước. Ông Tư dùng sợi dây thừng xỏ từ mang qua họng nó, "dắt" về bến sông nhà ông.

Kể đến đoạn này mắt ông Tư Ôn bỗng sáng rực lên, giọng ông khấp khởi, dạt dào như nước đổ. Ông kéo áo chỉ vết sẹo dài trên ngực, lòng đầy tự hào với chiến tích thu phục con cá hô khổng lồ. Tay chân ông giờ đây đã phần nào teo tóp lại do tuổi già, hằn lên da những lớp vảy đều nhau như vảy cá. Mái tóc bạc trắng lất phất bay theo từng đợt gió sông thổi vào. Con cá hô ông Tư bắt được là con lớn nhất xóm này, chớ cỡ vài chục ký thì thiếu gì. Mặc dù lúc đó bán ra rẻ rề, mỗi ký cá có năm ngàn đồng thôi nhưng cũng đủ tiền xài cả tháng và sắm mấy chỉ vàng để dành, ông nhớ lại.

Từ ngày bà Tư mất, ông Tư Ôn cũng không đi câu lưới gì nữa. Ghe xuồng ông để lại cho mấy đứa con, đứa nào theo nghề được thì theo. Mấy chiếc ghe đang đậu dưới bến đều là của xóm này, trong đó có chiếc của anh Hiếu, con trai ông Tư. Vợ chồng anh Hiếu còn đi đánh bắt cá mỗi ngày, cũng tạm đủ tiền đong gạo. Còn hai đứa con anh là thằng Thành, thằng Hảo mới mười tám, hai mươi tuổi đã quyết không theo nghề của ông cha. Phải nghề cá mà khá giả thì mình còn ép con cái theo, chớ bây giờ chỉ làm cầm chừng, đủ sống đắp đổi ngày nào hay ngày đó thì chúng nó tìm hướng đi khác cũng phải rồi.

Nốt trầm trên sông Vàm Nao -0
Một góc xóm chài Bình Thủy, ngay cửa sông Vàm Nao.

Anh Hiếu vừa nói vừa chỉ tôi một chỗ ngồi khô ráo gần mũi ghe, sau đó nổ máy hướng về phía sông Vàm Nao. Đêm nay, tôi sẽ cùng anh đi đánh cá bông lau một chuyến. Lúc được anh đồng ý cho theo ghe, tôi mừng hết lớn. Ghe chạy đến giữa dòng, lòng tôi vẫn còn vui khấp khởi. Vầng dương dần chìm xuống ở một góc sông, rực lên màu đỏ khiến vòm trời như đang ửng cháy. Mặt nước sông cũng đỏ lựng vì bầu trời soi bóng. Tôi bất giác rùng mình khi nhớ ra mình đang lênh đênh trên con sông đầy tâm linh của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.

Tương truyền, khúc sông này chính là nơi nương náu của ông Năm Chèo, một "nghiệt thú" cá sấu năm chân khổng lồ chờ đến ngày tận thế sẽ ăn thịt hết kẻ hung ác, chỉ những người tu hiền mới có thể vượt sông. Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, người khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo, có đoạn viết: "Sông sâu nước chảy vòng cầu/ Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha/ Chừng ấy nổi dậy phong ba/ Có con nghiệt thú nuốt mà người hung".

Tôi ngập ngừng hỏi anh Hiếu về chuyện ông Năm Chèo, anh cười bảo mấy chục năm ngụp lặn ở sông này nào thấy gì đâu. Có lẽ dân gian muốn khuyên con người hãy biết làm lành lánh dữ, sống nhân hậu vị tha nên mới sáng tạo ra truyền thuyết ấy. Đó là cách lý giải đầy thuyết phục của một ngư dân chưa từng qua trường lớp. Giọng anh Hiếu hiền khô, ánh mắt anh long lanh cùng con nước khiến tôi cảm thấy hết sức bình an. Anh nhìn hướng dòng chảy rồi chuẩn bị thả mẻ lưới đầu tiên. Trời đã vào đêm, có mấy ánh đèn chấp chới xa xa, anh Hiếu nói đó cũng là dân câu lưới. Bây giờ đèn đuốc lưa thưa vài ba cái vậy thôi, chớ hồi trước nguyên khúc sông này sáng trưng như hội chợ. Vui lắm! Ai dính cá lớn thì rọi đèn vào rồi la lên, những người xung quanh sẽ tới tiếp giúp, vì có những con nặng lắm, một mình đâu đem lên ghe nổi. Có khi ghe này vừa sẩy con cá lớn, lát sau nó lại đâm vào lưới của ghe khác. Nghề bà cậu mà, cho ai thì người đó hưởng thôi chớ có tiếc cũng chẳng được gì. Bà xã tôi hả, cũng là dân miệt sông nước này thôi. Mùa này sông êm nên có bữa bả đi theo, có bữa bả ở nhà, một mình tôi làm cũng được. Có bả đi thì vui, vợ chồng hủ hỉ vậy mà. Anh Hiếu cứ thế nói với tôi những chuyện không đầu không cuối, tới lúc bủa xong mẻ lưới mới thôi.

Anh đậu ghe ở mé sông vắng, đốt thuốc hút. Tôi thì nằm trên ghe, nhìn ngắm bầu trời đêm đẹp như giấc mơ cổ tích. Bỗng anh Hiếu cất lên mấy câu vọng cổ nghe thật mê ly: "Ơi dòng sông mang nước đi nơi nào/ Có về quê em nhắn thăm đôi điều, rằng anh nhớ thương em nhiều/ Trông vời xa dường như anh thấy chiếc áo nàng phơi/ Dòng sông Chợ Mới người ơi/ Thương nhớ nhiều dù chưa hẹn trầu cau". Tôi chợ nhận ra, những bài ca hay nhất trên vùng đất này đều viết về những dòng sông. Ôi những con sông đã hòa vào điệu hát, những con sông đã tắm mát đời tôi!

Tiếc là cả đêm đó thả lưới mà anh Hiếu không bắt được con cá bông lau nào, dù đang giữa mùa cá. Cả chục mẻ lưới chỉ dính được sáu con cá cóc. Nhiêu đây chắc hơn hai ký, bán được khoảng một trăm ngàn đồng, kiểu này mấy đứa nhỏ không theo nghề hạ bạc là phải rồi, giọng anh hiu hắt buồn. Tôi cũng buồn vì chứng kiến thêm một nốt trầm trên dòng sông huyền thoại.

"Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/ Con sông quê gắn bó suốt tuổi thơ đời tôi/ Bao năm xa quê ấy, trong mơ tôi vẫn thấy/ Hôm nay tôi trở về, lòng chợt vui thấy sông không già…".

Không hiểu sao, những câu hát của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp cứ vọng lên trong tâm thức tôi ngày rời xóm chài Bình Thủy. Con sông quê không già nhưng bao phận người đang già đi cùng năm tháng. Những ai ở lại? Những ai rời đi? Dòng sông vẫn miệt mài trôi chảy.

Trương Chí Hùng
.
.