Nỗi niềm những bà mẹ điên

Thứ Bảy, 31/08/2024, 15:38

Trong cơn cuồng loạn đau đớn của người đàn bà, đứa trẻ đỏ hỏn cất tiếng khóc chào đời. Chút sức tàn, chị gượng dậy, tò mò ngắm nghía sinh linh kỳ lạ vừa chui ra từ cơ thể mình rồi… “Bốp! Bốp! Bốp!”. Đứa trẻ ré lên. Nếu các bác sĩ không tới kịp, có lẽ nó đã bị mẹ đánh chết.

Khi người điên… có bầu

Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh rộng khoảng 6ha, nằm ở vùng ven thành phố yên bình. “Thấy vậy thôi, chứ cô ra các khu nhà phía sau thì náo loạn lắm, toàn tiếng la hét của bệnh nhân”, bác bảo vệ Trung tâm cho hay.

2_benh_nhan-1724910137427.JPG
Việc chăm sóc cho các bệnh nhân tâm thần rất vất vả.

Bác sĩ Nguyễn Thị Trước Trân, Trưởng trại bệnh C dẫn chúng tôi đi thăm các chị em đang điều trị tâm thần. Quả như lời bác bảo vệ nói, không khí sinh hoạt ồn ào náo nhiệt, thỉnh thoảng có bệnh nhân hò hét, la lối om sòm. Sau giờ ăn chiều, các chị em tập trung rửa chén bát, người xếp hàng lấy thuốc uống, người nằm hát nghêu ngao trên giường, người chui vào một góc ngồi ngẩn ngơ… Hơn 30 năm nay, Trung tâm tiếp nhận không ít trường hợp những chị em với cái bụng “lùm lùm” mà vẫn cười hồn nhiên hỏi bác sĩ: “Hổng biết có cái gì quậy quậy trong bụng tui á?”.

Câu chuyện của những bà mẹ tâm thần luôn khiến các y, bác sĩ ở đây chạnh lòng. Họ sống mà không biết mình đang sống, u u mê mê trong thế giới vô định của mình. Cái thế giới vô định ấy đối với người bình thường đã là một bi kịch, đối với người con gái có nhan sắc càng là tấn bi kịch đầy khủng khiếp được báo trước. Lợi dụng cơn khùng khùng điên điên của người đẹp tâm thần, những gã đàn ông đồi bại giở trò cưỡng hiếp. Cha mẹ không chịu nổi tiếng nhục đuổi đứa con gái chửa hoang ra khỏi nhà. Cuộc sống lang thang, điên loạn giữa đường phố càng khiến cạm bẫy bủa vây các cô.

Có lần, Trung tâm tiếp nhận một bệnh nhân nữ ở dạng tâm thần nhẹ lang thang ngoài đường cả năm trời. Người chị lem luốc, ghẻ lở, tóc đầy chấy rận. Mùi xú uế bốc ra nồng nặc. Thay quần áo cho người đàn bà như thây ma đội mồ sống dậy này đối với các bác sĩ là một cực hình. Áo quần bết dính bùn đất, cứng ngơ cứng ngắc, không tài nào cởi nổi vì chị ta mặc mỗi thứ… đến chục cái. Cực chẳng đã, cuối cùng các bác sĩ phải đè chị ra, người chặn tay, người chặn chân để dùng dao rạch lớp quần áo. Tắm rửa cho chị xong, ai thắc mắc chị cũng trả lời tỉnh rụi: “Mặc vậy, tụi đàn ông không dám làm bậy”.

Tên tuổi, ba mẹ, nhà cửa… của mình các chị còn không nhớ huống chi cha đứa trẻ. Mỗi lần có ai nhắc đến, các chị lại lắc đầu quầy quậy hoặc nhìn bằng ánh mắt ngẩn ngơ. Những ký ức đớn đau quay về hành hạ họ trong cơn điên loạn, gào thét, đập phá. Đứa con trong bụng cũng vật vã cùng cơn loạn thần của mẹ. Đó là số phận của cô gái tên Điệp được Trung tâm tiếp nhận năm 2002 khi cô mới 17 tuổi và đang mang thai 3 tháng. May thay, Điệp nhớ được địa chỉ nhà, nhưng khi người của Trung tâm đưa cô đến tìm gặp thì cha mẹ nhất mực không chịu nhận con. Điệp đành ở lại Trung tâm mãi mãi. “Phụ nữ tâm thần đã khổ, phụ nữ tâm thần mang bầu còn khổ gấp trăm lần. Có thai mà họ đâu có biết, cứ chạy nhảy lung tung cả ngày. Rồi lúc trở dạ họ cũng không hay biết cơn đau” – bác sĩ Trân thở dài.

Một người đẹp tâm thần khác là Võ Vân Roai, khi đến Trung tâm cái thai đã được 6 tháng. Ngày chị sinh, các bác sĩ không hề hay biết. Chị nằm trên giường, lên cơn điên loạn trong khi đứa trẻ đang dần thoát ra khỏi bụng mẹ. Khi các bác sĩ đến đã thấy chị ôm con, máu me bê bết, dây rốn còn lòng thòng. Đột nhiên Roai giận dữ đánh tát con không thương tiếc, mỗi cái tát là một tiếng gào: “Mày làm tao đau!”. Để tránh nguy hiểm cho đứa trẻ, các bác sĩ phải cách ly mẹ con Roai. Chỉ khi nào đứa bé đói sữa mới đem đến bú mẹ. Nhiều lần đang cho con bú, Roai quay sang đánh tát, bóp cổ đứa bé khiến nó khóc ho sằng sặc. Y tá bế đứa trẻ ra khỏi người Roai, hỏi sao lại đánh thì Roai nhăn mặt: “Ai biểu nó bú cắn đau quá nên tao đánh”.

Trả con cho tôi!

Không phải bà mẹ điên nào cũng mất hoàn toàn nhận thức. Sau cơn điên, khi tỉnh lại, Điệp hạnh phúc bao nhiêu khi biết mình có con. Người đàn bà tâm thần nựng nịu, ôm con cho bú, hát à ơi cho con ngủ như bao bà mẹ bình thường trên thế gian này. Đôi khi, cách thể hiện tình thương của bà mẹ điên rất khác lạ với người bình thường. Thương ai, yêu ai là các chị cắn, các chị đánh, hoặc ôm ghì lấy người ta. Lo sợ những đứa trẻ gặp nguy hiểm khi ở bên những bà mẹ điên điên khùng khùng này, dù không muốn nhưng các bác sĩ phải đành cách ly hai mẹ con. Đứa con của các bà mẹ tâm thần thường được đưa sang Trại trẻ mồ côi Tam Bình để chăm sóc, nuôi dưỡng.

1 le thi tam.jpg -0
Mẹ con bệnh nhân tâm thần Lê Thị Tám.

Tỉnh thức, Điệp giật mình hoảng hốt khi không thấy con mình. “Con tôi đâu, bác sĩ? Con tôi đâu?”. Nghe tiếng gào xé ruột ấy, các y, bác sĩ không cầm được nước mắt. Thương cho Điệp, họ động viên chị ráng uống thuốc, nghe lời bác sĩ để bệnh nhanh bình phục rồi mới gặp được con. Chị mừng, ngoan ngoãn nghe lời. Rồi cứ trông, cứ ngóng con hoài. Năm tháng ròng rã trôi qua, chị không có cơ hội nào gặp lại con khi những cơn loạn thần cứ dai dẳng.

 Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ bị tâm thần nhẹ, cũng có đứa con 10 tuổi đang được nuôi dưỡng ở Trại trẻ mồ côi Tam Bình. Nhưng may mắn hơn Điệp, cứ cách 3 tháng, chị lại được người của Trung tâm đưa đi thăm con một lần. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy luôn đẫm nước mắt mừng vui, hờn tủi của hai mẹ con.

Trời lấy đi khát vọng được làm một con người bình thường nhưng không thể lấy đi bản năng và khát vọng làm mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng vẫn vẹn nguyên trong những hình nhân khóc cười điên dại ấy. Gặp người lạ, chị Lê Thị Tám (39 tuổi) e dè, sợ sệt kéo bé Trần Đình Duy ôm chặt vào lòng. Người phụ nữ gầy gò ấy nhìn người lạ bằng ánh mắt cảnh giác tựa như họ sẽ đem cậu con trai 7 tuổi của chị đi bất cứ lúc nào. Chị bảo có ai đó đặt máy bộ đàm vào não mình để phá hoại cái gia đình nhỏ bé của chị. Nhà chồng chửi chị là đồ điên, đồ mát rồi đòi lại cháu trai, đuổi chị đi. Một ngày nhân lúc nhà chồng đi vắng, chị ôm bé Duy bắt xe từ Lâm Đồng về TP Hồ Chí Minh.

Lưu lạc ở chốn thị thành phồn hoa, lắm cạm bẫy, cách đây gần một tháng, người ta đưa chị đến Trung tâm. Sự cảnh giác đối với người lạ có lẽ do ám ảnh những lần bác sĩ định tách mẹ con chị vì sợ bé Duy bị ảnh hưởng từ nhận thức bất thường của mẹ. Nhưng mỗi lần đưa bé lên xe, chị đuổi theo, gào khóc, dọa chết nếu xa con. Có lần đang ôm Duy, ai chạm vào bé, chị liền trừng mắt quát: “Các ông đem con tôi đi, tôi đập đầu tự tử ngay cho các ông xem!”.

Cô độc mãi mãi trong Trung tâm, những người đàn bà đã ở bên kia cái dốc cuộc đời luôn hướng về những đứa con ở quê nhà. Dẫu đứa con tìm mọi cách chối bỏ họ vì căn bệnh tâm thần oan nghiệt nhưng tình mẹ của người đàn bà điên vẫn thế. Căn nhà và những đứa con là nỗi nhớ da diết, khắc khoải hằn sâu vào tâm hồn họ mỗi khi cơn điên loạn đi qua. Nhớ con, họ lại chăm sóc nhau, giả vờ đóng vai mẹ con để cảm nhận tình mẫu tử qua những muỗng cơm đút cho nhau.

 Lúc sắp ra về, một người đàn bà chừng 50 tuổi rơm rớm nước mắt, níu tay chúng tôi giật giật: “Cô ơi, đưa tui về nhà nghe cô. Cô làm ơn đưa tui về nhà nghe cô?”. Trong ánh nắng cuối ngày, nhìn người đàn bà bám qua khung cửa sắt gọi với theo “đưa tui về nghe cô”, đôi mắt y tá Vũ Ngọc Mai chợt xa xăm: “Biết bao nhiêu chị em phải ở lại đây cho đến cuối đời. Làm gì còn nhà mà về. Tại nỗi nhớ con ám ảnh nên họ nhắn gửi với khách lạ vậy thôi”.

Minh Trang - Quỳnh Nga
.
.