Nỗi niềm đến hẹn lại... Tết

Thứ Bảy, 20/01/2024, 08:12

Người xa quê, mỗi độ cánh đào chớm nở, trái quất ửng vàng, cái rét ngọt se sắt cùng những giọt mưa lay phay rắc trên đường, cho dù đang bước giữa chốn thị thành hay xứ người hoa lệ cũng sững lại, muốn trút bỏ mọi ham muốn để được trở về sum họp. Nhưng, Tết về bao giờ cũng là nỗi lo lớn nhất của công nhân.

Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, công nhân bị mất việc làm nhiều. Tiền ít, họ lại phải chật vật sống trong “cơn bão” lạm phát bủa vây khiến cho con đường trở về quê đón Tết càng xa...

Lỗi hẹn với Tết quê

Phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, lên đèn, hào nhoáng và sáng rực màu sắc mùa xuân. Tối nay chị Đỗ Thị Thanh Hoa (48 tuổi, quê Thanh Hóa) mặc chiếc áo màu đỏ chấm bi, hòa cùng màu của giỏ quà lưu niệm chị đang đeo trước bụng. Đời công nhân, sống nhà trọ, những vất vả lo toan chẳng thể làm người phụ nữ này nhạt nhòa đi vẻ mặn mòi với nước da trắng hồng, khuôn mặt bầu bĩnh, nhưng ẩn sâu trong đôi mắt của chị, có thật nhiều nỗi lo thường nhật, canh cánh về ngày Tết tha phương.

h1.jpg -0
Công nhân vui mừng khi được trở về quê đón Tết.

Chị Hoa có hơn 10 năm làm công nhân may tại nhà máy ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Đã 4 năm nay, vợ chồng chị Hoa không về quê Thanh Hóa đón Tết. Mấy năm nay lương công nhân của chị Hoa không có tăng ca nên chỉ hưởng mức cơ bản, mỗi tháng cộng tất cả chỉ được khoảng 7 triệu đồng. Chồng chị làm công nhân cơ khí, thu nhập hơn một chút, nhưng chẳng thấm vào đâu. Hai vợ chồng trang trải phí thuê nhà trọ gần 3 triệu đồng, tiền học cho cậu con trai mỗi tháng và nhiều khoản không tên khác trong đời sống sinh hoạt, mối quan hệ bạn bè, đám hiếu, đám hỷ…

Trước làn sóng cắt giảm hợp đồng lao động trong năm 2023, chị Hoa may mắn vẫn còn giữ được công việc. Dù thu nhập thấp nhưng chị thấy mình còn hơn nhiều chị em khác. Sau mỗi ngày tan làm, chị Hoa lại đi lấy đồ lưu niệm rồi chạy xe từ quận Tân Bình tới phố đi bộ Bùi Viện bán hàng rong dọc con phố “Tây” sầm uất và náo nhiệt bậc nhất TP Hồ Chí Minh.

Vốn liếng không nhiều nên chị lấy vài loại như mũ vải, cài tóc và quạt, những món hàng đơn giản, gọn nhẹ và giá tiền phải chăng. Chị có mặt trên phố từ lúc 6h tối cho tới 1h sáng hôm sau mới về. Vốn người quê, tiếng Anh không nói được và cũng chẳng nghe được, gặp khách nước ngoài, chị chỉ biết chìa món hàng trên tay ra chào mua bằng nụ cười và ánh mắt. Đêm nào bán được nhiều, chị có vài trăm ngàn, nhưng cũng có nhiều đêm được vài chục ngàn, chỉ đủ tiền xăng xe.

Trở về phòng trọ khi đã mệt nhoài, chị Hoa ngả lưng ngủ 4 tiếng rồi tất tả chạy vào công ty làm. “Bán hàng rong là công việc phụ, hôm nào mệt quá thì nghỉ, làm công nhân thì phải đảm bảo ngày công, có mệt cũng phải ráng”, chị Hoa chia sẻ.

Tết không về quê, đó không chỉ là nỗi buồn mà còn khắc khoải niềm thương nhớ mẹ cha nơi quê nhà rét mướt ngày xuân. Cha mẹ hai bên ở quê cứ giục về đi, mang thằng bé về cho nó biết Tết quê, đừng lo tiền bạc gì cả. Nghĩ đến đây, chị Hoa chợt buồn, cúi mặt vân vê giỏ hàng, chị thỏ thẻ: “Mẹ từng nói ước mơ của mẹ là được nhìn các con lớn lên, trở thành những con chim đã đủ lông đủ cánh, có thể bay thật cao, thật xa. Nhưng tôi biết chẳng lúc nào mẹ thôi dõi theo từng bước đi của các con và thôi mong chúng con trở về bên mẹ trong những ngày Tết”.

Khoản lương công nhân vốn ngày thường chỉ tạm đủ lo cho gia đình. Tết đến gần, áp lực của người gồng gánh việc gia đình khiến chị Hoa nén tiếng thở dài. Giữa dòng người ngược xuôi phố đêm, tôi nhìn theo bóng hình của người công nhân lúc mờ lúc tỏ. Chị thường nán lại thật lâu bên một vị khách, kiên trì, nhẫn nại mời họ mua một món hàng. Trên chiếc giỏ hàng ấy, mỗi đêm lại đắp đầy dự tính cho mùa Tết của gia đình chị. Đó là những bộ quần áo mới cho con trai, quà gửi về biếu bố mẹ hai bên, tiền lì xì con cháu, lễ cúng tổ tiên…

Góp nhặt mùa xuân

Ngồi nghỉ bên hành lang tòa nhà mới xây còn nồng mùi vôi vữa, bà Vương Cầm Nguyệt (49 tuổi, quê Tiền Giang) buông tiếng thở dài khe khẽ, bao nhiêu nỗi lo hằn lên trên đôi mắt của bà. Lương công nhân thời vụ của bà Nguyệt được 5,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thêm thì được 7 triệu, cộng với thu nhập của chồng thì cả nhà 4 miệng ăn cũng tạm đủ, bây giờ muốn có tiền hơn nữa cũng không thể. Chuyện về quê ăn Tết thì chưa biết phải tính sao, nhưng chắc chắn phải về, vì quê ở gần, cách thành phố có hơn 100 cây số. 

Phải về! Nó như dấu lặng trong lòng bà Nguyệt. Để có thêm thu nhập, bà Nguyệt đang tính lấy quần áo về bán thêm buổi tối và những ngày nghỉ. Công ty cho làm tới 26 Tết, những ngày còn lại bà xin đi gói quà cho các cửa hàng, mỗi ngày người ta trả 300.000 đồng, làm tới 29 Tết cũng được ngót triệu bạc để lì xì cho cha mẹ và các cháu. Chồng bà Nguyệt thì nhận chở hàng ra bến xe, công việc đều đặn vào mỗi buổi chiều muộn giúp ông kiếm được vài trăm ngàn. “Vợ chồng tôi quyết tâm làm mọi việc có thể để kiếm tiền cho mùa Tết này. Về quê bằng xe máy, chúng tôi không phải lo chuyện mua vé. Nhưng quê còn nhiều anh em thân thuộc, cả năm mới về một lần thì phải có quà Tết. Không ai đòi hỏi quà cáp cả, nhưng đó là phong tục rồi, đôi khi niềm vui cũng từ đó mà ra”, bà Nguyệt chia sẻ.

Năm nay khó khăn, có việc làm cũng là hạnh phúc. Bà Nguyệt kể, trong xóm trọ của bà nhiều công nhân không có việc làm, tìm việc cũng không được nên đã về quê từ một tháng trước. Gọi là đón Tết sớm, nhưng người về buồn không nói nên lời, người ở lại như bà Nguyệt được xem là may mắn, vì ít ra cũng đang làm việc, có lương, thưởng mùa Tết và được gọi là người… có Tết.

Vun vén cho cái Tết đang cận kề, ngoài việc làm thêm cật lực, trong sinh hoạt, ăn uống gia đình, bà Nguyệt hay tìm đến các phiên chợ nghĩa tình mà Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tại một số điểm tại Khu Công nghiệp, Khu chế xuất. Ở những phiên chợ ấy, công nhân, người lao động khi mua sắm sẽ được hàng giảm giá, lại còn được tặng phiếu mua hàng nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Nỗi niềm đến hẹn Tết -0
Bà Tỵ cười thật tươi khi nhắc đến ngày Tết ở quê nhà.

Người xa quê ở khắp nơi đều đang góp nhặt từng chút một để có cái Tết trọn vẹn nơi quê nhà. Nghĩ về bữa cơm sum vầy ngày Tết, bà Nguyễn Thị Tỵ (71 tuổi, quê Quảng Ngãi) lại thổn thức. Tết về, niềm vui xen những lo toan, không chỉ người trẻ lo Tết, mà người già đang vật lộn mưu sinh xa quê như bà Tỵ cùng nỗi niềm chung khi mùa xuân đã chạm về qua cửa căn phòng trọ nhỏ của hai bà cháu ở đường Rạch Bùng Binh (quận 3, TP Hồ Chí Minh).

Chồng bà Tỵ qua đời đã lâu, nhà chỉ còn cô con gái và cháu ngoại. Từ ngày cháu vào thành phố học, bà Tỵ cũng xách túi đi theo để cho cháu có chỗ dựa nơi thành phố xa lạ. Mỗi đêm, bà Tỵ xách vài bịch lạc rang, xoài xanh, trứng luộc đi khắp các con đường ở trung tâm thành phố bán dạo. Bà bảo, 71 tuổi chỉ có thể làm được nghề này hoặc đi bán vé số. Đôi chân giờ bị xương khớp đau lắm, nhưng vẫn ráng đi, gặp khách vẫn luôn nở nụ cười thật tươi để bán được hàng.

Ngày cuối năm, tôi theo bà đi phố đêm bán hàng rong. Bà vẫn đi nhanh lắm, tôi chạy theo bở cả hơi tai. Đêm dần về khuya, bà đã bán được hơn 200.000 đồng, vẫn còn hơn chục bịch đồ chưa hết. Nhưng bà chẳng lo lắng gì, bà bảo bán không hết mang về đại lý người ta thu lại cho, trả mình vốn. Riêng hàng xoài xanh thì không trả được, hôm nào còn thừa thì mang về bà cháu ăn hoặc đi cho hàng xóm cùng khu trọ.

Năm nay bà Tỵ sẽ về quê vào ngày 28 Tết. Bà Tỵ đã đặt được vé xe rồi. Nhiều năm ở thành phố, bà Tỵ hơn hẳn nhiều công nhân khi năm nào cũng về quê, có năm về đến hai lần. Bà thật thà kể: “Nhà tôi neo người, ở quê còn mỗi cô con gái, không về thì lạnh lẽo lắm. Tôi làm bây giờ cũng không phải nuôi ai nữa, cháu ngoại đã ra trường đi làm rồi. Tiền kiếm được không nhiều đâu, cũng chẳng có dư dả gì nhưng tôi vẫn có một khoản riêng để về quê ăn Tết. Tuy nhiên, Tết về vẫn lo nhiều thứ lắm. Lo sắm sửa gian nhà tươm tất, mâm cơm ngày Tết đủ đầy rồi cũng phải có chút quà cho người thân ở quê nữa”. Nỗi lo ấy kéo bà Tỵ đi khắp các ngõ hẻm của thành phố, bà đi mỏi gối chùn chân không dám nghỉ.

Dường như vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền đã buộc họ phải chạy theo những lo toan cùng trách nhiệm với gia đình, quê hương và ngày Tết, bởi cuộc sống không bao giờ vừa vặn cả. Tết đâu chỉ đơn thuần là những tục lệ truyền thống, là những món quà biếu cho người này người kia, mà Tết còn là sự sum vầy, là những ngày ít ỏi đoàn tụ bên cạnh người thân trong gia đình. Tết là điều gì đó thật thiêng liêng… nên ai đi xa rồi cũng khao khát trở về.

Ngọc Thiện
.
.