Nơi lưu giữ giá trị của Chủ nghĩa Mác giữa lòng tư bản

Thứ Hai, 29/04/2024, 10:29

Chúng tôi đến thăm Thư viện Tưởng niệm Các Mác và Trường Công nhân tại thủ đô London (Anh) vào một ngày nắng đẹp. Khám phá Thư viện, thấy nhiều điều thú vị về cuộc đời hoạt động của nhà tư tưởng cách mạng tiến bộ, lỗi lạc C. Mác. Có thể khẳng định đây là nơi một "kho báu" lưu giữ giá trị của Chủ nghĩa Mác giữa lòng Chủ nghĩa Tư bản.

Một thư viện độc đáo sắp sang tuổi 100    

Chỉ mất hơn chục phút đi bộ từ ga tàu điện ngầm, chúng tôi có mặt tại Thư viện Tưởng niệm C.Mác và Trường Công nhân ở tòa nhà số 37a Clerkenwell Green, thuộc Khu Islington, thủ đô London. 

cac mac 3.jpg -0
Ngài Alex Gordon và Giáo sư Mary Davis đón nhận cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ những người bạn Việt Nam trao tặng Thư viện.

Đây vốn là một trường từ thiện của xứ Wales, được xây dựng vào năm 1738. Ngôi trường lập ra là để dạy chữ cho con em những người dân lao động sống nghèo khó ở Clerkenwell. Do số lượng tuyển sinh ngày một nhiều nên trường này chuyển đến cơ sở mới vào năm 1772. Từ năm 1872 đến năm 1892, một phần tòa nhà này trở thành trụ sở của Hiệp hội Yêu nước London.

Sau này, nơi đây trở thành trụ sở của Nhà xuất bản Thế kỷ 20 do Liên đoàn Dân chủ xã hội Anh thành lập và là nhà xuất bản xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Clerkenwell.

Trong thời gian hoạt động tại Clerkenwell Green, Nhà xuất bản Thế kỷ 20 đã xuất bản một số tác phẩm của C.Mác và Ăngghen. Nhà xuất bản Thế kỷ 20 ở tòa nhà này cho đến năm 1922.

Từ tháng 4/1902 đến tháng 5/1903, khi sống và hoạt động ở London, Lênin làm việc tại tòa nhà này. Trong thời gian này, Lênin đã làm việc cùng với Harry Quelch, Giám đốc Nhà xuất bản Thế kỷ 20. Ông đã biên tập và in tạp chí ISKRA (The Spark) để bí mật chuyển về Nga.

Năm 1933, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của C. Mác, đoàn viên công đoàn và các nhà xã hội thuộc Đảng Lao động và đảng Cộng sản Anh cùng đại diện Phòng Nghiên cứu lao động và Nhà xuất bản Martin Lawrence đã thống nhất lập ra một nơi tưởng niệm, lưu giữ những tài liệu liên quan đến C.Mác, đặc biệt trong bối cảnh ở Đức, Đức Quốc xã cho tiêu hủy các cuốn sách liên quan đến ông. Đây cũng chính là thời điểm lịch sử đánh dấu sự ra đời của Thư viện Tưởng niệm C.Mác và Trường Công nhân.

Điều lệ của Thư viện Tưởng niệm C.Mác nêu rõ: "Mục đích duy nhất của Thư viện là lưu giữ, bảo quản các tài liệu, sách, báo, tạp chí và giáo dục các kiến thức tiến bộ liên quan đến tất cả các khía cạnh khoa học của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội, phong trào công đoàn và giai cấp công nhân".

"Kho báu" tư liệu, hiện vật quý giá về Chủ nghĩa Mác

Chúng tôi được ngài Alex Gordon - Bí thư Thành viên đảng Cộng sản Anh, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Đường sắt, Hàng hải và Vận tải quốc gia Anh, Chủ tịch Thư viện và bà Davis - Giáo sư Lịch sử Lao động và Thư ký Thư viện nhiệt tình dẫn đi tham quan, giới thiệu kỹ lưỡng từng hạng mục lưu trữ tại Thư viện.

Nơi lưu giữ giá trị của chủ nghĩa Mác giữa lòng tư bản -0
Số báo Daily Worker xuất bản năm 1966 đưa tin trên đầu trang nhất kêu gọi thế giới phản đối chiến tranh ở Việt Nam đang được lưu giữ tại Thư viện.

Trong hơn 90 năm hoạt động, Thư viện đã thu thập tài liệu, xuất bản và lưu trữ nhiều tài liệu quý giá về chủ nghĩa Mác, giai cấp vô sản và phong trào công nhân quốc tế. Hiện thư viện lưu trữ hơn 60.000 sách, tài liệu và tạp chí khoa học xuất bản định kỳ về chủ nghĩa Mác, lịch sử phong trào giai cấp công nhân, chủ nghĩa công đoàn, chống chủ nghĩa phát xít và các chiến dịch hòa bình và đoàn kết. Trong đó có những tư liệu tiêu biểu:

Về chủ đề "Chống chủ nghĩa phát xít", Thư viện lưu giữ nhiều tài liệu về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít ở Anh và trên toàn thế giới. Bộ sưu tập bằng tiếng Tây Ban Nha là một nguồn tài liệu có ý nghĩa quốc tế về phản ứng của Anh trước mối đe dọa phát xít ở châu Âu vào những năm 1930.

Bộ sưu tập "Tư liệu về chống chủ nghĩa phân biệt giới tính và phong trào phụ nữ" có nhiều tài liệu quý về chủ nghĩa nữ quyền Mác xít và các phong trào lịch sử chống lại sự áp bức phụ nữ. Ngoài ra, còn có các tài liệu liên quan đến các nhà hoạt động nữ và đoàn viên công đoàn, bao gồm Helen Crawfurd, Eleanor Marx và Sylvia Pankhurst.

Bộ sưu tập "Hòa bình Bernal" của John Desmond Bernal (1901-1971) gồm những nghiên cứu của ông có tác động mang tính đột phá trong lĩnh vực y tế nhân văn, từ nghiên cứu tinh thể học tia X, đến tác động của chiến tranh đối với đời sống con người.

Bộ sưu tập "Lịch sử đen và chống phân biệt chủng tộc" có rất nhiều tài liệu liên quan đến cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái từ mọi nơi trên thế giới và các giai đoạn lịch sử, từ cuộc kháng chiến chống chế độ nô lệ đến các phong trào hiện đại dẫn đến Black Lives Matter.

Đối với bộ sưu tập "Phong trào hòa bình và phản chiến" có nhiều hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam và phong trào phản chiến thế giới. Trong số đó có nhiều ảnh, tranh cổ động về phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Bộ sưu tập của Gertrude Elias bao gồm các tài liệu về các cuộc triển lãm nghệ thuật do Elias tổ chức, đáng chú ý là tài liệu "Medical Aid for Vietnam's" (Nghệ sĩ vì Việt Nam) về Triển lãm và Bán tác phẩm (1972-1983). Bộ sưu tập Abhimanyu (Manu) Manchanda bao gồm các bức ảnh chụp các cuộc biểu tình của Hiệp hội Công nhân Ấn Độ phản đối chiến tranh ở Việt Nam và các vấn đề toàn cầu khác như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và chế độ Ian Smith ở Rhodesia…

Đây còn là trung tâm lịch sử cấp tiến của địa danh Clerkenwell trong nhiều thế kỷ. Chính tòa nhà này đã tổ chức các cuộc họp của Hiệp hội Công nhân Quốc tế và các bài giảng của C.Mác trước khi làm văn phòng được Lênin dùng làm trụ sở biên tập, xuất bản tờ báo cách mạng Iskra trong thời gian ông hoạt động ở London. Hiện nay, Thư viện đang lưu trữ một chiếc đồng hồ bỏ túi do IWMA sản xuất, đánh dấu chiến dịch người lao động đòi giảm giờ làm việc xuống còn 8 giờ mỗi ngày. Chiếc đồng hồ này được trưng bày bên cạnh bản sao báo Iskra trong phòng lưu trữ tư liệu về Lênin.

Trong Thư viện còn có nhiều hiện vật về người tị nạn tại Anh bị ảnh hưởng do chiến tranh, xung đột. Bộ sưu tập về những người tị nạn chính trị hoặc những người Do Thái chạy trốn sự đàn áp của Đức Quốc xã; những đứa trẻ xứ Basque trốn thoát khỏi quân phát xít Tây Ban Nha của Franco…; các tài liệu về cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người lao động thông qua tổ chức công đoàn từ những ngày đầu thành lập ở thế kỷ 19 cho đến nay. 

Thư viện cũng đang lưu trữ 2.000 tranh áp phích vẽ các chủ đề như: Cách mạng Nga, Nội chiến Tây Ban Nha, phong trào hòa bình quốc tế và các chiến dịch chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Anh và các nước trên thế giới. Gần đây, Thư viện nhận được thêm 175 áp phích do một nhóm các nhà chuyên sản xuất áp phích về các chủ đề xã hội và chính trị trong suốt những năm 1970-1980 ở Anh tài trợ. Những bức ảnh, tranh áp phích của Thư viện là một nguồn tài nguyên quý giá về lịch sử giai cấp công nhân thế giới trong suốt thế kỷ 20. 

Địa chỉ đỏ du lịch lịch sử và học tập

Hàng tuần, Thư viện thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn. Hướng dẫn viên sẽ cung cấp cho du khách một bức tranh tổng thể về sự phát triển của Thư viện trong gần 100 năm qua. Du khách sẽ được khám phá một căn hầm thời trung cổ của tòa nhà; thăm căn phòng nơi Lênin làm việc khi ông hoạt động ở Anh năm 1902; xem các trưng bày nguyên bản biểu ngữ Tiểu đoàn Anh năm 1938 của những người tình nguyện đi chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít ở Tây Ban Nha; tìm hiểu về các sự kiện quan trọng như Công xã Paris năm năm 1871 và Cuộc đình công của thợ mỏ năm 1984.

Ông Alex Gordon - Chủ tịch Thư viện cho biết, Thư viện còn là địa chỉ lý tưởng để sinh viên đại học các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Anh đến tham quan, học tập. Các chuyến tham quan của sinh viên được thiết kế đặc biệt với chương trình khám phá tòa nhà và tham gia các hội thảo lịch sử, chiêm ngưỡng các bộ sưu tập lưu trữ độc đáo.

Trong câu chuyện với tôi, anh Alan Kunna, giáo viên lịch sử Trường Cao đẳng Newham Sixth Form chia sẻ: "Thư viện đã mang lại cho tôi sự tuyệt vời về các tài nguyên lưu trữ. Sự đa dạng và phong phú của các nguồn tài liệu đã giúp tôi mở mang tầm mắt, hiểu biết hơn về các chủ đề được tìm hiểu".

PGS.TS Phan Minh Đức, giảng viên ngành Kinh tế Học viện Báo chí - Tuyên truyền khẳng đinh: ''Những tài liệu quý giá tại Thư viện giúp tôi có những cơ sở nghiên cứu, phân tích lý luận thuyết phục hơn và có những dẫn chứng thú vị về học thuyết của Mác trong mỗi bài giảng''.

Hiện nay, Thư viện đang xuất bản một tạp chí có tên gọi là "Lý thuyết và Đấu tranh". Tạp chí được Nhà xuất bản Đại học Liverpool phát hành định kỳ hằng năm. Tạp chí đăng tải các bài viết đề cập đến các cuộc tranh luận diễn ra trong giới Mác xít cũng như nghiên cứu những phát triển quan trọng trong các phong trào lao động và tiến bộ ở Anh và quốc tế, bao gồm các phong trào vì bình đẳng giới, bình đẳng chủng tộc và vì hòa bình. Tạp chí là một diễn đàn học thuật quan trọng để các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu của mình về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội, công đoàn và gia cấp công nhân, cộng sản thế giới.

Chia tay những người cộng sản Anh đang làm nhiệm vụ lưu giữ những giá trị của chủ nghĩa Mác, xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân, cộng sản quốc tế giữa lòng chủ nghĩa tư bản, chúng tôi tặng Thư viện cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bản tiếng Anh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2023) mang từ Việt Nam sang. Cuốn sách quý được ông Alex Gordon và nữ Giáo sư Mary Davis nhận và đặt trang trọng trong một ngăn trưng bày tại Thư viện.

Hy vọng, những người quan tâm đến chủ nghĩa Mác trên thế giới khi đến nghiên cứu, học tập tại Thư viện này sẽ đọc và hiểu hơn về đường lối, nền tảng tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hà Huy Phượng
.
.