Những người thầy của tôi

Thứ Hai, 06/12/2021, 10:36

Dù không phải là, hoặc ít ra, không tự nhận mình là người duy tâm chủ nghĩa, nhưng đôi lúc tôi vẫn cứ tin rằng số phận của mỗi con người dường như đều đã được một bàn tay vô hình đầy quyền năng nào đó sắp đặt sẵn.

Rằng đến những giai đoạn ấy, đến những khoảng ấy của cuộc đời, ắt sẽ phải xảy ra những chuyện thế này thế này, và rồi, chẳng cần biết ý chí chủ quan của anh vốn là gì, anh sẽ đi con đường mà số phận bắt anh phải đi, trở thành cái mà nó muốn anh phải trở thành - như không thể nào khác được.

Những khúc rẽ quan trọng trong đời như vậy có lẽ thường được đánh dấu bằng một sự gặp gỡ, hiểu theo cả hai phương diện: gặp gỡ một con người bằng xương bằng thịt và gặp gỡ một con người qua sự lan truyền tư tưởng và tình cảm của người ấy. Với tôi, đứa trẻ sinh ra trong một gia đình tiểu thị dân ở “cái thành phố ăn nằm với biển/ đẻ ra toàn những lớp cần lao”, nay đang tập tễnh bước vào đường văn chương, nếu được phép “tiểu kết” về phần đời đã qua của mình, tôi sẽ nói rằng những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất với tôi là gặp gỡ những người thầy.

Khác với nhân vật bà tiến sỹ triết học trong truyện ngắn nổi tiếng “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Xôviết Aimatov, “người thầy đầu tiên” đến với tôi khá muộn, khi tôi học cấp III. Đó là thầy giáo dạy văn, tên Hà Thúc Chỉ. Trong buổi giới thiệu thầy trước cả lớp, cô chủ nhiệm có nói thầy còn là một nhà thơ, bút danh Thúc Hà. Với bọn học trò học chẹt chúng tôi lúc ấy, đa phần con cái nhà công nhân hoặc buôn bán vặt, nghĩa là đã sớm được tiêm nhiễm cái lối suy nghĩ sặc mùi thực dụng trong đầu, thì “nhà thơ”, điều đó đồng nghĩa với sự bất bình thường, trên mây, lơ mơ, hâm hâm, gàn dở. Và quả thực, sau đó chúng tôi nhất loạt gọi thầy là thầy Chỉ “hâm” (lếu láo thay).

Thầy luôn đến trường với trang phục rất lịch sự: quần bao giờ cũng là thẳng li, giày da bóng loáng, áo sơ-mi ngắn tay thì bỏ ngoài quần, áo sơ-mi dài tay thì “đóng thùng”, cài măng-séc cẩn thận. Giờ giải lao giữa hai tiết học, thầy thường ngồi quán nước của một thầy giáo dạy thể dục trong trường, uống chén rượu trắng, hút thuốc lào, đọc Kiều và tán Kiều say sưa trong mù mịt khói thuốc lào Tiên Lãng (loại có in hình con gà trống ngoài bao ni-lông). Bọn học trò chúng tôi cứ há miệng mà nghe. Thích đấy, nhưng sau lại kháo nhau: đúng là ông hâm, thơ với chả thẩn.

Thế rồi, bằng một sự hóng hớt nào đấy, có đứa “phát hiện” rằng thầy Chỉ trước kia từng “dính” vào Nhân văn giai phẩm, bị kỷ luật, nên bây giờ sinh bất mãn, gàn, hâm. Chao ôi là cái thuở đầu xanh tuổi trẻ. Ngày ấy chúng tôi nào biết Nhân văn giai phẩm là cái gì, thậm chí đến bây giờ khối đứa trong bọn vẫn mù tịt, chỉ mang máng nó như một thứ hàng... quốc cấm, “dính” vào nghĩa là tội phạm, thế thôi. Thế thôi, nhưng cũng đủ để có đứa sinh nhờn. Trốn học là chuyện như cơm bữa; khi bị thầy kỷ luật, nó trả thù bằng cách lén vẩy mực vào lưng chiếc áo veston màu cafe sữa mà thầy hay mặc (mong hương hồn thầy bỏ quá cho đứa học trò hỗn hào nghịch dại).

Về sau này, do tính chất công việc, tôi mới biết rằng thầy giáo dạy văn hồi cấp III của mình từng là sinh viên Văn khoa trường Sư phạm khóa đầu tiên, đồng khóa với dịch giả, nhà ngôn ngữ học lừng danh Cao Xuân Hạo (cái thông tin về vụ Nhân văn từ đó mà có chăng, thú thực là đến bây giờ tôi cũng không rõ chuyện này?). Thêm nữa, tôi biết rằng với bút danh Thúc Hà, thầy chính là tác giả của bài thơ dài “Chờ con má nhé”, tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi thơ thanh niên quốc tế tổ chức tại Ba Lan vào cuối những năm 1950. Bài thơ viết theo thể song thất lục bát, đại loại diễn tả tâm trạng của một người thanh niên miền Nam ra Bắc tập kết: nhớ má, thương quê, khát khao mong ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Khách quan mà nói, bài thơ không thật xuất sắc. Nhưng lúc ấy Việt Nam đang là tâm điểm trong sự chú ý của dư luận quốc tế, là tiền đồn chống đế quốc của các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa, vì thế mà bài thơ được ưu ái hơn chăng? Dẫu sao chăng nữa, đó là những chuyện tôi biết về sau. Còn lúc đang học thầy, xảy ra một việc mà suốt đời tôi sẽ không thể quên được. Số là, để kiểm tra năng lực của học sinh, thầy cho chúng tôi làm bài bình luận tự do về một tác phẩm văn học bất kỳ mà mình yêu thích. Tôi chọn bài “Nam quốc sơn hà” và dành rất nhiều chữ để phân tích về từ “đế” trong bài (khi ấy, tôi đang mê mẩn với truyện Tàu và bỏ ra khá nhiều công để tìm hiểu thế nào là “đế”, “vương”, “công”, “bá”). Lúc thầy trả bài, tôi đọc thấy ở phần “nhận xét của giáo viên” sáu chữ: “Em cần viết say hơn nữa”. Sáu chữ ấy nhảy múa trong đầu tôi đến tận bây giờ. Không rõ đã có giáo viên phổ thông nào nhận xét bài văn của học sinh theo cách rất nghệ sỹ như vậy hay chưa? Về phần mình, khỏi phải nói là tôi sung sướng đến mức nào. Sáu chữ của thầy Chỉ với tôi là tất cả: là lời khen, là sự công nhận, là khuyến khích và chỉ bảo. Tình yêu với văn chương có lẽ được nhen nhóm trong tôi bắt đầu từ khi đó.

1.jpg -0
Ảnh: L.G

Hết cấp III, tôi trở thành sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm thứ nhất qua đi chẳng để lại ấn tượng gì đáng kể. Đến năm thứ hai, tôi được gặp “thầy tôi”, người thầy mà sau này tôi gọi bằng chú, một cách thân mật, người thầy mà giữa mấy thằng cựu sinh viên với nhau, chúng tôi sẽ gọi bằng “sư phụ”, hoặc “cụ”, theo kiểu rất... gia đình chủ nghĩa. Không nhớ rõ cái buổi đầu tiên gặp mặt ấy là sáng hay chiều, trời nắng hay mưa. Chỉ nhớ một người đàn ông trung niên đậm người, mái tóc muối nhiều hơn tiêu, bước vào lớp và tự giới thiệu rằng ông sẽ phụ trách lên lớp phần Văn học Việt Nam trung cận đại. Đó là thầy tôi, vừa mới từ Nga về.

Giọng thầy trầm, khàn, rất khó nghe (và khối đứa đã lẻn ra cửa sau, chuồn khỏi lớp, để khỏi phải căng tai ra nghe). Đã vậy, thầy lại có kiểu giảng bài chừng như không cần biết tới cái khổ trả bài của đám sinh viên quen thói học vẹt, đám sinh viên mà thầy nói gì cũng ghi chép kín vở, đến lúc thi lại tuồn tuột lôi ra. Nghĩa là bài giảng của thầy rất mênh mông và rất miên man, chuyện nọ dắt dây sang chuyện kia. Đang nói về Nho gia lại quàng sang Pháp gia, đang ở Trung Hoa lại nhảy sang Hy Lạp La Mã cổ đại hoặc Châu Âu thế kỷ Ánh sáng, đang đọc thơ Lý Bạch lại chuyển thành trích dẫn Goethe. Khổng Tử và Hegel, Hàn Phi Tử và Machiavelli đụng đầu nhau ầm ầm trong chuỗi diễn ngôn trầm khàn của thầy.

Nhiều đứa bạn cùng lớp bảo: nghe thầy giảng, chúng như bị ném giữa biển khơi vậy, mờ mịt, chẳng biết đâu là bờ để bơi vào. Nhưng mà tôi thích. Và thích nhất là những tư tưởng “trái khoáy” của thầy, những phát lộ sự thực như nó vốn có, chứ không phải thứ sự thực mà từ trước tới giờ chúng tôi vẫn được dạy phải xem là thiên kinh địa nghĩa. Một tình cảm kính phục và không khỏi mang màu sắc sùng bái đối với thầy đã ăn vào đầu óc tôi lúc ấy. Đến mức, khi làm luận văn tốt nghiệp, tôi nằng nặc xin được thầy hướng dẫn. Bốn tháng làm luận văn tốt nghiệp, xét ra không phải nhiều, nhưng có lẽ tôi đã học được vài điều tối quan trọng đối với người làm nghề, từ thầy. Một, phải tìm kiếm tư liệu (gốc) đến mức tối đa, không bao giờ cho mình được phép nói một cái gì đó về đối tượng khi anh chưa đọc nó thật tử tế. Hai, trong điều kiện có thể, phải đọc tất cả những gì người ta đã nói đã viết về đối tượng mình đang nghiên cứu. Và ba, tôi vẫn nhớ như in hai câu này: “Đừng viết sao cho đến lúc tự mình phải lên tiếng đính chính”, và: “Viết một cách thông minh, giả định người đọc là người thông minh” (câu thứ hai hình như thầy mượn của Lenine, trong “Bút ký triết học”, đoạn ghi chú bên lề tác phẩm của Feurbach?).

Rốt cuộc, tôi lại không phải đứa học trò có cái duyên theo được nghiệp nghiên cứu của thầy. Tôi nhảy sang làm báo, rồi tham gia viết phê bình văn học theo lối tay ngang. Lúc đó, thầy trò đã thân thiết, qúy mến nhau như người trong nhà. Tôi có làm sai hoặc gặp trục trặc gì đó trong công việc hay trong viết lách đều được thầy gọi đến nhắc nhở, động viên. Khi rảnh rỗi, tôi được phép ngồi hầu “cụ” dăm ba chén rượu. Có những hôm hai thầy trò nói chuyện với nhau tới nửa khuya (“cụ” nói là chính, miên man), nếu người nhà không nhắc thì chắc đến sáng vẫn chưa hết chuyện. Đến đây, chợt nhớ tới chuyến hai thầy trò về thăm quê thầy, vùng quê đã đọng lại trong câu ca như một lời cảnh báo về cái nghèo: “Quảng Bình là đất Ô châu/ Ai đi đến đó quảy bầu về không”. Lên tàu hỏa lúc 11 giờ đêm, nửa tiếng sau “cụ” đã thiết lập được một diễn đàn trong khoang chúng tôi nằm. Thính giả, ngoài tôi ra còn có bốn vị, vị là bác sỹ, vị là kỹ sư xây dựng, vị là giảng viên trường Kinh tế, vị là cán bộ về hưu. Thảy đều há miệng như học trò nghe “cụ” miên man đủ chuyện từ văn chương đến chính trị.

Bài giảng chỉ chấm dứt khi trời đã tảng sáng, và cả người nói lẫn người nghe đều đã buồn ngủ díu mắt. Cũng chẳng đáng ngạc nhiên lắm nếu so với chuyện: tôi biết “cụ” có Pháp văn, Nga văn và một ít tiếng Trung, ai dè đến một ngày thấy “cụ” nhận hiệu đính cho một bản dịch luận văn tiến sỹ về Văn học dân gian được viết bằng tiếng Anh (tác giả tự dịch), nhìn bản thảo thấy “cụ” chữa đỏ khé mà khiếp, không biết “cụ” học tiếng Anh từ lúc nào? Có sự gần gũi như thế tôi mới hiểu hơn về thầy. Hiểu nỗi mặc cảm, và cả sự kiêu hãnh, của một trí thức xuất thân từ vùng quê nghèo khó khi sống giữa môi trường thị dân tiểu tư sản đầy tinh thần thực dụng là như thế nào. Hiểu sự khát khao vươn tới những chân trời hiểu biết và sự nỗ lực để khẳng định một cái tôi nghiêm túc và có chân giá trị trong khoa học.

Hiểu và chia sẻ với thầy trước những nỗi đoạn trường, những “đích lịch trình khổ nạn” khó tránh khỏi khi ta tồn tại, khi ta cố gắng tồn tại như một con người, như một nam tử hán có trách nhiệm giữa cuộc đời này. Tôi bớt sùng bái, nhưng thêm kính trọng thầy cũng là vì thế. Khổng Tử dạy: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện nhi tòng chi, bất kỳ thiện nhi vi chi”. Nhìn cái chưa đạt của người mà tránh, đó phải chăng cũng chính là một phương diện của sự học? Nhưng quả thực, có những điều thật khó tránh lắm thay.

Thầy tôi, những người thầy của tôi, đó là những con người mà tôi luôn kính trọng dù đôi lúc trong tai tôi vẫn ong ong tiếng búa đập phá lật đổ các tượng thần của Nietzches. Không thể nào khác được, vì có các thầy mới có tôi hôm nay, cho dẫu tôi chỉ là một cái Tôi tầm thường và đầy khuyết tật. Tóm lại, tôi thấy mình hạnh phúc bởi có những người thầy mà tôi có thể gọi một cách ngắn gọn bằng hai chữ: “Thầy tôi”.

Hoài Nam
.
.