Những người giữ hồn núi rừng Trường Sơn
Ở nơi núi rừng Trường Sơn, trải dài qua từng bản làng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị, đang có những con người lặng thầm giữ lửa. Họ không cần danh xưng lớn lao mà chỉ âm thầm dệt nên sợi dây nối dài giữa quá khứ đến hiện tại và tương lai. Những nghệ nhân như Kray Sức, Hồ Văn Hồi, Ăm Nhờ… chính là những người giữ hồn của một nền văn hóa từng có lúc đứng bên bờ mai một.
Thổ cẩm và nỗi xót xa trong mắt người thợ
Với nghệ nhân Hồ Văn Hồi, ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh, thuộc Hướng Hóa, hành trình gắn bó với thổ cẩm, với văn hóa Pa Cô bắt đầu từ những ngày lặn lội vào xã A Bung, vùng đất xa ngái giáp biên giới huyện Đakrông (Quảng Trị). Nơi đó, giữa núi rừng thâm u và những bản làng người Pa Cô còn ít người lui tới, ông đã miệt mài truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ.
“Có lần mình ngồi bên khung dệt với mấy cô gái trẻ, kể cho các em nghe chuyện ngày xưa ở bản Pa Nho - Khe Sanh, sáng ra đã nghe tiếng thoi đưa vang lên từ khắp các nhà sàn. Giờ… im lìm quá”, rót bát nước chè xanh đặc quánh mời tôi, giọng ông chợt lặng đi.

Nỗi xót xa ấy thôi thúc ông đi tìm lại nghề, tìm lại ký ức. Bởi ông hiểu rằng, thổ cẩm không chỉ là vài tấm vải dệt bằng tay, mà là tâm hồn của dân tộc, là cách người Vân Kiều, Pa Cô kể chuyện về mình bằng sắc màu, hoa văn. Để học lại nghề, ông phải lần lượt đến từng bản, tìm các bà, các chị còn nhớ kỹ thuật, còn giữ khung dệt cũ. Mất đến mấy tuần ông mới dệt được tấm a zoong đầu tiên. Khó nhưng không nản bởi ông không muốn khung dệt cứ mãi nằm im ở xó nhà, phủ bụi thời gian.
Khi nghe tin chị Đoàn Thị Nga, một người phụ nữ Pa Cô từ A Lưới, đang dạy nghề thổ cẩm, ông lặn lội vào xin học. “Vì thổ cẩm Pa Cô khác với Vân Kiều lắm. Cách dệt, sắc màu, họa tiết, mỗi dân tộc một thế giới riêng”, ông nói. Và không chỉ học, ông còn cải tiến khung dệt Pa Cô từ nằm ngang sang đứng dọc để việc dệt nhanh hơn, đỡ nhọc hơn, họa tiết thêm sắc nét, phù hợp với thị hiếu ngày nay.
Bây giờ, nhiều nơi ở huyện vùng cao Hướng Hóa, khung dệt thổ cẩm không còn là vật trang trí trong các nhà sàn nữa. Nó sống lại trong những buổi truyền dạy, trong tay của những cô gái người Pa Cô đang học nghề, và sống lại trong tâm huyết của ông Hồi, người lặng thầm dệt từng sợi ký ức cho mai sau.
Giữ âm thanh rừng sâu trong từng nhịp điệu
Vóc người đậm đà, làn da sạm nắng sau bảy mươi mùa rẫy, nghệ nhân Kray Sức hồ hởi đón chúng tôi trước bậc cầu thang nhà sàn ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt (Đakrông). Câu chuyện ông kể không bắt đầu từ chiến công hay huyền tích, mà từ một nhạc cụ cũ kỹ nằm lặng lẽ bên bếp lửa: chiếc khèn Amam, bảo vật của người Vân Kiều miền Tây Quảng Trị. Chiếc khèn làm từ ống giang nhỏ, dài chừng hai gang tay, có ba lỗ điều tiết hơi thở. Ông bảo, đó không phải là khèn của một người, mà của hai người. Một nam, một nữ. Họ thổi cùng nhau, luồng hơi gặp nhau, chạm nhau, như một cách ướm hỏi, dạm hỏi giữa hai tâm hồn.

Ông và vợ - bà Kô Kan Sa, lặng lẽ và e dè, đã từng nên đôi từ chính chiếc khèn ấy. Dưới mái sàn, họ cất một khúc tấu cũ. Môi kề môi qua thân khèn. Hơi thở của bà ban đầu chông chênh, nhưng rồi cùng ông dìu nhau qua từng nhịp âm thanh. Không có lời ca, nhưng tiếng khèn Amam đủ để người nghe hình dung cả một mối tình, một cuộc gắn kết nghiêm cẩn mà tha thiết giữa đôi trẻ nơi rừng núi.
Nghệ nhân Kray Sức ví Amam là nụ hôn đầu tiên của tổ tiên để lại. Một nụ hôn không dễ dãi, không lời, nhưng sâu nặng. Người thổi khèn phải dùng chính sức lực, hơi thở, cảm xúc của mình để truyền đi thông điệp. Người còn lại nghe và đón nhận, như một cuộc đối thoại lặng thầm. Khi cả hai đồng điệu, chính là lúc họ bước vào nhau bằng tình yêu thật sự. Nhưng Amam, như ông bảo, đang lùi dần vào quên lãng. Những cuộc giao duyên bằng khèn đã bị thay thế bởi karaoke, điện thoại và những cuộc gặp chóng vánh; hiện tại chỉ còn hai người biết thổi Amam. Một là ông, hai là già làng Vỗ Sỹ ở bản Tân Đi 2, xã A Vao (Đakrông). Vì vậy, những năm qua, nghệ nhân Kray Sức vẫn luôn trăn trở với việc tìm kiếm những người trẻ đam mê và hiểu được tầm quan trọng của hồn cốt nhạc cụ dân tộc mình để truyền dạy lại.
Ngược lên rẻo cao, biên giới Lìa (Hướng Hóa), tôi tìm đến nghệ nhân Ăm Nhờ, người được ví như “thư viện sống” của dân ca Pa Cô. Giọng ông trầm, khàn, nhưng mỗi khi hát là cả không gian như lắng lại. Ông hát làn điệu Cà Lơi - Cha chấp, rồi lại ngân nga A Un, Teratek… Những giai điệu ấy từng theo ông qua biết bao mùa rẫy, mùa lúa, cả những buổi lễ cúng lúa mới, lễ cưới hỏi, lễ chia hồn… “Ngày xưa, trai gái yêu nhau là hát đối, không biết hát là không cưới được. Giờ tụi nhỏ yêu qua điện thoại rồi…”, ông cười, mà mắt thoáng buồn.
Không chỉ hát, ông còn lưu giữ hàng chục bài múa cổ, kết hợp giữa dân ca và điệu múa trong các dịp lễ hội: điệu múa Toong giữa rẫy, Xiêng câm priing khi xuống đồng, Ra yook mùa gặt hái. Đặc biệt, ông luôn gìn giữ cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống: khèn Bè, đàn Âmpreh, Ta Lư…, những thứ âm thanh không thể thiếu trong những đêm hội làng.
“Có tuổi rồi, mình không còn đi xa được, nhưng vẫn cố gắng biên soạn, ghi chép, tập luyện cùng những nghệ nhân khác”, ông bộc bạch. Mỗi buổi sinh hoạt văn nghệ ở xã, ông đều đến, lặng lẽ, miệt mài, như một gốc cây già vẫn tiếp tục tỏa bóng. “Tôi phải dạy lại cho lũ trẻ. Trước khi mình gặp Yàng, còn để lại chút gì cho tụi nó nhớ”, ông nói với tôi mà như nói với chính mình.
Một bảo tàng bên dòng Sê Pôn
Ở bản Thuận 4, xã Thuận, cạnh dòng Sê Pôn lặng lẽ có một bảo tàng nhỏ, đó là căn nhà sàn dựng bằng cả tâm huyết của ông Hồ A Chõ. Không chờ ngân sách, không đợi dự án, ông Chõ lặng lẽ góp nhặt từng hiện vật, từ nỏ săn, gùi đeo, chày giã gạo, đến khèn, trống, lưỡi câu, gom lại như một mảnh ký ức của dân tộc Vân Kiều. “Tôi không có nhiều chữ, nhưng tôi sợ con cháu mai sau quên hết”, ông bảo. Bảo tàng của ông không thu vé, không biển hiệu rình rang, nhưng là nơi mỗi đứa trẻ trong bản được dắt đến, sờ vào nhạc cụ của ông cha, nghe kể về từng chiếc váy, cái khố, từng lễ hội đã từng có từ khi chưa có đường bê tông vào bản.

Câu chuyện bảo tồn văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đang có những chuyển động tích cực. Từ các lễ hội truyền thống được phục dựng như lễ Ada, lễ mừng lúa mới, đến việc thành lập các câu lạc bộ di sản tại xã Lìa, Tân Lập, Hướng Phùng, Thuận… Mỗi buổi truyền dạy, mỗi lớp tập huấn, mỗi bản ghi chép là một nhịp đập khẽ khàng giữ cho văn hóa không ngủ yên. Nhờ các chương trình của Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã sưu tầm được nhiều giá trị văn hóa đang mai một, đồng thời từng bước xây dựng mô hình kết nối giữa văn hóa truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng.
Không ai giữ được quá khứ mãi mãi. Nhưng nếu có người tiếp tục kể lại, tiếp tục hát, tiếp tục dệt, tiếp tục sưu tầm và gìn giữ, thì quá khứ ấy vẫn sẽ sống trong hiện tại, và còn mãi về sau. Những người như các ông Hồ Văn Hồi, Ăm Nhờ, Hồ A Chõ, Kray Sức… đang làm điều đó, không bằng lễ lạt hay diễn văn, mà bằng đôi tay, trái tim, và ký ức từ đại ngàn.