Những dòng nhật ký gửi vào vũ trụ

Thứ Hai, 07/11/2022, 13:00

Ta gửi những ý niệm đẹp vào vũ trụ. Vũ trụ sẽ đáp trả ta năng lượng nhiệm màu. Sự vất vả không buông tha ta. Cuộc kế mưu sinh không rời bỏ ta. Sinh lão bệnh tử không loại trừ ta. Nhưng ta biết ngay cả khi những vùng u ám ấy hiện hình thì ở bên trong ta vẫn luôn có những hạt giống tốt đẹp, đang im lìm ngủ.

Ta gọi tên những hạt giống ấy, tưới nước lên những hạt giống ấy. Và chờ đợi một ngày những hạt giống thành cây. Khi nó chưa thành cây, ta vẫn không quên nghĩ về cái cây. Ta gửi màu xanh của cây vào vũ trụ. Mỗi cái cây trong tâm tưởng là một trang nhật ký. Mỗi trang nhật ký là một màu xanh. Chắc chắn vũ trụ biết điều này.

Nhật ký 1: Bản nguyên luận

Khi chúng ta ngồi trong nhà mình nhìn qua nhà hàng xóm, chúng ta sẽ ý thức rất rõ không gian của mình và không gian của những đối tượng ngoài mình. Nhưng khi chúng ta ra cửa, phóng xe sang một quận khác trong thành phố, chúng ta lại thấy nhà mình lẫn nhà hàng xóm đều ở trong “quận mình”. Đến khi chúng ta lên máy bay, tới một thành phố khác, nhìn lại cái thành phố chứa đựng mình, chúng ta lại thấy toàn bộ quận huyện trong thành phố đó là nơi thân thuộc với chúng ta. Cái thành phố xa lạ mà chúng ta đang đối diện đây mới khác chúng ta. Ta nhớ thành phố của ta và tìm cách thích nghi dần với thành phố mới.

leaves-3699365_1280.jpg -0

Nhưng một ngày nào đó, một chuyến bay bốc ta đi khỏi thành phố, không phải để đến một thành phố khác trong đất nước, mà đến một đất nước khác trên quả địa cầu. Ở đất nước mới toanh ấy, chúng ta sẽ nhìn về đất nước cũ, nơi bao chứa cả những thành phố xa lạ, thậm chí cả những thành phố mà chúng ta căm ghét - đến lúc này, chúng ta hiểu rằng tập hợp tất cả những thành phố ấy đích thị là quê hương, tổ quốc của chúng ta. Sự phân định tới đây không  nằm ở thành phố này với thành phố khác, mà nằm ở nước này với nước khác. Chúng ta phân chia quả địa cầu, phân biệt, so sánh các đất nước với nhau. Nhưng nếu một ngày chúng ta bay khỏi quả địa cầu, tiến vào vũ trụ thì sao?

Có lần, tôi hỏi anh hùng Phạm Tuân câu này. Và đây là câu trả lời của ông: Lúc đó nhìn xuống Trái đất, các nhà du hành không còn phân biệt nước này với nước kia nữa, mà chỉ còn một ý nghĩ chung: Trái đất này là quê hương của mình!

Bạn thấy không, cách chúng ta xác lập thế đứng, cách chúng ta xác lập điểm nhìn sẽ quy hoạch tầm nhìn và năng lực hành động của chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự thay đổi về thế đứng - điểm nhìn thực tế, lúc đó sự tưởng tượng về một thế đứng mới là vô cùng quan trọng.

Và chúng ta cùng thực hành ngay: Bạn hãy thử thoát ra khỏi cơ thể bạn để nhìn lại chính những chuyển biến bên trong bạn, thử nhìn lại một niềm vui, thử quan sát một nỗi buồn, thử quán chiếu một rung động tế vi. Tin tôi đi, bạn sẽ rất sốc về mình đấy!

Sau nhiều lần thực hành, khi trạng thái sốc dần được thay thế bằng trạng thái tĩnh lặng, cũng là khi bạn đã chạm được vào một thứ bản nguyên mà vũ trụ gieo xuống từng mầm sống.

Thứ bản nguyên ấy luôn ẩn nấp, luôn trốn chạy, và luôn rất biết cách tung ra những màn khói sương bịt mắt chúng ta. Đến nỗi trong nhiều thời điểm của sự sống, chúng ta chưa từng mơ hồ nghĩ về sự tồn tại của một thứ bản nguyên như thế.

Nhưng nó có thật, tôi xin thề!

Nhật ký 2: Làm đúng việc của mình

Chúng ta thường có cảm giác khiêm nhường khi đối diện với mặt trời, và cho rằng mình là đối tượng tiếp nhận ân sủng mà mặt trời ban tặng: ánh sáng. Nhưng ngược lại, nếu như không có chúng ta - một loài trong muôn loài thì có lẽ ánh sáng cũng không có nhiều giá trị. Bởi, giá trị trong không ít các trường hợp không nằm ở sức mạnh và sự lan tỏa bên trong, mà nằm ở cách thức tiếp nhận của những đối tượng bên ngoài. Nếu không có chúng ta, không có đối tượng thức nhận và tận dụng những giá trị của ánh sáng thì có lẽ ánh sáng và bóng tối cũng chẳng khác gì nhau. Và như thế, trong cõi vũ trụ này, hóa ra mỗi đối tượng đều có nhiệm vụ riêng của mình, tương tác qua lại ít nhiều với nhau. Nhiệm vụ của mặt trời là tỏa sáng. Nhiệm vụ của chúng ta là thưởng thức ánh sáng.

Mỗi nhiệm vụ khác nhau, có sức tác động khác nhau, vì thế điều quan trọng cho một vận động là mỗi đối tượng hãy làm đúng, làm tròn nhiệm vụ của mình. Chúng ta không có nhiệm vụ phát sáng. Mặt trời không có nhiệm vụ thưởng thức ánh sáng (mặt trời không ái kỉ đến mức tự thưởng lãm năng lượng của mình - tôi đoán vậy). Những nhầm lẫn trong việc xác định nhiệm vụ có thể sẽ phá đi tính cân bằng bền vững của những hệ cấu tạo.

Ngày mai mặt trời lại tỏa sáng. Ngày mai chúng ta lại thưởng thức thứ năng lượng mà mặt trời tỏa ra. Không thưởng thức được năng lượng đó, chúng ta sẽ góp phần phá đi nguyên lí cân bằng của vòng quay vũ trụ.

Nhật ký 3: Khoảng trống ở trong mình

Có một hồi, rất lâu rồi, tôi đi mua bức tượng ngài Thích Ca ở phố Quán Sứ (Hà Nội). Xin nói chính xác là mua, chứ không phải thỉnh, vì tôi không hô thần nhập tượng, cũng không thần thánh hóa Đức ngài. Tuy nhiên do mắt mũi hôm ấy quáng gà thế nào mà về nhà ngắm kỹ,  tôi mới thấy bức tượng này gần với phong cách ngài A Di Đà hơn ngài Thích Ca. Thật bụng, tôi chỉ thích chiêm bái ngài Thích Ca, vì thích các tư tưởng triết học của ngài, và thích ý nghĩa lịch sử có thật của cuộc đời ngài (ngài A Di Đà chỉ có ý nghĩa tâm linh, không có ý nghĩa lịch sử).

Vậy phải làm sao? Chẳng nhẽ lại mang ra đổi? Không! Đã mua là không đổi. Tôi vẫn bày bức tượng ngài A Di Đà ở chỗ trang trọng nhất trên giá sách. Và mỗi ngày trôi qua, từng ngày, từng ngày một, tôi chiêm bái bức tượng ngài mà cứ tin rằng đấy đích thực là ngài Thích Ca.

Rồi một đêm tôi nằm mơ, bức tượng bị mất, thay vào đó chỉ còn là một viên sỏi. Trong giấc mơ ấy, tôi nhìn viên sỏi và tự khẳng định: Đấy đích thị là Ngài Thích Ca. Cách đây ít phút, do bị hoa mắt trầm trọng, tôi nhìn về phía ngài mà cũng không thấy ngài, chỉ thấy nhòe nhoẹt hình hài của vài quyển sách chồng lấn lên nhau. Nhưng trong cơn hoa mắt đó, nhìn những quyển sách đó, tôi vẫn tin đấy là ngài Thích Ca.

Và bây giờ trong tôi nảy lên một suy nghĩ: Nếu vì một lý do nào đó, người đang sống cùng với tôi mang bức tượng đi một chỗ khác, thì khoảng trống mà bức tượng để lại - phải rồi, chính nó, cái khoảng trống ấy cũng vẫn cứ là ngài Thích Ca.

Nhật ký 4: Cơn mưa trong chiếc lá

Tôi ngồi xem mưa trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) và biết rằng cơn mưa làm ướt những chiếc lá. Nhưng chiếc lá không bao giờ phàn nàn về cơn mưa. Có thể chiếc lá không có hệ thần kinh như đa số chúng ta vẫn nghĩ. Hoặc có thể, chiếc lá biết rằng trong sự sinh trưởng của mình luôn có cơn mưa. Tức là trong chiếc lá vốn có cơn mưa. Một chiếc lá chết cũng có nghĩa là một phần cơn mưa đã chết. Nhưng khi đó cơn mưa cũng không trách chiếc lá. Chúng cứ bình thản tựa vào nhau trong vòng quay sinh diệt. Sự bình thản đó ĐẸP như hơi thở của Đức Thế Tôn. Như sự lim dim của vũ trụ.

Nguyện cho những nương tựa bình thản (không phán xét, không trách móc, không sân si…) luôn hiện hữu trên con phố này!

Nhật ký 5: Tri kiến không hoàn hảo

Khi chúng ta thấy mặt trời đang mọc, chúng ta cứ nghĩ là mình thấy… mặt trời đang mọc. Kỳ thực nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mặt trời đã mọc khoảng 8 phút trước. Chúng ta chỉ thấy hành động “mọc” đó sau 8 phút, vì phải mất khoảng 8 phút tia sáng mới di chuyển từ mặt trời đến trái đất.

Nếu nhận định của các nhà nghiên cứu là chính xác thì rõ ràng chúng ta phải hết sức đề phòng và cẩn trọng với tri kiến của mình. Cái ta thấy chưa chắc đã là cái như nó đang là. Một cách khái quát: Chúng ta chỉ có thể nhận diện đại tự nhiên ở trình độ đang có của chúng ta.

Tự cân nhắc, tự truy vấn, tự quan sát trình độ đang có của mình là một năng lực chánh niệm đặc biệt. Năng lực ấy giúp chúng ta khoan dung hơn với đại tự nhiên và khoan dung hơn với đồng loại của mình.

Nguyện cho sự khoan dung sẽ lấp đầy những thiếu sót tất yếu của tri kiến!

Nguyễn Mỹ Linh
.
.