Những đôi mắt chờ ánh sáng

Thứ Năm, 17/02/2022, 20:37

Đ.T.P. năm nay 28 tuổi nhưng có đến một nửa quãng thời gian đó đôi mắt anh đã nhòe mờ. Ở vùng quê Thái Hòa (Nghệ An), P. lúc nào cũng buồn bã và hoang mang khi trong đôi mắt anh bóng tối ngập đầy dần, làm việc gì cũng khó khăn, chậm chạp.

Cách đây mấy tháng, P. tìm đường ra Bệnh viện Mắt Trung ương khám bệnh mới biết mắt mình bị giác mạc hình chóp - một bệnh lý hiếm gặp. Đến Ngân hàng Mắt, nghe các kĩ thuật viên giải thích rằng nếu có giác mạc khỏe mạnh thay thế sẽ cứu được đôi mắt, P. mừng lắm. Thế nhưng, từ ngày ghi tên vào danh sách đăng kí ghép giác mạc, đã mấy tháng trôi qua, P. vẫn phấp phỏng chờ người hiến.

 Món nợ với 800 người bệnh

Ngân hàng Mắt nằm trên tầng 4 nhà D của Bệnh viện Mắt Trung ương. Khi tôi đến, Giám đốc Ngân hàng mắt Nguyễn Hữu Hoàng và hai kĩ thuật viên Phạm Đức Quang và Bùi Hồng Sơn đều có mặt ở đó. Giám đốc Hoàng đăm chiêu lật giở từng trang của cuốn sổ dày. Ở đó ghi thông tin của những người bị các bệnh lý về mắt đăng ký ghép giác mạc để tìm ánh sáng. Anh cho tôi biết danh sách hiện có khoảng 800 người đang chờ ghép, mà nguồn hiến tặng giác mạc đã ít nay còn ít hơn trong thời kì dịch bệnh COVID-19 bủa vây.

Vài năm trở lại đây, mỗi năm có từ 100 - 160 giác mạc  được ghép, nhưng năm 2021 giảm xuống chỉ còn 54 ca. Theo thống kê, có đến 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.000 người mù mới. Bởi vậy vẫn còn rất nhiều những đôi mắt mòn mỏi chờ ánh sáng.

Những đôi mắt chờ ánh sáng -0
Giám đốc Ngân hàng Mắt Nguyễn Hữu Hoàng trong một lần thu nhận giác mạc của người hiến

Như trường hợp anh Đ.T.P, nhà chỉ có mình anh là  trụ cột gia đình. Nhưng với đôi mắt ngày càng mờ đục, P. chỉ quanh quẩn ở nhà phụ bố mẹ chăn nuôi. Nhiều lúc P. muốn thay đổi, muốn bứt phá để làm việc gì đó, kiếm được tiền để bố mẹ đỡ vất vả. P. cũng như bao người ước muốn có vợ, có con. Nhưng đôi mắt là rào cản cực lớn kéo P. lại. P. buồn và tự ti về bản thân. Nhiều lúc Phú tự dằn vặt mình, tại sao cả nghìn người mới có một người mắc bệnh này lại rơi vào P. Anh mong mỏi từng ngày có người hiến giác mạc và anh sẽ may mắn chữa lành được đôi mắt.

Hai năm qua, không chỉ hoạt động thu nhận giác mạc bị hạn chế, mà việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cũng khó khăn. Có những đợt giãn cách xã hội, cả giám đốc và hai kĩ thuật viên đều "thất nghiệp", lại thèm cảm giác tất bật đêm ngày với những chuyến đi tìm ánh sáng cho người bệnh. Ngày đầu đảm nhiệm công việc này, anh Hoàng đã được cảnh báo rằng sẽ luôn phải tiếp xúc với người đã mất, phải đi nhiều, đi bất cứ đâu để thu nhận giác mạc. Khi gật đầu chấp thuận, anh xác định phải đối mặt với thách thức lớn, phải nỗ lực tự khai phá lĩnh vực đầy mới mẻ này.

Trước khi vào nghề, cuối năm 2006, Giám đốc Hoàng có ba tháng "học việc" tại Ấn Độ - một đất nước có phong trào hiến giác mạc từ những năm 1960 và ngày càng phổ biến. Tháng đầu tiên, anh Hoàng xách "đồ nghề" đi theo nhóm kĩ thuật viên đến nhiều vùng đất Ấn Độ học cách thu nhận và bảo quản giác mạc. Hai tháng sau, anh bắt tay vào thực hành. Tinh thần vững vàng hơn, đôi tay khéo léo dần, anh Hoàng đã thu nhận được gần 300 giác mạc từ người hiến trong vòng 2 tháng.

Tuy nhiên, những ca thu nhận ở nước ngoài sẽ không giống với tâm trạng hồi hộp đến nghẹt thở trong lần đầu tiên đi thu nhận giác mạc trong nước. Đó là ngày 5-4-2007, sau gần 4 tiếng chạy xe cứu thương, anh Hoàng và đồng nghiệp đã đến xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn,  tỉnh Ninh Bình - nơi có người hiến là một bà cụ 83 tuổi. Tắt còi xe, đỗ xe ở đầu làng, cởi áo blouse và chỉ mặc thường phục đi bộ vào nhà đám, không xách theo đồ đạc, dụng cụ mà để người nhà tự mang vào, êkip đã tiến hành ca thu nhận giác mạc đầu tiên trong lặng lẽ và cực kì căng thẳng. Nếu chẳng may có gì sơ suất, thì mọi công sức đổ sông, đổ bể và sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân. Và rất may mắn, với tất cả sự cố gắng, ca lấy giác mạc đã thành công ngoài mong đợi. Bây giờ thì Giám đốc Hoàng và êkip đã quá quen với việc bóc tách giác mạc - công việc tỉ mẩn, kĩ lưỡng, chính xác để giác mạc lấy ra không bị co kéo, gấp nếp. Tâm lý họ cũng đã quen với việc kìm nén cảm xúc, gạt đi sự tác động của ngoại cảnh để tập trung công việc.

Giàu hai con mắt…

Càng dịch bệnh thì chị C.T.T.H ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội lại càng buồn lo. Con gái D.V.A của chị 16 tuổi bị loạn dưỡng giác mạc. Mới bé tí, đôi mắt V.A đã mờ đục khác thường. Vào học lớp 1, do không nhìn rõ chữ cô giáo viết trên bảng nên V.A phải kê ghế ngồi luôn trên bục giảng. Chị H. cho con xuống Bệnh viện Mắt Trung ương khám thì mới biết con bị loạn dưỡng giác mạc cả hai mắt. Dù mắt kém, nhưng V.A vẫn cố đến lớp. Cô bé đã học được đến lớp 10, việc học so với các bạn cực nhọc hơn rất nhiều. Đôi mắt của V.A cứ mờ đục dần.

Cô bé nói với mẹ: "Con nhìn mẹ mờ quá, nhưng con vẫn muốn đi học, con sẽ học đến khi không nhìn được nữa thì thôi". Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, trước nguy cơ con mất hẳn thị lực, chị Hằng rối bời lo lắng. Chị cũng đã đăng kí cho con chờ được ghép giác mạc tại Ngân hàng Mắt, nhưng càng chờ đợi càng sốt ruột. V.A chỉ là một trong số rất nhiều các em học sinh đang mòn mỏi chờ được ghép giác mạc để tiếp tục học hành.

Những đôi mắt chờ ánh sáng -0
Anh Hoàng thường xuyên kiểm tra sổ ghi danh sách chờ ghép giác mạc ngày một dày thêm

Không có người hiến tặng thì mong ngóng ngày đêm, nhưng khi có người hiến thì lại không thể đi lấy vì COVID-19. Đó là nghịch lý trớ trêu xảy ra ở Ngân hàng Mắt. Một ngày tháng 7-2020, một người đàn ông ở Thái Bình gọi điện đến Ngân hàng Mắt báo tin bố anh ta sắp mất vì trọng bệnh, gia đình có nguyện vọng hiến giác mạc của người đã khuất. Nhưng thời điểm đó dịch bệnh đang hết sức căng thẳng, theo quy định phòng chống dịch, việc ra khỏi Hà Nội và vào được Thái Bình là điều hết sức khó khăn. Bởi thế, Giám đốc Hoàng đành phải khước từ và cảm ơn gia đình người đã khuất.

Hay mới đây có trường hợp một người dân ở từ Đắk Lắk có ý nguyện hiến giác mạc sau khi mất. Quãng đường quá xa xôi, mất nhiều thời gian nên các kĩ thuật viên cũng đành từ chối. Bởi giác mạc được lấy trong vòng 6-8 tiếng sau khi người hiến qua đời mới có thể sử dụng. Bao năm qua, từ Hà Nội, nhóm thu nhận chỉ có thể đi quãng đường xa nhất 300km để kịp thời gian thu nhận và bảo quản giác mạc. Ý tưởng xây dựng đội ngũ tuyên truyền, thu nhận giác mạc tại các địa phương trong cả nước đã từng được đưa ra, nhưng đối với công việc đặc thù này thì chẳng phải là điều dễ dàng.

Mỗi khi không thể tiếp cận được người hiến giác mạc vì một lý do nào đó, cả êkip đều có cảm giác "tiếc đứt ruột" và bất lực trước hoàn cảnh thực tại. Ý nghĩ đang mắc nợ nhiều người với những đôi mắt chờ ánh sáng luôn ám ảnh họ. Hành trình chuyển giao ánh sáng bị ngưng trệ, khó khăn chồng khó khăn khi danh sách chờ thì ngày một dày lên. Là những người khai phá, mở lối cho phong trào hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho người bệnh, những người như anh Hoàng đã lường trước khó khăn gặp phải. Đã có những chuyến thu nhận giác mạc họ phải về tay không. Đó là khi một người trước khi mất đã đồng ý hiến giác mạc.

Nhưng khi họ mất rồi, người thân lại do dự, quyết định cho hay không cho giác mạc lại chông chênh như một bức tường mới xây. Chỉ cần một câu nói tác động, một lời phản đối của họ hàng, người thân thì bức tường ấy đổ sụp. Nhiều ca khi nhóm kĩ thuật viên nhận được tin liền tức tốc lên đường. Nhưng đến nơi, chỉ cần một câu nói của ông trưởng họ không đồng ý hiến, hay người con trai đi công tác xa về không nắm được tình hình, nhất quyết không đồng ý hiến giác mạc của bố mình, thì cả nhóm cũng đành chấp nhận quay về.

Nhiều ca lấy được giác mạc rồi, lại hồi hộp không biết giác mạc đó có ghép được cho người chờ ghép hay không. Bởi khi đi lấy giác mạc, nhóm kĩ thuật viên bắt buộc phải lấy được máu để mang đi xét nghiệm. Lấy máu của người đã mất là kĩ thuật khó thực hiện hơn rất nhiều. Trong nhiều ca thu nhận giác mạc, thời gian lấy máu còn lâu hơn thời gian lấy giác mạc.

Nếu không có kết quả xét nghiệm thì dù có lấy được giác mạc chất lượng tốt cũng không được phép ghép cho người bệnh. Trong trường hợp phát hiện người hiến bị các bệnh truyền nhiễm về máu như viêm gan B, viêm gan C, HIV thì giác mạc đành phải loại bỏ. Hoặc đã có lần giác mạc của người hiến thu nhận về chất lượng kém quá cũng không sử dụng ghép cho người bệnh được. Số lượng giác mạc thu nhận được không nhiều, một số lại bị "rơi rụng" bởi nhiều nguyên nhân nên dù rất muốn cứu giúp người bệnh nhưng sự cố gắng, nỗ lực của Ngân hàng mắt chẳng khác nào như muối bỏ bể.

"Chúng tôi mong mỏi năm 2022 dịch bệnh COVID-19 sẽ chấm dứt. Hoạt động tuyên truyền, thu nhận giác mạc được đẩy mạnh, mang ánh sáng cho người bệnh. Chúng tôi lại rong ruổi đêm ngày đi đến các khu phố, thôn làng để thực hiện công việc đầy ý nghĩa, để quyển sổ chờ ghép vơi bớt đi", Giám đốc Hoàng nói những câu nặng trĩu.

Huyền Châm
.
.