Những cụ già ngụ ở Đồi Rồng
Chắc cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Bởi Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất lại trùng, chính xác là khai mạc trước một hôm Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10.
Đã đành sự hào phóng của doanh nhân Vũ Văn Tiền nhường hẳn khách sạn 5 sao Dream Dragon Hotel (còn có tên khác là Đồi Rồng) ở Đồ Sơn cho các đại biểu dự Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất. Nhưng việc sắp xếp sự ăn, ở hội họp cho gần 200 cụ già trên 70 tuổi, đa phần không tật nọ thì bệnh kia khắp Trung - Nam - Bắc về đây đâu phải chuyện nhẹ nhàng gì? Danh sách mời 250 cụ, nhưng 80 cụ vắng mặt do sức khỏe, do ở xa, do vướng bận này khác.
Hành lang, sảnh khách sạn râm ran âm thanh. Những thán từ ô, a ngạc nhiên mừng rỡ bởi khá nhiều cụ lần đầu mới gặp mặt dù đã từ lâu biết nhau qua tác phẩm. Cái xiết tay cùng ánh mắt hoan hỉ, họ trao đổi nhau điện thoại, địa chỉ liên lạc cứ như chẳng hề vướng bận tuổi tác. Tính sơ sơ có hai cụ cao niên nhất sinh năm 1936 là Trần Nguyên Vấn và Nguyễn Hữu Nhàn. Các cụ xếp sau sinh năm 1937 là Phong Lê, Hoàng Quốc Hải… Ban Tổ chức cũng nhiệt thành bố trí thêm cho chỗ lưu trú hợp lý thuận tiện cho các nhà văn Ngọc Bái (phải dùng xe lăn kèm thêm đôi nạng, vợ đi theo trợ giúp), Nguyễn Hoàng Sơn, Thanh Thảo… do sức yếu phải có người nhà đi theo phục vụ. Lại cả mấy cụ những ngập ngừng trù trừ trình bày với ban tổ chức là không quen nằm… máy lạnh.
Động thái tay bắt mặt mừng của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khi đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới hội nghị hình như có bớt đi những khách khí. Ít người biết, trước thời điểm diễn ra hội nghị vài ngày, Nguyễn Quang Thiều đã qua một cơn bạo bệnh. Cái sắc diện tở mở thân thiết của chủ lẫn khách đã làm tăng thêm nhiều phần sinh khí. Cuộc gặp lại của những người từng quen thân…
Bởi tôi đang nghĩ đến cái túi quà mà ban tổ chức trao tận tay các đại biểu có cuốn của Nhà xuất bản Hội Nhà văn: “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”. Bây giờ đến hội nghị, tôi mới rành thêm lộ trình chế tác 3 ấn phẩm đặc biệt “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”.
Số là thời gian mấy tháng trước hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có cuộc làm việc với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Nhiều nội dung, nhưng ông Thiều ngạc nhiên chứng kiến vẻ chăm chú và hứng khởi của Chủ tịch nước. Ấy là khi ông thành thực trưng ra chi tiết rằng, có một ấn phẩm tặng các đại biểu là cuốn “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”.
Đã có cuộc ngồi thêm hơi lâu. Và không chỉ có buổi ấy. Chẳng hay hai ông Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội Nhà văn bàn soạn, triển khai những gì? Liền sau đó, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tiến hành chế tác khá công phu 3 ấn bản đặc biệt cuốn “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”.
Cứ như nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long (được ông Chủ tịch Thiều tin cẩn phó thác coi sóc việc trọng này) đã bật mí chút chút về 3 ấn phẩm đặc biệt này. Đặc biệt bởi ấn phẩm ấy được đựng trong những chiếc hộp làm bằng gốm men lam do các nghệ nhân Huế thực hiện. Bìa sách được làm từ da đặc biệt của Hermes. Sau khi sách được bọc bìa, tên sách được dùng chữ bằng đồng nung nóng đóng chìm chữ xuống mặt da. Bìa sách có bức chân dung đen trắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp năm 1946, in trên chất liệu canvas, dán vào bìa. Khung ảnh cũng được làm bằng da khâu tay. Giấy in là giấy mỹ thuật loại tốt có độ bền cao, mặt giấy có vân màu ngà xưa, tạo vẻ cổ điển. Phông chữ được chọn giống như loại chữ đánh từ máy chữ Hermes mà Bác Hồ từng sử dụng nhiều năm. Các trang in được đóng rời bằng tay…
Và một trong 3 ấn bản độc đáo “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Mỹ Joe Biden trong buổi tiệc chiêu đãi chiều 11/9, nhân chuyến thăm của ngài Biden tới Việt Nam.
*
Có vài lúc, tôi phải làm "chỉ điểm" cho cánh nhà báo đến hội nghị tác nghiệp "tọa độ" của vài lão thành tên tuổi nên tôi được ngồi cạnh lão nhà thơ may mắn Vũ Quần Phương.
Lão, hay cụ có lẽ chỉ là cái cách gọi vui chứ thoáng nghe già trẻ đều gọi nhà thơ Vũ Quần Phương bằng anh. Nhà thơ cười, bữa mồng 8 tháng 9 dương này ông bước vào tuổi 84.
Thoáng chút gụi gần như thuở ông ham bám bàn ở Nhà xuất bản Văn học. Như dạo Đại biểu Quốc hội Vũ Quần Phương từng lặng lẽ trên chiếc ghế đá ở Vườn hồng Ba Đình trong giờ giải lao các phiên họp Quốc hội. Như hồi ông xăng xái ở 19 Hàng Buồm - trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội. May mắn? Ấy là thời điểm nào gặp ông đụng ông luôn bắt gặp cái dung mạo cùng khí chất của một người giời cho, chưa hẳn là sung mãn dồi dào mà là tạm mạnh khỏe. Gần đây có biết thoáng thêm, người con trai cả của ông là giáo sư Toán học hiện đang giảng dạy tại Đại học Yale (Mỹ); con trai út từng là thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội hiện làm cho hãng Google.
May nữa như ông vừa bộc bạch rằng 60 năm trước từ cái ngày ông được rủ đến họp thơ ở Hội Nhà văn Việt Nam. Trụ sở Hội khi ấy không phải ở 65 Nguyễn Du mà ở phía đối diện, bên số chẵn. Thời gian mà lứa các ông được gọi là cây bút trẻ, sau này gọi là lứa chống Mỹ, hầu hết chưa vào Hội Nhà văn. Lần đầu tiên, cảm giác run rẩy khi được ngồi thật gần, được trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ mà Vũ Quần Phương chỉ được học tác phẩm của họ thời trung học. Những Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Anh Thơ, Nguyễn Xuân Sanh, Yến Lan… Đôi khi là: Tú Mỡ, Huy Cận, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Quang Dũng… Tôi mừng như được ngồi trò chuyện với người trong cổ tích.
Cánh báo chí thích thú chi tiết khi Vũ Quần Phương cùng nhà văn lão thành Nguyễn Tuân đi thực tế. Nguyễn Tuân từng chia sớt với Vũ Quần Phương cái dây đay mắc màn. Chuyện nghệ nhân Quách Thị Hồ pha trà bị Nguyễn Tuân "làm nũng" rằng nước đun chưa đạt. Cả chuyện cụ Nguyễn "dỗi'' đùng đùng đòi xuống vì xe đón người cứ… chạy vòng vèo.
Có một lúc chất giọng của những cung bậc rủ rỉ ấy, Vũ Quần Phương cũng cao đàm khoát luận: "Các ông xem ‘Tây Tiến’ của Quang Dũng, lứa đàn anh thời kháng chiến 9 năm và bài thơ ‘Một người yêu nước mình’ của Trần Vàng Sao, lứa chúng ta trong cuộc kháng chiến lần sau, là hai đỉnh thơ độc đáo, đột xuất nhô lên. Tại những cuộc như thế này, với tôi xin được đôi nét tưởng nhớ, tri ân lớp đàn anh thuộc thế hệ đầu, những người đã lót ổ cho chúng ta, dưới mái nhà văn chương tam đại đồng đường khi ấy. Còn lớp chống Pháp và chính lớp chúng ta nữa, nhiều mong ước nghe cảm động lắm, thương nghề lắm…".
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hình như có duyên với Hải Phòng? Có thể viễn tổ ở xứ Tỉnh Đông là cụ Nguyễn Khoa Chiêm như một phần của Quốc sử quán nhà Nguyễn, tác giả cuốn “Việt Nam khai quốc chí truyện”. Nhớ năm xa, chúng tôi có một cuộc tụ tại nhà riêng Đồng Đức Bốn ở Hải Phòng thì Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cùng bà vợ ghé thăm. Ông ngẫu hứng đọc tặng ông "vua" thi sĩ lục bát Đồng Đức Bốn bài thơ ngắn có câu: Văn chương lấm láp vêu vao mặt người! Bà vợ nhà thơ giờ bên chồng, vẫn mộc mạc dung dị như cái năm xa gặp...
Trong đêm thơ "Âm vang mùa thu", một chương trình của hội nghị, khán giả tận mục sở thị một Nguyễn Khoa Điềm như khang khác? Chẳng phải ông giản dị xuề xòa cuốn sổ trong tay? Mà đa phần khán giả cảm nhận bài thơ ông đọc, không phải thiếu mà cần bớt đi âm hưởng tráng ca của thuở “Mặt đường khát vọng”? Với chất giọng trầm như rủ rỉ, ông như bất ngờ sẻ chia với bạn đọc những cung bậc, tầng nấc mới của tiếng lòng…
Và tôi chắc tràng pháo tay kế theo của khán giả cũng chẳng phải cho phải phép.
Giờ nghỉ trưa nhưng ít vị lên phòng hạ lưng. Tôi sà vào đám ngồi ở một góc phòng ăn đang huyên náo chuyện gì đó. Thì ra dịch giả “Truyện Kiều” sang tiếng Nga, nhà giáo Vũ Thế Khôi (trưởng nam cụ Vũ Đình Hòe) đang ngồi với nhà thơ Thanh Thảo.
Hỏi và được biết, lần đầu họ gặp nhau. Dịch giả sau khi hỏi han dồn dập biết đích đây chính xác là Thanh Thảo đã lần cởi một kỷ niệm. Số là giáo sư Nguyễn Kim Đính (dạy ở Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) sở hữu bản dịch tập thơ của Lecmontov (tôi chưa rõ do thầy Đính hay Vũ Thế Khôi dịch). Thầy Đính có tặng cho học trò yêu là Thanh Thảo trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Việc tặng ấy Vũ Thế Khôi không chứng kiến, chỉ nghe thầy Đính kể lại nên cứ hùi hụi tiếc.
Bây giờ đã hơn một hoa giáp (60 năm). Tại Đồi Rồng, Đồ Sơn họ đang cùng nhắc nhớ lại chuyện cũ.
Đã khép lại cuộc tụ lần thứ nhất của các nhà văn lão thành. Rồi truyền thông cùng giới viết lách sẽ lần lượt cảo thơm lần giở nhiều chuyện. Nhưng cái đại thành công của hội nghị là các cụ đến, ở và tạm biệt Đồi Rồng đã an lành tuyệt đối không hề xảy ra trục trặc nào!
May nữa là những cánh bay từ ngả Cát Bi đã giảm tải cho nhiều cụ quê phương Nam đã chẳng phải phiền toái lộn lên Nội Bài.