Những buổi tọa đàm bổ ích, hấp dẫn và thiết thực
Trại sáng tác văn học lần thứ 5 với chủ đề "Vì an ninh Tổ quốc. Vì bình yên cuộc sống" do Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức tại Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Với cá nhân tôi thì đây là lần đầu tiên được tham dự Trại với tư cách là một "trại viên" nên có nhiều bỡ ngỡ.
Trại sáng tác của Nhà xuất bản Công an nhân dân mà tôi được dự lần này đã có cách làm khác. Đầu tiên là xuất phát từ tình hình thực tế, nghĩa là đề tài về lực lượng công an nhân dân là một đề tài khó. Khó đầu tiên là việc tiếp cận với đối tượng vốn không thuận. Không thuận vì chức năng hoạt động của lực lượng công an là giữ gìn an ninh, đảm bảo trật tự xã hội; công việc thường tập trung vào "đánh án" rồi "phá án". Ở lĩnh vực này không phải lúc nào cũng có thông tin và không phải lúc nào cũng được thông tin. Do đó việc thiếu thông tin hoặc thông tin ngắn gọn rất khó cho người sáng tác. Thêm nữa, có một thực tế là đề tài này hay đúng hơn là đối với lực lượng công an thì đa phần người sáng tác khó tiếp cận, khó nắm bắt được tâm tư tình cảm cũng như thái độ.
Một tác phẩm văn học đương nhiên phải có trong nội dung nói về "con người" của vấn đề trong tác phẩm. Ví dụ như: tên tuổi, quê quán, tính tình, tính cách, thái độ và mối quan hệ xung quanh. Đối với "người đánh án" và "người vụ án" đều có. Thế mới là con người. Những người đó đều có gia cảnh, hoàn cảnh và động cơ hoạt động. Chưa kể những tác động của gia đình, bạn bè, người thân và tác động xã hội. Karl Marx đã nói: "Bản chất con người là mối tổng hòa các quan hệ xã hội". Hiểu một cách đơn giản thì một con người khi mới sinh ra đều chưa có bất kỳ một mối quan hệ nào, cũng như chưa hề có bất kỳ một vấn đề nào. Chính Bác Hồ lúc sinh thời đã nói: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên". Do vậy những cái được và cái chưa được; những mặt tốt và mặt xấu chính là "quan hệ biện chứng" mà mỗi cá nhân đều chịu tác động. Có người được tác động tốt. Có người bị tác động xấu. Có người tự đấu tranh mà vượt qua. Có người phải nhờ tới tác động xung quanh để vượt qua. Có người không vượt qua được mà dẫn tới lầm lỗi.
Dài dòng như vậy để thêm lần nữa khẳng định: Một tác phẩm văn học hấp dẫn và có chủ đề tốt là tác phẩm nêu được tính biện chứng của quan hệ xã hội; nêu được tính đấu tranh cũng như nêu được những mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn cá nhân.
Trở lại với đề tài viết về lực lượng công an với những "công việc thường ngày" của cán bộ chiến sĩ lực lượng này là một việc rất cần được đề cập. Có điều ở lĩnh vực này cũng xưa nay vốn không dễ có được thông tin. Thêm nữa một khi không được sự chấp thuận của cấp trên thì một cá nhân cán bộ chiến sĩ công an không khi nào "kể" cho nhà văn, tác giả nắm được đầy đủ về công việc mà họ đã và đang làm. Kể cả những cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích nổi bật, được khen thưởng nhưng cũng khó có thể có được thông tin để nhà văn, tác giả xây dựng và viết thành tác phẩm văn học.
Nhưng không thể không viết, không thể không có những tác phẩm văn học xứng đáng viết về đề tài lực lượng công an nhân dân. Đã có nhiều đề nghị được "giải mật" các vụ án. Đã có nhiều đề nghị được tiếp xúc với đơn vị và cá nhân điển hình. Tất nhiên cũng không dễ dàng gì, nhất là đối với các nhà văn, tác giả ngoài lực lượng công an.
Và hình thức Trại cho tiến hành các buổi "Tọa đàm" hay chính xác hơn là những buổi giao lưu tiếp xúc giữa một số đơn vị, cá nhân điển hình trong lực lượng công an địa phương, đơn vị với các nhà văn, tác giả tham dự Trại. Cách thức này giúp các trại viên có cơ hội được lắng nghe những câu chuyện thật, những cuộc đời thật của cán bộ chiến sĩ công an để thêm một lần hiểu và hiểu đầy đủ hơn về những đơn vị và cá nhân của lực lượng.
Buổi tọa đàm đầu tiên được diễn ra ngay sau ngày khai mạc Trại. Đây là tọa đàm mở màn nên ban tổ chức đã tạo ấn tượng ngay với diễn giả là những cán bộ công an đã nhiều lần trực tiếp tham gia phá án ma túy.
Đó là câu chuyện của Thượng tá Phạm Văn Phú, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm ma túy Công an Quảng Ninh, hiện là Phó trưởng Công an TP Móng Cái, và Trung tá Châu Quang Hậu, Đội trưởng Đội 3 - Phòng CSĐT tội phạm ma túy Công an Quảng Ninh. Nghe các anh kể những câu chuyện trực tiếp tham gia các chuyên án ma túy, chúng tôi mới biết chuyện đánh án ma túy không chỉ diễn ra trên địa bàn một địa phương mà thực tế nó trải rộng ra nhiều địa phương bởi tính chất phức tạp và manh động của tội phạm này.
Anh Phú đã kể câu chuyện khi tiếp cận nhà ở của đối tượng, các anh đã rất bí mật và theo dõi sát sao ấy vậy mà khi tưởng như biết chắc đối tượng đang ở nhà và đang trong nhà vệ sinh. Khi ấy anh Phú trực tiếp xông vào đạp cửa nhà vệ sinh với quyết tâm không cho đối tượng kịp chống trả. Ấy vậy mà khi cánh cửa bị đạp tung thì anh nghe tiếng phụ nữ hét toáng lên sợ hãi. Thì ra đối tượng đã "cao tay" hơn khi thay đổi điện thoại. Tiếng chuông điện thoại với số máy của đối tượng reo lên trước khi anh Phú xông vào thì lại đang trên tay của vợ đối tượng ấy, hắn đã thay đổi số máy và đã chuồn sớm. Anh Phú cười ngượng ngùng: "Khi tôi xông vào nhà vệ sinh thì cô vợ của đối tượng đang không mặc quần áo. Cô ấy hét lên sợ hãi". Chúng tôi cùng cười vui khi nghe một tình huống "khó đỡ" này. Anh Phú kể thêm: "Ngay lập tức và vì đã có phương án chuẩn bị nên chúng tôi thông báo nhanh với bộ phận đang phục ở vị trí khác mà chúng tôi đã dự kiến rằng đối tượng sẽ ở đó. Đúng như kế hoạch, đối tượng đã bị bắt. Câu chuyện ấy cho chúng tôi biết thêm một chi tiết là: Tội phạm ma túy rất lắm mưu mẹo do đó khi điều tra phải luôn có nhiều phương án kể cả phương án tưởng như không ăn nhập”.
Còn Thượng tá Nguyễn Trọng Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh, lại kể câu chuyện về một lần phá vụ án "giết người cướp của". Ở vụ này, người phụ nữ bị kẻ gian đột nhập vào nhà lúc ban đêm. Người phụ nữ bị đánh vào đầu bằng viên gạch và bất tỉnh vài ngày. Hiện trường chỉ có vậy và kiểm tra thì thấy mất một chiếc điện thoại Samsung giá chừng hơn 2 triệu. Tức là người bị đánh không chết và công an đang chờ cô tỉnh lại để lấy lời khai. Còn chiếc điện thoại thì giá trị không lớn. Nhưng vấn đề là ở chỗ vào thời điểm này cũng sắp tới Tết Nguyên đán nên rất cần phải điều tra và phá án nhanh vừa giúp nhân dân trên địa bàn yên tâm ăn tết vừa đảm bảo an ninh trật tự được giữ ổn định.
Anh Hùng kể rằng, sau khi tiến hành điều tra khám nghiệm hiện trường các anh đã khoanh được vùng và phần nào xác định được đối tượng. Nhưng các anh không vội vã thực hiện các bước tiếp theo bởi các anh không muốn "làm to chuyện" để nhân dân không lo lắng. Các anh muốn chính đối tượng ra đầu thú. "Lúc đó chỉ còn gần tuần nữa là tới tết nên trong tâm lý thì anh em phá án cũng muốn phá án cho xong bằng cách "tóm" tất cả những đối tượng nghi ngờ lại, giam giữ đấy chờ tết xong giải quyết. Tâm lý anh em ai cũng muốn thế để còn về nhà đón tết cùng gia đình". Nghĩ thế thôi nhưng nếu phá án nhanh e rằng sẽ có sai sót bởi với kinh nghiệm lâu năm nên anh Hùng suy nghĩ có thể đối tượng không phải là người mà các anh đã nghi ngờ. Nếu cứ chờ cho người phụ nữ tỉnh lại để lấy lời khai thì còn thêm thời gian. Thêm nữa người phụ nữ này cũng có những quan hệ nam nữ rộng nên đối tượng có thể phải mở rộng, chưa kể đến cậu con trai đã lớn của người phụ nữ. Cuối cùng vụ án được phá án thành công, quan trọng là không có ai bị bắt oan.
Quả thực, những buổi tọa đàm như thế đã cho chúng tôi, những nhà văn, tác giả không phải là người trong ngành hiểu thêm về đời sống, công tác và thái độ tình cảm của người chiến sĩ công an nhân dân. Họ có thể ở đơn vị này hay đơn vị khác. Có thể ở chỗ thuận lợi hay ở chỗ khó khăn. Nhưng ở đâu là làm công việc gì thì trách nhiệm và tình cảm sẽ là điều kiện quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ.