Những bữa cơm không do tay mẹ nấu

Thứ Năm, 15/12/2022, 10:20

Những đứa trẻ đến trường, khi không được ăn bữa cơm do tay mẹ nấu, thì ai nấu cho các em ăn? Đa số phụ huynh sẽ trả lời rằng do đơn vị tổ chức bữa ăn nấu phục vụ các cháu hoặc cung cấp suất ăn sẵn. Nhưng, đó là những bữa cơm bán trú ở thành phố. Còn có những bữa cơm trưa nghèo khó ở nhiều vùng đất trên cả nước, sẽ chẳng do một cơ sở nào nấu ăn, mà do chính bàn tay các thầy cô giáo, thậm chí, do chính bàn tay của các em học sinh sau giờ học.

Những bữa ăn bán trú ấy, bao năm nay vẫn thiếu trước hụt sau, vẫn nghèo nàn, tạm bợ. Việc đảm bảo cho học sinh cả nước những bữa cơm bán trú đủ lượng, đủ chất, đủ an toàn thực sự còn lắm gian nan….

1. Có đến gần 700 học sinh và nhiều thầy cô giáo nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong, vụ ngộ độc thực phẩm của Trường iSchool Nha Trang gần đây được ghi nhận là vụ ngộ độc học đường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, theo Tiến sĩ Cao Văn Trung, Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm. Thật khủng khiếp khi cơ quan chức năng phát hiện ra trong món cánh gà chiên mà các em học sinh ăn có tới 3 loại vi khuẩn nguy hại.

Những bữa cơm không do tay mẹ nấu -0
Học sinh ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Cạn tự túc nấu cơm sau giờ học.

Trước đó, vào năm 2020, nhiều học sinh tại một trường liên cấp tiểu học – THCS tại Hà Nội cũng bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú giữa giờ. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện nguyên nhân từ món bánh pizza nhân xúc xích do cơ sở cung cấp suất ăn không có phiếu kiểm nghiệm theo quy định cũng như không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất sản phẩm này.

Mặc dù các trường học ở các thành phố lớn vẫn tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm tại khu chế biến thức ăn của trường, có sự tham gia của ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh, nhưng nhiều trường hợp học sinh ăn xong vẫn có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cũng dễ hiểu khi việc kiểm soát thực phẩm mới dừng lại ở mức quan sát bằng mắt thường mà không có thiết bị kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào. Dù quy trình chế biến có sạch đến mấy mà chất lượng thực phẩm kém thì món ăn vẫn gây hại cho học sinh. Cứ mỗi khi có vụ ngộ độc thực phẩm học đường xảy ra, các phụ huynh lại thót tim, các cơ quan ban ngành mới tập trung xử lý.

Có bà mẹ dừng việc cho con ăn ở trường, bỏ thời gian công sức nấu ăn ở nhà cho vào hộp cho con mang đi ăn trưa. Có gia đình buổi trưa đón con về nhà ăn rồi chiều lại đưa con đến lớp. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng có điều kiện áp dụng cách này, nên đa phần vẫn gửi gắm con ăn trưa ở lớp. Thế nên dù trường nào cũng có hoạt động giám sát thực phẩm, nhưng khi việc giám sát không thực chất, thì nỗi lo chất lượng những bữa cơm không do mẹ nấu vẫn cứ nơm nớp hàng ngày…

Việc giám sát bữa ăn một cách thực chất, nhiều khi không phải là cử người đi đứng nhìn tất cả các khâu, mà bằng nhiều hình thức thực tế hơn. Chị Trần Quỳnh Trang (Hà Nội) từng sống và làm việc tại Nhật chia sẻ rằng, khi cho con học tại một trường mẫu giáo công lập ở Nhật Bản, chị rất yên tâm vì trường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách trưng bày các món ăn mẫu trong ngày trên một chiếc bàn phủ kính đặt ngay cạnh bảng tin – nơi mọi phụ huynh đều có thể nhìn thấy khi đến đón con. Ví dụ, buổi trưa có cơm, cá, sa lát và sữa; buổi chiều có bánh bao và nước cam, thì tất cả các món ăn đều được trưng ra, vừa để cho phụ huynh biết mà chuẩn bị bữa tối cho con thêm đa dạng, vừa lưu lại để kiểm tra chất lượng đồ ăn.

Những bữa cơm không do tay mẹ nấu -0
Thầy giáo mầm non Bàn Văn Đức ở xã Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên tranh thủ nấu ăn bán trú cho các con.

Còn ở Việt Nam, rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng họ muốn biết các món ăn con mình ăn trưa cũng khó, khi phụ huynh chỉ được đón con ở cổng trường, hạn chế lên lớp vào buổi trưa, nhà bếp còn yêu cầu không quay phim, chụp ảnh khi họ giao đồ ăn cho các con đến từng lớp. Xem ra, việc công khai chỉ khi thực phẩm ở dạng chưa chế biến, còn cụ thể bữa ăn trưa của các con như thế nào, chất lượng và số lượng thức ăn ra sao thì lại là  một “bí mật” với các bố mẹ - những người bỏ tiền ra mua bữa ăn cho con và có quyền được biết con mình ăn uống thế nào.

2. Khác với những bữa cơm trưa “bí mật” ở thành phố, bữa cơm bán trú ở vùng núi nghèo thì thiếu thốn một cách công khai. Đó là bữa cơm của thầy Bàn Văn Đức – thầy giáo dân tộc Dao ở điểm trường Chuyên Gia 3, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên. Đã hơn 10 năm gắn bó với điểm trường này, thầy Đức là thầy giáo duy nhất dạy mầm non ở huyện giáp biên Mường Nhé. Một mình thầy chăm sóc, dạy dỗ gần 30 em nhỏ từ 2 đến 5 tuổi. Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng thầy ra khỏi nhà, nhận thực phẩm hỗ trợ bán trú từ đơn vị tài trợ ở trung tâm xã rồi phóng xe máy vào điểm bản cách đó 18km. Nhiều hôm mưa lũ, nhiều đoạn không có đường phải lội qua suối, thầy Đức cho thực phẩm vào túi bóng buộc kín và lội qua suối để đến trường. Bởi nếu thầy không đến thì học sinh không có cái ăn.

Những bữa cơm không do tay mẹ nấu -0
Học sinh ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, Yên Bái đi học mang theo cặp lồng cơm ăn trưa.

Dạy các con đến 9 giờ, thầy xuống bếp chất củi nhóm lửa. Đôi tay thầy nấu cơm, băm thịt, thái rau nhanh nhẹn như phụ nữ. Giờ ăn, một mình thầy xoay như chong chóng chia cơm, đút cơm cho em này lại lấy canh, san thức ăn cho em kia. Trò ăn xong, thầy ăn vội ăn vàng bát cơm rồi cho các em đi ngủ. Khi bọn trẻ ngủ yên, thầy lại lúi húi nơi góc bếp rửa bát và dọn dẹp. Dọn xong thì cũng đến giờ học buổi chiều. Với dân bản ở đây, có thầy Đức là các con có bữa ăn trưa ấm nóng, giữ chân bọn trẻ ở lớp cả ngày thay vì về nhà rồi nghỉ học luôn.

Đó còn là bữa ăn bán trú của hai cô giáo Đào Thị Uyên và Lò Thị Loan bám bản ở điểm trường Huổi Đanh nằm chon von trên núi cao ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé. Cô Uyên dạy lớp ghép 1-2, còn cô Loan dạy lớp ghép mầm non từ 2 đến 5 tuổi. Thời điểm năm 2021, điểm trường chưa có điện nên cả cô và các phải con tự mang cơm từ nhà đi, thức ăn và canh rau được tài trợ thì cô giáo nấu ở lớp. Giờ ra chơi, cô trò túm tụm nhặt rau. Gần trưa, cô dừng bài giảng, tất tả vào bếp nấu nướng để kịp giờ cho các con ăn. Có hôm, có bố mẹ quên không chuẩn bị cơm cho con mang đi, đến bữa, con mếu máo, cô đành phải san sẻ phần cơm của mình cho con. Đến lớp, các con được ăn bữa trưa có rau có thịt, được ngủ giấc trưa tròn trặn thay vì nhịn đói và đi dãi nắng. Lo các con sẽ ăn ngủ, học hành chệch choạc nên cả năm học các cô hầu như không nghỉ ngày nào. Cô trò cứ mong mỏi từng ngày điện về trường, để buổi trưa các cô có thể cắm nồi cơm thơm dẻo, cả cô và con sẽ không phải mang cặp lồng cơm mỗi ngày.

Những bữa cơm bán trú, ở nhiều nơi vẫn còn là mơ ước của cả thầy và trò. Điểm trường Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An nằm sâu trong lõi rừng Pù Mát. Ở đó, tộc người Đan Lai có thói quen một ngày chỉ ăn hai bữa vào buổi sáng và chiều. Bởi thế, buổi trưa các em về nhà cũng chỉ ăn tạm ít cơm nguội hoặc củ khoai, củ sắn. Các cô giáo mong mỏi hệ thống nước sạch được hoàn thiện, được nấu cơm bán trú để học sinh có bữa trưa tử tế, níu giữ các con ở lại trường. Mong ước giản dị vậy thôi, nhưng với địa bàn nghèo khó và cách trở như Cò Phạt thì chẳng phải là điều dễ dàng.

Có lặn lội đến nhiều vùng núi cao, mới biết được rằng có những “bữa cơm màu trắng” do học trò tự nấu sau giờ học. Đó là bữa cơm của các em học sinh ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Cạn. Điểm trường chính của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu nằm sát hồ Ba Bể. Từ lớp 6, các em sẽ học tập trung ở điểm trường này. Các em ở các bản xa được chu cấp ăn ở bán trú tại trường, được các thầy cô trông nom từ thứ 2 đến thứ 6, hai ngày cuối tuần các em về với bố mẹ. Dãy nhà bán trú nằm trong khuôn viên trường có đủ phòng ở, phòng ăn, khu vệ sinh và khu bếp.

Ở bán trú trong trường an toàn là thế nhưng có một nghịch lý là phần đông các em được hưởng chế độ bán trú lại không được ở. Là vì khi không cho các em ở bán trú trong trường, bố mẹ các em sẽ được nhận trực tiếp tiền và gạo hỗ trợ. Nhận rồi, thay vì để lại cho con thì họ... mang về nhà. Còn con, họ thuê nhà dân cho ở trọ với chi phí rẻ hơn. Mỗi tuần họ cho con ít gạo, ít rau mang theo. Trong những căn phòng trọ lụp xụp, tối tăm, các em ở chen chúc, tự túc tất cả mọi việc, từ chẻ củi, nấu ăn, tắm giặt và học hành. Đi học về, những đứa trẻ nhóm bếp nấu cơm, những nồi cơm nhỏ bé và nhọ nhĩnh, những hạt cơm đầy tro bụi. Bữa cơm chỉ có cơm trắng, vài hạt muối, cọng rau và chan nước lọc.

Thầy Đào Thiện Khiêm - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu cho biết, thầy cô ở trường thường xuyên vào bản vận động bố mẹ cho con ở bán trú để đảm bảo sinh hoạt và học hành. Nhưng, những cuộc vận động vẫn thường xuyên thất bại, bởi bố mẹ nghèo cần tiền, cần gạo của các con hơn…

Nghĩ về bữa cơm học sinh, từ thành thị văn minh cho đến vùng sâu vùng xa nghèo khó, nỗi buồn vẫn còn nhiều lắm… 

Thái Hưng
.
.