Những “bông hồng thép” chống khủng bố

Thứ Hai, 05/02/2024, 11:09

Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là đơn vị đầu tiên của lực lượng Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng chống khủng bố; ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang. Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập gần 2 năm trước, nơi đây đã có sự góp mặt của 3 nữ chiến sĩ bản lĩnh, tài năng và xinh đẹp, đó là các hạ sĩ: Ngô Thị Dung, Triệu Thị Yến và Nguyễn Thị Mơ.

Không thể yếu mềm

Ở một góc rừng núi Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), nơi đặt doanh trại của lực lượng chống khủng bố, khi chúng tôi đến, buổi luyện tập bắn súng đang diễn ra. Trong đội hình, ba nữ chiến sĩ với bộ quần áo ngụy trang cỏ cây linh hoạt di chuyển qua các vị trí, vượt chướng ngại vật, ngắm bắn mục tiêu nhanh và chuẩn xác. Trời nắng gắt, tiếng súng nổ khô khốc, chát chúa như xé toạc khoảng đồi phía trước trường bắn.

1-1705896733685.jpg
3 nữ chiến sĩ đầu tiên trong đội hình chống khủng bố.

Buổi tập kết thúc, Hạ sĩ Ngô Thị Dung, sinh năm 1998, quê Bắc Giang với gương mặt đỏ bừng, tóc bết mồ hôi vừa thoăn thoắt tháo súng vừa chia sẻ: "Trong giờ tập bắn, chúng em luôn phải tập trung tuyệt đối, chăm chú từng đường bắn. Em vẫn nhớ lần đầu tiên cầm khẩu súng AK nặng trịch với bao hồi hộp, bỡ ngỡ. Giờ quen rồi thì thấy súng "nhẹ" hơn, tai đã quen với tiếng nổ, mắt đã quen nhìn mục tiêu, quen cả với bầu không khí nồng mùi thuốc súng. Cả ba chúng em đều sử dụng thành thạo nhiều loại súng trong biên chế luyện tập".

Đại tá Triệu Văn Minh - Giám đốc Trung tâm cho biết, 3 chiến sĩ nữ đều nhập ngũ từ tháng 2/2022, trước đây đã công tác ở các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm. Sau thời gian về Trung tâm luyện tập trong đội tuyển bắn súng của Bộ Tư lệnh CSCĐ, cả 3 chiến sĩ đều có nguyện vọng ở lại đơn vị để tiếp tục rèn luyện trong đội hình chống khủng bố.

Đến thăm Trung tâm vào nhiều thời điểm, từ những ngày hè nắng cháy lưng đến những ngày đông rét cắt da, chứng kiến cảnh luyện tập khó về kĩ thuật, cao về cường độ, chúng tôi mới thấy họ là những cô gái vô cùng dũng cảm khi chọn gắn bó với đơn vị đặc thù này. Bởi ở đơn vị sẵn sàng chiến đấu cao thì phải tham gia tập luyện toàn diện theo kế hoạch chung, không hề có sự thiên vị nào cho phái nữ. Trước những bài tập khắc nghiệt, nếu như các đồng đội nam cố gắng một phần, thì các cô gái phải gắng gấp ba, gấp bốn lần. Những tưởng con gái chân yếu tay mềm, nhưng họ cũng múa côn, leo tường, đu dây, cũng khoác những bộ ngụy trang cây lá nặng trịch trên người để tập luyện tác chiến tổng hợp…

Đồng đội thường trêu đùa Triệu Thị Yến là "mít ướt". Bởi trước bất cứ một nội dung luyện tập mới nào, việc đầu tiên là Yến… khóc. "Em khóc không phải vì sợ, mà vì lo lắng không biết mình có vượt qua được thử thách, hoàn thành nhiệm vụ hay không. Nhớ lần đầu tiên em cùng đồng đội diễn tập đu dây tụt xuống từ tầng 27 của tòa nhà, nhìn sợi dây thả xuống từ trên cao, em khóc ngon lành. Khóc thì khóc, nhưng em vẫn cố gắng thực hiện nhanh và an toàn và em đã làm được. Cảm giác đồng đội nam làm được mà mình không làm được rất khó chịu, bứt rứt không yên. Khi đã xác định đứng trong đội quân chống khủng bố thì không thể yếu mềm. Phải khổ luyện mới trưởng thành, mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ", cô gái sinh năm 1999, quê Bắc Kạn sôi nổi kể lại.

Từ vùng quê Phú Yên, Nguyễn Thị Mơ, sinh 1999, gia nhập đội quân chống khủng bố. Thử thách đầu tiên cô gái này phải vượt qua là thích nghi với mùa đông miền Bắc. Bằng giọng Phú Yên dễ thương, Mơ chia sẻ: "Em lao vào luyện tập cho hết lạnh. Ở đây, chúng em tuân thủ nghiêm chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, luyện tập đều đặn, khoa học nên thể lực ngày một tốt hơn. Những đêm hành quân, đồng đội nam vác bao nhiêu kí thì con gái tụi em cũng mang bấy nhiêu kí trên lưng. Ngày mới về trung tâm, chỉ trong một buổi chiều, dưới sự hướng dẫn của cán bộ huấn luyện, ba tụi em đều biết lái xe địa hình. Bây giờ thì tụi em có thể lái xe thành thạo trên những con đường mòn khúc khuỷu, lồi lõm trong rừng".

Càng gian khổ, càng quyết tâm

Điều làm chúng tôi vô cùng cảm phục là tinh thần càng gian khổ, càng quyết tâm của các cô gái chống khủng bố. Chuyện chấn thương, va đập đã trở thành chuyện thường ngày ở thao trường. Có lần vấp ngã, súng AK đập vào lưng đau điếng người; có lần ngụy trang bằng lá keo tươi nên rất nặng, lá lại có dầu trơn nên ngã nhào từ trên cây xuống. Lại có lần luyện tập kĩ, chiến thuật thì bị ngã, cả người mắc vào hàng rào dây thép gai... Những cô gái vẫn cắn răng chịu đau để tiếp tục luyện tập. Bởi họ đều coi "lò lửa" khắc nghiệt này là nơi cho họ cơ hội tôi rèn ý chí chiến đấu để ngày một trưởng thành hơn.

14_ Những “bông hồng thép” chống khủng bố -0
Các nữ chiến sĩ đều có thể chạy xe địa hình vượt đèo dốc trong rừng.

Ở nơi chỉ có núi đồi, sình lầy với những bài luyện tập vừa khó, vừa khổ nhưng cả ba nữ chiến sĩ đều tự nguyện gắn bó. Thay vì xem phim, nghe nhạc, đi mua sắm thì ba cô gái lại hào hứng với những thế võ, đường quyền; thích chơi bóng chuyền, bóng đá với các đồng đội nam sau một ngày luyện tập. Từ khi đi lính, quần áo điệu đà họ hầu như không mặc đến. Thời gian buổi tối ít ỏi, mái tóc búi cả ngày mới được dịu dàng xõa ngang vai. Sau mỗi ngày luyện tập, ba cô gái trở về phòng ở, cùng trò chuyện, chia sẻ mọi vui buồn con gái. Là những "bóng hồng" ở nơi khắc nghiệt, các cô gái luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Giám đốc Trung tâm về mọi mặt. Với các nội dung luyện tập khó, họ luôn được cán bộ huấn luyện chỉ dạy tận tình, các đồng đội nam bổ trợ thêm ngoài giờ.

Hỏi về những ngày đầu tiên nhập ngũ, ba cô gái đều bảo đó là cơ duyên. Nếu như bố mẹ chiến sĩ Yến hướng con gái vào quân ngũ thì với Dung và Mơ đều là những bí mật giữ đến giờ chót. Ước mơ trở thành một chiến sĩ Công an đã có trong Dung và Mơ từ lâu, nên dù đã tốt nghiệp ngành y và điều dưỡng, hai cô gái vẫn giấu bố mẹ đăng kí nghĩa vụ. Sát ngày nhập ngũ, khi đã nhận quân tư trang, hai cô gái mới thú thật với bố mẹ về nguyện vọng của mình.

"Khi biết em sắp nhập ngũ, ba em lo lắng cứ hỏi đi hỏi lại, rằng con đã suy nghĩ kĩ chưa, vào lính là vất vả lắm đấy; liệu con có chạy kịp đồng đội không, có theo kịp nhịp ăn ngủ khẩn trương không. Em nói một câu chắc nịch: "Con làm được". Biết là không thay đổi được ý định của em, ba đành đồng ý", Mơ nhớ lại. Lần đầu Mơ về phép, mẹ nhìn con gái rồi bảo: "Ngày chưa đi lính thì trắng như bông bưởi, giờ vừa gầy lại đen nhẻm". Mơ dí dỏm lý sự: "Nữ chiến sĩ chống khủng bố là da phải nhuộm nắng gió thao trường, cơ thể phải rắn rỏi, săn chắc. Mấy vết bầm tím, trầy xước thì có hề gì đâu. Giờ thì bố mẹ tụi em đều yên tâm và tự hào khi con gái của họ được luyện tập trong môi trường chuyên nghiệp".

Sau những tháng ngày khổ luyện, 3 nữ chiến sĩ không chỉ có nền tảng thể lực tốt mà còn có năng khiếu trong quân sự võ thuật, đạt nhiều thành tích nổi trội. Ba cô gái đều là chủ nhân của chiếc huy chương vàng nội dung bắn súng ngắn ứng dụng tại Hội thi quân sự, võ thuật cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu trong CAND lần thứ II năm 2023. Dung, Yến còn giành được Huy chương vàng chiến sĩ Công an khỏe. Trong Hội thao Cụm thi đua số 5 Bộ Tư lệnh CSCĐ năm 2023, huy chương bạc nội dung bơi ếch thuộc về Dung; Yến và Mơ cùng mang về huy chương vàng nội dung chạy việt dã nữ 3.000m. Mơ còn gặt hái thành công khi đạt huy chương bạc bơi tự do. Đặc biệt, Dung được lựa chọn vào đội tuyển của Bộ Công an tham gia cuộc thi "Lính chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xuất sắc" tại Belarus năm 2023, được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm chiến đấu.

"Ở một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, thiện chiến, các chiến sĩ nữ tuy số lượng ít nhưng đã có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đơn vị trong những tháng ngày đầu tiên thành lập, xứng đáng là những "bông hồng thép" trong đội hình chống khủng bố", Đại tá Triệu Văn Minh nhấn mạnh.

Huyền Châm
.
.