Những bí mật vượt sông của lính công binh
Bảo đảm vượt sông cho người, phương tiện, binh khí kỹ thuật là một nội dung lớn trong chuyên ngành của bộ đội công binh. Đây là nội dung rất quan trọng. Hiện nay, bộ đội công binh có nhiều phương tiện để bảo đảm vượt sông: Khí tài vượt sông nhẹ; cầu TMM-2M; cầu phao TTP; các loại phà PTS, GSP.
Trong những khí tài vượt sông của Bộ đội Công binh thì hiện đại nhất là bộ cầu phao PMP do Liên Xô viện trợ. Trong binh chủng công binh có 2 lữ đoàn là lực lượng nòng cốt được trang bị và làm nhiệm vụ bảo đảm vượt sông bằng bộ cầu phao PMP là 239 và 249. Hiện nay, cơ bản Bộ tư lệnh Công binh đã làm chủ được việc nghiên cứu, sửa chữa và chế tạo các đốt trong bộ cầu phao PMP.
Trong tác chiến quân sự, cầu phao PMP là khí tài vượt sông hạng nặng, nhằm phục vụ tác chiến quân sự quy mô lớn, giúp các phương tiện khí tài tên lửa, xe tăng có tải trọng lớn qua sông. Việc triển khai và bắc cầu phao vào thời điểm nào, ở đâu, nhằm mục đích gì… là do cơ quan tham mưu và người chỉ huy có trách nhiệm ra quyết định. Đặc điểm của cầu phao quân sự là thường được tổ chức triển khai trong điều kiện chiến đấu hoặc diễn tập phức tạp; thời gian sử dụng rất ngắn, đủ đáp ứng nhiệm vụ cơ động binh khí, khí tài vượt qua một chiều rồi thu lại. Việc bắc cầu phao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, địa hình, thời tiết, khí hậu thủy văn; con người, năng lực chuyên môn kỹ thuật và trình độ chỉ huy tác chiến cùng nhiều yếu tố khác.
Trước hết, nói về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của bộ cầu phao PMP.
Cấu hình của bộ cầu phao PMP gồm: 32 đốt khơi, 4 đốt mố, vệt chống lầy và 12 ca nô BMK-150M (hoặc BMK-130M hoặc BMK-T). Những thiết bị này được đặt trên các xe cơ sở chuyên dùng hạng nặng Kraz-255V và cả xe Zil 131.
Một bộ cầu PMP có thể biến hình thành các dạng phương tiện có tính chất khác nhau.
Về cầu, nó có thể bắc được cầu đạt tải trọng 60 tấn, dài 227m và chiều rộng phần xe chạy 6,5m. Nếu bắc cầu trọng tải 20 tấn thì cầu sẽ có chiều rộng phần xe chạy 3,29m, chiều dài cầu lên tới 382m.
Tuy nhiên, nó cũng có thể linh hoạt chuyển thành phà và hoạt động chuyên chở dựa vào sức đẩy của cano.
Trong lịch sử, lần đầu tiên Binh chủng Công binh triển khai bắc cầu PMP vào tháng 12/1980. Lần thứ hai là bắc cầu tại bến Yên Thịnh đợt tháng 2/1982. Khi đó công binh bắc cầu PMP dài 227m và TPP dài 415m. Lần thứ 3 là bắc cầu từ ngày 25/10/2003 đến ngày 18/5/2004, bắc tại bến Khuyến Lương. Sử dụng 2,5 bộ cầu PMP nối liền hai bờ. Tính ra trong 7 tháng, chiếc cầu này đã bảo đảm cho 600.834 lượt xe ô tô qua cầu. Lần thứ 4 là bắc cầu phao Phùng - Đan Phượng, Hà Nội, khắc phục trận lụt lịch sử tháng 11/2008.
Lần thứ năm là bắc cầu phao Chèm, Hà Nội từ tháng 11/2009 đến tháng 5/2010 với chiều dài 680m, đảm bảo cho gần 10.000 lượt xe qua cầu mỗi ngày. Lần thứ sáu là bắc cầu phao sông Đuống từ tháng 6/2010 đến tháng 9/2010 với chiều dài 248m, đảm bảo cho hơn 597.000 lượt xe qua lại trong gần 3 tháng.
Để bắc được cầu phao, ngoài các yếu tố kỹ thuật của phương tiện thì một trong những yếu tố cơ bản nhất, đó là điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn. Lực lượng chức năng phải tiến hành trinh sát bến vượt, chiều rộng mặt sông, chiều sâu lòng sông, lưu tốc dòng chảy và nhiều yếu tố liên quan.
Thông thường, độ sâu chỗ cạn nhất để bắc được cầu phao PMP có tải trọng 60 tấn khác với tải trọng loại cầu tải trọng 20 tấn. Nếu nước cạn quá thì không thể bắc được cầu. Còn khi nước sâu đủ điều kiện bắc cầu thì còn phụ thuộc vào các tham số kỹ thuật khác, trong đó yêu cầu quan trọng là lưu tốc dòng chảy trung bình dưới 2m/s; đường lên xuống bến có độ dốc dọc nhỏ hơn 12%; độ hẫng lưỡi bến nhỏ hơn 0,3m.
Sau siêu bão số 3 qua đi, nước lũ lên rất lớn, lưu tốc dòng chảy mạnh nên Lữ đoàn 249 chưa thể bắc được cầu phao mặc dù đã có công tác chuẩn bị chu đáo trong nhiều ngày.
Mất gần hai tuần chờ đợi thời cơ và làm công tác chuẩn bị, khi nước cạn và tham số lưu tốc dòng chảy dưới 2m/s, Lữ đoàn 249 mới triển khai bắc cầu loại 60 tấn vào ngày 29/9. Tuy nhiên, theo thông tin từ lực lượng chức năng, lòng sông ở khu vực bắc cầu trên Phong Châu có độ dốc lớn nên nước thường chảy rất xiết mà mắt thường không thể xác định được. Đây chính là nguyên nhân khiến ý định bắc cầu PMP không được triển khai sớm.
Nhiều người đặt câu hỏi so sánh với những lần bắc cầu trước thậm chí đã nghi ngờ và đổ lỗi cho trình độ của lực lượng công binh. Tuy nhiên, thực tế lòng sông ở khu vực hạ lưu mà lực lượng công binh đã từng bắc cầu PMP như trước đây ở Hà Nội bằng phẳng hơn, tham số lưu tốc nước đạt yêu cầu cho phép. Vì thế, khi quan sát bằng mắt thường thấy lòng sông ở khu vực Phong Châu rất cạn, nhưng thực tế thì tham số lưu tốc nước không cho phép để bắc cầu.
Ngày 1/10, Lữ đoàn 249 được lệnh rút cầu phao Phong Châu, khiến dư luận nổi lên nhiều đồn đoán. Tuy nhiên, đây là quyết định đúng đắn, dựa trên nhiều căn cứ. Cụ thể, lúc 18 giờ 15 phút ngày 1/10 là 2,5 m/s; lúc 7 giờ ngày 2-10 là 3,1m/s; lúc 13 giờ 30 phút ngày 2/10 là 3,4 m/s. Lúc 5 giờ 30 phút ngày 3/10, lưu tốc nước là 3,2m/s. Cũng trong thực tế, ngày 30/9 và 1/10, để duy trì cầu phao PMP hoạt động liên tục trong điều kiện lưu tốc nước tăng lên 2,5m/s, Lữ đoàn 249 đã tìm biện pháp tăng hệ neo. Tuy nhiên, khi lưu tốc dòng chảy vượt 2,5m/s thì phải cắt cầu khẩn cấp, đặc biệt khi trên dòng chảy có nhiều vật trôi nổi bị cuốn theo không kiểm soát, gây nguy cơ phá hủy cầu.
Ngày 3/10, trong giao ban trực tuyến, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Binh chủng Công binh phối hợp với Quân khu 2 và tỉnh Phú Thọ nghiên cứu phương án sử dụng phà quân sự vận chuyển người dân qua sông.
Đến 14 giờ 30 phút ngày 4/10, chuyến phà PMP đầu tiên do Binh chủng Công binh triển khai đã đi vào hoạt động. Từ đây, các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân địa phương hai bờ sông Thao huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ được nối lại. Tuy nhiên, từ đây nhiều bạn đọc đã thắc mắc về chiếc phà này.
Thực tế thì phà PMP gồm các đốt khơi và đốt mố ghép lại. Tùy vào điều kiện chuyên chở và các yêu cầu kỹ thuật mà tổ chức thành các loại phà có tải trọng khác nhau. Có thể ghép được 16 phà trọng tải 40 tấn với chiều dài 13,5m; ghép được 10 phà trọng tải 60 tấn với chiều dài 20,25m; ghép được 8 phà trọng tải 80 tấn với chiều dài 27,0m; ghép được 4 phà trọng tải 150 tấn với chiều dài 52,75m. Để phà hoạt động cần có các cano chuyên dụng BMK-150M, BMK-130M hoặc BMK-T lai kéo. Trên thực tế ở Phong Châu, Lữ đoàn 249 đã sử dụng các loại tàu đầu kéo để thực hiện nhiệm vụ này thay cho các cano chuyên dụng.
Cầu phao PMP hay phà PMP là khí tài vượt sông quân sự hạng nặng, cho phép triển khai thu hồi nhanh và thông thường là dùng để chuyên chở những phương tiện xe máy, khí tài lớn cả bánh xích và bánh lốp. Thế nên, việc đưa cầu phao hoặc phà PMP vào phục vụ hoạt động dân sinh sẽ không tránh khỏi những bất lợi, trong đó nổi bật là hiệu quả chuyên chở. Ví dụ, một lượt phà PMP tải trọng 60 tấn có thể chở được một chiếc xe tăng T54, nhưng khi khai thác trong lĩnh vực dân sinh thì số lượt người và lượt xe chuyên chở chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tải trọng công suất chuyên chở thiết kế. Điều này là hơi lãng phí. Tuy nhiên, trong yêu cầu cần thiết phải bảo đảm giao thông thì điều này tạm chấp nhận được.
Ngoài cầu phao PMP, Quân đội nhân dân còn có các loại cầu phao khác sử dụng vào mục đích chiến thuật, chiến dịch. Phương tiện này có tên gọi VSN-1.500 và được trang bị tới các lữ đoàn công binh cấp quân khu, quân đoàn. Tháng 8/2019, trước tình hình lũ chia cắt nghiêm trọng, Lữ đoàn 414 (Quân khu 4) đã bắc cầu phao VSN-1.500 dã chiến có tải trọng 1,5 tấn qua sông Luồng tại bản Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đặc điểm của cầu phao này là chỉ để cho người đi bộ, xe máy và những loại xe con 4 chỗ ngồi.