Nhớ về một nhà hát chưa thành hình
“Thú nhận là chục năm qua vẫn đi nghe giao hưởng với một nửa số vé là được bạn hữu cho. Và vẫn mơ mộng mình kịp chống gậy lọm khọm leo lên metro đi sang Thủ Thiêm nghe một đêm nhạc hẳn hoi, do một dàn nhạc nhà ta chuẩn mực bốn quản như lời chú Minh mô tả. Dàn nhạc của Tây thì lúc ấy mình lại về hưu rồi, tiền lương hưu có đủ đâu mà mua vé. Lại chờ đứa bạn già nào nổi cơn nhức mình không đi được cho lại cái vé vậy”.
Những dòng trích ở trên chính là điều mà một bà chị đồng nghiệp báo chí, phụ trách mảng văn hóa văn nghệ của một tờ báo lớn, đã chia sẻ và gắn thẻ (tag) tài khoản facebook của tôi đúng 5 năm về trước. 2018, khoảng thời gian này, người ta tranh cãi nhau loạn xà ngầu xoay quanh dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là Nhà hát Thủ Thiêm). Và ký ức mạng ấy ùa về, nhắc tôi về những chuyện xoay quanh những nhà hát vì ít nhiều nó cũng gắn với nghề tay trái mà tôi đang làm.
Cũng 5 năm trước, trong cái ồn ào về những gì xoay quanh Thủ Thiêm, có một đồng nghiệp khác từng gửi tin nhắn mắng tôi “Anh không đứng về phía nhân dân” khi tôi ra mặt ủng hộ dự án xây dựng nhà hát. Cơ bản, tôi chỉ xét trên cái lý, trên sự thật, và trên điều đúng. Với tôi, những sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm là một chuyện riêng biệt hẳn, nên được tách bạch hẳn so với dự án xây dựng nhà hát. Đất để xây dựng nhà hát không phải đất có tranh chấp và nhu cầu có một nhà hát xứng tầm để TP Hồ Chí Minh hãnh diện là một trung tâm văn hóa nghệ thuật nước nhà là một nhu cầu chính đáng. Cậu đồng nghiệp kia thì khác, cái trò dân túy lừa phỉnh của cậu chỉ đơn giản xoay quanh lý lẽ “cảm xúc của nhân dân” và lập luận rất vớ vẩn “nhân dân không cần thứ cao siêu như giao hưởng. Đó chỉ là thứ phục vụ tầng lớp giàu có và quan chức mà thôi”.
Cách đây khoảng 1 năm, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã phải đắn đo mãi mới đi đến quyết định tạm dừng dự án Nhà hát Thủ Thiêm để tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế sau COVID-19 cái đã. Trước quyết định ấy, rất nhiều những nghệ sĩ đang ngồi dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố đều cảm thấy buồn. Nhưng họ thấu hiểu rằng mục tiêu phục hồi kinh tế cấp bách hơn cả. Kinh tế khá hơn rồi việc xây dựng nhà hát sẽ tiếp tục. Khi ấy, ước mơ được ngồi trong dàn nhạc giữa một nhà hát hiện đại, khang trang, có sức chứa lớn và có âm thanh ánh sáng chuẩn mực của những nghệ sĩ lặng lẽ kia sẽ trở thành sự thực. Và chuyện tập trung phục hồi lại kinh tế, xét cho cùng, là để phục vụ nhân dân.
Không biết, cậu đồng nghiệp “cảm xúc nhân dân kia” hôm nay nghĩ gì về thứ cảm xúc mãnh liệt mà cậu ấy từng đeo mang. Ngày đó, tôi đã nói với cậu ta rằng, “Vâng, nếu cậu thấy nhân dân không cần nhạc giao hưởng vũ kịch thì đó là nhãn quan của cậu. Còn nếu cậu nói cần đứng về phía nhân dân thì tại sao cậu không lên tiếng ngay từ 15-20 năm trước, khi những oan sai đã bắt đầu? Hay là cậu sợ hãi, và chỉ chờ quan tham ngã ngựa thì mới dám lên tiếng thống thiết vì nhân dân? Thực ra thì cậu vì ai? Vì dân hay vì chính mình”.
Bây giờ, nhân ký ức mạng cũ để nói chuyện hôm nay. Số là tôi cũng may mắn vô cùng khi được mời vào trong nhóm sáng tác một vở opera theo đặt hàng của người Nhật Bản để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. Nhóm sáng tác gồm 3 người: nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, một đạo diễn Nhật Bản và tôi. Vở diễn sẽ chính thức được công diễn vào cuối tháng này, ở Nhà hát Lớn Hà Nội và sau đó sẽ diễn ở Tokyo và Nagashaki. Hàng năm, nó cũng sẽ được diễn nhắc lại ở một phiên bản rút gọn (Concert) và cứ 5 năm một lần, nó lại được dàn dựng lại. Để vở diễn ấy ra mắt, chúng tôi mất gần 3 năm lao động và đoàn Nhật Bản cũng sang khảo sát rất kỹ địa diểm trình diễn. Điều rút ra chung nhất của họ là Nhà hát Lớn Hà Nội nhỏ quá. Nó nhỏ cả sức chứa lẫn sân khấu; nó nhỏ cả không gian hậu đài lẫn khu vực kỹ thuật. Thật đúng là chuyện khôi hài: nhà hát rất nhỏ lại được gọi là nhà hát lớn. Nhưng cái khôi hài đó cũng không nên là thứ để mang ra mỉa mai. Nó đã từng lớn so với bối cảnh của quá khứ, của những năm tháng đầu tiên trong nền tân nhạc Việt Nam. Bây giờ, so với thời đại, nó nhỏ đi về nghĩa đen nhưng vẫn rất lớn lao trong lòng người Việt về nghĩa bóng. Nó đúng nghĩa vẫn là một thánh đường nghệ thuật.
Nhưng dù đã ký hợp đồng được để công diễn ở thánh đường nghệ thuật ấy rồi, Ban tổ chức cũng vẫn cảm thấy tiếc nuối vô cùng. Họ không biết trước sự ra mắt kịp thời của Nhà hát Hồ Gươm mà Bộ Công an và UNBD TP Hà Nội phối hợp xây dựng vừa được khánh thành đầu tháng 7 vừa rồi nên đã bỏ lỡ cơ hội để được diễn ở một nhà hát mới mẻ, với sức chứa lớn hơn, khán phòng có kết cấu âm học tốt hơn cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Sự tiếc nuối của ban tổ chức còn lớn hơn nữa khi mới mở bán vé được vài ngày, cả 3 đêm diễn đã cháy vé. Ngay cả những thành viên trong nhóm sáng tác như tôi cũng chỉ được mời có đúng một cặp vé cho mỗi đêm diễn mà thôi và 1 vé trong cặp vé mời đó chắc chắn phải dành cho bản thân mình rồi bởi tác giả luôn cần phải xuất hiện ở cuối màn chào. Nhiều thành viên trong BTC đã thổ lộ đại ý, “Giá như mình biết sớm hơn về Nhà hát Hồ Gươm thì hay biết mấy”. Nhưng tất cả cũng đều tin, và hi vọng rằng, vở diễn có thể tạo ra sức hút cho khán giả Việt - Nhật và do đó nó có thể được tái hiện trở lại ở Nhà hát Hồ Gươm, một nơi xứng tầm hơn nhiều.
Nói chuyện riêng của tôi cũng để mở ra chuyện chung là mấy năm trở lại đây, khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người, các chương trình âm nhạc hàn lâm luôn bán vé rất chạy, đa phần là cháy vé. Ở cả hai đầu đất nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai dàn nhạc giao hưởng đều hoạt động hết công suất. Tuần nào cũng có chương trình hòa nhạc và lịch trình biểu diễn của hai dàn nhạc đã được lên trước cho tới tận năm kế tiếp, được in thành catalogue rất đẹp. Đó là một tín hiệu tuyệt vời thực sự với những người làm nghệ thuật chân chính. Không gì vui bằng việc khán giả tự nguyện mua vé xem các chương trình hàn lâm, nghiêm túc và chuyện mua vé ấy đã thành thói quen. Mà thực tế, vé xem các chương trình hòa nhạc kiểu này không rẻ chút nào. Dễ hiểu, đầu tư cho một đêm diễn như vậy rất công phu với số lượng nghệ sĩ “nhiều như một tiểu đoàn”.
Trong bối cảnh của sự hồi sinh âm nhạc hàn lâm hiện nay, nhu cầu một nhà hát khang trang, sức chứa lớn, xứng tầm là biểu tượng văn hóa của một thành phố là tất yếu. Nhà hát Hồ Gươm ra mắt đúng thời điểm vô cùng. Ở trong giới, ai cũng hiểu Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu vào thời điểm cần đại tu, bảo trì. Thời gian để đại tu, bảo trì ít nhất cũng từ 1 năm trở lên. Nếu không có một lựa chọn xứng tầm khác, không lẽ các nghệ sĩ phải “tạm treo đàn” và thói quen mới hình thành của khán giả cũng sẽ mai một đi ít nhiều. Tiếc vô cùng.
Bây giờ mới hiểu, TP Hồ Chí Minh cần Nhà hát Thủ Thiêm tới mức nào. Nếu không có đại dịch COVID-19, có lẽ giờ này nhiều khán giả thành phố đã có thể ung dung đến với hòn đảo ngọc của mảnh đất phương Nam thưởng lãm những bản giao hưởng kinh điển, xem vở ballet “Kẹp hạt dẻ” mỗi dịp gần Noel, hoặc thưởng thức các chương trình đương đại đình đám như “À Ố Show”, “Làng tôi”. Thôi thì đành hi vọng kinh tế sớm phục hồi, dự án cũng phục hồi và nhanh thôi nhà hát sẽ đi vào hoạt động. Bởi giữa tháng 8/2023, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký ban hành Kế hoạch triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các công trình, dự án được triển khai trên 6 nhóm lĩnh vực. Trong đó dự án Nhà hát Thủ Thiêm là một trong 18 chương trình, công trình, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội được triển khai đầu tư trong dịp này. Dự kiến, dự án được khởi công vào ngày 30/4/2025.
Từ chuyện nhà hát, ta cũng nên suy ngẫm, lên tiếng là quyền của mỗi người nhưng lên tiếng thế nào, dựa trên chứng lý nào, sự thật nào và vì mục đích gì lại là chuyện cần uốn lưỡi bảy lần. Chứ nếu chỉ dựa vào cảm xúc, ta sẽ trở nên ích kỷ vô cùng.