Nhớ Tết thời bao cấp
Ai đã từng sống những năm tháng của thập kỷ 70 trở về trước chắc cũng như tôi, hay nhớ về quá khứ. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, tôi lại nhớ những kỷ niệm Tết xưa, nhất là những cái Tết của thời bao cấp khốn khó.
1. Thời bao cấp, cuộc sống của những người làm nhà nước như vợ chồng tôi, từ cân gạo, lạng thịt, hộp sữa tới mảnh vải may quần áo… tất tật đều trông chờ tem phiếu. Gạo bán ngày nào, thịt bán ngày nào, thịt cắt ô phiếu nào, cá cắt ô phiếu nào, mỗi nhà được mua mấy lạng, rồi thịt gì, cá gì… đều phải ghi nhớ. Vì thế, rất cần phải quen biết… một vài cô em, bà chị bán mậu dịch để còn được ưu tiên mua miếng thịt ngon, con cá tươi, bao gạo ít sạn.
Ngày thường lo cái ăn, cái mặc đã là chuyện không đơn giản. Khi Tết đến thì nỗi lo toan ấy còn tăng lên kèm theo hy vọng Tết năm nay cơ quan lo cho anh em thêm được món gì.
Ngày ấy, để có thể có được cái Tết tươm tất cho gia đình, chúng tôi phải chuẩn bị trước vài tháng, gom dần từ cân gạo nếp, cân đỗ xanh để làm sao trên bếp lửa đêm 30 có nồi bánh chưng, để cả gia đình cùng hít hà mùi khói bếp lửa, mùi của nồi nước mùi già tắm trong ngày 30 và chờ đợi được thưởng thức miếng bánh chưng cho bõ những ngày ăn cơm độn sắn - khoai... trong năm.
Thời bao cấp, có những năm nhà tôi không gói bánh chưng mà được các cô bác nông dân nơi chị dâu tôi bán thuốc gửi cho. Do mến tính tình thân thiện của nhân viên bán thuốc sơ tán tại xóm Xôi - xã Quang Trung, huyện Vụ Bản (Nam Định), nhiều nhà biết dân ở phố ăn theo tem phiếu, thiếu gạo gói bánh chưng nên họ gói cho. Bánh chưng hồi ấy phần nhân chỉ “chạy qua hàng thịt” đâu có được bánh chưng đầy thịt đỗ như bây giờ. Nhưng ăn miếng bánh chưng vẫn cảm nhận cái tình nghĩa của những người nông dân nghèo nhưng giàu tình nghĩa.
2. Nhớ Tết xưa, tôi lại nhớ kỷ niệm mà anh tôi thường đùa là "lỡ duyên vì nồi chè kho nấu đêm 29 Tết".
Ông anh trên tôi lúc đó cũng là giáo viên dạy giỏi ở một trường cấp 2 ngoại thành Nam Định, có cô giáo cùng trường mến mộ. Hai người hẹn nhau tối 29 đi chợ hoa Tết. Nhưng khốn nỗi ông anh tôi đảm nhận đứng canh nồi chè kho (chè kho được nấu bằng đỗ xanh với đường, phải khuấy liên tục cho đến khi đặc lại, chín rồi mới đổ ra đĩa, nếu không sẽ bị khê, nghĩa là sẽ bị cháy sém không đưa lên bàn thờ gia tiên được). Anh tôi mải với “nhiệm vụ” trông nồi chè kho mà lỡ hẹn với người bạn gái đang giai đoạn tìm hiểu. Còn vài lý do khác nữa nhưng anh tôi chỉ nhắc đến "Nồi chè đau khổ" thời đó.
Ngày ấy, gia đình tôi theo nếp xưa khi ba thế hệ ở cùng nhà, ăn chung 1 nồi cơm, các cụ thường bảo: Tam đại đồng đường. Vì thế Tết đến gia đình phân công từng người chuẩn bị Tết nên ai cũng biết việc mình làm và háo hức chờ đón một năm mới với nhiều hy vọng. Do ở thành phố nên sau khi đi lễ chùa đầu năm, cả nhà lại đi chúc tết hàng xóm láng giềng, chúc Tết họ hàng. Thời ấy không có ô tô, xe máy như bây giờ nên chỉ đi bộ. Nhiều nhà cũng như gia đình tôi, kéo “bầu đoàn thê tử” đi bộ trên phố, gặp đoàn nào cũng có lời chúc và lời đáp: "Chúc mừng năm mới". Một tục lệ trong những ngày Tết thật đẹp.
Có kỷ niệm về ngày Tết thời bao cấp ở nhà của vợ tôi thường được nhắc lại là bữa cơm tất niên bao giờ cùng có món lòng lợn và món nem rán. Lòng lợn mua ở quầy mậu dịch do cô bán thịt quen biết dành cho. Các em vợ lúc đó còn nhỏ, háo hức ngồi xem bố làm lòng lợn mà vui như Tết...
Ở phố thị mùi Tết rõ hơn về không khí Tết thời bao cấp. Đó là những ngày nhộn nhịp chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tổ tiên. Nhà tôi ở phố Trần Hưng Đạo - Nam Định, dường như đã thành thông lệ, năm nào cha tôi cũng phải mua được một bó hoa Lay ơn màu đỏ hoặc màu phớt hồng để bày trên bàn thờ gia tiên ở bên phải cùng một nhành hoa Hải đường cắm ở bên trái.
Vào những ngày 29, 30 Tết đi chợ hoa để thưởng thức không khí Tết đến Xuân về. Những năm sau 1975, hoa được chở từ các nơi đổ về thành phố Nam Định bán. Sân Quảng trường lúc đó được bố trí làm chợ hoa Tết. Nhà bạn tôi ở ven thành phố có vườn trồng hoa, năm nào hai cụ cũng ươm một vườn hoa gồm hoa Bướm, Violet, đặc biệt là hoa Thược dược. Hoa Thược dược của hai cụ trồng thường rất to và bao giờ cũng để giáp Tết mới bán; hoa Thược dược hay được cắm cùng hoa Violet trong một lọ hoa, màu tím của hoa Violet cùng với hoa Thược dược nhiều màu tạo nên những bó hoa thật rực rỡ…
Sau 40 năm đổi mới, đất nước phát triển, mỗi gia đình cũng giàu có hơn rất nhiều nên không mấy ai còn phải lo cân gạo, miếng thịt để gói bánh chưng như xưa nữa. Bây giờ, Tết đến chỉ cần một buổi đi chợ đã có thể sắm không thiếu thứ gì. Vì thế, không còn cái cảm giác vừa thấp thỏm vừa mong ngày Tết đến như xưa nữa. Nhiều nhà, vì muốn con cháu biết phong tục cổ truyền mà tổ chức gói bánh, luộc bánh chưng để con trẻ biết cái không khí chuẩn bị Tết, như một cách nhắc nhớ một thời khốn khó xưa để càng thêm quý sự đủ đầy của hôm nay.