Nhớ mùa xuân quê mẹ

Thứ Bảy, 26/02/2022, 11:08

Lại thêm một mùa xuân xa xứ, từ Ukraine, chị Đỗ Thị Hoa Lý gửi những dòng cảm xúc "thả hồn trôi theo làn nước xanh thẳm/ nghe phù du mời gọi phía mờ xa".

Hồi tưởng những mùa xuân quê mẹ với tiếng chuông chùa thánh thót ngân nga, với long lanh mặt hồ gợn sóng, để rồi giật mình thổn thức:

Mùa hoa em còn rực rỡ đâu đây
Nghe nhung nhớ cuộn trào miền ký ức
Giọt sương mềm như bàn tay dệt lụa
Dâng mùa xuân dịu ngọt trong tim.

Đất khách vào xuân mưa bụi êm êm
Khao khát nhớ mùa xuân quê mẹ
Nhành thông biếc ru ta về thơ bé
Nhánh đào phai thắp mãi lửa xuân hồng...

Chị kể, xa quê với bao nỗi nhớ, mà có những nỗi nhớ thật bình dị khi đó là một món ăn dân dã quê nghèo. 33 năm xa xứ, nỗi nhớ quê hương thêm khắc khoải mỗi độ Tết đến, xuân về. Nhớ nếp nhà xưa có hình bóng cha lui cui sửa đồ điện, nhận gò hàn kiếm thêm thu nhập; có dáng mẹ tảo tần sau những buổi tan ca lại tranh thủ làm vườn nuôi con lợn con gà, lo cái ăn cái mặc cho đàn con nhỏ... Bố mẹ chị đều là công nhân nhà máy nước của thị xã Vĩnh Yên. Nhà ở đầu con đê dẫn ra trạm bơm của nhà máy giữa đầm Vạc, những rặng tre xanh mọc giữ hai bên thân đê được bao quanh bởi những ruộng lúa, ruộng rau. Trước mặt nhà là một cái ao nhỏ, cách vài ruộng rau là ra tới đầm...

Nhớ mùa xuân quê mẹ -0
Tết sum vầy của người Việt tại Australia.

Chị kể, chẳng biết từ bao giờ có câu truyền miệng: "Ăn cỗ chín lợn mười trâu/ Không bằng ăn tép dầu đầm Vạc". Con tép đầm Vạc trưởng thành thân trắng muốt, có con cả bụng trứng, lấp lánh dưới ánh mặt trời và béo ngậy, bỏ đầu rút ruột rồi kho tương rất tuyệt. Vĩnh Yên còn có món canh đặc sản, đó là tép dầu nấu với dưa muối từ búp sắn.

"Món ăn dân dã của người nghèo có thể rất kỳ cục với ai đó nhưng lại chính là một phần không thể thiếu được trong bữa cơm của gia đình thời tem phiếu "gạo châu, củi quế". Mấy chục năm xa quê nhưng hương vị của món canh ấy vẫn như đọng trên đầu lưỡi, thấm vào vị giác, in đậm trong ký ức cả một trời nhung nhớ! Mỗi lần về thăm quê, các em lại nấu cho tôi món canh tép dầu búp sắn khiến tôi rơi lệ, nghẹn ngào thương nhớ bố mẹ đã khuất núi, nhớ một thời khốn khó mà gia đình đầm ấm biết bao!" - những dòng cảm xúc nghẹn ngào của người con xa xứ...

Còn chị Nguyễn Thị Trung Hoa (CHLB Đức) thì cảm xúc xuân là cái lạnh vẫn chưa tan gió đông, để hình ảnh bếp củi bập bùng sưởi ấm năm xưa vẫn rực lửa:

Ngoài kia lạnh lắm mùa đông
Trong nhà ngọn lửa bập bùng ấm êm...
Cây mơ mảnh khảnh góc vườn
Ấp ủ những mầm trào nhựa thành hoa!
Mấy nhành xuân mảnh mai kia
Cho đời hy vọng... xuân về nay mai!

Với những người con xa xứ, đón Tết, chào xuân chính là lúc tình đồng hương thể hiện sâu đậm, đó là lúc gia đình, anh em, bè bạn quây quần, tụ họp cùng nhau. Ở Cộng hòa Séc, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam hằng năm đều tổ chức các hoạt động đón Tết ý nghĩa cho các bạn trẻ. Ban Chấp hành Hội thường đưa không gian văn hóa Tết Việt vào các hoạt động thể hiện sự lưu giữ truyền thống văn hóa như cùng nhau gói bánh chưng, gói giò, chả, làm nem... và nhiều món ăn cổ truyền khác.

Tết Nhâm Dần 2022, hội lên kế hoạch từ sớm, tập hợp các bạn trẻ là sinh viên đang du học tại nhiều thành phố khác nhau như Plzen, Olomouc, Zlin, Brno, Praha... để chuẩn bị cho chương trình Tết sum vầy. Trước Tết vài ngày, các bạn trẻ đã gặp gỡ, giao lưu và triển khai hình thức nhảy tập thể (flashmod) tại quảng trường Con Ngựa ở thủ đô Praha.

Trong không khí náo nức của mùa xuân, hòa quyện với tiết trời lạnh của Séc, các bạn trẻ vẫn hứng khởi thể hiện hết mình từng giai điệu, tiết tấu cũng như sự khéo léo, năng động, tươi vui trong từng bước nhảy. Điều thú vị là người dân Séc tỏ ra rất hào hứng và cổ vũ nhiệt tình, từ trẻ em đến người già.Câu chúc "Việt Nam bình an - Chúc mừng năm mới" vang lên giữa cái giá rét của mùa đông châu Âu với cả sự xúc động và niềm tự hào dân tộc. Khoảnh khắc đó mỗi người con xa quê ai nấy cũng như sống lại trong tim cả một trời thương nhớ quê hương da diết. Đâu đó có cả những giọt nước mắt và cả nụ cười hòa chung câu hát "Mẹ nấu bánh chưng xanh, làm gió khẽ lay đưa, cùng tiếng múa lân vang tùng cheng, tùng cheng thích mê chưa..." (bài hát "Tết đong đầy")...

Được thành lập từ năm 2014, trong suốt 7 năm qua, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia thực sự trở thành mái ấm của các chị em và lao động Việt Nam ở xứ người. Là người sáng lập, Hội trưởng Trần Thị Chang hiện đang công tác tại Viện Tim quốc gia Malaysia đã cùng hàng trăm thành viên tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm quy tụ chị em và bà con người Việt, chia sẻ với nhau những lúc khó khăn, buồn vui và cùng một lòng hướng về quê hương, nguồn cội. Không chỉ vậy, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam, các chị còn quyết tâm mở lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt hoặc các cô dâu Việt tại thủ đô Kuala Lumpur. Cũng với sự giúp đỡ của Viện Tim quốc gia Malaysia, các thành viên trong Hội còn tổ chức tư vấn sức khỏe miễn phí cho cộng đồng về các bệnh tim mạch, ung thư, hướng dẫn sơ cứu cho các bệnh nhân bị đột quỵ... Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 suốt 2 năm qua, Hội luôn sát cánh cùng cộng đồng, nhất là những lao động Việt Nam gặp khó khăn ở nước sở tại.

Gửi gắm cuộc sống mới ở Hàn Quốc - một trong những quốc gia có số lượng cô dâu Việt cao nhất trên thế giới, nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn đang hằng ngày phấn đấu để có thể sống hạnh phúc và hòa nhập tốt vào xã hội sở tại. Và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc ra đời từ nhu cầu chia sẻ, tương trợ lẫn nhau, trao đổi thông tin, văn hóa, pháp luật, ngôn ngữ... để hội nhập tốt với nơi đây.

Chủ tịch Hội, chị Mai Thị Hồng Ngọc cho biết, để có thể hòa nhập thành công vào nước sở tại, những phụ nữ Việt tại xứ sở kim chi luôn phải tự tin, vượt qua giới hạn của bản thân, tích cực học hỏi và có ý thức phấn đấu. Đó là lý do mà chị luôn khuyến khích các chị em quan tâm đến những khóa học như "phát triển bản thân", "nói tiếng bản địa thành thạo"...

Sống xa quê hương nhưng những người phụ nữ ấy luôn hướng về nguồn cội. Còn tại Australia, nhóm Mẹ Việt do chị Nguyễn Bảo Châu hiện đang sinh sống ở Melbourne thành lập với mong ước được đóng góp một phần nào đó để cùng xây dựng tình cảm đoàn kết, thân ái giữa các bà mẹ người Việt đang sống tại đây. Là nơi gặp gỡ giao lưu, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau về mọi mặt trong cuộc sống cũng như chia sẻ các kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ tại xứ người, hiện nhóm thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia. Những hoạt động của các bà mẹ càng ý nghĩa hơn vào lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến cuộc sống của người Việt tại Australia, đặc biệt những người mẹ và lao động thất nghiệp.

Là đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng tổ chức ngày 24-11-2021 tại Hà Nội, anh Nguyễn Quang Trường (kiều bào tại Mỹ) chia sẻ tình cảm và những suy nghĩ về văn hóa Việt Nam; mong muốn Ðảng, Nhà nước tiếp tục có những giải pháp thiết thực giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và tiếng Việt. Anh chia sẻ, sống xa Tổ quốc, người gốc Việt thường có xu hướng quần tụ, gắn kết cùng nhau. Các hội đồng hương, hội ái hữu đã ra đời, thành nơi sinh hoạt chung để mỗi dịp gặp nhau là có cơ hội tưởng nhớ tiền nhân, nhớ về quê nhà, giúp đỡ lẫn nhau, có thông tin về nơi "chôn nhau cắt rốn".

Anh chia sẻ, văn hóa Việt chính là yếu tố thúc giục bước chân xa xứ trở về đất mẹ. Dẫu thành công hay thất bại thì người gốc Việt vẫn mong như vậy. Ðối với tuổi già, về để nhìn lại làng quê cũ, mái nhà xưa, về để nghe tiếng nói của bà con mình ồn ã trong buổi sáng đầu ngày, tại những khu chợ nhộn nhịp nơi thành thị hay thôn quê. Hay về để tìm một chỗ an nghỉ trong lòng quê hương khi xuôi tay nhắm mắt. Ðối với tuổi trẻ, về để tìm cơ hội làm ăn, để đóng góp tài năng, sức lực xây dựng quê hương trong vận hội mới và trên chính nơi ông cha mình sinh ra. Khi đất nước đang nỗ lực chuẩn bị điều kiện cần thiết, huy động mọi nguồn lực tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra, rất cần có sự đóng góp nhân tài, vật lực của hơn 5 triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài.

"Và tôi hiểu, Nghị quyết 36-NQ/TW (ngày 26-3-2004) của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và mới đây là Kết luận 12-KL/TW (ngày 12-8-2021) của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã mở rộng cánh cửa đón đồng bào sống xa Tổ quốc nay mạnh dạn trở về đóng góp xây dựng, phát triển quê hương" - anh Trường khẳng định.

An Nhi
.
.