Nhập thần cho vô tri

Chủ Nhật, 30/10/2022, 10:55

Con đường vào làng Xuân Phúc, xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình, gồ ghề sống "khủng long" lầm bụi khiến chiếc xe bảy chỗ hết chồm lên rồi khựng lại cảm giác chạm đáy gầm. Nhưng khi đến con đường bê tông nối các ngõ, nhà lại là một cảm giác khác: Trầm mặc và yên tĩnh.

Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân bảo rằng, từ hồi bé, ông và mọi người chưa bao giờ nghe các cụ trong làng nhắc đến tổ nghề. Sau này, nhiều người bỏ công sức đi tìm, từ các văn bia, sắc phong nhưng cũng không thấy vết dấu. Vậy là đành lấy ngày quyết định thành lập làng nghề làm ngày kỷ niệm.

"Năm 1990, anh Hoàn (nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn) dẫn quân đi làm tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tận Thủ Đức, rồi tượng bộ đội Việt Nam - Campuchia, khi về mỗi người chỉ có mỗi một chiếc vại". Ông Diệu nhớ lại, rồi ông hồ hởi: Sự thay đổi của làng đá bắt đầu từ năm 2005, khi Ninh Vân được tỉnh Ninh Bình, huyện Hoa Lư tạo điều kiện cho một khu đất riêng 11ha, để mở làng nghề.

Chuyện của những nghệ nhân

Chúng tôi vào nhà nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn khi ông đang đánh trần dùng vòi nước xịt bụi đá trên nóc chiếc lầu nhỏ hóng gió được thiết kế kiểu phương đình. Phía dưới có bàn tròn uống nước với sáu đôn tròn màu hơi đục vân hổ phách nhẵn bóng rất đẹp. "Bộ đôn này…" như đoán được sự nghi ngờ của tôi, ông cười, giọng rổn rảng như tiếng khánh đá: "Thì cậu cứ vào bê thử xem có nổi không. Nó hoàn toàn bằng đá khối đấy".

Nhập thần cho vô tri -0
Chế tác đồ đá ở làng đá Ninh Vân.

Nhìn mắt tôi ánh lên sự ngỡ ngàng, ông tiếp. "Đá đó được tôi mang về khi đi làm các công trình, nhiều người cũng nghĩ nó bằng gỗ chứ chẳng riêng gì cậu". Bước vào nhà, căn phòng khách ấm cúng được bài trí với những tượng bán thân đặt trang trọng sát tường hai bên. Bức to nhất bên phải là cụ ông râu dài, dáng quắc thước, thần thái toát lên vẻ an nhiên, tĩnh tại với nhiều nét giống chủ nhà. "Ông cụ thân sinh tôi đấy". Ông giới thiệu khi thấy tôi chăm chú nhìn. “Cụ thân sinh tôi là nghệ nhân Phạm Viết Duân. Còn kia là mẹ cả tôi”, ông chỉ một bức cụ bà với chiếc khăn vấn tóc gọn gàng trên đầu phía tường đối diện giới thiệu hai bức ông bà nội. Tôi ngắm nhìn những bức tượng bán thân màu đồng hun chi tiết đến từng sợi tóc rủ, nếp khăn, nếp nhăn, khóe mắt… vô cùng sống động, cảm giác như đang được ngồi trong căn phòng ấm cúng của một gia đình "tam đại đồng đường" mà mọi người đều đang có mặt và tham gia vào câu chuyện. "Những tượng này đều chính tay anh làm chứ?" - Tôi tò mò. "Vâng.

Sau đó tôi mang đi đúc đồng bên Ý Yên, cụ thân sinh tôi ngày xưa đẹp và tài hoa lắm". Ông rót trà ra chén mời khách rồi chậm rãi. "Ngày xưa các đồ mỹ nghệ đá từ chậu trồng hoa, gạt tàn thuốc ống tăm… của cụ được lạng mỏng lắm. Nhìn nó thanh mảnh, kiểu cách như mê đi". Rồi ông kể, vẫn nhớ cuộc tỉ thí giữa cụ thân sinh mình cùng một cao thủ chạm khắc đá nhất nhì vùng khi làm công trình cho gia đình ông Nhạc, một phú ông giàu nhất nhì vùng với rất nhiều hạng mục chạm khắc đá từ ngoài cổng vào. Ông Nhạc rất thông minh, để kích thích sự ganh đua tay nghề trên chính công trình nhà mình, và cũng thỏa tò mò xem ai giỏi hơn, một lần, ông tổ chức thi chạm khắc đá trên hai bức phù điêu giống hệt nhau, ai thắng sẽ nhận được phần thưởng có giá trị.

Công trình hoàn thành, ông Nhạc mời các thợ,  gia chủ, chức sắc trong làng đánh giá xem ai hơn, nhưng rồi tất cả cuối cùng chỉ biết tắc lưỡi khen, nét đục chắc chắn nhưng vẫn giữ được sự tinh tế, mềm mại, bay bổng. Không một vết thừa, không một nét lỡ tay chạm sâu. Chánh tổng không xử được, phải mời tuần phủ về. Cuối cùng, ông tuần phủ mới nghĩ ra cách, lấy một đoạn dây cước căng ở đường bạt, đường chỉ thẳng đơn giản nhất, lúc đó mới phân tỏ được. Đường bạt của thân phụ ông trăm nhát như nhau không sai một li, một lai. Còn của người kia, chỉ hụt hơn so với tiêu chuẩn một chút xíu, nhìn kĩ mới thấy. Khi đó cuộc thi mới được phân định.

Nói về sự tài hoa của cha mình, ông bảo: "Ngày xưa cụ có đôi ang đá bé thôi, đục mỏng, thanh thoát không một chút gợn như vuốt từ đất sét lên, chạm khắc trên đó đơn giản nhưng tinh xảo. Sau cải cách ruộng đất, đôi ang ấy được chia cho một  nhà khác, tôi phải tìm cách mãi mới đổi được. Cánh nghệ sĩ về lúc nào là sà vào mân mê vô cùng thích thú". Tôi hỏi: "Anh đi theo và được cụ truyền nghề từ bé, cái gì ở cụ là giỏi nhất?". "Đó chính là tạo một đường cong!" - Không cần suy nghĩ, ông trả lời ngay. "Nó không phải một cung hình tròn, mà có độ dốc và cong bất kì như ý muốn, rất nhiều lần tôi hỏi bí quyết sao để làm được, cụ vò đầu bứt tai nghĩ chán rồi lắc đầu bảo: tao chịu, cái này chẳng có công thức gì cả".

Ông cười rồi tiếp, nó khác với những thứ có thể truyền được bằng công thức như bố cục tròn, chữ nhật, vuông. Những thứ này đầu tiên, đầu đuôi phải đánh dấu vẽ trước, chứ không vẽ thứ tự. Chẳng hạn bát hương lưỡng long chầu nguyệt đương nhiên mặt nguyệt làm tim vẽ trước. "Ngày xưa không có mực cụ tôi vẽ bằng gạch non, vẽ đâu đục đến đó, hai con rồng chầu đánh dấu đầu đuôi vẽ trước rồi vẽ bốn chân. Ở giữa mà thiếu thì thêm mây vào. Rồng ẩn trong mây vừa nhiều tưởng tượng vừa giải quyết được những phần không thể hiện được, "bí gí mây" là thế". Ông bảo, đấy là nói vui thế chứ, sự trìu tượng ẩn trong mây cũng nằm trong ý tứ, gửi gắm của các nghệ nhân chứ không phải là "chữa cháy".

Nhập thần cho đá

Những tượng đài, cụm tượng đài sống động, những chú rồng kiêu hãnh đứng chầu hai bên như chuẩn bị cất mình lượn giữa không trung, một bức cuốn thư với những nét khắc bay bổng, một tranh tứ quý như mang cả xuân, hạ, thu, đông vào... để có được cái thần thái, hồn cốt ấy, những phiến đá vô tri không thể không được nhập thần.

Nhập thần cho vô tri -0
Đồ thủ công mỹ nghệ ở làng đá Ninh Vân.

Muốn thế, trước hết phải nhập thần đá - trong hình dung tác phẩm, cho ta đã. Muốn nhập thần thì phải ăn ngủ với nó, liên tục nghĩ về nó, đến khi mình trong khung cảnh ấy, hoàn cảnh ấy, để sao nhìn những khối đá vô tri ngang thành sắc cạnh, lặng im kia, hiện ra cái tác phẩm chuẩn bị làm đầy rưng rưng…. Nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn vẫn nhớ lần làm tượng Bác Hồ về thăm quê đặt ở quảng trường của tỉnh Nghệ An. Nó chính là tác phẩm khiến ông đau đáu. Để làm sao tượng có hồn, thì phải hiểu cảm xúc của Người sau bao năm bôn ba xứ người khi đặt chân lên đất mẹ. Nó lâng lâng nhưng cũng nghẹn ngào sâu sắc. Run rẩy, rưng rưng nhưng cũng tràn ngập niềm vui. "Anh cứ xem kĩ tượng đó, thấy nó nghẹn ngào lắm. Cơ mà đẩy một chút, khóe mắt đẩy một chút, vai rồi hai cánh tay cũng hơi đẩy lên bởi xúc động… Còn cũng như thế, nhưng Cụ về gặp gỡ nhân dân Nghệ An thì biểu cảm sẽ khác. Và càng khác với tượng Cụ tôi làm ở Học viện Chính trị, một nhà chính trị lỗi lạc thì tượng sao phải toát lên vẻ quắc thước, minh triết".

Tình nghĩa người làng đá

Có một chuyện trong lúc vui miệng, nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn kể cho tôi nghe nhưng nó lại toát lên cái tinh thần của người làng đá.

"Một lần gặp cụ Khuyên, từng là Bí thư Hoa Lư rồi Phó chủ tịch tỉnh Ninh Bình đã về hưu, tôi ngỏ ý muốn tặng cụ một bức tượng bán thân bằng đồng. Cụ Khuyên ngạc nhiên, giọng vừa thật vừa hài: “Ơ… tớ nghĩ mãi không ra… không biết tớ nợ cậu cái gì nhỉ”. Tôi cười bảo, thế bác có đồng ý không thì cháu tặng. Chắc cụ sợ mình nhờ vả, xin xỏ gì nên giao hẹn: “Hôm tặng, tớ sẽ mời đội giám đốc, phó giám đốc sở, văn phòng ủy ban, nhưng với điều kiện toàn đội đã về hưu có được không Hoàn”. “Cháu đang cần như thế”, tôi cười, “Nếu bác đang đương chức thì cháu không tặng đâu, vì bác về hưu rồi cháu mới tặng. Hôm tặng tượng cháu sẽ nói lý do tại sao lại tặng”. Hôm ấy cụ bố trí rượu vang bánh kẹo, tôi đặt tượng, phủ nhiễu rất trang trọng và cũng chuẩn bị bánh kẹo rượu vang để làm lễ rước. Lúc ấy cụ Khuyên nhắc lại thắc mắc khi trước: “Không biết tớ nợ cậu cái gì?”. Lúc ấy tôi mới phát biểu: “Báo cáo bác, cháu và làng nghề Ninh Vân được phát triển thế này, công đầu thuộc về bác. Chắc bác không nhớ năm 1980, cháu ở bộ đội về, đói lắm, lúc ấy bác đang Bí thư huyện ủy Hoa Lư, bác đã phát hiện ra cháu (căn cứ vào hồ sơ khi xuất ngũ) và dặn dò trách nhiệm với làng nghề, có gì khó khăn sẽ giúp. Cháu đã rất trăn trở với lời ấy của bác. Sau bao cấp, năm 1986, cơ chế bắt đầu mở, lúc ấy cháu làm Chủ nhiệm hợp tác xã, cháu với anh Khoái, Chủ tịch xã, một người sống phóng khoáng, luôn nghĩ cho làng nghề, không bao giờ nghĩ mảy may tư hữu, hai anh em lang thang đón xe tải chạy vào tận Vinh, lăn lộn tìm hướng đi. Sau này, kể cả khi lên Phó chủ tịch tỉnh phụ trách công nghiệp, bác đã giữ nguyên lời hứa năm nào khi giúp làng nghề ra đời và phát triển".

Chia sẻ về việc đúc tượng ông Khuyên, nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn bảo, đầu tiên ông lên đất, sau đó đổ thạch cao rồi mang sang bên làng nghề đúc đồng bên Ý Yên để đúc. Nhưng không phải ai cũng có thể đúc được. Tượng bình thường, họ cho vào mài thì những đường nét, chi tiết nhỏ mà mình bao tâm sức nặn chả tác dụng gì. Bên ấy có một cậu rất giỏi, cũng khá thẳng tính. Hiểu nhau, nên ông yêu cầu đổ tượng nguyên thổ rồi bóc ra, không động một tí cơ khí nào vào, lên đất thế nào khi đúc ra nguyên vẹn thế, từ nếp nhăn, vết chân chim khóe mắt, khóe miệng… Khi chân dung ông Khuyên đưa về được mở ra, ai cũng phải trầm trồ, thần thái chỉ cần thoáng qua cũng nhận ra.

Càng thấu cảm với vô tri, tâm hồn người ta càng thiện lành, phóng khoáng! N

Nguyễn Mạnh Hùng
.
.