Nhạc sĩ Trọng Loan và chương trình phát thanh âm nhạc đặc biệt

Thứ Ba, 15/04/2025, 08:44

Trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, có một chương trình phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho "phía bên kia". Chương trình có tên gọi "Gửi anh lính cộng hòa", thường được phát sóng vào lúc 23 giờ đêm. Những bài hát binh, địch vận đã là một phần của cuộc đấu tranh tư tưởng thầm lặng, không tiếng súng nhưng vô cùng hiệu quả, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Người được giao phụ trách chương trình đặc biệt này là nhạc sĩ Trọng Loan cùng một số văn nghệ sĩ khác như nhà thơ Tạ Hữu Yên, các nhạc sĩ Văn An, Hoàng Hà, Nguyễn Thành, Thanh Phúc, Lư Nhất Vũ, Đào Việt Hưng...

Năm 1966, nhạc sĩ Trọng Loan nhận nhiệm vụ khi vừa tròn 43 tuổi. Là một nhạc sĩ Quân đội, từng kinh qua nhiều cương vị  trí công tác trong những hoàn cảnh khó khăn và đã có nhiều tác phẩm âm nhạc thành công nên ông đã được cấp trên tin tưởng giao phụ trách công việc này.

Nhạc sĩ Trọng Loạn và chương trình phát thanh âm nhạc đặc biệt -0
Nhạc sĩ Trọng Loan.

Chương trình có yêu cầu rất cao và khắt khe, đó là nhanh, kịp thời, chính xác, đúng định hướng nhưng vẫn phải hay, phù hợp với tâm lý của người nghe (binh lính địch và đồng bào miền Nam ta). Đặc biệt, không được để lộ chương trình phát thanh từ miền Bắc. Nhưng, với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giải phóng đất nước, nhạc sĩ Trọng Loan cùng các đồng nghiệp đã vượt lên tất cả và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kênh phát thanh đặc biệt được xây dựng và duy trì liên tục suốt trong nhiều năm cho đến tận ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong số các tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Loan về đề tài này phải kể tới ca khúc đầu tiên "Nhắn người trai Việt" (năm 1966). Thời điểm đó, Mỹ đang leo thang chiến tranh. Ở miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đẩy mạnh bắt quân dịch hòng đối phó với lực lượng Quân giải phóng đang lớn mạnh của ta, đồng thời tăng cường ném bom phá hoại miền Bắc nhằm cắt đứt đường tiếp viện từ miền Bắc vào miền Nam. Trước yêu cầu phải phá vỡ âm mưu thâm độc của kẻ địch, bài hát "Nhắn người trai Việt" của nhạc sĩ Trọng Loan là một điển hình của việc động viên, thuyết phục hiệu quả binh lính địch quay súng trở về.

Vận dụng lối ví von trong một câu ca dao cổ, ông đã phát triển thêm những ca từ phù hợp với nội dung của bài hát. Bài hát được viết theo thể hai đoạn đơn, mang đậm tiết tấu dân gian Nam Bộ với nhiều nốt luyến láy, hát mà như nói một cách dí dỏm, hài hước có tính chế giễu thân phận của người lính (Sài Gòn) đánh thuê cho giặc Mỹ: "Mấy đời bánh đúc (ư) có xương/ Mấy đời giặc Mỹ nó thương (í a) dân mình… Nhiễu điều phủ lấy (ư) giá gương/ Có cùng nòi giống mới thương (í a) nhau cùng… /Ai đi theo Mỹ tới bây giờ/ Hay chăng cái chết vẫn đang chờ/ Hỡi người sao còn chưa về với xóm thôn/ Nhắn người trai Việt rằng yêu nước hay chăng?". Bài hát được nghệ sĩ Thanh Huyền thể hiện và phát sóng vào tháng 9/1966 đã có tác dụng tuyên truyền rất mạnh mẽ.

Nhạc sĩ Trọng Loạn và chương trình phát thanh âm nhạc đặc biệt -0
Thư cảm ơn của Ban Biên tập Phát thanh Binh địch vận (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) và Đài Tiếng nói Việt Nam gửi nhạc sĩ Trọng Loan

Một ca khúc nữa cũng được nhạc sĩ Trọng Loan sáng tác trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Đó là vào một chiều mùa hè năm 1967, Trọng Loan nhận được nhiệm vụ "khẩn": phải sáng tác ngay một ca khúc về Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vừa mới ra đời trong ngày hôm đó. Yêu cầu phải có ngay bài hát để phát sóng vào chiều hôm sau. Thời gian gấp gáp, cơ quan đang sơ tán xa Hà Nội, các nhạc sĩ khác mỗi người một nơi.

Dù đang phải tập trung làm gấp một chương trình phát thanh theo kế hoạch từ trước nhưng nhạc sĩ Trọng Loan quyết định "nhanh" là sẽ tự viết bài hát về chủ đề này. Suốt đêm dài trăn trở với giấc ngủ chập chờn, bất chợt một tứ nhạc lóe lên trong đầu, ông bật ngồi dậy viết một mạch xong bài hát: "Đi theo ánh sáng soi đường".

Bài hát ở giọng Pha trưởng, nhịp 2/4 thật hào sảng với những ca từ kêu gọi đồng bào miền Nam đi lên theo ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: "Toàn dân miền Nam Việt Nam/ Từ khắp đồng quê, thị thành/ Đi theo ánh sáng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng...". Bài hát được ký dưới bút danh "Hương Lan" (đây là bí danh của nhạc sĩ Trọng Loan trong chương trình phát thanh binh, địch vận - PV) và do ca sĩ Trần Khánh, một giọng nam cao xuất sắc thời bấy giờ thể hiện đã kịp thời phát thanh vào 17 giờ 30 phút chiều ngày hôm sau theo đúng yêu cầu của cấp trên.

"Má cưng ai nhứt?" cũng là một tác phẩm độc đáo của nhạc sĩ Trọng Loan ở mảng đề tài này. Tháng 9/1968, nhạc sĩ Trọng Loan nhận được yêu cầu viết một bài hát ca ngợi tình cảm yêu thương, đùm bọc của các bà má miền Nam dành cho các chiến sĩ Giải phóng quân, nhất là những chiến sĩ từ miền Bắc vào. Bài hát phải mang âm hưởng miền Nam mà ngặt nỗi nhạc sĩ Trọng Loan vẫn chưa từng được vô Nam. Tuy nhiên, qua câu chuyện với những người bạn, người hàng xóm là người miền Nam tập kết, ông đã hiểu được phần nào đặc điểm tính cách, lối sống, cách xưng hô, phong tục tập quán và chất liệu dân ca Nam Bộ.

Cuối cùng tác phẩm khó khăn này cũng được hoàn thành với phong cách hát đối đáp, vui, dí dỏm: "Má cưng (má cưng) ai nhứt, nói xem thử nào?/ Má cưng (a) má cưng nhiều mấy anh giải phóng… Má cưng (má cưng) vô cùng bởi các anh ngày đêm đánh giặc/ Giải phóng miền Nam ta (mà) càng ở xa vô… má càng cưng!". Bài hát do nghệ sĩ Linh Nhâm cùng tốp nữ của Đoàn Văn công Quân đội trình bày với kiểu diễn tấu theo phong cách Nam Bộ đã có tác dụng tuyên truyền rất mạnh mẽ, được đông đảo công chúng yêu mến đón nhận.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới chùm ca khúc ngắn "Khúc ca ân tình" được nhạc sĩ Trọng Loan viết liên tục trong 2 năm 1970 - 1971 với các chủ đề khác nhau. Trong đó bài "Khúc ca ân tình 1" có chủ đề "Chống bình định" được viết với lối hát thủ thỉ, tâm tình, thuyết phục người lính Việt Nam Cộng hòa nhận ra sai lầm khi cầm súng Mỹ bắn vào nhân dân, làng xóm quê hương. Bài hát có những câu như: "Hành quân hôm nay anh đi hướng nào? Còn kìm kẹp gom dân ở những nơi nào? Bình định nơi quê hương ai đây, theo Mỹ mà anh tới/ Khi chính xóm làng anh giặc Mỹ gieo tang". Bài hát do nghệ sĩ Trung Kiên và sau đó là nghệ sĩ Quốc Hương thể hiện với phần đệm piano của nghệ sĩ Hoàng My.

Bài "Khúc ca ân tình 2" có chủ đề "Chống đi lính ngụy theo lệnh giặc Mỹ sang Campuchia" do nghệ sĩ Diệu Thúy đơn ca, với những ca từ: "Ai đi theo Mỹ nơi đất khách quê người (ư) hỏi rằng vì ai? Vai mang súng Mỹ bước đi những ngày dài nặng nề lòng trai…". Bài "Khúc ca ân tình 3" với chủ đề "Nghe lời non nước" do nghệ sĩ Bích Liên đơn ca: "Chớ để cho giặc Mỹ mua anh bằng tiền, bằng bạc/ Chớ để cho ngụy quyền ép anh bằng vọt, bằng roi/ Chúng đưa anh đi giết hại giống nòi, phụ ơn cha mẹ mà phí hoài tuổi xuân"… Bài "Khúc ca ân tình 4" có chủ đề "Gửi người theo Mỹ xâm lăng Nam Lào" do nghệ sĩ Huyền My thể hiện với những câu hát: "Anh đi theo Mỹ sang Lào hay dấn vào hang sâu/ Đem thân trai bỏ phí giữa núi rừng hoang vu/ Theo quân Mỹ độc ác, có hòa bình đâu anh"… "Khúc ca ân tình 5" có chủ đề "Từ bên ni…" do nghệ sĩ Quốc Hương đơn ca: "Anh đang đứng nơi nào ơi anh lính/ Theo Mỹ hành quân hay đóng đồn hẻo lánh/ Có nghe bừng bừng sôi lên từ đồng quê cho tới phố phường/…”.

Năm 1972, chúng ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi để đưa cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ. Các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc cũng trở thành một mũi giáp công rất hiệu quả. Nhạc sĩ Trọng Loan đã viết khá nhiều ca khúc binh, địch vận trong giai đoạn này. Trong đó bài hát "Đi lên cùng chống Mỹ cứu nước" là một tác phẩm tiêu biểu có sức lôi cuốn, hiệu triệu: "Nào anh em binh sĩ chúng ta đi lên nào/ Đồng tâm mau mau phất cao cờ nghĩa/ Trở về với quê hương, về cùng với nhân dân!". Bài hát do tốp ca nam Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện, được thu thanh và phát sóng vào ngày 15/4/1972.

Với phương thức độc đáo, chương trình Phát thanh binh, địch vận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó, nhạc sĩ Trọng Loan đã có những đóng góp to lớn với hơn 20 bài hát đủ các thể loại, từ hành khúc cho đến dân ca, dân gian. Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông còn ghi dấu nhiều tác phẩm tiêu biểu nữa cũng thuộc đề tài này như: "Chung lòng chống Mỹ", "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", "Chào miền Nam, chào Chính quyền Cách mạng", "Chú giải phóng quân ơi", "Tiếng hò trên sông quê hương", "Vùng giải phóng đẹp thay"…

Với những cống hiến đặc biệt này, năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chương trình Phát thanh Binh địch vận (1958 - 1988), nhạc sĩ Trọng Loan đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam gửi thư cảm ơn. Chương trình vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Lưu Nguyễn
.
.