Người Việt nói tiếng Việt

Thứ Tư, 16/11/2022, 09:58

Viết xong một quyển sách, đã có thể thở phào nhẹ nhõm rồi chăng? Tất nhiên. Nhưng rồi, lúc ấy còn nghĩ thêm điều gì nữa? Trăm người như một, trăm miệng đều thốt ra một lời: “Đặt nhan đề như thế nào?”. Như thế nào là hiểu theo nghĩa nhan đề ấy phải ấn tượng, hấp dẫn khiến bạn đọc nhìn thấy/ nghe thấy ngay lập tức phải tìm đọc cho bằng được. Vậy mà, nhà báo Nguyễn Quang Thọ - nguyên Tổng Biên tập báo Yêu trẻ lại cứ như giỡn chơi.

Thì đó: “Người Việt nói tiếng Việt”. Thật hay đùa? Thật đó. Đã là người Việt bất kỳ ai cũng nói được tiếng Việt, vậy, có gì trong sách phải khiến ta tò mò, náo nức tìm đọc? Nhầm chết. Nhầm đứt đuôi con nòng nọc rồi đó.

Dám nói một cách quả quyết như dao chém chuối, nói rằng, không phải bất kỳ ai dù người Việt rặt ròng, dù người Việt chính hiệu con nai vàng cũng nói đúng tiếng Việt và hiểu đúng các từ tiếng Việt. Mà, một khi có vài từ tiếng Việt được chọn lọc, vận dụng để trở thành câu tục ngữ, thành ngữ thì muốn hiểu rõ nghĩa của nó lại càng khó hơn bội phần, có lúc khiến ta cũng bí bị bà rì.

Không tin à? Bạn cứ đọc tập sách này, rồi sẽ có lúc vỗ đùi cái đét, gật gù thích thú: “À, thì ra thế”.

54ff1d_3b6ea13022b54e0f9acae96d437850b4_mv2_d_2085_1390_s_2.jpg -0
Ảnh: S.t.

Thì ra như thế này, chỉ đơn cử một vài thí dụ, qua đó, ta cùng suy ngẫm xem sao. “Từ điển Tục ngữ Việt” (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2010) của Nguyễn Đức Dương có thâu nhận câu: “Sơn lâm chẻ ngược, vườn tược chẻ xuôi” và thừa nhận: “Chưa rõ nghĩa” (tr.770). Với kinh nghiệm của người lính Sư đoàn 304, tham gia chiến trường từ năm 1968, anh Nguyễn Quang Thọ cho biết thời gian chiến đấu ở Quảng Bình: “Chính vì hay làm lán mà tôi thường nghe bọn lính gốc nông thôn mỗi khi chẻ tre, chẻ nứa thường lẩm nhẩm “sơn lâm chẻ ngược, vườn tược chẻ xuôi” để chẻ đúng chiều, không bị lẹo.

Vậy nghĩa của câu tục ngữ này hẳn là kinh nghiệm chẻ tre. Tre rừng thì chẻ ngược, tre trồng vườn nhà thì chẻ xuôi”. Trong từ điển trên cũng có câu: “Cứt cá còn hơn lá rau” (tr.275), lâu nay nhiều người vẫn nghĩ thế, tuy nhiên anh Thọ “chỉnh” lại, phải là “cấn cá” thì mới đúng. Cấn là gì? “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích chính là “cặn”. Hoặc “Xui trẻ con ăn cứt gà” phải là “cứt gà sáp”;  “Nhạt như nước ốc” phải là “Nhạt như nước ốc ao bèo” v.v…                                                   

Nhân nói đến chuyện cá/ con cá, hẳn ta nhớ đến hàng loạt từ/ cụm từ liên quan nhưng mấy ai còn nhớ đến câu “Thật thà như đếm cá giống”. Thành ngữ này hầu hết tự điển bỏ sót, nếu có chăng vẫn là “Thật thà như thể lái trâu”, “Thật thà như đếm”, “Thật thà ma vật chẳng chết”… Vậy, đâu là “nghệ thuật” đếm cá “thật thà” mà ngày trước người Việt đã sử dụng? May quá, anh Thọ cho biết: “Mẹ tôi kể bà từng chứng kiến một người hàng xóm mua cá giống để thả ao. Người bán cá giống vừa đếm cá vừa liến thoắng: ''Hai mươi, hai mốt, con này tốt, bốn mốt bốn hai" rồi đếm đúng, để chỉ một lát sau: "năm nay được mùa, lúa tốt cau sai, sáu hai, sáu ba"... Mỗi lần liến thoắng là lại đếm gian vài con số. Trong mắt người dân quê, người bán cá giống được mặc định là người gian trá và câu thành ngữ “Thật thà như đếm cá giống” thực ra là một lời mỉa mai, thể hiện sự bất tín”.

Những mẩu chuyện nho nhỏ này khiến cho tập sách sinh động hẳn lên, giàu chi tiết của đời sống muôn mặt. Muốn thế, người viết phải giàu vốn sống. Trong chiều hướng này, tôi đồ rằng, ngay cả người Hà Nội, nay ít ai còn nhớ đến câu: “Đi cây đa nhà bò”. Nghĩa của nó ra làm sao? Chịu chết. Vậy, gợi ý thêm bằng… câu đố: “Con gái Hà Nội ở phố nào "mắn đẻ" nhất?”. Đáp án chính xác vẫn là “phố Lò Đúc". Nghe thế, chắc chắn bạn sẽ cười phì vì ngay lập tức trong óc nghĩ đến câu: “Thằng đúc cốt, thằng tráng men” hiểu theo nghĩa bóng.

Nhầm to. Không có gì bỡn cợt. Nghiêm túc đấy. Anh Thọ giải thích: “Phố Lò Đúc có một bệnh viện phụ sản, người ta quen gọi là Nhà thương Cây đa nhà bò. Từ đó dẫn đến sự ra đời của thành ngữ “Đi Cây đa nhà bò”, nghĩa là đi đẻ. Người đi đẻ thường mang theo lỉnh kỉnh nhiều thứ, nên trông lôi thôi, luộm thuộm. Không tác giả nào đưa hai thành ngữ này vào từ điển, mặc dù nếu hỏi lại, có thể có ai đó đã chào đời ở Cây đa nhà bò”.

Rồi kể cả cụm từ rất quen thuộc, nay vẫn còn sử dụng, chẳng hạn, “chính hiệu con nai vàng”, chỉ cần thao tác trên Goolge ta sẽ có “Khoảng 153.000.000 kết quả (0,38 giây)”. Câu này có thể hiểu đại khái sự vật đó là chuẩn, “chuẩn không cần chỉnh”, “chuẩn cơm mẹ nấu”, không phải hàng nhái, hàng giả mạo, không pha tạp, đã “cầu chứng tại tòa”, là chính nó như vốn có, nhờ thế đã đạt đến sự mẫu mực, rất đáng tin cậy… Câu nói này, do đâu mà ra, mà có?

Đến nay, chưa ai có thể giải thích rõ ràng, về phía mình, anh Thọ cho biết: “Thời còn thuộc Pháp, ở Hà Nội có một hiệu thuốc cam trẻ em rất nổi tiếng với nhãn hiệu Con nai vàng. Khi nhà có trẻ bị bệnh, người ta tìm mua bằng được thứ thuốc cam chính hãng ở phố Hàng Bạc. Từ đó mới có thành ngữ “Chính hiệu con nai vàng thủ đô”. Trong quá trình sử dụng, dần dà người ta bỏ bớt hai chữ "thủ đô", nhưng “chính hiệu con nai vàng” vẫn được hiểu là hàng chính hãng nói chung. Hiện nay còn có xu hướng lược bớt hai từ "chính hiệu" và “con nai vàng” rời xa dần nghĩa ban đầu gắn với thuốc cam Hàng Bạc”.

Cách lý giải này, và còn có nhiều cách lý giải khác về lời ăn tiếng nói của người Việt xưa nay đã trình bày trong sách, không rõ sẽ có ai cãi lại không? Nếu có ắt càng vui càng nhộn. Vì rằng, cũng một từ/ cụm từ nhưng tùy vùng miền lại có cách hiểu khác nhau âu cũng là lẽ thường tình. Rồi, một trong trong cái thú của việc đọc sách, tôi nghĩ ngoài việc thu thập thêm kiến thức, thưởng thức, thư giản nọ kia vẫn còn là lúc cãi lại với tác giả nữa.

 Do đó, ta không ngạc nhiên “chất liệu” làm nên tập sách “Người Việt nói tiếng Việt” là trong khoảng thời gian chừng mười năm, anh Nguyễn Quang Thọ đã cãi bằng cách tự mình làm “con mọt sách” để “gặm nhắm” một loạt từ điển đã ấn hành, qua đó, anh phát hiện ra còn có nhiều, rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, hoặc đã thâu nhận nhưng cách giải thích theo anh là chưa thỏa đáng, cần hiểu theo cách khác. Thế là anh mày mò, căm cụi một cách nhẫn nại viết từ 1 từ đến hơn 100 ngàn từ. Không chỉ kỳ công mà còn là một trong những cách thể hiện tấm lòng mình về tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Mà, một khi yêu lấy tiếng Việt tận xương tủy cũng chính là yêu lấy non sông gấm vóc nước Việt đấy thôi.

Khi anh Nguyễn Quang Thọ chọn lấy cách làm trên, tôi nghĩ là một cách đi đúng hướng. Rất đáng biểu dương. Vì rằng, bất kỳ dân tộc nào trên trái đất này cũng đều có cách thể hiện, gìn giữ và lưu truyền trí khôn của chủng tộc mình từ đời này qua đời khác, bất chấp mọi thăng trầm dữ dội của lịch sử. Muốn thế, họ có cách che giấu/ cất giấu mà không một kẻ thù nào có thể phát hiện, tước đoạt nổi. Thì xem đó, “Sách vở - ngoại xâm tiêu hủy/ Bia đá - kẻ thù lật nhào/ Bao nhiêu đình, chùa, miếu mạo/ Điêu tàn, loạn lạc bể dâu…”. Theo tôi, ông bà ta đã chọn cách giấu trí khôn từ kinh nghiệm dựng nước và giữ nước, phép ứng xử trong cộng đồng, chống chọi lại kẻ thù đến gìn giữ đất lề quê thói…; và cuối cùng bằng mọi cách phải tồn tại cho bằng được, phát triển cho bằng được trên mảnh đất thống nhất từ Bắc chí Nam vẫn là lúc thể hiện trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao được đời đời cha truyền con nối.

Vậy, khi chúng ta cùng bàn về thành ngữ, tục ngữ nhằm bổ sung, tìm cách hiểu đúng ý nghĩa, suy nghĩ của người xưa truyền lại cho đời sau là một công việc mà thời nào, lúc nào cũng cần thiết và rất đáng được động viên, tán thành, cùng chung tay góp sức. Qua những gì đã trình bày, anh đã phát hiện ra nhiều câu thành ngữ đã bị “bẻ đôi”. Thí dụ, “Tay chiêu đập niêu không vỡ”, còn thiếu vế sau: “Đánh vợ không đau, xào rau không chín” v.v..

Không những thế, anh còn bổ sung thêm một loạt từ mới/ cách nói mới vừa xuất hiện trong thời gian gần đây để cho sự phong phú, đa dạng, biến hóa tài tình trong hành trình phát triển của tiếng Việt. Chẳng hạn, một khi nói về cái chết, sự qua đời, nhà nghiên cứu Bằng Giang đã làm một quyển sách cho thấy người Việt có cả hàng ngàn cách nói về chuyện này, tùy theo tâm trạng, đối tượng nhưng vẫn chưa từ mà anh đã ghi nhận: “Trong thang máy bệnh viện nọ. hai cô điều dưỡng viên tám chuyện. Một cô bảo: "Ông X không gặp được bác sĩ Y thì đi Mỹ rồi!". Trong văn cảnh đó, đi Mỹ được hiểu như "toi", đi đời nhà ma; đi ngủ với giun và hàng chục thành ngữ khác hàm ý "mất mạng". Tôi không biết, từ bao giờ đi Mỹ lại được sử dụng theo cách đó, và được sử dụng phổ biến tới mức nào. Không thể không thắc mắc, tại sao người ta chấp nhận đi Mỹ đồng nghĩa với "toi mạng"? Câu hỏi này hẳn nhiên là dành cho các nhà Việt ngữ học”.

Nếu “đi/ đi Mỹ” trong ngữ cảnh vừa nêu có nghĩa là “đi tàu suốt”, “đi bán muối”, “đi theo ông bà ông vải”, “đi tong”, “đi tây”, “đi tìm anh sáu tấm”… thì đây cũng là đi/ “Đi Bình Dương” nhưng phải hiểu theo nghĩa khác. Ngoài ra anh còn thâu nhận thêm lời ăn tiếng nói của người miền Nam như “một lô xích xông”, “thấy thương luôn”, “giá tụt quần”, “cắc ké kỳ nhông”, “nát như tương Tàu”, “khóc tiếng Miên” v.v… Chính nhờ yếu tố cập nhật vốn từ, khiến cho tập sách này thêm phần thi vị.

Qua đó, ta sẽ thấy còn có rất nhiều từ/ vốn từ mà nhà văn Việt Nam xưa nay đã bỏ sót, không sử dụng. Những chứng cứ nêu ra trong tập sách này đã chứng minh rõ ràng. Hoặc cũng có sử dụng đó, nhưng lại hiểu không đúng: “Ở thành ngữ “Ba hồn bảy vía”chẳng hạn. Các tác giả “Từ điển thành ngữ Việt Nam” (NXB Văn hóa Thông tin - 1994) cho biết: "... Theo quan niệm dân gian, con trai có ba hồn bảy vía, con gái ba hồn chín vía...". Liền sau đó họ dẫn ra hai trích đoạn của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Nho Túy. Rồi dường như cho rằng như vậy vẫn chưa đủ, họ trích dẫn tiếp một câu của Nguyệt Tú, trong tác phẩm "Chị Minh Khai": "... Bọn cháu cứ chê chị ấy là ba hồn bảy vía bị thơ Phan Bội Châu bắt mất rồi" (tr.40). Đến đây thì tôi lên cơn... cà lăm. Chỉ có thể hiểu rằng các tác giả định thông báo: thật ra chị Minh Khai… là trai đóng giả gái để che mắt địch, hoạt động cách mạng”. Rõ ràng, đây là một trường hợp “nhặt sạn”, “dọn vườn” thú vị.

Trở lại với câu nói mà tôi đã quả quyết như dao chém chuối, rằng người Việt chắc gì đã hiểu tiếng Việt? Nhằm chứng minh, tôi xin dẫn chứng về từ “đí địn” mà anh Nguyễn Quang Thọ đã nêu ra: “Từ “đí địn”, tôi đã tra trong “Từ điển Tiếng Việt phổ thông” và không thấy, mà cũng tin chắc nó không nằm trong bất kì cuốn từ điển nào. “Đí địn” chỉ xuất hiện một lần trong câu chuyện sau đây và bạn sẽ hiểu ngay nghĩa của nó trong văn cảnh. Chuyện rằng có một chị vợ cực đoảng. Một hôm anh chồng bắt được một con ba ba, giao cho vợ làm bếp rồi đi làm đồng, bụng chắc mẩm chiều về có mồi ngon sẽ rủ bạn lai rai vài xị đế. Chị vợ thả con ba ba vào nồi, bỏ thêm vào đó vài ngọn rau mùng tơi rồi bắc lên nấu trên bếp củi. Trong khi chị lúi húi vo gạo thì con ba ba thấy nước nóng lên, nó bèn bò ra khỏi nồi rồi đi mất. Chị vợ đoảng vo gạo xong, mở vung nồi canh xem thử. Chị ta lấy đũa khoắng, nhận ra rau mùng tơi vẫn chưa kịp chín, nhưng ba ba đâu thì chẳng thấy. Chị ta cứ bần thần ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi đi đến kết luận: "Mùng tơi chưa chín, đí địn đã tan".

Với tập sách “Người việt nói tiếng Việt” xin nhấn mạnh, nếu anh Nguyễn Quang Thọ đã mạnh cãi lại những gì từ điển đã in, tất nhiên, nay ắt cũng có người sẽ… cãi lại anh. Được thế, câu chuyện bàn về tiếng Việt càng thêm hữu ích, rôm rả và lan rộng hơn nữa…

Lê Minh Quốc
.
.