Người giữ ký ức miền quan họ

Thứ Bảy, 01/01/2022, 10:24

Suốt một thập niên qua, hai chị em nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Sang (67 tuổi) và Nguyễn Thị Thềm (63 tuổi) miệt mài đi sưu tầm những hiện vật liên quan đến quan họ xưa. Nỗi lo sợ thế hệ trẻ sau này không có sự hiểu biết về loại hình văn hóa dân gian ấy khiến hai bà chẳng quản khó khăn để "tầm" bằng được những thứ quý giá của những liền anh liền chị từ nhiều thế hệ trước đang dần mai một.

Tất cả những kỷ vật ấy được sắp đặt sang trọng trong "Thư viện quan họ" tại ngôi nhà riêng của nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm.

1. Chúng tôi về làng Diềm (phố Viêm Xá, phường Hoà Long, Bắc Ninh) tìm hỏi nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm thì được những người dân ở đây mau mắn trả lời. "Hai cô hỏi nhà chị hai Sang, chị hai Thềm, nơi có "Thư viện quan họ" đúng không? Đi thẳng thêm mấy chục mét nữa, thấy ngôi nhà màu vàng 4 tầng phía bên trái thì là nhà của chị hai Thềm nhé".

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi bước vào một khoảng sân rộng, phía trên treo rất nhiều giò phong lan. Bên phải là một căn phòng rộng, phía ngoài đề dòng chữ to "Thư viện quan họ". Thấy có khách gọi, một người phụ nữ lớn tuổi chạy ra, đó chính là nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Thềm.

Người giữ ký ức miền quan họ -0
Bà Sang và bà Thềm chia sẻ về bộ trang phục quan họ cổ nhất mà mình sưu tập được.

Mời chúng tôi vào nhà rồi bà Thềm lấy máy gọi ngay cho chị gái của mình. Bà bảo với chúng tôi: "Có được cái thư viện quan họ này là công của chị Sang to lắm". Khi được hỏi cơ duyên nào đã khiến chị em bà có ý định sưu tầm và xây dựng "Thư viện quan họ" thì bà Thềm cười đáp: "Chị em chúng tôi luôn đau đáu một điều, làm thế nào để các thế hệ sau này biết được trang phục của những người đi chơi quan họ xưa ra sao. Đó chính là một cách để gìn giữ loại hình văn hoá dân gian để nó không bị mai một và mất đi. Ngày nay khi thành lập đoàn quan họ họ buộc phải ăn mặc xanh đỏ rực rỡ để phù hợp với ánh sáng của sân khấu".

Theo lời nghệ nhân Sang thì ngày xưa các cụ đi chơi không có nhiều quần áo như bây giờ. Nhưng mỗi bộ quan họ nói chung thì thường mặc 4, 5 lớp vải liền nhau. Trang phục của anh hai, chị hai sẽ được chia ra làm hai loại. Đối với các liền anh liền chị nhà có điều kiện thì quần áo sẽ được may bằng lụa tơ tằm, có yếm xồi, bao xồi, thắt lưng, xồi xe. Ngoài ra còn  dây đeo xà tích (trong cái xà tích sẽ có con dao, lá trúc, vôi, trầu, vỏ, kim chỉ). Trầu, vỏ là để ăn, còn kim chỉ là phòng trường hợp áo xổ chỉ sẽ có cái khâu lại luôn. Những anh hai, chị hai nhà nghèo hơn thì trang phục chỉ là áo tứ thân may bằng vải thâm đất.

Kể lại "công cuộc" đi tầm những hiện vật quý của quan họ xưa, nghệ nhân Sang tâm sự: "Thực sự là không hề dễ dàng chút nào. Bởi ngày xưa đa số các cụ đi hát thường chỉ có một bộ quần áo duy nhất thôi, nhà giàu thì vải mềm như tơ, nhà nghèo thì vải cứng như bao tải. Chính vì có duy nhất một bộ nên hầu như không ai muốn cho hay tặng người khác cả. Ai cũng muốn giữ để làm kỷ niệm. Thế nên khi chúng tôi đến ngỏ ý xin thì các cụ đa số đều lắc đầu. Có nhiều trường hợp hai chị em tôi phải khó khăn lắm mới thuyết phục được. Lần đó chúng tôi đến nhà một bậc lão niên trong làng ngỏ lời xin cụ bộ quan họ xưa. Cụ cứ ngần ngừ mãi nói là bộ quần áo đó đã theo cụ cả tuổi thanh xuân cho đến tận bây giờ. Nó là minh chứng cả quãng đời sôi nổi, yêu quan họ của cụ. Thế nên cụ muốn khi qua đời sẽ mang theo bộ quần áo đó xuống cửu tuyền. Cụ đùa bảo, biết đâu dưới đấy vẫn có hội và tôi lại tiếp tục tham gia hát quan họ".

Lần thứ nhất đi xin không được, hai chị em bà Sang rất buồn, cả hai cứ bần thần, ngẩn ngơ. Dù không nói ra nhưng trong đầu cả hai chị em bà đều nghĩ, đó là bộ quan họ cổ nhất, nếu không thể sưu tầm được thì thật sự thiếu sót. Qua vài ngày, hai bà rủ nhau quay lại đó một lần nữa. Lần thuyết phục này cũng thất bại như lần trước đó. Nhưng không bỏ cuộc, lần thứ 3 khi hai bà đến thì bậc lão niên ấy bảo rằng: "Tôi nhìn thấu rõ tâm tư của hai bà rồi, thấy hai bà tâm huyết với quan họ thế tôi rất cảm động. Tôi đồng ý "hiến" bộ đồ quan họ này cho hai bà nhưng đổi lại hai bà phải mua cho tôi một bộ quần áo quan họ khác để biết đâu tôi còn có dịp biểu diễn". Được lời như mở tấm lòng, ngay trong ngày hôm đó bà Thềm đã đi đặt ngay một bộ quần áo quan họ thật đẹp về tặng bậc lão niên ấy.

Trong thư viện quan họ, ngoài những bộ quần áo xưa, những chiếc dây xà tích và những đôi hài đậm chất quan họ thì còn có rất nhiều vật dụng khác phục vụ cho cuộc vui quan họ. Chỉ vào chiếc mâm cổ, bà Thềm giải thích: "Cỗ của người quan họ thường là xếp 3 tầng, trong lòng mâm sẽ bày mấy bát miến măng, phía trên vành mâm sẽ bày thịt gà, giò và phía ngoài vòng quanh mâm sẽ bày xôi chè, bánh trái". Cạnh đó là một chiếc nồi đồng, chuyên dùng để nấu cơm cho các liền anh liền chị. Các dịp hát quan họ thường là diễn ra vào các ngày lễ của làng, hay các anh hai chị hai có con cái lấy vợ gả chồng. Mỗi dịp như thế này thì hội quan họ sẽ hát thâu đêm suốt sáng.

2.Được biết, bố mẹ của hai nghệ nhân Sang và nghệ nhân Thềm đều là những anh hai, chị hai có tiếng của làng Diềm. Mẹ của hai bà từng là người dạy hát cho Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc. Cụ cũng là người truyền lửa đam mê quan họ cho hai cô con gái. Bà Sang kể rằng: "Ngày xưa, làng có đoàn ca quan họ. Hai chị em tôi theo mẹ đến nhà chứa quan họ (nơi tập trung các liền anh, liền chị trong làng) để học hát. Ngày xưa, chỉ tính riêng làng Diềm cũng có tới 9 nhà chứa quan họ. Để được trở thành nhà chứa của các liền anh liền chị không hề dễ dàng. Điều kiện đầu tiên là không gian ngôi nhà phải thật rộng rãi, thoáng mát. Không chỉ vậy mà chủ của nhà chứa cũng phải là người có nhiều đời hát quan họ".

Người giữ ký ức miền quan họ -0
Những vật dụng trong mâm cơm quan họ cổ ngày xưa.

Với chị em bà Sang, quan họ giống như không khí, như cơm ăn nước uống hằng ngày. Nó ngấm vào máu của hai bà tự lúc nào không hay. "Hồi còn bé mỗi lần theo mẹ đi biểu diễn chị em chúng tôi hồi hộp, phấn chấn lắm. Nghe các liền anh liền chị đối đáp nhau chúng tôi thấy phấn khích vô cùng. Về nhà, ngoài giờ học và giờ ngủ ra thì hai chị em tôi lúc nào cũng hát", bà Sang tâm sự.

Chính bởi tình yêu vô bờ bến với quan họ nên hai bà luôn lo lắng môn nghệ thuật này sẽ bị mai một và biến hoá. Vì muốn lưu giữ những hiện vật quý của các liền anh, liền chị quan họ xưa, nghệ nhân Thềm đã sử dụng một phòng riêng biệt, rộng rãi trong ngôi nhà của gia đình mình để trưng bày "đồ nghề", hiện vật liên quan đến quan họ mà hai chị em sưu tầm được. Đến nay, hai nghệ nhân đã tìm được hàng chục bộ quần áo, giày dép, khăn vấn và các vật dụng khác của các liền anh, liền chị quan họ truyền thống. Có bộ quần áo của chị hai, anh hai quan họ tuổi đời hơn 70 năm.

Biết tin nghệ nhân Sang, Thềm mong muốn lập bảo tàng quan họ, nhiều người dân Bắc Ninh cũng xin góp sức. Điển hình, anh Nguyễn Hải Nam (người Bắc Ninh) công tác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ngại bỏ công, góp của để tìm những cuốn sách, tư liệu viết về quan họ. Đến nay, anh Nam đóng góp vào "bảo tàng" quan họ của hai nghệ nhân hơn 50 đầu sách viết về quan họ.

Nói về cái nôi quan họ, hai nghệ nhân già không giấu được niềm tự hào. Bà Sang kể rằng, năm 2012, hai chị em bà vinh dự được đại diện cho 49 làng hát quan họ cổ sang Pháp quảng bá quan họ. Đây là chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Lần đầu tiên xuất ngoại, hai bà không khỏi hồi hộp và có phần lo lắng. Nhưng trước tình cảm nồng hậu của những khán giả Việt kiều dành cho mình, hai bà lại thấy tự tin và tự hào hơn bao giờ hết. Bà Thềm kể: "Những người Việt kiều họ thích kiểu hát chay của chị em tôi hơn là nghe có nhạc. Có bà cụ tầm ngoài 80 tuổi không bỏ sót chương trình lưu diễn quan họ nào của đoàn. Tôi thấy lạ quá nên đánh liều đến gần hỏi sao chương trình nào cháu cũng thấy cụ đến xem vậy thì cụ nói tôi nhớ quê hương lắm, giờ lại được nghe hát quan họ cổ theo lối hát chay tôi thấy sung sướng vô cùng. Chính bởi niềm đam mê đó nên dù có những điểm diễn cách nhà cụ tới gần 1.000 cây số thì các con của cụ vẫn vui vẻ chở mẹ đến xem không thiếu buổi nào".

Không chỉ thích vì được nghe hát chay mà nhiều Việt kiều tại Pháp khi được chứng kiến hai bộ trang phục mà bà Sang và bà Thềm mặc trên người họ đã thốt lên: "Đây mới chính là quan họ nguyên bản. Nhìn thấy các chị chúng tôi như được về thời xa xưa". Có những khán giả còn bẽn lẽn đến nhờ hai bà têm cho vài miếng trầu cánh phượng để thắp hương lên ban thờ cho vơi bớt niềm thương nhớ quê hương.

Năm nào vào mỗi dịp hè hai bà Sang và Thềm đều mở các lớp dạy quan họ miễn phí. Nhưng nhiều khi cũng chẳng theo mùa nào, hễ ai có nhu cầu học hát quan họ thì hai bà đều luôn rất sẵn lòng. Có người, ban ngày phải đi làm quần quật nhưng đêm đến vẫn lui tới nhà bà Thềm để được có cơ hội "thoả mãn niềm đam mê" môn nghệ thuật truyền thống. Bà Sang cười khoe: "Hạnh phúc nhất là khi ra đường, các em các cháu hồ hởi chào cô hay chào chị hai. Đó là thứ tình cảm gần gũi và tôn trọng mà không phải ai hát quan họ cũng có được".

Trâm Anh
.
.