Người đưa gấu thoát khỏi làng

Thứ Bảy, 27/04/2024, 08:09

Đầu tháng 4 vừa qua, 3 chú gấu ngựa ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vừa thoát khỏi lồng sắt chật hẹp để được trở về với thế giới sống bán hoang dã đáng mơ ước trong Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), nâng tổng số gấu được cứu hộ thành công tại xã này lên 24 con.

Có mặt tại "điểm nóng" Phụng Thượng -  địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước, chúng tôi cảm nhận được rõ nét sự thay đổi. Bao năm qua, việc cứu hộ gấu ở Phụng Thượng chưa bao giờ là điều dễ dàng…

1. "Với những đặc thù riêng của xã Phụng Thượng, nhiều hộ gia đình đã nuôi gấu từ trước năm 2004. Được gọi là chợ mật gấu, xã trở nên nổi tiếng khi khách hàng khắp nơi đổ về. Những lồng gấu được trưng ra giới thiệu cho khách. Biển quảng cáo bán mật gấu treo nhan nhản với rất nhiều công dụng chữa bách bệnh. Giờ thì cảnh ấy không còn ở xã tôi. Đàn gấu bây giờ thuộc sự quản lý của Nhà nước rồi. Mật gấu cũng không còn được coi là thần dược nữa", bà Hoàng Thị Nương - Trưởng thôn 2, xã Phụng Thượng nói với chúng tôi.

Năm 2006, khi Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Chính phủ được ban hành, điểm nóng này dần thay đổi. Tiếp đó, theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP và việc thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động thực vật hoang dã nguy cấp khiến công tác quản lý bảo vệ động vật quý hiếm có cơ sở để tiến hành chặt chẽ hơn.

Người đưa gấu thoát khỏi làng -0
Các chuyên gia gây mê và khám sức khỏe cho gấu trước khi cứu hộ gấu từ nhà người dân.

Các hộ gia đình nuôi gấu ở Phụng Thượng thực hiện theo các quy định của Nhà nước. Số lượng gấu còn lại do các cơ quan chức năng các cấp thường xuyên kiểm tra, theo dõi biến động. Giờ đến Phụng Thượng không còn thấy những biển quảng cáo bán mật gấu và các sản phẩm từ mật gấu. Người dân bây giờ e dè với mật gấu hơn, không còn đổ xô đi mua như trước nữa. Nhiều sản phẩm thảo dược hỗ trợ về sức khỏe đã được nghiên cứu và phát miễn phí cho bà con sử dụng, có tác dụng thay thế mật gấu.

Theo ông Nguyễn Việt Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 5, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thì ngoài số gấu người dân đã giao nộp, ở Phụng Thượng còn 91 con gấu được nuôi nhốt ở 16 cơ sở nuôi gấu. Số gấu này được gắn chíp để quản lý sát sao theo mã số, rất nhiều năm nay không phát sinh thêm cơ sở nuôi gấu mới. Tuy nhiên, vì mục tiêu đối xử nhân đạo với loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ này thì gấu sẽ có được môi trường sống tốt hơn, được bảo vệ chu đáo hơn ở các trung tâm cứu hộ gấu. Do đó mục đích cuối cùng là phải vận động các cơ sở nuôi nhốt gấu tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước.

2. Hạt Kiểm lâm số 5 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) nằm phía sau cây xăng xã Liên Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Chúng tôi tìm đến đây gặp ông Nguyễn Việt Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 5, là bởi trong những câu chuyện giao nộp gấu ở Phụng Thượng, bà con luôn nhắc tới "anh Hà kiểm lâm" một cách gần gũi. Câu chuyện về nghề, về quá trình vận động người dân giao nộp gấu của ông Hà khiến chúng tôi hiểu rằng, cuộc chiến bảo vệ rừng không chỉ diễn ra trong những cánh rừng, mà ở ngay trong địa bàn dân cư.

Người đưa gấu thoát khỏi làng -0
Ông Nguyễn Việt Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 5 (bìa phải) trong một lần người dân giao nộp gấu ở xã Phụng Thượng.

Từng làm việc ở Viện Điều tra quy hoạch rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó chuyển công tác về các Hạt Kiểm lâm, tính đến nay đã hơn 30 năm ông Hà gắn bó với rừng. Hạt Kiểm lâm số 5 quản lý nhiều mảng trong lĩnh vực lâm nghiệp tại các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức và quận Bắc Từ Liêm. Nhưng có lẽ việc giám sát, quản lý bảo tồn đàn gấu, vận động người dân giao nộp gấu là một lĩnh vực đặc biệt nhất với các cán bộ ở đây.

Ngay từ những đầu những năm 2000 khi đang quản lý địa bàn huyện Phúc Thọ, ông Hà đã có mặt trong tổ công tác tới kiểm tra các cơ sở nuôi gấu ở Phụng Thượng để siết lại những quy định của Nhà nước về hoạt động này. Điều đáng mừng là những năm vừa qua, công tác vận động người dân giao nộp gấu ngày càng có chuyển biến tích cực. Chỉ trong quý I/2024 đã có 4 cá thể gấu được giao nộp. Đây là kết quả của những nỗ lực của cán bộ kiểm lâm, chính quyền địa phương, Tổ chức động vật châu Á và cả những hộ gia đình giao nộp gấu để loài vật này có một cuộc sống tốt hơn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hà chia sẻ những câu chuyện đầy tâm tư của người làm nghề để đưa gấu ra khỏi làng. "Nếu vận động bà con giao nộp gấu ở nơi khác mất khoảng 5 ngày, thì ở địa bàn Phụng Thượng mất hàng nửa năm. Bởi người dân địa phương từ xưa đã có truyền thống chăn nuôi. Họ bỏ tiền ra mua gấu về nuôi, coi đó là tài sản nên việc giao nộp lại là điều không dễ dàng", ông Hà đúc kết. Từ năm 2016, những hoạt động của Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam thuộc Tổ chức Động vật châu Á đã góp phần rất lớn trong việc từng bước phá vỡ điểm nóng nuôi nhốt gấu ở đây.

Một kỉ niệm mà ông Hà không bao giờ quên. Đó là thời điểm đầu tháng 4/2019, con gấu đầu tiên ở Phụng Thượng được người dân tự nguyện giao nộp cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Nó được đặt cho cái tên Army. Nhưng đáng thương là con gấu rất ốm yếu. Mặc dù các bác sĩ thú y hết lòng chăm sóc, cứu chữa nhưng khi về Trung tâm nó chỉ sống thêm được 33 ngày. Dù là một kỉ niệm buồn, nhưng với ông Hà đó thực sự là một bước ngoặt quan trọng, là dấu hiệu của sự thay đổi trong nhận thức người dân. Bởi trước đó mặc dù đã tiến hành vận động tuyên truyền bằng nhiều hình thức mà chưa có chuyển biến. Cuối cùng thì cũng đã có người đầu tiên tự nguyện giải phóng gấu. Để rồi sau đó có nhiều người dân, chủ trang trại gấu cũng thuận tình cho cứu hộ gấu. Từ 2019 đến nay, người dân Phụng Thượng giao nộp 24 cá thể gấu.

Đến tháng 7/2022, gia đình ông Nguyễn Văn Thao ở xã Phụng Thượng là hộ gia đình đầu tiên giao nộp toàn bộ đàn gấu gồm 7 cá thể, chấm dứt việc nuôi gấu vì mục đích thương mại. Khi mà việc nuôi gấu ở Phụng Thượng là phong trào có tính cố kết tập thể thì những người tiên phong trong cộng đồng luôn là điều khó khăn. Ông Thao từng chia sẻ: "Mọi người xung quanh đều bảo tôi gàn dở, mang cả sản nghiệp đi cho. Nhưng khi nói chuyện với các cán bộ kiểm lâm, tôi hiểu rằng việc giao nộp gấu là hợp lý. Giờ thì 7 con gấu đã được trở về với thiên nhiên xanh mát, tôi thấy nhẹ lòng hơn. Thay vì nuôi gấu, vợ chồng tôi đã chuyển sang trồng và chăm một vườn bưởi lớn".

Công tác tuyên truyền khó, phải kiên trì, lâu dài, không thể diễn ra một sớm một chiều. Muốn thế, không còn cách nào khác là phải bỏ công bỏ sức thường xuyên thăm các hộ nuôi gấu, trò chuyện, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ động vật hoang dã. Từ trụ sở Hạt kiểm lâm số 5 ở Đan Phượng, không biết bao nhiêu lần Hạt trưởng Nguyễn Việt Hà đến Phụng Thượng ở huyện Phúc Thọ với mục đích đưa gấu rời làng. "Nhiều lần chúng tôi tổ chức cho bà con đi thăm quan thực tế tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Nhiều người đã yên tâm hơn khi họ tận mắt thấy các cá thể gấu được nuôi dưỡng trong điều kiện bán hoang dã rất tốt, giúp loài gấu hồi phục sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần sau thời gian dài bị nuôi nhốt tù túng trong lồng sắt", ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, "bí quyết" của việc tuyên truyền hiệu quả là phải tìm "tình huống tuyên truyền". Có những tình huống chưa chín muồi, chưa hợp lý thì phải tìm, chờ tình huống khác. Nhiều năm qua, hành trình cứu hộ gấu luôn có những tình huống thật éo le. Nhiều trường hợp sự đồng thuận giao nộp gấu trong gia đình không giống nhau. Có khi ông chồng đồng ý nhưng bà vợ lại không đồng ý, cứ ngồi khóc sụt sùi do nhớ tiếc gấu đã gắn bó bao năm. Có nhà người con đồng ý nhưng ông bố do tiếc xót gấu nên kiên quyết không để gấu ra khỏi cổng nhà. Nhiều nhà chỉ trao trả một hai con trong đàn gấu. Do vậy không chỉ tiếp cận từng gia đình mà còn phải làm công tác tư tưởng cho từng người. Nay bà vợ đồng ý, còn ông chồng thì sao, người con thì sao? Chỉ cần trong gia đình có một người đồng ý thì đấy là một tín hiệu tốt để tác động đến những người còn lại.

Đối với các cán bộ kiểm lâm, mỗi khi có người dân đồng ý giao nộp gấu, cảm giác rất mừng, vừa phấp phỏng lo âu đến mất ăn mất ngủ khi chưa đạt được mục đích cuối cùng là đưa con gấu ra khỏi làng. Bởi thế công tác cứu hộ gấu cần được tính toán, lên kế hoạch kĩ lưỡng. Nguyên tắc trong vận động bà con là phải văn minh, thân thiện, không chỉ trích và phải linh hoạt. Có gia đình trình bày nguyện vọng gấu phải được đưa về Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để gia đình còn đến thăm. Nếu đưa gấu vào khu cứu hộ ở Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế) thì… xa xôi quá. Cán bộ kiểm lâm phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con. Bởi thế, người dân ở Phụng Thượng quý trọng và coi ông Hà như một người thân tình, là chỗ tin cậy để hỏi han, nhờ tư vấn giúp đỡ.

Để tạo nên sự thay đổi ngày hôm nay ở Phụng Thượng, những người chủ động giao nộp gấu, vượt thoát khỏi cộng đồng để thay đổi thực sự là người dũng cảm. Cần có hình thức động viên kịp thời để họ tiếp tục có những ảnh hưởng tích cực đến nhiều hộ dân khác. Trong mỗi cuộc cứu hộ, các cán bộ kiểm lâm luôn cẩn trọng từng khâu. Nhất là bước tiến hành kiểm tra chip, đối chiếu đúng đối tượng gấu, kiểm tra đối chiếu hồ sơ gấu trước khi người dân bàn giao. Bao năm qua, Hạt trưởng Nguyễn Việt Hà đã góp phần mang lại thành công cho những cuộc cứu hộ gấu.

Hỏi về mục tiêu phía trước, ông chỉ cười bảo: "Các cán bộ kiểm lâm luôn phấn đấu vận động, cứu hộ và chăm sóc thêm nhiều cá thể gấu nhất có thể để đưa chúng về với môi trường sống mà chúng xứng đáng thuộc về".

Huyền Châm
.
.