Người bạn và Kiev qua "bãi bể nương dâu"

Thứ Tư, 03/01/2024, 20:34

Hơn 30 năm trước, chuyến tàu tốc hành đưa tôi từ ga Moscow lúc 21 giờ tối và 7 giờ sáng hôm sau tới Kiev, nơi tôi sẽ học 5 năm tại Trường Tổng hợp Đỏ. Tôi gặp anh T trong một trường hợp khá đặc biệt hết sức ngẫu nhiên và thế rồi giữ mối quan hệ khá lâu trong hàng chục năm.

Chúng tôi cùng lứa tuổi. Anh thi đại học cao điểm và sang Kiev học ngay, còn tôi đi bộ đội rồi về thi đại học nên đi học nước ngoài muộn hơn. Khi tôi tới Kiev học năm đầu tiên thì anh đã kịp tốt nghiệp đại học và lấy một cô gái Nga xinh đẹp tên là Lena làm vợ.

1. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh sinh một cháu trai đặt tên An Tôn (tên của nhà văn Anton Pavlovich Chekhov nổi tiếng) và gọi theo tiếng Việt là Anh Tân. Thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm gia đình với chơi với cháu bé. Các bạn Nga cũng yêu cháu và trong các buổi tụ tập ở nhà anh T, họ nói: "Sau này chú bé sẽ là chuyên gia của Liên Xô về Việt Nam". Chúng tôi nghe thế mỉm cười và nghĩ: "Có khi ngược lại".

a 2.jpg -0
Thành phố Kiev trước khi xảy ra chiến tranh.

 Anh T đăng kí đi làm ở một công sở của bạn nhưng đồng lương chắc eo hẹp. Có lần anh nói với tôi: "Khi mình đi học, là khách nên họ đối xử thân thiện; còn ở lại đi làm ở đây thì sự đối xử không được như trước". Tôi hiểu ý anh. Có lần anh nói: "Tớ đến cơ quan thì nói chuyện bằng tiếng Nga về nhà nói chuyện với vợ và gia đình cũng bằng tiếng Nga nên mong cậu gọi điện thoại nhé, để tớ được nghe tiếng Việt".

Thỉnh thoảng đám bạn đồng nghiệp nơi công sở anh làm rủ anh cuối tuần ra Đát-cha (nhà nghỉ) ở ngoại ô vui chơi giải trí, anh hay gọi tôi đi cùng. Đát-cha là một ngôi nhà cấp 4 bằng gỗ xinh xắn ở ngoại ô thành phố. Cả bọn hơn chục người tụ tập ở đó rồi cũng nhau nướng các loại rau củ và thịt. Trong khi họ loay hoay nấu nướng thì tôi lang thang tán gẫu với ai đó hoặc đi xem xung quanh ngôi nhà. Đến lúc mùi thơm ngào ngạt bay lên, đám thanh niên gọi váng: "Việt  đâu về đây hưởng lạc thôi", thì tôi mới trở lại.

Giữa mùa đông băng tuyết ngồi trong nhà ấm áp, tợp ngụm vodka nóng sực nhắm với thịt nướng Shashlik béo ngậy thật thú vị. Có lần họ mời tôi kể về chiến tranh ở Việt Nam. Tôi kể cho họ nghe đêm hành quân mang vác súng đạn, tiếng gầm rú của pháo, bom đạn và những đồng đội trẻ gục xuống vĩnh viễn ra sao. Những chàng trai tóc vàng mắt xanh lơ nghe tôi nói mà không thể hiểu. Từ bé họ chưa nghe tiếng súng và chưa thấy máu chảy. Khi mùa đông băng giá họ lên núi nghỉ và mùa hè phơi mình trên một bãi biển nào đó ở Crimea.

Chúng tôi đi vào rừng Nga những buổi sớm để hái nấm. Tôi được dạy cách phân biệt các loại nấm tốt và độc. Tinh sương khi cánh rừng đang mơ ngủ, sương trắng cuồn cuộn bao phủ rừng bạch dương và hương rừng ban đêm thơm ngát mùi tuyết. Dịp nghỉ lễ 1/5, chúng tôi vào cắm trại ngủ trong rừng. Hết đông, khi băng tuyết đã tan, rừng sạch tinh, hầu như không còn loại côn trùng sâu bọ nào có thể cắn hoặc đốt. Có thể yên tâm ngủ ngon lành trên thảm cỏ mềm mại. Loại động vật duy nhất là lũ quạ kêu suốt đêm. Nước nấu ăn thì múc ở suối, củi sẵn có đủ để nấu súp. Sau 2 ngày chơi thỏa thích trong rừng đến phát chán, cả nhóm lại trở về với thế giới văn minh. Hôm sau anh T hoảng hốt gọi điện nói chỗ bữa trước mình ngủ đêm cách một thị trấn vừa có vụ nổ nhà máy điện nguyên tử. Do bên nhà vợ có người ở đó sơ tán về. Vài hôm sau nữa thì báo chí chính thức đưa tin nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã phát nổ. Đó là những ngày tháng 5 nóng khó quên của năm 1986 ở Kiev. Một không khí căng thẳng kinh hoàng lan truyền khắp thành phố. Các toa tàu chật ních người tháo chạy.

Vào cuối những năm 80, các sinh viên lấy vợ Nga được công nhận hợp pháp và có thể đưa thân nhân về Việt Nam thăm gia đình. Vào một mùa hè, anh T đưa vợ con về quê hương. Tất cả chúng tôi, những bạn bè của anh đều lo lắng vì Hà Nội những năm đó còn bao cấp và cuộc sống khá vất vả vì thiếu điện nước, chưa có điều hòa nhiệt độ cũng như các dịch vụ khác... Vợ anh T là một cô gái nhân hậu rất yêu chồng và do đó yêu Việt Nam. Tuy nhiên có nhiều cô dâu Tây sau khi theo chồng về Việt Nam khi quay lại Nga thì tỏ ý thất vọng vì không ngờ quê chồng quá nghèo khó.

Một tháng sau hai vợ chồng và cháu bé trở lại. Gương mặt Lena vui vẻ rám nắng của mùa hè Hà Nội. Sau này tôi có hỏi: "Ở Hà Nội Lena có khó chịu không?". Anh T nói không sao, chịu được, chỉ có hôm trời nóng quá thì ra ở tạm khách sạn. Có một chuyện anh kể làm chúng tôi cười bò, đó là ở Hà Nội thời bao cấp các gia đình thường chỉ có một nhà vệ sinh chung (hố xí bệt) thường là nhiều gián, chuột. Dân Tây thì rất sợ chuột nên mỗi lần Lena đi vệ sinh là anh phải cầm gậy vào khua khoắng một hồi cho lũ chuột chạy đi. Nhưng có một lần không hiểu sao còn sót một con. Khi Lena vào thì nó phi ra làm cô hét toáng lên.

2. Cũng như bất cứ gia đình người Xôviết nào thời đó, thu nhập của vợ chồng anh không dư dả gì. Thu nhập thêm của gia đình dựa vào tìm mua thuốc Tây  (giá bao cấp nên rất rẻ) gửi về nhà và từ quê hương lại gửi sang quần bò, áo phông những thứ đang được giá ở Liên Xô thời đó.

Năm 1990, người Việt sang Liên Xô khá đông, đi học, xuất khẩu lao động và đi du lịch (mà kì thực là đi buôn) nên phong trào làm ăn trong thế giới người Việt khá phát triển. Xuất hiện những "soái" và các đường dây buôn xuyên quốc gia. Buôn nghiêm túc có, buôn lậu có. Do sinh sống lâu năm tại Kiev nên anh T có mối quan hệ thân quen với các cán bộ của chính quyền địa phương. Anh kết nối để Ukraine xây cho Việt Nam một nhà máy thủy điện và trả lại bằng hàng hóa Việt Nam đang được thịnh hành là quần bò, áo phông cành mai, quần chíp hoa hồng...  Phi vụ này rất thành công nên anh T kiếm được khá bẫm do ăn phần trăm.

Năm 1991, Liên Xô tan rã, súng nổ khắp nơi. Dù nguy hiểm nhưng người Việt vẫn cứ phải lao vào làm ăn. Đối mặt với mafia và cảnh sát hàng ngày, người Việt vẫn buôn xanh (USD), buôn quần bò và vàng bạc. Anh T lúc này đã có vốn và mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương. Anh nhanh chóng bắt nhịp, về Việt Nam và quyết định xây tại Bình Dương một nhà máy sản xuất các loại thuốc Nam dược như cao Sao Vàng, các loại thuốc làm từ dược liệu Việt Nam rồi xuất khẩu sang Ukraine. Có mối quen biết và thuốc nam dược cũng có hiệu quả tốt nên anh thường bán thẳng cho Bộ Y tế của bạn chứ không phải bán lẻ từng hộp. Dần dần các mặt hàng các chủng loại nhiều hơn và mẫu mã cũng đẹp hơn. Công việc xuất khẩu thuốc phát triển rất tốt, vợ chồng anh nghỉ việc nhà nước để chuyên tâm quản lý công ty riêng. Nhà máy ở Bình Dương thì giao cho các em phụ trách. Trong vòng 20 năm, công ty của anh phất lên nhanh chóng và anh trở thành một doanh nghiệp tên tuổi ở Kiev.

Thỉnh thoảng vợ chồng anh về Hà Nội ăn Tết và chúng tôi lại cùng nhau ôn lại những kỉ niệm thời còn đi học với bao mộng mơ. Anh hay mang tặng cho các con tôi những hộp kẹo chocolate nho nhỏ ngọt đậm vị sữa mà thuở nào là niềm yêu thích của chúng tôi.

Năm 2014, khi mối quan hệ Nga - Ukraine căng thẳng, đặc biệt sau sự kiện Crimea, chúng tôi phỏng vấn anh trên báo. Anh có nói là tình hình căng thẳng nhưng không thể xảy ra chiến tranh. Chúng tôi - những người đã từng học ở Liên Xô cũng đều tin như vậy. Dù sao Nga - Ukraine là những người anh em ruột thịt. Thế rồi tháng 2/2022, chiến tranh đã xảy ra theo đúng nghĩa đen bất chấp mọi phỏng đoán và tin đồn.

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" khai hỏa được vài ngày, nhớ anh T, tôi tìm số điện thoại anh T để hỏi thăm nhưng than ôi, khi thay máy điện thoại mới, các số điện thoại và email của anh T không còn. Cuộc chiến lan rộng và tình hình ngày một bi đát hơn. Tôi lo lắng cho anh và gia đình anh. Giờ này anh ở đâu? Gia đình và các cháu thế nào?

Năm 2023, chiến tranh lan rộng, những địa danh quen thuộc khi xưa giờ đây vang lên trên tivi từng ngày ở chương trình thời sự về cuộc chiến: Zaporizhzhia, Kherson, Crimea... Kiev giờ đây cũng dính tên lửa và cách không xa cuộc chiến.

Các bạn cùng lớp của tôi giờ ra sao? Ai còn ai mất trong cuộc huynh đệ tương tàn? Bất ngờ một hôm trên Zalo của tôi hiện lên dòng chữ: Việt phải không, anh T đây anh đang ở bên nhà bố mẹ ở địa chỉ… Tối nay sang đây. Quá ngạc nhiên tôi vội phóng sang ngay. 

Nhắc lại ngày đầu nổ ra chiến tranh, anh T kể rằng: "Sáng hôm đó là một ngày cuối mùa đông, trời lạnh và băng tuyết lốm đốm trên đường, tin các quân đoàn Nga nổ súng được loan báo nhanh và mọi người dân đều bất ngờ. Cả gia đình tôi vội vã lên xe và phóng về hướng biên giới Ba Lan. Ra tới đường quốc lộ thì thấy hàng nghìn xe ôtô cùng chạy về hướng đó. Do vậy xe đi rất chậm và xăng được bán rất ít cho mỗi lần mua vì còn để dành cho xe sau. Khi hàng chục nghìn ôtô chạy về biên giới thì chúng tôi cũng gặp hàng nghìn các loại xe cơ giới thiết giáp chở binh lính trẻ măng chạy theo hướng ngược lại. Mọi người ai cũng giơ tay chào và chúc may mắn cho những người lính trẻ. Phải sau 3 ngày chúng tôi mới tới Ba Lan, ngày trước thì chỉ đi nửa ngày".

Từ Ba Lan, gia đình anh đi tiếp sang Anh vì con trai đầu đang làm việc tại London. Ở vài tháng, Lena không quen với cuộc sống ở đây nên cả nhà lại trở về Bình Dương, nơi cạnh nhà máy. Ở đây có cơ sở của anh T cũng có thể sống tạm ổn. Rồi cũng chỉ được vài tháng cô vợ kêu buồn và nhớ nhà, thế là tất cả gia đình quay trở về Kiev. Về tới nơi anh T thấy một số khách sạn của anh trúng tên lửa đã bị phá hủy. May mà nhân viên không bị thương vì công ty đã cho nghỉ. Bom đạn và tên lửa ùng oàng liên tục đêm cũng như ban ngày.

Anh cho biết hiện tại nhà máy ở Bình Dương đang cần xuất khẩu các lô hàng sang một số nước khác nên anh phải có mặt tại Bình Dương để đốc thúc. Lena và con thì vẫn trụ tại Kiev. Vài tháng, anh bay về Warsaw (Ba Lan) rồi xuyên biên giới Ba Lan - Ukraine bằng xe bus chạy về Kiev gặp vợ vài ngày. Sau đó, anh trở lại Warsaw và bay ngược về TP Hồ Chí Minh.

Nghe anh kể chuyện, tôi tưởng tượng anh ngồi trên xe bus chạy qua những cánh đồng loang lổ cỏ xanh và hố bom đạn, xa xa là các cột khói vẳng tiếng ùng oàng tên lửa đạn pháo. Vài ngôi mộ mới lấp sơ sài bên đường. Vào những ngày này năm 1944, Hồng quân đã vượt sông Dnepr giải phóng Ukraine khỏi bọn phát xít rồi tiếp tục tiến về hướng Tây. Có lần Lena nói ông nội cô có một người bạn thân cùng trung đoàn sống tại Moscow, họ đã cùng nhau giải phóng Ba Lan rồi tiến tới  cắm cờ ở Berlin. Sau chiến tranh họ vẫn thư từ và thỉnh thoảng đi họp cựu chiến binh trung đoàn. Cả hai đã mất lâu rồi. Giờ này con cháu ông đang ở đâu…

Tôi chợt nhớ cánh rừng ở ngoại ô Kiev năm nào. Sương trắng cuồn cuộn bao phủ những thân cây bạch dương loang lổ như dấu lệ chưa khô. Thảng thốt tiếng quạ kêu...

Nguyễn Thiên Việt
.
.