Ngũ lâm âm nhạc: Đông tà, Tây độc, Nam đế

Thứ Bảy, 27/08/2022, 11:05

Trong dòng chảy Tân nhạc Việt, nếu ngũ bá đời đầu có Đông tà Anh Bằng, Tây độc Trần Thiện Thanh, Nam đế Phạm Đình Chương, Bắc cái Lam Phương và Trung thần thông Phạm Duy thì ngũ bá thế hệ 2.0 gồm những ai, theo bạn?

Tụ họp trên đỉnh Hoa sơn, các cao thủ võ lâm đã có cuộc Hoa sơn luận kiếm. Sau nhiều lần tỷ thí, cả quần hùng đã phân định được Thiên hạ đệ nhất. Thế giới võ hiệp Kim Dung cuối cùng đã xác định được Thiên hạ ngũ tuyệt: Đông tà Hoàng Dược Sư, Tây độc Âu Dương Phong, Nam đế Đoàn Trí Hưng, Bắc cái Hồng Thất Công và Trung thần thông Vương Trùng Dương. Giang hồ có võ lâm ngũ bá, vậy ngũ lâm âm nhạc Việt có không?

Không xưng hùng tranh bá trong làng nhạc nhưng những tác phẩm đã tôn vinh người nhạc sĩ theo quy luật của nghệ thuật và thời gian. Trong dòng chảy Tân nhạc Việt, nếu ngũ bá đời đầu có Đông tà Anh Bằng, Tây độc Trần Thiện Thanh, Nam đế Phạm Đình Chương, Bắc cái Lam Phương và Trung thần thông Phạm Duy thì ngũ bá thế hệ 2.0 gồm những ai, theo bạn?

Đông tà Phú Quang

13 1.jpg -0
Nhạc sĩ Phú Quang.

Nếu có thể cô đọng và hàm súc về hơn 200 ca khúc trong sự nghiệp âm nhạc Phú Quang vào chỉ trong ba từ thôi thì ba từ đó là gì? Ba từ đó chính là: mùa đông - Hà Nội - nỗi nhớ. Bởi tuy sáng tác nhiều thể loại âm nhạc nhưng chiếm lĩnh trong lòng công chúng vẫn là những ca khúc về Hà Nội - mùa đông - nỗi nhớ trong một sự tích hợp đầy tự sự, bởi tình khúc hay con người Phú Quang phải là và thuộc về nỗi nhớ mùa đông Hà Nội! Hà Nội, mảnh đất nặng tình nhất trong tâm hồn nhạc sĩ. Nỗi nhớ phủ lên các nhạc phẩm Phú Quang đến độ như rêu xanh, cũ như phố cổ và man mác thoảng buồn như buổi chiều lặng. Một nỗi nhớ đẫm huyền về mùa đông dù vẫn biết những thu vàng gợi hình đầy cảm xúc trong ông là tuyệt phẩm “Đâu phải bởi mùa thu”.

Một ngày chớm đông (13-10-1949), tiếng khóc sơ sinh của cậu bé Quang chạm vào cơn gió trở mùa. Rồi khi trải qua những ngày đông giá buốt, các trò chơi con trẻ đã trở thành kỷ niệm, đậm lắm trong thức cảm Phú Quang. Và những mối tình đi qua thời trai trẻ, có khi tê tái gió mùa đông bắc… Những nỗi niềm với mùa đông ấy, khởi thành những thanh âm trong sáng ngày ông học Nhạc viện, thành tiếng vọng bật ra giai điệu giàu tâm sự và thành khát vọng ngày trở lại khi ông vào Nam công tác hay khi ra nước ngoài. Như một thói quen với mùa đông, Phú Quang lại tổ chức chương trình âm nhạc cho mình cứ mỗi mùa đông tới. Để vợi nhớ Hà Nội đầy thương mến. Để về lại phố xưa, tìm âm thanh cũ, kiếm hoài niệm bảng lảng bâng khuâng... Tiếng nhạc biểu cảm một tình yêu đằm thắm. Giai điệu rung động một tình yêu nặng lòng. Hà Nội, mùa đông trong Phú Quang là những hoài niệm ăm ắp đẹp. Không gian cho sự hoài tưởng đó có khi chỉ là một cây bàng mồ côi, một góc phố nhạt nhòa, một con đường rất đỗi thân quen... Với Hà Nội, chỉ lặng lẽ, chỉ một chút nhỏ nhoi những gì của ngày xưa, thậm chí chỉ một màu đêm rét mướt... cũng làm dịu lại xúc cảm trực trào dâng trong ông. Và kỷ vật về Hà Nội, về mùa đông dù ngập tràn cũng không thể nguyện thỏa được lòng ông.

Và cũng thật lạ kỳ, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi ông về cõi thiên thu cũng vào một ngày đông (8-12-2021). Ông không thể chọn mùa đông để từ bỏ trần gian (sinh hữu hạn, tử bất kỳ) mà chính là mùa đông đã thu ông vào vòng tay của mình. Dường như thần thức ông đã có hẹn với mùa đông. Ở nơi miên thinh ấy, không biết nỗi nhớ mùa đông trong ông có nguôi bớt phần nào không. Nhưng chắc chắn một điều rằng mùa đông đã chiếm phần lớn tâm cảm ông. Hà Nội đã bao phủ hồn ông. Còn nỗi nhớ thì muôn đời vẫn thế…

Mùa đông - Hà Nội, hai yếu tố ắp đầy trong cảm hứng sáng tác của Phú Quang. Nếu lấy chữ Đông trong mùa đông ghép với chữ Hà trong Hà Nội sẽ thành Đông Hà (nói chệch thành Đông tà) nên có thể gọi ông là Đông tà của nhạc Việt được không? Ông đã chọn mùa đông, Hà Nội, hoài niệm tích hợp vào nhau để nhung nhớ diết da, để viết thành ca khúc thiết tha nỗi niềm. Đa số ca khúc Phú Quang bật lên từ những tứ thơ của người khác nhưng những hoài nhớ trong ông về mùa đông, về Hà Nội thì đã chất chứa trong thẳm sâu cõi lòng. Ý thơ của các thi sĩ chỉ là giọt nước làm tràn chiếc ly nỗi nhớ mùa đông Hà Nội được cất giữ nơi trái tim ông. Bài hát của Phú Quang yên bình, ít sóng dữ nhưng chẳng vì thế mà mờ phai nét nhạc. Đâu cứ phải cần cường độ cao, nhịp gấp mới bày tỏ được tâm can. Chỉ lãng đãng, cứ quạnh vắng thôi... mà âm nhạc Phú Quang lại đậm thấm đến vậy.

Hà Nội trong Phú Quang là một không gian hoài cổ, cũ kỹ, buồn nhưng bình yên đến nao lòng. Một Hà Nội vừa đặc quánh bảng lảng vừa lãng đãng sương huyền khói ảo. Khi chưa là nỗi nhớ, khi chưa tới mùa đông thì Hà Nội là hình ảnh đẹp âm thầm, còn khi đã chạm vào, Hà Nội thành khúc trữ tình nhẹ nhàng mà quặn thắt, bàng bạc mà se sắt… Hà Nội, trong bối cảnh nhấp nhô phố, lô xô mái, là thuộc về Bùi Xuân Phái. Còn trong khung cảnh mùa đông, Hà Nội ở miền nhớ thẳm miên phải gắn liền với Phú Quang. Âm nhạc Phú Quang day dứt Đông tà là thế.

Tây độc Nguyễn Cường

13 2.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Nguyễn Cường, gã cao bồi phố cổ, vốn là chàng trai Hà Nội gốc. Thế nhưng, đã nhiều người cứ ngỡ rằng Nguyễn Cường sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên. Không ít người tưởng rằng ông là người Thượng. Và đã rất nhiều bạn trẻ say mê với “Ly cà phê Ban Mê”, “Và ta vừa thấy mặt trời”, “Thênh thênh oh ơi”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Ơi Mađrắk”, “H'Ren lên rẫy”, “Còn thương nhau thì về Ban Mê”, “Vòng tay Đam San”, “Nhịp chiêng buôn K'Siar”, “Nghiêng nghiêng rừng chiều”, “Đôi mắt Pleiku”…

Người Tây Nguyên không đối với ông như khách từ phương xa tới mà coi ông như đứa con cưng của đại ngàn. Người Thủ đô thì mến yêu mà gọi ông là "người rừng". Phần lớn cuộc đời ông đã sống với cái nắng, với cái gió cao nguyên, tuổi trẻ ông đã uống nước sông Sê san, dòng K'rông Ana, đã nghe chim Chơ rao hót trên dãy Lang Bian, đỉnh Chư P'rông, tâm sức ông đã đắm chìm trong tiếng cồng, tiếng chiêng, trong nghệ thuật âm nhạc dân gian các dân tộc Êđê, Jarai, Bana…

Âm nhạc Nguyễn Cường không chỉ thuần nhất một giọng Tây Nguyên bởi còn các đề tài khác sáng tác trước đó như: “Hò biển”, “Một nét ca trù ngày xuân”, “Đàn cầm dây vũ dây văn”, “Say trăng”, “Bi ca Trọng Thủy”, “Mái đình làng biển”… song mọi người biết đến nhiều nhất và ấn tượng mạnh nhất về ông vẫn là các ca khúc Tây Nguyên độc đáo. Nét độc đáo nữa là Nguyễn Cường không dùng bất kỳ một từ Tây Nguyên trong bất cứ tác phẩm nào mặc dù ông được xem là người đã đưa chất liệu âm nhạc Tây Nguyên vào ca khúc của mình một cách nhuần nhuyễn. Mỗi khi ông đến Tây Nguyên là lại có ca khúc mới được ra đời, thậm chí có sáng tác là cảm xúc ngẫu hứng ngay tại chỗ mà chẳng cần phải thai nghén dài lâu.

Văn hóa Tây Nguyên, âm nhạc Tây Nguyên vốn là kho tàng đậm bản sắc rất riêng như chính màu bazan của đất đai hùng vĩ, sắc xanh của Trường Sơn trung kiên. Vẻ đẹp cao nguyên vốn hoang sơ, sức sống cao nguyên vốn khoáng đạt. Nhiều nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc về Tây Nguyên và cũng đã thành công, tỷ như Hoàng Vân (Tình ca Tây Nguyên), Văn Thắng (Tháng ba Tây Nguyên), Đức Minh (Em là hoa Pơ lang), Tô Hải (Sông Đắc K'rông mùa xuân về)… nhưng hình ảnh Tây nguyên hiện lên là một cao nguyên từ bên ngoài nhìn vào. Còn khi nghe âm nhạc Nguyễn Cường ta thấy rất rõ từng hơi thở mãnh liệt của gió ngàn, của thác núi phát ra từ âm hưởng những bài ca. Cái nội lực từ bên trong Tây Nguyên bung tỏa ra từ mỗi tiết tấu giai điệu. Cái khí lực Tây Nguyên phát tiết ra ngay cả trong những khúc ngân không lời. Mọi người hát như gọi mời mặt trời, cực kỳ sôi động, như một cơn rock rừng tràn về Hà Nội và mọi miền đất nước, làm sững người các nhạc sĩ bản địa.

Bằng tình yêu và duyên phận với Tây Nguyên, trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19, Nguyễn Cường đã hoàn thành tâm nguyện, vở ca kịch “Khát vọng Đam San” lấy cảm hứng từ sử thi Đam San huyền thoại, ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Tây Nguyên.

Tuyệt kỹ âm nhạc của Nguyễn Cường là các Tây khúc chưa ai sánh kịp. Cảm xúc rock từ nhịp sống hiện đại, chất rock từ khí chất người Tây Nguyên, viết nhạc về Tây Nguyên, chưa ai sáng tác nhiều và đạt đến độ độc đáo như Nguyễn Cường.

Nam đế Thanh Tùng

13 3.jpg -0
Nhạc sĩ Thanh Tùng.

Sinh ở Nha Trang năm 1948, là học sinh miền Nam, theo cha mẹ tập kết ra Bắc, tốt nghiệp trường Chu Văn An, sang học Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng rồi lại trở về miền Nam chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và sau năm 1975, Thanh Tùng về sống tại TP Hồ Chí Minh. Ông là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa Bông Sen. Thanh Tùng bắt đầu sáng tác ca khúc năm 1975 và trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp năm 1987. Sau đó ông chuyển sang kinh doanh và không thấy công bố tác phẩm nữa.

Năm 1975, Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” cho một vở cải lương. Từ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, chủ yếu là thập niên 90 thế kỷ trước, ông đã sáng tác khoảng hơn 200 ca khúc với rất nhiều những bài hát nhanh chóng chinh phục người nghe, được công chúng yêu thích, như: “Lối cũ ta về”, “Cảm ơn mùa thu”, “Em và tôi”, “Hoa tím ngoài sân”, “Một thoáng quê hương”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Tình không biên giới”, “Vĩnh biệt mùa hè”… Tên tuổi của ông vì thế lóe sáng lên. Trong số các nhạc sĩ thuở đó, có thể nói ông như một vị Hoàng đế phương Nam.

Quyền lực âm nhạc Thanh Tùng từng ngự trị các chương trình âm nhạc trên sóng phát thanh, các buổi biểu diễn ca nhạc trên các sân khấu lớn… Ca khúc của ông đều khởi nguồn từ những kỷ niệm hoặc cảm xúc ông đã trải qua, giờ được chiêm nghiệm bằng những nốt nhạc. Thẩm những âm sắc, ca từ, giai điệu trong các nhạc phẩm Thanh Tùng ta thấy thấm buồn dẫu rằng các ca khúc luôn hướng về tuổi trẻ. Viết ca khúc với ông là cách để nhớ lại thời trai trẻ, còn nỗi buồn sẽ làm cho tâm hồn con người thanh cao, trở nên trong sáng. Nỗi buồn hàm chứa ước vọng mà con người chưa đạt được, chứ không phải là sự hoài tiếc của quá vãng huy hoàng. Trên chiếc ngai vàng âm nhạc của mình, “ông vua” Thanh Tùng đã kể “Chuyện cổ Nghi Tàm”, “Chuyện tình của biển”, của “Ngôi sao cô đơn”, sinh động trong từng đường nét, giai điệu, ca từ và kể câu chuyện nhỏ của mình bằng những lời “Trái tim không ngủ yên”. Để một mai, khi rời xa ngôi vị quyền lực cao nhất hay rẽ lối sang phía không phải âm nhạc,

iọt nắng bên thềm” buổi “Hoàng hôn màu lá” nơi “Phố biển”… Và tận cuối con đường đời nhiều truân chuyên khốc liệt, lời trăng chối “Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta” có nguyện thỏa được giấc mơ âm nhạc trong lòng ông? Để giờ đây, khi dạo gót ở cõi hư vô nhiều mây trắng khói huyền, cây Tây ban cầm của ông có vang ngân lên những khúc tình ca của người nhạc sĩ khi xưa đã từng là một vị đế vương?

(Còn nữa)

Lê Bảo Âu Long
.
.