Nghé cơm trâu trắng trâu cò

Thứ Năm, 17/07/2025, 15:40

Cơm trắng ăn với chả chim

Chồng đẹp, vợ đẹp, những nhìn mà no.

“Những” là từ nhằm chỉ số nhiều nhưng ở đây hàm nghĩa chỉ là - thường đi với cặp từ những là, những mong, những ước… “Vì chồng mới phải mò cua/ Những như thân thiếp thì mua mấy đồng” là hiểu theo nghĩa này.

Cái sự tếu táo hài hước của vợ chồng nhà nọ là dù cơm trắng, chả chim họ cũng không màng, không lấy đó làm điều mà chỉ cần nhìn nhau, nhìn ngắm vẻ đẹp của nhau là đã no! Không sao cả, khi đang tràn trề hạnh phúc, người ta nói gì mà chả được.

Ông bà ta bảo: “Ăn cáy ngáy o o, ăn bò lo ngay ngáy”, rõ ràng ăn là ăn cáy và ăn thịt bò. Thế nhưng khi nói “Cố đấm ăn xôi”, có phải là được cầm nắm xôi trên tay, há miệng ra cắn từng miếng, nhai và nuốt lấy cái sự ngọt bùi? Hiểu như thế nào có gì sai? Nhưng ở đây “xôi” cần được hiểu qua nghĩa bóng là chỉ chung về “miếng ăn”, chẳng hạn, “Xong xôi rồi việc”. Sống ở đời, dù như Thạch Sùng, giàu nứt đố đổ vách hoặc nghèo rách mồng tơi, te tua xơ mướp thì ai ai cũng đến lúc “Ăn xôi nghe kèn”. Kèn gì? Kèn đưa ma. Do đó, nhằm kiêng kỵ không nói huỵch toẹt ra, chỉ cần bảo: “Cụ sắp ăn xôi”, chỉ gọn như vậy nhưng ai cũng hiểu người đó sắp “trăm tuổi” - không phải cụ thể con số một trăm, ý nói cụ mất cũng hợp với lẽ trời đã định, vì thế mới có câu “Trẻ làm ma, già làm hội”, bởi cụ đã trăm tuổi.

Nghé cơm trâu trắng trâu cò -0
Hình ảnh con trâu trong tranh dân gian.

Qua dẫn chứng này, ta thấy dù cũng là ăn nhưng còn tùy vào ngữ cảnh, có thể là ăn cái cụ thể, nhưng có lúc cần hiểu qua nghĩa bóng. Chẳng hạn, đọc phóng sự “Cuộc điều tra về nghề ăn trộm ở nông thôn” in trên tuần báo Tân văn ở Sài Gòn từ số 31 ra ngày 16/3/1936 đến số 36 ra ngày 20/4/1935, ta thấy có nhắc đến “nghé cơm”. Nghé là động từ như nấu cơm/ thổi cơm/ chiên cơm? Vô lý. Là ăn cơm với thịt con nghé? Cụm từ này khiến ta phân vân ở chỗ nghé là con trâu con, còn non, còn bé bỏng, còn chip hoi măng sữa, thì ai lại nỡ nào thịt nó để chén, để xơi?

Vậy, hiểu như thế nào về từ “nghé cơm”?

Rằng, đầu thế kỷ XX ở miền Nam, sau khi ăn trộm trâu, bọn bất lương này, còn gọi là “điếm” dắt trâu đến “phồn” - nơi mua bán trâu gian. Chủ phồn đãi cơm rượu. Bài báo trên cho biết: “Nếu bầy trâu lùa đến mà không có con nghé nào thì mâm cơm cũng bĩ bàn vậy nhưng thiếu cái giò heo Bắc thảo. Còn trái lại, nếu bầy trâu đó mà có theo được một con nghé, bất kỳ lớn nhỏ, đực cái, miễn có con nghé thì trên mâm cơm ngon lành ấy, có một cái giò heo Bắc thảo lớn xộn. Lên ngồi xong, người nhà mới đem xuống xắt ra hay chiên xào nấu nướng. Đó nghĩa là chủ phồn có ý cho bọn điếm biết rằng cái giò heo còn nguyên, không phải là đồ thừa. Ăn uống no say rồi mới dở chuyện giá cả ra nói. Nếu điếm bằng lòng bán thì lấy tiền, chủ bắt trâu, còn không xong thì bọn điếm lùa trâu đi phồn khác, bỏ con nghé lại mà trừ bữa cơm có giò heo Bắc thảo. Cho nên bọn điếm ưa kêu diễu là “nghé cơm” là như vậy. Để con nghé trừ bữa cơm, bọn điếm dám xài to thật. Còn nếu bầy trâu không có nghé thì bữa cơm kia cũng không có tính tiền gạo gì, vì còn khi khác”.   

Một khi nhắc đến con nghé, tất nhiên, ta lại nhớ đến con trâu. Tuy nhiên, trong nhiều câu tục ngữ liên quan đến con trâu được truyền miệng từ bao đời nay, ông bà mình đã dạy thế, mình cũng nói thế, vậy mà đôi lúc ta ngẫm nghĩ tại, ta không hiểu tại sao lại như thế? Thí dụ, ta hiểu như thế nào về câu “Trâu trắng đi đâu mất mùa tới đó”? Nghe ra vô lý, bởi muốn thu hoạch mùa vàng ấm no, trước hết cần phải “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, bất quá, con trâu chỉ đóng vai trò phụ trợ cùng gia chủ: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Vậy, tại sao lại đổ lỗi cho cho con trâu mà lại trâu trắng nữa chứ, hóa ra thất bát mùa màng là do sắc lông của nó, đúng là “Trăm dâu đổ đầu tằm”.

Nay, ta thử lý giải xem sao.

Có lẽ do mặc định “trâu trắng mất mùa” nên thay vì nói trắng phớ ra, người ta gọi “trâu cò”, là nói trại đi bởi một khi nói đến cò, bất kỳ ai cũng liên tưởng đến màu trắng: “Hai con cò trắng phau phau/ Ăn no tắm mát, rủ nhau học bài”; “Con cò trắng bạch như vôi/ Có ai làm lẽ chú tôi thì về”…

Một khi đã nói thế rồi, nhưng cũng còn “ấm ức” lắm vì cái sự ám chỉ lại “kín đáo” quá, chưa thể ngụ ý cho lời than phiền “trâu trắng mất mùa”, người ta còn gọi “trâu bạc”. Gọi bạc là chuẩn cơm mẹ nấu, không gì phải lăn tăn. Bởi bạc không chỉ hàm nghĩa là trắng, thí dụ, tóc bạc, râu bạc hoặc chim bạc má - hai bên đầu có lông trắng, khỉ bạc mày - có lông mày màu trắng… mà còn ngụ ý bạc bẽo, bạc tình, không tình nghĩa. Như vậy khi gọi “trâu bạc” đạt được hai ý: 1. Chỉ sắc lông xúi quẩy; 2. Chỉ cái sự cái sự bạc bẽo, phụ bạc, dẫu đã từng: “Cấy cày giữ nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, thế mà mày chỉ đem lại sự mất mùa thất bát. Ghét quá đi chứ.

Với nhà nông, không gì thắt ruột âu lo bằng lúc mất mùa. Đói là cái chắc. Do đâu? Tại đâu? Thì đó: “Trâu trắng đi đâu mất mùa tới đó”, vì lẽ đó, người ta gọi né nó ra - ngay cả tên gọi cũng nói trại thành trâu cò, trâu bạc là đúng lý quá. Tưởng rằng, chỉ có thể là đã nư rồi, chưa đâu. Trong phóng sự “Cuộc điều tra về nghề ăn trộm ở nông thôn” vừa nêu trên, có đoạn: “Ờ, họ nói ăn trộm không bắt trâu cò, có không?”, “Có chớ, trâu cò là trâu tang”. Chi tiết này quan trọng ở chỗ cho ta biết, không chỉ gọi trâu cò, trâu bạc mà còn gọi trâu tang.

Tang là tang tóc, tang chế hoàn toàn không gì vui ở đây cả. Mất mùa mà vui cái nỗi gì? Với từ tang, ta có những từ đôi cùng nghĩa như tang chế, tang khó, tang phục, âm tang… Do đó, khi gọi áo chế ta hiểu là áo tang, có nơi còn gọi “hung phục”, không những thế còn gọi “áo bực” - bực nghĩa là buồn rầu, buồn bã. Xét ra, khi gọi “trâu trắng” là “trâu tang” là một cách gọi “cực đỉnh”, “kịch trần” không chê vào đâu được. Khá khen cho cách gọi này.

Dù chưa giải thích cơn cớ vì sao, vì lý do gì ông bà ta nói: “Trâu trắng đi đâu mất mùa tới đó” nhưng về chữ nghĩa, ta đã thấy thái độ ghẻ lạnh của người nông dân dành cho trâu trắng - thể hiện qua cách gọi tên của nó. Một khi đã quả quyết chắc nịch như dao chém chuối, vậy, đã tới lúc chúng ta dừng lại câu chuyện ở đây được chưa?

Chưa.

Bởi lý giải cách gọi trâu cò, trâu bạc, trâu tang gắn liền với câu tục ngữ “Trâu trắng đi đâu mất mùa tới đó” là… trật lất cù chìa. Vì rằng, những sắc màu này rất phổ biến trong cách gọi của người Việt, thí dụ, ngựa ô (đen), ngựa bạch (trắng), chó mực (đen), dế than (đen), chó luốc (vàng lợt), gà nhạn (trắng), dế lửa (đỏ nâu), còng lửa (màu đỏ)  v.v… Cách gọi trâu cò, trâu bạc, trâu tang cũng nằm trong sự phổ biến này, chứ không hề cá biệt. Cách lý giải trên chỉ là cố tình quàng qua níu lại với chủ đích có sẵn, tưởng “chân lý” nhưng cái “lý” này không “chân” nên ngã ạch đụi.

Hơn nữa, khi người miền Nam gọi “trâu tang” thì tang ở đây có nghĩa là tang vật, tang chứng là đồ dùng làm bằng chứng để kết tội, vì thế, nhân vật ăn trộm trong phóng sự trên cho biết dù “nhập nha”, “đào tường khoét vách” nhưng chúng chẳng dại gì liều lĩnh bắt trâu trắng/ trâu cò bởi lẽ đó là tang chứng dễ dàng phát hiện nhất: “Mày nghĩ coi, mới đuổi bầy trâu qua đó, một lát chủ trâu theo dấu tới, họ hỏi thăm xóm riềng gần đó có thấy bầy trâu đi ngang qua có con trâu cò không? Mau miệng ai cũng nói có, thành ra chủ trâu theo bén gót; nột quá phải bỏ, có phải là uổng công không”.

So với trâu đen thì số lượng trâu trắng không nhiều, do đó, khi biết trong bầy trâu đó có con trâu cò thì người chủ xác định ngay là trâu của mình vừa bị mất trộm. Không thể đem chi tiết này ra để giải thích cho câu “Trâu trắng đi đâu mất mùa tới đó”. Mà, phải xuất phát từ một nguyên cớ nào đó.

“Kho tàng tục ngữ người Việt” (NXB Văn hóa Thông tin - 2002) do Nguyễn Xuân Kính chủ biên có nêu ý kiến của nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch. Câu này ra đời từ nghi lễ “Đả xuân ngưu” của triều đình nước Nam ta, đại khái vào dịp đông chí, tòa Khâm thiên giám tâu trình cho nhà vua biết ngày lập xuân, dâng tượng thần Câu Mang phụ trách về nông nghiệp và tượng trâu bằng đất to như trâu thật, mỗi năm nhuộm một màu theo cách tính âm dương ngũ hành: “Năm nào trâu đất ứng lễ vào màu trắng thì coi như điềm báo mùa màng sẽ kém” (tr.2736). Xét ra đây là cũng một gợi ý cần thiết khi tìm hiểu thêm về câu tục ngữ “Trâu trắng đi đâu mất mùa tới đó”.

Lê Minh Quốc
.
.