Ngày xuân, đọc thơ Nhất Linh

Thứ Hai, 23/01/2023, 08:44

Nỗ lực cuối cùng của nhà văn Nhất Linh trong trường văn trận bút chính là lúc chủ trương giai phẩm Văn hóa ngày nay. Một vài thông tin cần thiết: Thuần túy văn chương. Tòa soạn đặt tại 337/3B Phan Thanh Giản, sau chuyển về 42 Phạm Ngũ Lão - Sài Gòn. Số đầu tiên phát hành ngày 17/6/1958, ra được 11 số, số cuối cùng phát hành 16/5/1959. Mỗi tập dày chừng 130 đến 150 trang. Các trang bìa hầu hết đều là tranh Nhất Linh vẽ hoa lan. Dưới “măng sết” của tờ báo là dòng chữ: “Đăng những bài và truyện có giá trị bất cứ thời nào, nơi nào”.

Bìa số 1 in bức tranh “Lan thanh hạc” của Nhất Linh, hai câu thơ của Bùi Khánh Đản phản ánh chủ trương của giai phẩm này:

Tụ kết tinh anh giữa gió sương 

Muôn màu muôn vẻ thoảng muôn hương.

Bìa số báo cuối cùng vẫn tranh vẽ của Nhất Linh, có thủ bút hai câu thơ của Bùi Khánh Đản:

Chênh vênh núi dựng người ơi

Phải đây là chỗ đất trời gặp nhau.

Ngay từ số 1, trong lời nói đầu có đoạn: “Văn nghệ phải tìm chân giá trị của nó ở lòng người, và vĩnh viễn sống với loài người. Văn phải dựa thời gian để vượt thời gian và dựa không gian để vượt không gian. Văn nghệ thuần túy cần phải đạt đến tinh hoa, và kỵ nhất là để những cái thị hiếu của nhất thời và địa phương làm cho văn nghệ biến thành một thứ chỉ có giá trị trong một thời hay trong một vùng đất đai nhỏ hẹp”.

ANTGGt Tết trang 10: Ngày xuân, đọc thơ Nhất Linh -0
Giai phẩm Văn hóa ngày nay số xuân năm 1959.

Khởi in "trường giang tiểu thuyết": “Xóm Cầu Mới”; biên khảo “Viết và đọc tiểu thuyết” của Nhất Linh. Ngoài cộng tác của nhiều tên tuổi như Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, Bình Nguyên Lộc, Bảo Sơn... còn là một số tác giả trẻ như Nhật Tiến, Trần Tuấn Kiệt, Duy Lam, Tường Hùng, Nguyễn Thị Vinh, Đỗ Phương Khanh... Một điều thú vị là thỉnh thoảng khi in lại thơ Xuân Diệu, chỉ ghi tắt là D, Thế Lữ thì ghi “Không nhớ tên”, âu cũng là một cách lách qua kiểm duyệt thời ấy.

Tôi có trọn bộ Văn hóa ngày nay, do nhà sách Khai Trí đóng bộ, bìa cứng. Nay, chỉ xin chọn lấy những bài thơ của Nhất Linh do chính ông lần đầu công bố. Thiết nghĩ, những vần điệu du dương thi phú còn cho thấy thêm tài năng làm thơ của ông.              

Trong không khí đang vui xuân đón Tết năm 2023, trước hết, tôi giới thiệu một bài thơ vui của Nhất Linh, để thấy người đã từng tạo ra hai nhân vật “huyền thoại” Lý Toét, Xã Xệ trong làng biếm họa gắn liền với nền báo chí Việt Nam trước 1945 cũng có máu hài hước ra phết. Với nhan đề “Điệu thơ cụt”, Nhất Linh viết:

Lũ khỉ trong bách thú

Nhớ rừng xưa kêu rú

Như vẫn cảm thu về

Dặn dăm bài tuyệt cú

Cắn bút đương ngậm ngùi

Tưởng tuyết rơi tơi bời

Ai ngờ trời nắng gắt

Chảy mồ hôi

Lại toan tả đàn nhạn

Trong sương bay tán loạn

Sẩy nghe tiếng còi tàu

Nguồn thơ cạn

Nhạn tuyết không có rồi

May còn lá ngô rơi

Ai dè ngoài đường cái

Cây xanh tươi

Muốn cảm thu một chút

Hay đâu hứng đã cụt

Nghĩ mãi không ra vần

Đành dừng bút.

Những ai đã từng đọc Phong hóa, Ngày nay ắt nhận ra đây chính là lối châm biếm mà ông đã từng sử dụng khi “tuyên chiến” với lối “thơ cũ” nhằm thúc đẩy phong trào Thơ mới. Một trong những động tác tích cực còn là lúc tờ Phong hóa do ông chủ trương có uy tín, số lượng độc giả cao nhất miền Bắc in lại vào số xuân (24/1/1933) nên “Tình già” của Phan Khôi đã tạo tiếng vang lớn trong cả nước. Trước đó nữa, từ năm 1932, Nhất Linh đã làm thơ mới, không rõ vì sao thời điểm đó lại không công bố, chúng ta chỉ biết khi đọc giai phẩm Văn hóa ngày nay số 4, nay tôi chỉ chép lại nguyên văn một bài thơ liên quan đến mùa xuân: “Gượng vui”:

Ngày xuân vừa nở hoa

Có phải rời đi xa

Bao giờ trở lại, tôi không hay

Tôi có hẹn cô sáng hôm nay

Gặp cô lần chót cho khỏi nhớ

Kẻo rồi không biết bao giờ gặp gỡ

Tôi đứng đợi cô dưới gốc mai

Chung quanh tôi hoa trắng rụng tơi bời

Cô lững thững đến mặt hoa tươi cười

Cô vui là vui gượng đấy thôi

Chứ lòng tôi đau

Thì có lẽ đâu...

Thật cô giấu tôi làm sao được

Vạt áo kia vì đi qua vườn sương ướt

Hay vì thương tôi, thương cô lúc phân chia

Mà ướt đầm như kia.

ANTGGt Tết trang 10: Ngày xuân, đọc thơ Nhất Linh -0
Thủ bút Nhất Linh dịch thơ Đường và một bài thơ của Nhất Linh.

Hình ảnh gốc mai - nơi đôi tình nhân hẹn hò, chừng dăm năm sau, em ruột của ông là nhà văn Thạch Lam cũng sử dụng trong bài thơ “Ngày xuân hái hoa”. Không rõ Thạch Lam sáng tác năm nào, sau đây là bản do Nhất Linh in lại trên Văn hóa ngày nay số 9, chủ đề “Xuân lan”:

Ngày Xuân chị em đi hái hoa

Vườn mai, đứng dưới gốc mai già

Hoa mai trắng xóa trong Xuân tươi

Một chị, một em Xuân mấy mươi

Gió Xuân!  Dịu dàng tà áo bay

Gió Xuân! Hoa mai tan tác bay

Em tay nâng giỏ, chị vin cành

Bẻ đóa hoa mai với gió xanh

Ngày Xuân cánh hoa đượm hạt móc

Hái hoa, hoa rụng vương mái tóc

Tiếc hoa nên hái giỏ hoa đầy

Một giỏ hoa Xuân nặng trĩu tay

Người về tiếc Xuân biết còn ai?

Còn lại trong vườn Xuân với mai

Với cảm hứng trong mùa xuân, Nhất Linh còn có bài thơ “Lặng” cũng in vào số 9:

Chiều xuân, buổi thừa hương

Trên sân rêu còn giãi chút ánh vàng

Ngày tàn, người, vật, dáng êm ả

Gió chiều êm êm động từng lá

Xa xa dẫy đồi nét nhịp nhàng

Con sông trắng... lửa thuyền chài... thấp thoáng trong sương

Tôi ngồi nhìn ra, lặng ngắt

Để cái đẹp bao la

Thu vào đôi con mắt

Lòng ta thảnh thơi

Như không muốn gì, không thương ai

Không buồn, không nhớ, không mong

Có cái thú bình tỉnh hư không

Như hạt muối trắng

Tan vào bát nước trong.

Không những thế, Nhất Linh còn dịch thơ Đường nữa, chẳng hạn, bài thơ “Hoài thủy biệt hựu nhân” của Trịnh Cốc:

Dương Tử giang đầu dương liễu xuân

Dương hoa sầu sát độ giang nhân

Sổ thanh phong địch ly đình vãn

Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần”,

Ông dịch:

Trên bến sông Dương, dương liễu xuân

Hoa xuân buồn giết quá giang nhân

Ly đình tiếng sáo chiều ai oán

Người hướng Tiêu Tương, kẻ hướng Tần.

Giao thừa năm 1953, ông tự nhủ: “Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập Tự Lực Văn Đoàn và sáng tác”. Vào sáng mồng 1 Tết năm Quý Tỵ (tức ngày 14/2/1953), ông khai bút:

Tự Lực vườn văn mới trội tên

Bỗng dưng thời thế đảo huyên thuyên

Thương dăm lá cũ rơi vèo xuống

Mừng thấy mầm tươi vụt nhú lên

Mạch cũ, nhựa non rồn rập chảy

Vườn hoa xuân mới điểm tô thêm

Người qua, sách học, đời thay đổi

Tự Lực danh chung tiếng vẫn truyền.

Về cặp “luận” (câu 6 và 7) là ngụ ý như ông đã cho biết sẽ kết nạp thêm 3 thành viên mới vào Tự Lực Văn Đoàn: Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng, Duy Lam. Thực tế sau đó, sự việc này đã không xảy ra. Lướt qua đôi dòng về sáng tác thơ của nhà văn Nhất Linh, ta nhận ra rằng, dù không phải nhà thơ chuyên nghiệp nhưng rõ thơ của ông cũng có “nét riêng” với nhiều cung bậc khác nhau... Những bài “thơ mới” của Thạch Lam cũng như của Nhất Linh không tìm thấy trong tập sách “Thơ mới 1932-1945 - Tác giả và tác phẩm” (2001) - một “tổng tập” công phu, đầy đủ nhất trong chừng mực có thể về Thơ mới - nay xem như một bổ sung cho người yêu thơ.

Nhìn chung, dù giai phẩm Văn hóa ngày nay nỗ lực cuối cùng của Nhất Linh trong lãnh vực báo chí, tuy nhiên ông đã không tạo được tiếng vang mạnh mẽ và thành công rực rỡ như thời sáng lập, chủ trương Phong hóa, Ngày nay. Đọc bộ giai phẩm này, ta vẫn còn thấy hay, hữu ích, bài vở phong phú. Còn có thể tìm hiểu được nhiều thông tin về Tự Lực Văn Đoàn, tranh vẽ lan, thú chơi lan của tác giả “Đoạn tuyệt” v.v... Nhân đây, tôi mời các bạn thử đối lại vế đối vui xuân đón Tết của Lê Ta (Thế Lữ) từ thời Tự Lực Văn Đoàn mà Nhất Linh đã chọn in lại trên giai phẩm này:

“Tết năm mèo, ông lão dê mua hoa mõm chó gói giấy mỡ gà đem tặng cho mèo mà không biết hổ”.

Lê Minh Quốc
.
.