Ngẫu hứng Jazz Phố

Thứ Bảy, 11/03/2023, 10:54

Đối diện nhà tôi khoảng 30 năm trước là quán nhạc Jazz đầu tiên ở Hà Nội của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Cứ mỗi tối chuỗi giai điệu là lạ mang cảm quan tự do đầy hứng khởi ấy lại được ngân rung. Khách dạo đó phần lớn là người ngoại quốc, họ đi tìm sự thân quen trong tâm hồn ở một góc phố phường Á Đông yên ả.

Rồi Minh Jazz club cũng thay đổi địa điểm nhiều lần mà vẫn chỉ loanh quanh khu vực phố cổ, cho tới nay đang ở ngõ nhỏ phía sau Nhà hát Lớn. Khách bây giờ đa dạng có cả “tây” lẫn “ta” đủ lứa tuổi. Còn các tác phẩm được trình diễn cũng quá nửa là nhạc Việt mang phong cách ngẫu hứng rất Hà nội. Anh Minh với mái tóc bồng bềnh cũng chòm râu móng ngựa mang “thương hiệu” riêng giờ đã điểm bạc gần hết. Cũng giống như một số người sinh ra lớn lên ở khu vực phố cổ, anh yêu đến mê đắm không gian này.

Ngẫu hứng với Jazz phố -1

Người nghệ sĩ ấy vẫn giữ một căn gác nhỏ vỏn vẹn gần 20m2 ở phố Hàng Giấy để lấy chỗ đi về cảm nhận sự chuyển động của phố phường. Anh chia sẻ rằng chỉ ở đó, bản thân mới có thể suy nghĩ sáng tạo và tìm được trạng thái tinh thần tốt nhất để thăng hoa cho nghệ thuật. Thứ âm nhạc mà anh cùng các cộng sự theo đuổi mà chẳng lần biểu diễn nào lặp lại nhau. Mỗi lần chơi, dù vẫn cùng một bản nhạc nhưng cách thể hiện lại được người nghệ sĩ khởi phát theo tâm trạng tùy hứng dựa trên vòng hòa âm gốc. Cũng giống như phố Hà Nội vậy, ta nhìn ngắm nó không chỉ bởi vì sự thân quen mà còn do những đổi thay từng ngày từ góc nhìn tâm trạng của mỗi người. Khi đưa cảm xúc, quyện hòa vào không gian ấy, nó đâu còn là “bất động sản” mà dần trở thành một hình tượng sống sinh động.

Từng ngày giai điệu phố ấy vẫn ngân vang, lúc dìu dặt khi sôi động, và dù ở âm lượng nào thì sự da diết vẫn làm hài lòng những ai đã nặng lòng say mê nó.

Cái mới là cái cũ bị lãng quên

Một người bạn của bố tôi làm công việc nhiếp ảnh cũng chung tình yêu như thế với phố phường Hà Nội. Bác ấy mất nhiều thời gian để chụp một địa điểm từ năm này sang năm khác. Và mỗi lần có công trình nào của “Hà Nội ngày tháng cũ” được xây sửa tạo tác lại hoặc phá bỏ hẳn, bác thường mang một bó hoa ra đứng nhiều giờ mặc niệm.

Tất nhiên cái gì quá sẽ có lúc cực đoan. Bác thường nói nhiều cái tưởng mới bây giờ thật ra chỉ là cái cũ đã bị lãng quên. Như một số sự kiện trình diễn nghệ thuật đương đại dạo những năm 2000 được bác cho là sao chép y nguyên văn hóa diễn xướng của một số dân tộc thiểu số tưởng chừng đã thất truyền, rồi cách bài trí hàng quán theo phong cách mới mà bác đinh ninh đã từng thấy thuở còn thanh niên những năm 30 thế kỷ trước tại Hà Nội, một vài thú chơi Cigar, Pipe... gần đây cũng nằm trong hệ quy chiếu đó của bác. Thế nhưng khi tôi tếu táo trót đùa bác là văn hóa hát Karaoke của mọi người bây giờ, chính là mô phỏng lại thú hát ả đào năm xưa của các cụ thì bác phủ quyết ngay rồi giận tôi một thời gian kha khá.

Khi ốm nặng chỉ có thể nằm trên giường, thú tiêu khiển của bác là nhìn ngắm lại những bức ảnh theo năm tháng của phố phường Hà Nội do bản thân dày công sáng tác trước đây. Thật tài tình khi không có chú thích, ghi nhớ nhưng bác có thể nói nó được chụp vào thời gian nào, cảnh quan nét sống khi đó được vận hành ra sao. Giống những người theo thuyết hoài nghi về lý thuyết xuyên không, trong những bức ảnh ấy dù được ghi hình cách đây rất lâu (có bức đã hơn nửa thế kỷ) nhưng thi thoảng phảng phất ở một gương mặt, kiểu tóc, cách ăn mặc hoặc vật dụng ta thấy nhiều thứ từa tựa ngày hôm nay. Đó là sự ám thị của thị giác hay chỉ là việc tình cờ ngẫu nhiên thì bản thân tôi chưa cắt nghĩa hết được.

Xu hướng thời trang còn có vòng lặp thì lẽ dĩ nhiên nhiều sự vận động trong cuộc sống này một cách biện chứng sẽ quay lại hao hao những gì đã từng diễn ra trong quá khứ. Tuy thế với cá nhân tôi, những thứ thuộc về cuộc sống đương đại đang hiển hiện trước mắt ta bao giờ cũng ít nhiều có gì đó mang hơi thở, nhịp điệu của thời đại chứ không thể đóng khung với thứ nó mô phỏng hoặc tương đồng trước đây. Những lễ hội cổ truyền được phục dựng ở khu vực 36 phố phường xưa trong dịp xuân Quý Mão vừa qua là minh chứng rõ rệt nhất. Cách thức trình tự như cũ nhưng việc mở rộng số lượng người tham gia, giao lưu, sự cởi mở trong khâu vận hành đã hoàn toàn mang lại nhiều điều tươi mới đủ sức hút khiến các bạn trẻ tìm hiểu, đồng hành. Tôi nghĩ đó là tín hiệu vui trong sứ mệnh gìn giữ bảo tồn giá trị truyền thống mà mỗi chúng ta ai cũng nên có trách nhiệm.

Lượm lặt giai thoại phố

Thăng Long, Hà Nội linh khí ngàn năm đã trở thành huyền thoại, và cùng với đó phố phường con người nơi đây cũng có không ít giai thoại. Cả hai nội dung này đều hoàn toàn thiếu cơ sở gốc để kiểm chứng. Tuy nhiên huyền thoại với ý nghĩa tâm linh siêu hình dễ được cộng đồng chấp nhận ở chiều hướng giá trị tinh thần. Còn giai thoại với đặc thù truyền miệng nên tam sao thất bản, đôi lúc không còn giữ được sự logic nếu truy vấn đa chiều.

Ngẫu hứng với Jazz phố -0

Khi còn là sinh viên tôi từng cùng một anh bạn tranh luận gay gắt rằng đâu là biểu tượng của Hà Nội, Khuê Văn Các hay Tháp Rùa? Tất nhiên một cách chính thống chúng ta đều biết Khuê Văn Các là biểu trưng của Hà Nội. Thế nhưng anh bạn ấy lấy lý do người dân cả nước sẽ biết đến Tháp Rùa nhiều hơn. Động đến vấn đề giá trị biểu tượng, anh ấy cho rằng câu chuyện về viên Bá hộ thân Pháp xây tháp nhằm táng cốt cha với mong muốn phát huy long mạch bên dưới để xây mộng đế vương là hoàn toàn không có cơ sở. Thậm chí ở một số tài liệu còn khẳng định ông Bá hộ này là người trung liệt từng gắng công chôn cất Tổng đốc Hoàng Diệu sau khi ngài tuẫn tiết, việc xây tháp là muốn lưu giữ một công trình cho thế hệ mai sau và lựa chọn gò Rùa để hoàn toàn tách biệt, không chịu sự tác động của thời buổi nhiễu nhương loạn lạc khi đó.

Sau nhiều năm nghĩ lại, rõ ràng cá nhân tôi chưa đủ kiến thức để lạm bàn chuyện đúng sai lý do xây dựng Tháp Rùa. Tuy thế có một điều không thể phủ nhận, ấy là công trình này thực sự trở thành điểm nhấn, một nét riêng có đặc biệt giữa lòng Thủ đô. Nhiều người còn nói vui rằng nếu lấy compa dùng tâm Tháp Rùa làm trung tâm rồi quay một vòng bán kính 10km thì đó là khu vực Hà nội xưa. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vào ngày sinh nhật Bác, các chiến sĩ của ta đã dũng cảm bơi ra đây treo cờ Tổ quốc lên tháp để chào mừng. Hình ảnh đó đã trở thành biểu trưng tự hào, khơi gợi tinh thần yêu nước của quân và dân khi đó. Điều này đã minh chứng cho vị trí của tháp Rùa trong tinh thần của người Hà Nội. Thế nên trở lại câu chuyện ký ức về việc tranh luận năm nào, anh bạn tôi chưa hẳn là không có lý.

Lại lạm bàn về phát hiện mới từ những nội dung cũ, gần đây có ý kiến cho rằng các bạn trẻ thường ra vườn hoa Diên Hồng (tên dân dã là Vườn hoa Con Cóc) để chụp ảnh cưới mà không hề tìm hiểu rằng phía trên khu vực Đài phun nước (với kiến trúc cổ điển Tây Phương ấn tượng) nằm ở trung tâm vườn hoa có thể là nơi để di hài của viên Phó toàn quyền Đông Dương trước đây, và việc trong ảnh thể hiện niềm vui hạnh phúc mà lại xuất hiện hình mộ phần thì theo quan điểm tâm linh Á Đông sẽ rất có thể mang tới sự không may.

Tôi trộm nghĩ mong muốn đơn thuần của các cặp đôi là tìm bối cảnh làm đẹp khuôn hình khắc họa thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời họ. Và cho dù có chưa biết về cái lịch sử công trình kia, thì đơn thuần họ cũng chỉ cần lưu giữ kỷ niệm với cảnh quan Thủ đô mà thôi. Đưa vấn đề lên quá, biết đâu chúng ta sẽ làm mất đi nhiều điều thú vị mà trong giới hạn của bài viết này muốn đề cập, chính là sự ngẫu hứng của cảnh sắc, văn hóa Hà Nội.

Vũ Liêm
.
.