Myanmar trong khủng hoảng kép

Thứ Năm, 10/04/2025, 14:31

Trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 28/3/2025 tại Myanmar đã gây ra những hậu quả thảm khốc. Nhưng, thảm họa thiên nhiên có thể chỉ là bước khởi đầu cho một chuỗi những vấn đề lớn mà đất nước này phải hứng chịu trong thời gian tới.

Sức tàn phá kinh hoàng của tự nhiên

12h50 giờ địa phương ngày 28/3, một trận động đất có cường độ 7,7 độ Richter đã được ghi nhận xảy ra gần thành phố Mandalay, Myanmar. Theo báo cáo từ Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), trận động đất này có cường độ uy hiếp đạt tới cấp IX (cấp thảm họa), gây phá hủy gần như toàn bộ công trình tại khu vực.

Ngoài khu vực thành phố Mandalay là tâm chấn, trận động đất còn gây ảnh hưởng 6 khu vực khác của đất nước bao gồm cả thủ đô Naypyidaw, các nước xung quanh như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc cũng chịu tác động. Trong vòng 10 ngày sau trận động đất, USGS ghi nhận thêm 89 dư chấn, trong đó có dư chấn mạnh tới 7,5 độ Richter.  

Myanmar trong khủng hoảng kép -0
Động đất ở Mandalay đã làm sập đổ nhiều công trình biểu tượng của đất nước Myanmar.

Ngay sau khi động đất xảy ra, Myanmar đã ban bố “Tình trạng khẩn cấp” do các cơ sở y tế bị quá tải cũng như không đủ nguồn lực để thực hiện cứu trợ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dịch do thời tiết nắng nóng, thiếu vệ sinh và lương thực, thực phẩm. Những dự báo về hiện tượng mưa trái mùa (từ ngày 7 đến 11/4) càng mang thêm nỗi lo làm chậm trễ cứu hộ và tăng nguy cơ dịch bệnh.

Tính đến ngày 7/4, tại Myanmar, 3.500 người đã được xác nhận thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương và 500 trường hợp khác vẫn được coi là mất tích. Thông tin tiếp tục được cập nhật do nhiều khu vực vẫn bị cô lập. Dự đoán thiệt hại về người có thể lên tới 10.000 người. USGS đưa ra cảnh báo số người bị thiệt mạng có thể lên đến 100.000 người bởi những “vấn đề đi kèm” như bệnh dịch và nạn đói. Theo ước tính của Liên hợp quốc thì 20 triệu người (tương đương 35% dân số Myanmar) đang cần hỗ trợ nhân đạo. "Thảm họa kép" kèm theo khi Myanmar vốn đang chìm trong khủng hoảng chính trị và nội chiến. 

Thảm họa kép

Kinh tế là lĩnh vực bị ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất khi nhìn vào đống đổ nát còn lại. Những báo cáo ban đầu cho thấy 3,5 triệu người đã bị mất nhà cửa. Hơn 3.000 tòa nhà sụp đổ. Hệ thống hạ tầng căn bản từ đường sá, cầu cống, cho đến nhà ga, sân bay đều bị phá hủy gây gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cả nước. Mandalay từng là một trung tâm du lịch lớn của Myanmar nhưng đang vỡ vụn. Cung điện Mandalay (Di sản văn hóa thế giới) và hơn 150 đền thờ trong thành phố đã bị phá hủy. Các điểm du lịch nổi tiếng bị tàn phá sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đất nước đối với khách du lịch quốc tế trong tương lai, ảnh hưởng đến ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trận động đất đã gây thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD, tương đương 15% GDP của Myanmar. Một tính toán khác cho thấy mức độ thiệt hại có thể lên tới 100 tỷ USD.

Nhưng, nếu nhìn vào bối cảnh chính trị xã hội phức tạp của đất nước Myanmar hiện nay thì còn đáng lo lắng hơn nhiều. Cuộc xung đột bùng phát từ năm 2021 đã khiến đất nước này bị chia cắt thành nhiều khu vực đang được quản lý bởi các phe phái khác nhau. Điều này tạo ra thách thức to lớn cho công tác cứu trợ và tái thiết sau thảm họa. Nhiều khu vực vẫn bị cô lập do các đội cứu trợ không được tiếp cận. Trong khi đó, sự thiếu phối hợp giữa các bên dẫn đến chồng chéo, bỏ sót, thậm chí cả nạn tham nhũng trong hoạt động cứu trợ. Các báo cáo từ hiện trường cho thấy hiện tượng vật tư cứu trợ bị bán ra thị trường đen khá phổ biến. Các nguồn tài trợ để tái thiết cũng sẽ bị chia sẻ ra cho các lực lượng khác nhau quản lý.

Myanmar trong khủng hoảng kép -0
Sự có mặt của các đội cứu hộ quốc tế đem đến hy vọng cho người dân Myanmar.

Chính quyền quân sự Myanmar hiện nay đang nắm quyền quản lý đất nước nhưng cũng phải đối mặt với những hạn chế về năng lực dẫn đến việc triển khai công tác cứu trợ và tái thiết gặp nhiều khó khăn. Myanmar là quốc gia có nền kinh tế còn yếu, GDP năm 2024 chỉ đạt 68 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người chỉ dưới 1.100 USD/năm và được xếp vào nhóm nước có thu nhập thấp trên thế giới. Chính phủ Myanmar vừa thiếu nguồn lực tài chính, vừa thiếu nhân lực để ứng phó với thảm họa. "Thời gian vàng" 72 giờ đã qua, cơ hội tìm người sống sót ngày càng thấp. Chính quyền hiện phải đối mặt với “áp lực kép”: vừa xử lý hậu quả động đất, vừa duy trì kiểm soát đất nước đang xảy ra xung đột. Những báo cáo về việc giao tranh vẫn diễn ra ở bang Shan ngay sau động đất cho thấy nguy cơ bất ổn rất lớn. 

Về lâu dài, trận động đất sẽ tiếp tục gây những tổn thương tinh thần sâu sắc cho người dân Myanmar, đặc biệt là những người mất đi người thân, nhà cửa và tài sản. Hàng triệu người dân Myanmar phải đối mặt với nỗi đau mất mát, nỗi sợ hãi và sự bất ổn sau thảm họa. Những người phải rời khỏi nhà cửa, đối mặt với nguy cơ thiếu chỗ ở, lương thực, nước uống và dịch vụ cơ bản sẽ còn mất rất lâu mới có thể khôi phục lại được cuộc sống bình thường. Sự kiện này sẽ kéo theo tình trạng bất ổn xã hội kéo dài với sự gia tăng tội phạm và bạo lực. 

Những tia hy vọng

Các chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của trận động đất đối với Myanmar và kêu gọi hỗ trợ vì mục đích nhân đạo. Chính quyền quân sự Myanmar cũng đã kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế và được đáp lại. Liên hợp quốc chi 5 triệu USD từ Quỹ khẩn cấp để cung cấp viện trợ y tế, nước sạch. WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp cấp độ cao nhất, kêu gọi 8 triệu USD để hỗ trợ y tế và ngăn chặn dịch bệnh trong 30 ngày. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế đã phát động chiến dịch gây quỹ 100 triệu USD cho người dân Myanmar.

ASEAN tổ chức họp khẩn, kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp để giúp đỡ thành viên của mình. Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Nga là những nước đầu tiên cử nhân viên cứu hộ đến giúp đỡ giải quyết hậu quả chỉ vài ngày sau động đất. EU, Hàn Quốc, New Zealand và một số quốc gia đã cung cấp những khoản hỗ trợ cho người dân. Các tiểu vương quốc Arab và Ấn Độ hỗ trợ nhiều trang, thiết bị y tế. Đây là những sự giúp đỡ vô cùng cần thiết với một quốc gia đang gặp khó khăn như Myanmar. Nó cho thấy tình thần đoàn kết quốc tế tốt đẹp vẫn luôn tồn tại bất chấp những bất đồng.

Chính quyền quân sự và lực lượng đối lập dù vẫn tồn tại xung đột, đã tạm ngừng giao tranh tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng để cho phép các đội cứu hộ tiếp cận. Việc liên minh đối lập tuyên bố “ngừng bắn đơn phương” từ 1/4/2025, kéo dài 1 tháng, chỉ tự vệ nếu bị tấn công để “ưu tiên cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp” đã mở ra những tia hy vọng mới cho hoạt động cứu trợ. Ngay sau đó, chính quyền quân sự tuyên bố ngừng bắn từ 2/4 đến 22/4/2025, nhằm tạo điều kiện cứu trợ, đồng thời phân bổ 240 triệu USD để tái thiết các khu vực thảm họa bất chấp đang dưới quyền kiểm soát của lực lượng nào là một lời hồi đáp đầy ý nghĩa. Đây là lần đầu tiên hai bên xung đột ở Myanmar đồng loạt ngừng bắn kể từ khi xung đột bùng phát năm 2021. Chính quyền cũng chấp nhận viện trợ từ các nước phương Tây (dù trước đó bị trừng phạt) để có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân.

Trong khi đó, người dân từ các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau (Phật giáo, Hồi giáo) cùng tham gia cứu hộ, phân phát lương thực và dựng lều trú ẩn tại các cộng đồng địa phương. Các nhóm tình nguyện trẻ (bao gồm sinh viên, nghệ sĩ) tổ chức gây quỹ trực tuyến, chia sẻ thông tin cứu trợ trên nền tảng xã hội, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết đã đem đến những tín hiệu tích cực trong cơn hoạn nạn. Dù những nỗ lực này mang tính tạm thời và chưa giải quyết được căn nguyên xung đột, nhưng cũng cho thấy khả năng hòa giải khi đối mặt với thảm họa chung.

Các tổ chức quốc tế đã tiếp tục gây sức ép với các bên xung đột nhằm kéo dài lệnh ngừng bắn để tiến hành tái thiết sau thảm họa. Đây có thể là tia sáng cuối đường hầm cho người dân Myanmar để họ có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn phía trước. 

Tử Uyên
.
.