Một thoáng Paris
Từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Pháp) mất khoảng 14 tiếng. Nhìn trên bản đồ bay, đường bay chéo qua không phận của các quốc gia châu Á, trung Á, rồi vào khu vực châu Âu. Tiêu điểm Paris cứ hiện gần...
1. Charles de Gaulle là một trong những sân bay quốc tế lớn nhất nhì thế giới. Người ta ví Paris dành hẳn một quận để xây dựng sân bay này, mặc dù nghe nói, tại thủ đô Paris vẫn còn một vài sân bay nhỏ, bay quốc nội.
Đón chúng tôi tại cửa ra của sân bay quốc tế Charles de Gaulle là một nam trung niên Việt kiều, tên Dũng, lái chiếc Mercedes 7 chỗ màu đen. Trên đường từ sân bay về quận 13, thủ đô Paris, Dũng vừa giới thiệu cảnh quan Paris, nhất là cái "quận sân bay" Charles de Gaulle. Đúng là như một quận thật, vì xe của Dũng chạy với tốc độ cao mà mãi vẫn nhìn thấy tàu bay đậu... bên đại lộ. Ít phút, vẫn nhìn thấy tàu bay lên, xuống ầm ào. Có đoạn đại lộ còn nhìn thấy tàu bay bay vụt ngang qua trước kính ô tô đang chạy... Mật độ tàu bay cất, hạ cánh ở sân bay Charles de Gaulle đến chóng mặt.
Mất khoảng 30 phút chạy xe, chúng tôi về đến quận 13. Ở Paris, hầu như không xảy ra chuyện tắc đường. Ngoài mấy đại lộ tỏa ra từ trung tâm đường tròn Khải Hoàn Môn thì phố xá, ngõ ngách chỗ nào cũng bé. Được cái ít xe cộ, nên vẫn thấy thoáng. Hầu hết chỉ thấy xe buýt 2 tầng, taxi, cứu thương, cảnh sát và số ít xe dịch vụ du lịch chạy trên các con phố.
2. Mới nhìn cứ ngỡ người dân Pháp ít sống ở Paris, thực ra nhiều lắm. Hằng ngày người dân đi ra ngoài, đến công sở hầu hết là đi tàu điện ngầm hoặc tàu hỏa. Pháp là một trong những quốc gia sớm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở châu Âu. Hiện nay, hầu hết thế hệ tàu cũ được thay thế bằng những đoàn tàu mới, điều khiển tự động, rất sang trọng. Tôi từng đi tàu điện ngầm ở nhiều quốc gia, nhưng khi đi tàu điện ngầm ở Pháp vẫn thấy đây là một trải nghiệm thú vị và xen lẫn cả... lo sợ ở cái mê cung dưới lòng đất này. Các ga tàu điện ngầm ở Paris đều có quầy bán vé trực tiếp hoặc quét QR mua vé trực tuyến. Khách có thể mua vé đi theo tuyến, nửa ngày, một hoặc nhiều ngày, tùy theo thứ tự ưu tiên.
Vé tàu điện ngầm cũng có thể dùng để đi xe buýt, xe khách, tàu hỏa ra ngoại ô. Nhưng nếu không tự trang bị "kỹ năng sống sót" thì chỉ riêng chuyện lỡ chuyến, nhầm ga, nhầm tàu, nhầm tuyến, lạc trong mê cung lối ra vào cũng làm bạn "tổn thọ". Tất nhiên, vé mua trị giá trong ngày hoặc vài ngày thì bạn cứ việc "lạc, lỡ" mà không mất phí. Chứ không, cứ loanh quanh tìm ga, tìm tàu, lối ra cũng dễ làm bạn... sạt nghiệp.
Thú vị nhất khi đi tàu là vào giờ tan tầm, vì có lúc lên chật một toa toàn là… nữ sinh đẹp như tiên. Phụ nữ gốc Pháp đẹp lắm, nhất là những cô gái tuổi thanh xuân. Họ có đôi mắt xanh, mũi cao, dáng cao vừa phải. Phụ nữ Pháp da màu, da đen, gốc Ấn Độ hoặc Algeria nhiều cô cũng rất đẹp, nhất là đôi mắt sâu thẳm, hút hồn. Pháp là "Kinh đô của thời trang” với các hãng thời trang nổi tiếng như: Chanel, Louis Vuitton, Hermès, Gucci, Dior, Burberry... Vì thế, phụ nữ Pháp hiện đại ai cũng đẹp dù đa chủng tộc, màu da.
Điều đặc biệt là đi tàu điện ngầm ở xứ người rèn luyện cho bạn tác phong nhanh nhẹn, yêu thích... đi bộ. Bởi có lười đi bộ cũng không được vì các ga tàu điện ngầm cứ hun hút lên xuống, vào ra, đổi tàu, tuyến... Cứ đi bộ miết thành quen.
Nhưng nỗi lo khi đi tàu điện ngầm ở Paris cũng khá nhiều. Lo nhất là bị khủng bố. Hôm chúng tôi đi tàu điện ngầm ở Paris, có một kẻ tự xưng trung thành với phần tử khủng bố IS đã tấn công giết chết một du khách người Đức. Ít lâu sau cũng có thêm hai vụ có dấu hiệu khủng bố tại ga tàu điện ngầm ở Paris. Cảnh sát Paris đã phải ra lệnh thắt chặt an ninh ở thủ đô, nhất là ở những tụ điểm vui chơi công cộng, ga tàu điện ngầm...
Nỗi lo thứ hai khi đi tàu điện ngầm ở Paris là dễ bị rạch, móc túi, cướp giật..., nhất là vào giờ cao điểm. Tàu điện ngầm ở Paris trung bình cứ 1 phút/ chuyến dừng đỗ, đón, trả khách. Mỗi ga lên xuống cách nhau chỉ độ 1 km, tàu chạy vận tốc cao, vèo một cái là đến một ga. Lợi dụng khách chen chúc lên xuống tàu, kẻ gian trà trộn hành nghề trộm cướp. Ở Paris, nghe nói nếu ai đó bị trộm, cướp tài sản trị giá từ 1.000 Euro trở xuống thì cảnh sát không can thiệp. Đây cũng chính là kẽ hở để đám trộm cướp hoành hành ở nhà ga và trên những tuyến tàu. Các phần tử trộm cắp trên tàu điện ngầm ở Paris phần lớn là dân nhập cư. Chúng ăn mặc lịch sự như những công chức, nhưng "bắt sóng" những con mồi hớ hênh rất nhanh. Khách đi tàu điện ngầm ở Paris có kinh nghiệm thường cất ví, điện thoại ở những túi kín đáo.
Nỗi lo thứ ba là bị lừa bán cho vé đi tàu rởm. Hôm đó, do khi qua cửa soát vé tự động máy bị lỗi, chúng tôi bị một người đàn ông da màu giả làm nhân viên bán vé đánh tráo 5 chiếc vé thật thành 5 chiếc vé hết hạn sử dụng, trị giá 21 Euro/vé. 5 chiếc vé trị giá hơn 100 Euro (hơn 3 triệu VND). Chỉ đến khi ra khi ở bến xuống, mấy cô nhân viên soát vé chặn lại đòi xuất trình vé, chúng tôi mới tá hỏa biết bị lừa. Mấy cô nhân viên soát vé đề nghị báo cảnh sát xử phạt chúng tôi vì tội đi tàu bằng vé giả. May mà chúng tôi thanh minh, cộng thêm sự "ngoan ngoãn" nhận sai lầm nên được... tha. Tất nhiên là chúng tôi phải mua lại 5 chiếc vé... xịn mới tiếp tục hành trình.
Nỗi lo thứ tư là bị kỳ thị. Pháp là quốc gia đa sắc tộc. Phần lớn mọi người đều thân thiện và câu cửa miệng thường nghe thấy ở nơi công cộng là "Bonjour" (xin chào) và "Merci beaucoup” (cảm ơn nhiều). Tuy nhiên, đôi khi vẫn còn hiện tượng kỳ thị ở một số ít người da màu với người châu Á. Một lần, chúng tôi đi trên tàu điện ngầm ở Paris, người bạn của tôi bị một gã thanh niên nhìn với con mắt giận dữ, chửi thề vô cớ. Đến khi xuống tàu rồi, hắn vẫn đứng dưới sân ga chỉ trỏ về phía anh bạn, gào lên mấy câu chửi thề...
3. Ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, múi giờ và tiết trời rất khác so với châu Á. Vào mùa "đêm trắng", có khi 21- 22h đêm trời vẫn sáng như ban ngày. Vì vậy, các cơ quan thường làm việc bắt đầu từ 9 giờ sáng. Nhà hàng, quán ăn còn mở cửa muộn hơn, thường là vào 11h trưa, nhưng lại đóng cửa từ 16-17h chiều. Vào ngày nghỉ cuối tuần, công sở, nhà hàng đều đóng cửa, không có chuyện "tranh thủ" làm thêm ngoài giờ, ngày nghỉ. Ở Pháp, ngoài 2 ngày nghỉ cuối tuần thì ngày thứ Hai các công sở không làm việc; chỉ có nội bộ lãnh đạo, quản lý họp, trao đổi, thống nhất triển khai công việc. Vì thế, nếu không mang theo lương khô hay mì tôm thì có tiền chưa chắc đã mua được đồ ăn, nhất là ngoài giờ hành chính hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ tết.
Không những thế, sang các nước phương Tây làm việc, đối tác hiếm khi tiếp đãi khách linh đình như ở ta. Khách đến làm việc có khi còn không được mời… uống nước. Nếu bạn khát, hãy tự tìm đến bình, vòi nước dùng chung ở sảnh hoặc trong ngăn bếp, thậm chí là trong… khu vệ sinh. Ở nơi công cộng, thường có những cây nước. Bạn chỉ cần hứng mồm vào là nước tự chảy, để uống. Còn có tiền thì mua nước ở các cây bán hàng tự động, giá một chai nước suối có khi hơn 100.000 đồng tiền Việt.
Hôm đầu tiên đến Paris vào buổi sáng, vì tất cả cửa hàng ăn uống đều chưa mở cửa nên chúng tôi đành phải nhịn ăn sáng giữa thủ đô Paris hoa lệ. Trước khi đi làm việc với đối tác, chúng tôi tìm mãi mới thấy một cửa hàng bán bánh mì với giá “cắt cổ”. Mỗi người chỉ dám gọi một chiếc bugito nhỏ, kèm theo ít khoai tây chiên và chai nước suối, ăn cho qua bữa.
Vì thế, lời khuyên cho những người lần đầu đến xứ bạn là hãy áp dụng chiêu "quân tử phòng thân". Dù bạn giàu có hay là bình thường, khi đi nước ngoài hãy mang theo đồ ăn, thức uống gì có thể mang được để ứng phó với những tình huống ăn uống trong hoàn cảnh bất khả kháng.
4. Ở Paris, quận 13 có rất ít người Pháp sinh sống vì người ta kiêng con số 13. Cư dân quận này phần lớn là Hoa kiều, Việt kiều và người gốc Phi. Vì thế, phong cách ăn uống ở đây, dù các cửa hàng mở cửa theo giờ Tây, nhưng đồ ăn lại phù hợp với du khách Trung Quốc và Việt Nam. Các siêu thị của người Hoa kiều bán đồ ăn châu Á, giá cả phải chăng, chế biến khá ngon. Trong các siêu thị, bán nhiều đồ thực phẩm nhập từ châu Á, trong đó có nhiều rau quả nhập từ Việt Nam. Vào sáng sớm, ở quận 13 cũng có các chợ đầu mối bán rau củ quả, thực phẩm như ở châu Á. Người Việt sinh sống ở quận 13 đa phần làm nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ hoặc lái xe dịch vụ, taxi. Còn người gốc Phi đa số làm cảnh sát, vệ sinh môi trường hoặc phục vụ giao nhận hàng tại các cửa hàng tiện ích của Việt kiều hoặc Hoa kiều.
Khách sạn chúng tôi ở nằm gần một nhà hàng ăn của người Việt gốc Hoa. Nhà hàng treo biển “Pho Bamboo” (Phở tre). Tuy treo biển bán phở, nhưng nhà hàng còn bán cả cơm, các đồ nhậu lai rai phong cách miền Tây Nam bộ của Việt Nam. Ăn bữa cơm Việt giữa lòng Paris hoa lệ, chúng tôi “khiêm tốn” gọi vài món rau. Nhưng khi tính tiền, chỉ riêng đĩa rau cải xanh xào với lơ thơ thịt bò và đĩa salat mà cũng mất ngót nghét vài triệu đồng tiền Việt vì rau xanh ở đây phần lớn nhập khẩu từ xứ ôn đới, nhiệt đới nên giá rất đắt. Chỉ có táo, lê là rẻ tí chút vì ở xứ bạn trồng được.
Trước hôm rời Paris, sau một hồi loanh quanh, chúng tôi cũng tìm được một nhà hàng thuần Việt mang tên “Phở Đầu Bò” của ông bà chủ quán là người Quảng Ngãi. Những người phục vụ ở đây đều quê các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Có người sang đây làm phụ bếp đã hơn 10 năm, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày ở xứ người nên từ ngày đi chưa về quê lần nào.
Chúng tôi dùng một bữa tối đậm chất Việt ở nhà hàng “Phở Đầu Bò” mà không phải bằng món phở. Ngồi giữa thủ đô Paris, ăn bữa cơm Việt có đủ vị ngọt, mặn, cảm giác như đang ngồi trong nhà hàng ở miền Tây Nam bộ. Ngon nhất vẫn là món rượu vang Bordeaux.
Hình như uống vang Pháp giữa lòng nước Pháp nó mới có cảm giác ngon như vậy.