Một thoáng Ba Lan
Chúng tôi đến Ba Lan vào những ngày cuối tháng 8/2024, nắng vàng mượt bao trùm khắp nơi, cây cối bắt đầu khoác lên mình bộ áo mùa thu óng ả. Đất nước Ba Lan bình yên thân thiện và hiếu khách, nhiều khách du lịch đến từ bốn phương. Chuyến đi để lại trong tôi nhiều cảm xúc…
Cố đô Kraków
Cố đô Kraków là một thành phố cổ duyên dáng, đầy chất thơ nằm bên dòng sông Vistula uốn lượn dưới chân đồi Wawel. Thành phố này chứa đựng những trang sử thăng trầm đầy bi hùng của dân tộc Ba Lan. Nơi đây được coi là một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Quần thể tòa lâu đài hoàng gia lừng lững, oai vệ quay ra sông. Khu phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1978, nên hàng năm thu hút hàng chục triệu khách, biến nơi đây thành một trung tâm du lịch sầm uất.
Cũng giống như cố đô Kyoto của Nhật Bản, Kraków đã thoát được thảm họa phá hủy của Đức Quốc xã trong Đại chiến Thế giới II nên phần nhiều kiến trúc văn hóa nghệ thuật vẫn gần như nguyên vẹn. Dễ dàng nhận ra nhờ các thành quách và tháp canh xây bằng gạch đỏ được bảo tồn rất tốt và nền đường lát đá đã bị thời gian bào mòn. Các tòa lâu đài điệu đà duyên dáng, không hoành tráng và rộng lớn như các cung điện của Pháp, nhưng bớt vẻ cứng nhắc và có phần tao nhã hơn.… Tôi có cảm tưởng mỗi một địa điểm, mỗi con phố, thậm chí mỗi phiến đá đều ghi dấu ấn hàng thế kỷ của một vương triều Ba Lan hùng cường và hưng thịnh.
Công viên Planty đầy cây xanh bao quanh khu vực lâu đời nhất của thành cổ Kraków. Đó là một khu vườn đô thị độc đáo với chu vi hơn 4 km. Trước đây, giữa công viên Planty là thành lũy và hào nước, nhưng năm 1820, Thượng viện Thành phố đã quyết định thực hiện mô hình thành phố mở nên đã phá bỏ và cho trồng cây nhằm tạo nên một một dải công viên xanh mênh mông. Có nhiều tượng đài, những ghế băng được ghi tên những vĩ nhân hay những văn sĩ nổi tiếng như Romain Gary, Victor Hugo… Đặc biệt nơi đây cũng như các công viên ở Ba Lan không có cửa ra vào, không có tường rào bao quanh.
Quảng trường Kraków, một không gian đô thị nằm ở trung tâm thành phố, được xây dựng từ thế kỷ 13, được trùng tu nhiều lần. Ngoài khu chợ có mái che, thì một số ngày trong tuần các tiểu thương đến dựng gian hàng tạm để buôn bán, hoặc các ban nhạc đến biểu diễn, tạo không gian luôn náo động, nhộn nhịp. Do đã được UNESCO xếp hạng di tích nên các tòa nhà bao quanh quảng trường đều có niên đại hàng trăm năm, rất cổ kính. Ví như Nhà thờ Thánh Adalbert thế kỷ thứ 10 và Đài tưởng niệm Adam Mickiewicz năm 1898. Nổi bật trên quảng trường là những tòa tháp theo kiến trúc Gô-tích của Nhà thờ Thánh Kosciól Mariacki.
Mỏ muối Wielicz
Cách Kraków khoảng 16km, Wieliczka là một trong những mỏ muối cổ nhất thế giới, được khai thác từ thế kỷ 13 đến tận năm 1996 và năm 1978 đã được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới. Có thể nói đây là một kỳ quan, một thành phố dưới lòng đất, mà nơi sâu nhất là 327m và tổng chiều dài các hành lang 287km với chừng gần 30 giếng khoan, còn có hồ nước ngầm xanh như ngọc.
Trước khi trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, đây là nguồn muối lớn nhất của Ba Lan. Tất cả các gian phòng và đường hầm đều do con người tạo ra. Đó là các thợ mỏ trong quá trình khai thác muối và những tù binh, người Do Thái bị Đức Quốc xã bắt đến đó làm việc trong cuộc Đại chiến Thế giới thứ II. Khi lên kế hoạch biến nơi đây thành khu du lịch, Ba Lan đã đầu tư rất nhiều, gia cố kiên cố các đường hầm, hiện đại hóa các cầu thang; có nhà hàng, phòng trưng bày, thang máy lên xuống. Có khu nhà nguyện cao đến 36m. Tất cả các bức tượng, phù điêu tại đây đều được tạc từ muối.
Thủ đô Warszawa
Thành ngữ “Hồi sinh từ đống tro tàn” rất đúng cho thủ đô của Ba Lan. Từng được mệnh danh là "Paris của phương Bắc", Warszawa được cho là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới cho đến khi xảy đến cuộc Đại chiến thế giới II. Có thể nói Warszawa là chiến trường trong cuộc giao tranh giữa Đức và Hồng quân Liên xô, để rồi sau cuộc Đại chiến, thành phố đã bị san bằng.
Giờ đây, Thủ đô Ba Lan phát triển thành một thành phố với kiến trúc hiện đại, nhiều tòa nhà kính chọc trời, giao thông tấp nập ngày đêm. Khu thành cổ được thu hẹp lại, nằm ở khu vực cao nhất của thành phố, đi dạo chừng một tiếng là hết nhưng cũng để ta thấy sự hùng tráng xưa kia. Nơi đây trong suốt bốn mùa, vào lúc chiều tà, khách du lịch đông như nêm. Nhiều nhà hàng, và khách lúc nào cũng đông. Trong khu ẩm thực, thấp thoáng thấy một nhà hàng Việt, khá rộng, khá đông khách!
Nơi khiến ta xúc động nhất tại thủ đô, có lẽ là Quảng trường Pilsudski, ở trung tâm thủ đô Warszawa. Đây là phần duy nhất còn sót lại của Cung điện Saxon cho đến Thế chiến II. Quảng trường nằm cạnh một công viên rất lớn, cùng tên với cung điện. Tại đây có tượng đài, và đó là một trong những tượng đài quan trọng nhất, bởi tại đó có mộ người lính vô danh, và tại đây có ngọn lửa bất tử luôn cháy sáng, binh sĩ quân đội đứng gác 24/24.
Đến Ba Lan, thăm thủ đô Warszawa, không thể không đến thăm Nhà Chopin, nơi mà thiên tài âm nhạc đã ra đời và lớn lên. Ngôi nhà được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những nét đơn sơ của một ngôi nhà thôn quê, nằm giữa một quần thể tự nhiên, không gian mênh mông, có cây, có rừng, có suối nước chảy và những hòn non bộ… Nơi đây giờ đã trở thành Nhà bảo tàng Chopin.
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan
Tôi may mắn là một trong những đại biểu Kiều bào Pháp vinh dự được đi thăm Trường Sa hai lần, mỗi đại biểu khi được đặt chân đến những hòn đảo thiêng ấy thì được tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa. Và danh hiệu Chiến sĩ Trường Sa đã thực sự gắn kết các kiều bào trên mọi lãnh thổ. Đến Ba Lan, tôi được các bạn trong Câu lạc bộ Yêu biển đảo Việt Nam đón tiếp rất nồng hậu. Trò chuyện với các bạn, tôi thẩm thấu hơn nữa thành ngữ “Tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của những người con xa xứ.
Là một nhà văn, tôi luôn quan tâm đến việc học tiếng Việt và Văn hóa Việt, khi tôi đề cập đến chuyện này ở Ba Lan, chị Cao Hồng Vinh, một người Việt đã đắc cử vào Hội đồng nhân dân quận, cho biết, ở thủ đô Ba Lan có Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân đã thành lập 25 năm. Năm học 2024-2025 này, trường dự tính đón hơn 200 học sinh, với 12 lớp khác nhau. Các lớp học được thực hiện vào các thứ Bảy hàng tuần. Thành quả của ngôi trường này quả là khá ấn tượng.
Sang Ba Lan lần này, tôi may mắn được dịch giả Nguyễn Văn Thái, một trong những người thành lập Hội người Việt Nam tại Ba Lan, đưa đi thăm khu thương mại của cộng đồng người Việt được xây dựng rất hoành tráng. Cách đây không lâu, một khu chợ của người Việt tại đó mới bị hỏa hoạn, tổn thất rất nhiều, nhưng qua lời kể trực tiếp, thấy sự thực còn đau xót hơn, nhưng tôi cảm nhận được tình thương thân tương ái giữa những đồng bào Việt trên đất Ba Lan.
Tôi cũng có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Tuyển, một doanh nhân Việt thành đạt tại Warszawa, anh cho biết nhờ sự bao dung và đồng cảm nên qua các thời kỳ bầu cử, chính quyền Ba Lan vẫn luôn hỗ trợ người Việt ổn định cuộc sống, bình đẳng trước pháp luật, được bảo vệ và che chở.
“Sau 35 năm hình thành và phát triển, cộng đồng người Việt tại Ba Lan là một cộng đồng hội nhập, phát triển, kế thừa những giá trị của dân tộc Việt Nam, tạo thành một Việt Nam nhỏ trong đất nước Ba Lan. Mỗi thành viên đều mong muốn gìn giữ, phát triển giá trị truyền thống trong quan hệ giữa hai nước để cùng nhau tạo ra giá trị chung đồng thời tỏa sáng riêng theo đặc thù của mỗi nước. Cùng nhau bảo vệ giá trị của hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung”, anh Tuyển chia sẻ.
Anh Tuyển hài lòng trước những thành tựu của cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói chung và giới doanh nhân nói riêng. Tuy nhiên, theo anh, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa, quan niệm giáo dục nơi xuất phát nên phần đông chỉ mong mưu sinh, tồn tại, thường đắn đo nhiều, tính sở hữu cao, tâm lý thỏa mãn… Những chuyện như thế thể hiện trong việc phần đông thường dừng lại ở mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tâm lý sợ hãi và cảnh giác được nuôi dưỡng và hình thành từ nguồn cội nên nếu có hợp tác lớn cùng nhau thì vẫn luôn tồn tại sự nghi kị.
Còn rất nhiều chuyện về Ba Lan mà khó có thể kể hết trong một bài báo. Khi thăm Ba Lan, xem những thước phim về lịch sử, về chiến tranh, về tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của dân tộc Ba Lan, tôi lại nghĩ đến Việt Nam, hình như có chút gì đó tương đồng.
Và tôi chợt nhớ hai câu thơ của Tố Hữu: “Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy/ Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan...”.