Một người Việt ở Lào
Tôi đã ở chặng cuối của cuộc hành trình 6 tháng đạp xe xuyên các nước Đông Nam Á. Tuy những nơi tôi đến chưa phải là quá xa so với quê hương Việt Nam nhưng số người Việt tôi gặp ở các nước bạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết, họ đón chào tôi bằng những lời cảnh báo "cướp, giết, hiếp" ở xứ người khiến trái tim yếu đuối mong manh của tôi thêm một phen sóng gió.
Và ở trên đất Lào, tôi gặp gã - người đàn ông Việt Nam trung niên người nhỏ nhắn, cao hơn tôi chút đỉnh nhưng khuôn mặt đanh, làn da săn bóng. Gã dang tay ra định ôm còn tôi thì đưa tay định bắt. Ở gã toát lộ vẻ sành đời đằng sau nụ cười đồng hương tràn trề chân ái.
Từ Vang Vieng, Lào đi đường 13 gặp ngã ba, ngược về nam một chút ở một trong những khúc uốn cong hình rắn sẽ thấy một nhà nghỉ nằm ngay bên con sông Nam Lik. Nhà nghỉ có tên là Tao. Mảnh vườn bên dưới trồng hoa hòe hoa sói, hoa đậu biếc leo kín lối. Mà thực ra thì cũng chẳng có hàng có lối, vườn có lẽ trồng theo kiểu nông nghiệp vĩnh cửu hay còn gọi là nông nghiệp vườn rừng, để cây cối mọc tự nhiên và hỗ trợ sinh thái, không phân bón, không chất hóa học, không cày bừa.
Gã chỉ cho tôi mấy cây anh túc đang nở hoa mỹ miều, rồi khoe đã từng trồng cả một vườn anh túc rộng mấy héc ta ở Đức, ở Anh, mỗi ngày kiếm mấy chục nghìn bảng. "Đời anh cũng lên voi xuống chó, cũng hoành tráng, ra gì và này nọ, nhất định sẽ viết thành sách em ạ", gã tâm sự. Tôi phì cười trước ý định rất văn chương của lão.
"Anh quê ở đâu vậy?" - tôi hỏi. "Anh ở Nghệ An này, mấy trăm cây nữa là đến nhà anh đấy. Nhà anh á, cũng hơi bị giàu. Riêng thuế đóng cho Lào là doanh nghiệp nhà anh đóng cao nhất luôn. Là em phải biết kinh doanh lớn thế nào rồi chứ gì?". Tất nhiên là gã rất hào hứng khoe cái sự giàu của nhà lão với điếu thuốc phì phèo trên môi, khoe lão từng đi buôn gỗ lậu, đào vàng, cục to như vầy này, rồi đã từng vào tù nữa. Tôi dò dẫm hỏi gã ngọn ngành câu chuyện vào tù. Gã kể: "Thì trồng thuốc phiện trong hầm ấy. Lúc đấy, có thằng bị bắt khai ra, thế là anh cũng bị tóm, thế là vào tù thôi. Ở trong ấy anh cũng làm đủ việc, như cắt cỏ, khâu vá, nấu nướng, rửa bát… Anh mà nghe mẹ chịu khó lái xe tải thì giờ anh cũng ấm thân rồi chứ chẳng như thế này".
"Vợ con anh đâu", tôi vẫn tò mò về lão đồng hương. "Vợ con á? Nhắc đến làm gì, chán lắm. Anh phải cái tội tin vợ quá. Đấy, làm ở bên Anh bao nhiêu tiền toàn gửi về cho vợ mà nó toàn cho trai cả. Cũng tại anh cả, tin vợ quá. Giờ hai đứa con mà cũng không có tiền lo cho chúng nó. Con bé thì ở với mẹ, anh li dị rồi, còn con lớn ở với ông bà nội. Ôi, mấy năm mới về một lần, làm sao về luôn được em. Cứ nghĩ đến lại chán. Mình cũng hơn nửa đời người rồi. Anh có nhiều người theo lắm chứ, toàn cô xinh, mà lại trẻ. Thôi mình chẳng làm khổ người ta nữa…". Gã có cách nói chuyện thật lạ, rất bốc, rất tự tin, nhưng cuối mỗi câu chuyện luôn là những lúc lắng lại để tự vấn, để cân nhắc xem như thế đúng hay là sai.
Gã vừa nói, ánh mắt vừa nhìn ngang tôi, thỉnh thoảng phóng xuống dòng nước đỏ phù sa đang trôi chầm chậm, rồi lại tiếp. "Em đi ngoài ngã ba thấy không, chỗ cái khúc sông người ta đang nạo vét bùn đấy. Vốn dĩ là của anh. Anh! Chính anh làm đấy. Anh đấu thầu xong mang máy về hẳn hoi. Mình phải biết, phải để ý mà dạy công nhân bản địa bao nhiêu lần mà họ có làm được đâu. Đến cái máy xúc cỏn con thế. Xong rồi nhé, thấy anh làm được quá, dân địa phương đòi lại. Tiếc lắm".
Thất bại vụ máy xúc, lão quay ra đào vàng. Rồi lão đào được một cục vàng to, rồi lại bị dân địa phương lấn át. Thành ra bao nhiêu phi vụ, lão đều thất bại. Mặc dù lão đã ở Lào mấy chục năm rồi, thông thuộc mọi chốn.
Giữa cái nhà sàn bằng gỗ, liếp cửa sổ mở thông ra ban công hướng về con sông Nam Lik, lão cứ thao thao bất tuyệt bằng tiếng Việt. Còn mấy bạn khách kia, có bạn ở đây đến bốn tháng không về, ngồi nói chuyện bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng tôi nói tiếng Anh với các bạn, thỉnh thoảng gã nói tiếng Lào với chủ nhà người Ý, thỉnh thoảng chủ nhà người Ý nói tiếng Lào với người đàn bà đứng tên cho toàn khu nhà nghỉ kiểu bản địa rừng rú này. Cái việc chị đứng tên cho cả khu nghỉ khiến tôi cảm tưởng như cả cái toán du khách trong đó có tôi đang ở trong sự che chở của chị vậy. Chị không xinh, nhưng duyên, hiền và đứng tuổi hơn hẳn anh chàng người Ý - chồng chị.
Tôi chợt nghĩ, bỏ xừ, có khi nào anh chàng này lại là truyền nhân Lưu Nguyễn lạc vào chốn Thiên Thai, xa lánh thế nhân kết duyên cùng nàng tiên Tao xứ Bắc Lào này chăng. Tôi chợt nhớ đến lời của bạn râu quai nón ở ngõ lúc tôi dọ dẫm dắt xe vào, chúng tôi định ở hai ngày mà thành ra một tuần rồi. Cái gì níu chân người đến thế? Anh túc chăng? Hay vẻ hoang dã uể oải của một góc khuất thế gian này. Tại sao lại có người ở đây được đến bốn tháng không làm gì, chỉ ngồi ngắm mây trôi ngang núi ngày lại ngày và nước chảy dưới sông từng khắc từng khắc một.
Rồi bất giác, gã đồng hương hỏi tôi: "Thế mai em đi à? Em đi về đâu?". "Em về Phoun Khoun rồi từ đó về Nậm Cắn", tôi đáp. "Em đi về đường 7 á?", gã lại hỏi. Tôi đáp: "Hình như là thế". Thế là gã tuôn ra một tràng, nào là em ơi, em không biết trời cao đất dày là gì, em có biết ở đó mới có vụ cướp dọc đường không em, bọn phỉ nó ra giữa đường nó cướp em đấy, nó đưa em vào rừng bắt nấu cơm giặt giũ cho nó, không ai cứu được đâu. Em là con gái một thân một mình, lặn lội từ Việt Nam sang đây. Nhỡ có chuyện gì thì biết trông cậy vào ai. Rồi gã lấy hết tình cảm đồng hương ra để khuyên can tôi.
Lẽ dĩ nhiên với bản tính nhút nhát thì mới nghe lão nói thế tôi đã phát sốt phát rét cả lên rồi. Rồi gã đưa ra cho tôi vài giải pháp. Gã bảo xong công chuyện, gã sẽ đi xe tà tà hộ tống tôi, hoặc xem có đàn em đàn út nào lái xe tải qua đoạn đường đó thì cho tôi nhờ. Tôi bán tín bán nghi, vội vàng mở điện thoại tìm hiểu quãng đường phía trước. Trước đó, tất cả những gì tôi quan tâm chỉ là độ cao bao nhiêu, đường mấy trăm mét so với mặt nước biển, qua mấy cái đèo, chỗ nào bắt đầu lên, số nào bắt đầu xuống, độ dốc bao nhiêu, chứ đâu để ý tình hình an ninh chính trị khu vực. Thì đúng, ở đoạn phía trước có một vụ bịt mặt cầm súng cướp xe nhưng cách đây hơn chục năm rồi. Thì đúng, trong những cánh rừng Bắc Lào vẫn còn nhiều điều bất ổn…
Thấy tôi sốt sình sịch, anh chàng cùng phòng tập thể râu ria như lính Taliban trấn an: "Tôi có nghe thấy gì đâu, mới hôm trước có cặp vợ chồng cũng đạp xe từ tuyến đó về Vang Viêng đấy". Lúc đấy, tôi mới hơi an tâm. Tuy nhiên trong lòng nhủ thầm chắc gì đã là thật, hay gã bịa ra để có mưu đồ gì. Gã nói, gã tên là Quang, số phận run rủi dạt về khu nghỉ kiểu gypsy này giúp đỡ vài việc vặt ở đây lấy chỗ trú qua ngày, nhưng ai mà biết được đó có phải là tên thật của gã…
Thế rồi tôi vẫn cứ lên đường, và tôi chẳng còn nhớ từ bao giờ mình đã đánh rơi cái ý nghĩ hãi hùng kia nữa. Có lẽ khi chân đã đạp, khi mồ hôi mẹ mồ hôi con đã túa ra, khi bóng đêm đã lừng lững kéo đến hay khi một cơn mưa sấn sổ tràn tới con thung, khi lần đầu nhìn thấy tận mắt mình mây che trên đầu và nắng trên... mây, khi qua những bản làng cheo leo hai bên con đường số 7 vắt vẻo trên đỉnh đồi đỉnh núi mênh mang là tôi đã quên phắt mọi lời cảnh báo của những kẻ sau lưng.
Cả thế giới thu về khoảng không trước ghi đông. Mọi sự tôi quan tâm là ở ngay đây, lúc này, ngay phía trước. Đơn giản là vậy. Tính ra chắc đó chính là cái thú tuyệt vời nhất trong suốt chuyến đi này. Và tôi còn có một niềm vui nữa, là gặp gã - gặp thêm một người Việt, hiểu được phần nào đường đời của họ, khi họ sống tha hương. Có lẽ tôi sẽ rất khó có cơ hội được gặp lại gã. Nhưng tôi vẫn mong rằng, gã sẽ gặp may mắn, sẽ sống tốt, sống lương thiện. Tiếc rằng tôi đã không kịp chụp với gã đồng hương tấm ảnh nào. Tôi e rằng, sau này tôi sẽ quên mất một người Việt của tôi…