Một chuyến đi thay đổi đời tôi

Thứ Năm, 04/05/2023, 12:37

LTS: Khi chuẩn bị nội dung số báo ANTG Cuối tháng 4 này, chúng tôi đề nghị nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết một bài về chuyện các nhà văn Việt- Mỹ đã trở thành sứ giả hoà bình, hóa giải hận thù, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận lời.

Tuy nhiên khi số báo sắp hoàn thành, ông gửi cho chúng tôi bài viết của nhà thơ Kevin Bowen, một cựu binh Mỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts, Boston, cùng lời nhắn: “Đây là một bài viết rất hay”. Xin nói thêm rằng từ những năm 1980, Trung tâm William Joiner (chuyên nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả xã hội) và Hội Nhà văn Việt Nam đã có những quan hệ hợp tác và quảng bá sự hiểu biết giữa hai đất nước, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. ANTG Cuối tháng xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm 1986, tôi rời Boston sau ngày Giáng sinh để thực hiện chuyến đi trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Bộ phim “Platoon” đang dẫn đầu các rạp chiếu ở New York. Tôi đi cùng với một nhóm các học giả dưới sự tài trợ của Dự án hòa giải Đông Dương (USIRP) của John McAuliffe. Có 12 người trong nhóm chúng tôi và một cựu binh khác. Chúng tôi bay từ New York đến Anchorage đến Seoul rồi đến Bangkok lúc nửa đêm. Ngày hôm sau, chúng tôi tới Đại sứ quán Việt Nam để xin visa. Vào ngày năm mới, chúng tôi bay tới Việt Nam từ Bangkok trên chuyến bay của Air France 747.

Một chuyến đi thay đổi đời tôi -0
Gia đình nhà thơ Kevin Bowen và nhà thơ, đạo diễn Lương Tử Đức thăm quê nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Chuyến đi đầu tiên đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Trong nhiều tháng, tôi cố gắng miêu tả điều đã xảy ra. Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, bàn chân tôi có cảm giác kết nối với mặt đất, toàn bộ cơ thể tôi thức dậy, không phải trong bầu không khí cảnh giác cao độ của chiến tranh mà là sự công nhận và trân trọng đối với sự thống nhất và toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc.

Trong chuyến đi đầu tiên đó, tôi đã đi qua những khu vực mà tôi đã từng ở trong chiến tranh. Ở Huế, tôi gặp người lãnh đạo của phong trào kháng chiến địa phương, Nguyễn Văn Lương. Trong bữa ăn tối, chúng tôi trao đổi nhiều chuyện. Cuối bữa ăn, ông đề nghị nâng cốc và nói: “Chúng ta đã từng gặp nhau như những người lính cầm súng, giờ chúng ta gặp nhau như những giáo viên cố gắng kiến tạo hòa bình. Hãy nhớ rằng ông luôn được chào đón ở đây”.

Lời khích lệ này đã giúp tôi trở lại Việt Nam vào năm 1987 với nhóm USIRP, cùng với một vài cựu binh khác muốn thiết lập những chương trình trao đổi giữa hai nước. Tháng 1/1988 là chuyến đi đầu tiên của phái đoàn thuộc Trung tâm Joiner tới Việt Nam với những chuyên gia về y tế công cộng, bác sĩ, lịch sử, khoa học thư viện, nghệ thuật và hậu quả tâm lý và xã hội của chiến tranh ở Mỹ. Cuối năm đó, tôi trở lại Việt Nam với vợ của tôi Leslie, người đã rất yêu Việt Nam và trong 20 năm sau đó đã mở cửa nhà chúng tôi cho rất nhiều khách Việt Nam và rồi họ cũng như những thành viên của gia đình chúng tôi.

Điều đã thay đổi nhiều nhất qua năm tháng, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong cách tôi cảm nhận Việt Nam, từ một nơi của chiến tranh và những người lạ nguy hiểm trở thành một nơi giống như ngôi nhà thứ hai, nơi có bạn bè và gia đình, nơi khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần.

Cũng trong những chuyến đi đầu tiên, chúng tôi gặp Lê Lựu, người sau này trở thành chiếc cầu nối đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi với Việt Nam. Ông đang hợp tác với Hồ Quang Minh trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Ông giới thiệu chúng tôi tới trung tâm nuôi dưỡng thương binh. Mùa hè đó, ông cùng bạn của mình Ngụy Ngữ, là những vị khách nhà văn Việt Nam đầu tiên của chúng tôi đến Mỹ. Tiểu thuyết “Thời xa vắng” của ông là cuốn sách đầu tiên chúng tôi dịch và là bản dịch đầu tiên của Việt Nam nhận được tài trợ từ Quỹ quốc gia vì nghệ thuật.

Lê Lựu và Ngụy Ngữ tham gia cùng chúng tôi trong Hội thảo các nhà văn vào mùa hè, một sự kiện hội tụ các cựu binh và những người viết về chiến tranh một cách nghiêm túc. Những tác phẩm kiểu này đã nổi lên ở Mỹ từ thời chiến và đã tạo ra bước đột phá. Từ đầu năm 1972, Michael Casey đã giành giải thưởng thơ trẻ của Yale cho tuyển tập thơ “Obscenities” (Sự tục tĩu) về chiến tranh. Năm 1973, John Balaban giành giải Lamont cho tập thơ “After the War” (Sau chiến tranh) của mình. Năm 1978, cuốn “Winners and Losers” (Người thắng và kẻ thua) của Gloria Emerson giành giải thưởng sách quốc gia. W.D.Ehrhart đã biên tập phần đầu tiên trong bộ sách về chiến tranh của ông. Tiểu thuyết “A Rumor of War” (Dư âm chiến tranh) của Philip Caputo đã được chuyển thành loạt phim trên truyền hình. “Song of Napalm” (Bài hát Napalm) của Bruce Weigl đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc đua giành giải Pulitzer. Wayne Karlin đã xuất bản cuốn tiểu thuyết viết về phong trào phản chiến của các cựu chiến binh. Tim OBrien hoàn thành “The Things They Carried” (Những gì họ mang theo). Rất nhiều người trong số họ gặp Lê Lựu và Ngụy Ngữ mùa hè đó và gặp nhiều nhà văn khác của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Những chuyến thăm đầu tiên đó không dễ dàng, có rất ít nguồn tài trợ. Các nhà văn Việt Nam phải ở cùng gia đình tôi ở Dorchester hoặc nhà của những người bạn Việt Nam. Những tác giả Mỹ thì ngủ trong trại ở ngoài sân nhà tôi cũng như ở nhà của đồng Giám đốc David Hunt. Ngôn ngữ vẫn ngăn cách chúng tôi; chúng tôi dựa vào một số người bạn Việt Nam như Nguyễn Bá Chung hay Ngô Vĩnh Long để có thể trao đổi với các nhà văn Việt Nam. Don Luce, người đã công bố sự tồn tại của “những chuồng cọp” thời chiến cũng đến để giúp đỡ, cũng như những người bạn thuộc phái đoàn Việt Nam, sau khi nhận được sự cho phép đặc biệt của chính phủ Mỹ đã đến với chúng tôi từ phái đoàn ở Liên hợp quốc cách đó 25 dặm.

Năm 1989, chúng tôi thấy những người biểu tình tấn công Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Khải ngay trước thư viện công cộng Boston. Một bức tranh cũ về sự kiện này cho thấy các cựu binh Mỹ nắm chặt tay nhau bảo vệ “những cựu thù” khỏi đám đông người Mỹ gốc Việt và những người ủng hộ họ. Những người phản đối và những đoàn biểu tình đã là chuyện xảy ra thường xuyên. Điều này không ngăn cản những vị khách Việt Nam mời các nhà văn Mỹ sang tham dự hội thảo các nhà văn cựu binh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam năm sau đó. Nhiều nhà văn Mỹ đã thúc đẩy dự án này. Bruce Weigl, cùng với Nguyễn Thanh, một sinh viên trẻ làm việc tại trung tâm, thực hiện những bản dịch về sau trở thành tuyển tập “Poems from Captured Documents” (Thơ từ những tài liệu thu giữ), gồm những đoạn microfilm chụp lại những lá thư, những cuốn sổ tay của những người lính Việt Nam bị chết hoặc bị bắt trong chiến tranh. Larry Heinemann sẽ trở lại nhiều lần, để làm bộ phim “Bicycle Doctors” (Những bác sĩ xe đạp) cùng với Larry Rotman, nghiên cứu những câu chuyện dân gian khi nhận học bổng của Fulbright, và viết cuốn hồi ký “Black Virgin Mountain” (Núi Bà Đen), kể lại sự gắn bó của ông với Việt Nam. Wayne Karlin sẽ tiến hành dự án với Curbstone Press để giới thiệu các tiểu thuyết Việt Nam.

Tôi đã may mắn trong những năm đó là được đón các nhà văn trở thành khách của nhà tôi, chia sẻ những giây phút tĩnh lặng với họ bên hành lang sau nhà, cùng nấu ăn, nhìn hoa trong vườn nở. Có những năm Đỗ Chu đã vẽ chân dung mọi người. Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều và sau đó Tô Nhuận Vỹ thay nhau bế đứa con mới sinh  Lily của tôi. Từ khi có thể tự bước đi bước đầu tiên, con trai tôi đã chơi bóng rổ ở sân sau với Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh và một loạt những người khác. Khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai tôi đã nói rằng nó có 1 nửa là Ireland và 1 nửa là Việt Nam. Có quá nhiều kỷ niệm. Ai có thể quên được khúc đồng diễn Sông Hương được chơi ở sân sau nhà tôi ở Dorchester, hay Chu Lượng, Lương Tử Đức, Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quang Thuật, lập một nhà hát múa rối nước mini và biểu diễn cũng ở khoảng sân đó. Chứng kiến Nguyễn Quang Thiều chỉ đạo một nhóm dân làng ở Ireland hát một bài dân ca Việt Nam. Và tất nhiên, tất cả các bữa tiệc chia tay ở sân sau nhà chúng tôi, các nhà văn Việt Nam nấu ăn và hát dưới những cây đào và cây táo.

Những tuyển tập, sách, bài báo viết về các tác phẩm của Việt Nam cũng xuất hiện. Tiểu thuyết “Thời xa vắng” được Trường University of Massachusetts Press xuất bản. “Writing between the Lines” (Viết giữa những đường ranh giới) là một tuyển tập những bài thơ và truyện của các nhà văn từ cả hai phía cũng đã ra mắt công chúng lần đầu tiên. Bản thảo mà Vũ Tú Nam, Chính Hữu và Anh Ngọc trao cho chúng tôi đã trở thành tuyển tập song ngữ “Mountain River” (Sông núi). Martha Collins và Thùy Dinh dịch “Green Rice” (Lúa xanh) của Lâm Thị Mỹ Dạ. Martha Collins cũng dịch “Người đàn bà gánh nước sông” của Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Bá Chung và tôi dịch “Distant Road” (Đường xa) của Nguyễn Duy. George Evans và Nguyễn Quý Đức dịch “The Time Tree” (Cây thời gian) của Hữu Thỉnh. Fred Marchant và Nguyễn Bá Chung hợp tác để dịch “Từ góc sân nhà em” của Trần Đăng Khoa. Tập thơ của các nhà thơ Việt Nam và một loạt các xuất bản phẩm của Curbstone cũng ra đời.

Đã có những quãng thời gian khó khăn như: sự không hiểu nhau giữa các nhà văn, sự tấn công thù địch của các cựu binh và những người Việt Nam vẫn bị nỗi tức giận và lòng hận thù của chiến tranh ám ảnh, họ gắn cho chúng tôi mác “cộng sản” và thậm chí chỉ trích Giải thưởng quốc gia vì nghệ thuật đã sử dụng tiền thuế để tài trợ việc dịch thuật văn chương cộng sản. Có cả những lời đe dọa giết, đánh bom và biểu tình trong nhiều năm. Chương trình Rockefeller đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, những chiến dịch viết thư, những bài báo chứa đầy những lời dối trá và bôi xấu cá nhân trong các báo tiếng Việt và một vụ kiện kéo dài 4 năm.

May mắn là tôi có nhiều bạn bè. Và chúng tôi có Việt Nam. Trong nhiều năm, những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa “hồi phục” cho chúng tôi rất lớn. Nhìn thấy bạn bè, cùng nghe nhạc, nghe thơ ở sân sau, thăm đền chùa, thắp hương, nhìn thấy con của những người bạn lớn lên, bạn bè tôi trở thành ông bà. Việt Nam đã thành một nơi giống như để hành hương. Hành trình này đã lên đến đỉnh điểm khi Nguyễn Duy, Nguyễn Bá Chung và tôi dịch “Thơ thiền Lý-Trần”. Công việc dịch của chúng tôi diễn ra đồng thời với việc đi thăm các ngôi chùa, trèo lên những ngọn núi. Còn hành trình nào tuyệt vời hơn thế, hành trình từ chiến tranh đến hòa bình.

Kevin Bowen
.
.