Mối tình băng thời gian và “Chân trời gọi nắng”

Thứ Bảy, 08/04/2023, 05:34

Nhạc sĩ Hồng Đăng và người vợ trẻ Lê Anh Thúy đã có một mối tình vượt không gian, băng qua thời gian, si mê, ngây ngất. Những tấm ảnh của nhạc sĩ Hồng Đăng bên vợ được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của hai người từ nhiều năm trước, phóng to như những tấm gương lớn treo khắp căn phòng khách.

Chị Thúy run rẩy nói: “Nhờ những tấm ảnh mà tôi vẫn thấy anh chưa đi đâu cả, đang ở đây với tôi”. Một năm sau ngày ông mất (21/3/2022 - 21/3/2023), chị đã làm một việc vô cùng ý nghĩa là ra được quyển sách cho chồng với tên gọi: “Chân trời gọi nắng”...

1. Cả chục tấm ảnh lớn giăng kín 4 bức tường, có ba bộ bàn ghế bằng tre màu nâu và trên bàn là lọ hoa cúc vàng. Một tấm ảnh lớn của nhạc sĩ Hồng Đăng dựa vào thành ghế, cứ như thể ông đang ngồi ở đó để hằng ngày ngắm vợ. Chị Thúy đưa tôi lên tầng hai thắp hương cho ông, bên cạnh bàn thờ tổ tiên là một bàn thờ nhỏ của nhạc sĩ Hồng Đăng. Bàn thờ này kê cạnh bộ bàn ghế mây tre. Chị Thúy bảo: “Khi còn sống, anh nằm ở cái ghế tre này cho tiện đi lại ăn uống. Từ khi anh mất, mình lại nằm vào chỗ đó, cứ có cảm giác như vẫn giữ được hơi ấm của anh”.

chị thuý viết tặng sách _chân trời gọi nắng_ của nhạc sĩ hồng đăng cho nhà văn ngô thảo, và nhiếp ảnh gia nguyễn đình toán.jpg -0
Chị Thúy ký tặng sách “Chân trời gọi nắng” của nhạc sĩ Hồng Đăng cho nhà văn Ngô Thảo và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán

 Nhạc sĩ Hồng Đăng vào những ngày tháng cuối đời sức khỏe yếu đi nhiều, chân bước tập tễnh, đi lại khó khăn, ông vẫn được bạn bè năng lui tới thăm. Để tiện việc tiếp khách và sinh hoạt cá nhân hằng ngày của ông nên chị Thúy đã làm một cái nệm đặt trên ghế dài của bộ bàn trà mây tre. Và chị ở bên ghế còn lại, mở cửa sổ để đón gió mới, họ nói cho nhau nghe đủ các thứ chuyện trên trời, dưới bể. 

Cách đây 20 năm, khi còn làm ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), tôi thường chứng kiến chị Thúy chở nhạc sĩ Hồng Đăng trên chiếc xe Cúp 82 màu xanh đến cơ quan, lúc ấy ông là Phó Tổng thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chị Thúy cao lớn, phốp pháp, tươi tắn, còn ông thấp nhỏ ngồi ở đằng sau xe. Mỗi khi ông ngồi, hai tay ông lại ôm ngang qua eo chị, cả hai người nở nụ cười mãn nguyện.

Chị Thúy trẻ hơn ông gần 30 tuổi, tình yêu không giới hạn này từ những thập niên 90 khi chị mới ngoài 20 tuổi. Biết Thúy muốn học ngoại ngữ, nhạc sĩ mở một lớp học ngoại ngữ rồi thuê giáo viên về dạy học, để hằng ngày ông được trông thấy bóng dáng của nàng. Không ngờ cô giáo viên dạy ngoại ngữ đấy cũng rất kết nhạc sĩ, chị Thúy bảo: “Cô giáo viên ấy nói với Thúy, mình muốn sự cạnh tranh lành mạnh để xem ai có thể chiếm được trái tim của chàng”. Đương nhiên rồi, Thúy đã chiếm trọn tình cảm của người nhạc sĩ.

Hồi đó, bố mẹ, gia đình cấm đoán, Thúy tìm đủ lí do thoát khỏi nhà để chạy ngay ra gặp chàng đợi đầu ngõ. Ma lực của tình yêu xui khiến, họ đến một cuộc hôn nhân kì lạ với biên độ tuổi tác chênh lệch gần 30 tuổi. Ngày chị lên xe hoa, bố mẹ chị tiễn ra cửa rầu rĩ: “Mày điên rồi con ạ. Bố mẹ lo lắm, không biết cuộc hôn nhân này rồi sẽ đi tới đâu”. Chị kể hồi đó gia đình, bạn bè của cả hai không ai có thể nghĩ rằng cuộc hôn nhân này sẽ trọn vẹn…

Mối tình băng thời gian và “Chân trời gọi nắng” -0
Chị Lê Anh Thúy với những hồi ức về chồng - nhạc sĩ Hồng Đăng

Bất giác tôi thốt lên hỏi chị: “Vậy cái gì đã níu giữ hai người ở bên nhau qua biết bao năm tháng như thế, và ngay kể cả bây giờ khi Hồng Đăng đã mất, chị vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu”. Đôi mắt chị đỏ hoe, từ khi tôi bước chân vào ngôi nhà, nhắc về cố nhạc sĩ, chị Thúy lúc nào cũng nguyên một niềm xúc động nhớ thương người chồng quá cố. Chị bảo: “Tôi nóng tính và rất đơn giản, nhưng cứ mỗi lần ở bên anh ấy là tôi lại thấy tính mình hiền hòa, mềm mại hơn rất nhiều. Cứ như lửa bừng bừng tức giận đang lên cao mà chỉ cần gặp một cơn mưa là mọi thứ lại dịu êm trở lại. Bên anh, tôi thấy êm đềm, bình yên. Anh mang lại cho tôi cảm giác được yêu thương, chăm chút. Ngày tôi lấy anh kinh tế không có gì đâu, chật vật lắm, đến nhà cũng không có để mà ở… vậy mà vẫn cùng nhau đi qua được hết…”.

Hồng Đăng phiêu bồng, lúc nào cũng sống như người đi trên mây trên gió, ông chẳng bao giờ để ý xem nhà còn tiền hay không, cứ thích gì là mua, mọi việc trong gia đình lớn bé đều một tay chị lo. Một người làm nghệ thuật thì phải có một người để chỉn chu lo kinh tế, cơm nước, chị Thúy đảm đang vun vén tổ ấm nhỏ của mình. Nhưng ông cũng chiều vợ lắm, từ lúc làm vợ Hồng Đăng, chị được chồng tặng hàng trăm lọ nước hoa, bây giờ vẫn còn hơn trăm lọ chưa dùng đến. 

Càng gần ông, chị càng kính trọng tài năng, mọi người chỉ biết đến ông là một nhạc sĩ với những bản tình ca êm đềm và lãng mạn, những bản nhạc phim gây ấn tượng; nhưng với khí nhạc, nhạc giao hưởng là một thành công lớn của ông. Giờ đây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn dùng những giáo án của ông soạn từ hồi ông còn đi dạy học để dạy khí nhạc cho sinh viên.

2. Sau khi Hồng Đăng qua đời, ngôi nhà chỉ còn chị Thúy và người chị gái ruột, hai người đàn bà sống trong căn nhà gần đê sông Hồng. Quán “cafe Thúy” chị mở được 2 năm thì ông mất. Thực ra, quán cà phê này chỉ dành cho giới nghệ thuật yêu âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng, họ đến đây trò chuyện. Chị bảo, gác trên có một căn phòng là phòng kho, nơi đấy chứa đầy sách vở, tài liệu ghi chép của nhạc sĩ Hồng Đăng, ngày ông còn sống, ông không cho ai động vào nên bụi bám dày. Sau khi ông mất, chị mới mở kho tư liệu, lần giở trên những trang giấy đã ố vàng theo thời gian, nét chữ thân quen của người chồng quá cố. Những câu chuyện về cuộc đời của ông, những kỉ niệm về gia đình, bạn bè và những ngày ông đi dạy học ở trường nhạc, số phận lênh đênh của các bài hát, những khúc quanh sóng gió của cuộc đời… Chị chọn ra đánh máy lại, lắm khi mệt quá chị thiếp đi ngay trên bàn làm việc. Nhiều khi chị nhủ, hương hồn ông có linh thiêng xin hãy phù hộ độ trì để chị sớm hoàn thành cuốn sách ý nghĩa này.  

Mối tình băng thời gian và “Chân trời gọi nắng” -0
Cuốn sách chị Thúy dày công làm nhân kỉ niệm 1 năm ngày mất của cố nhạc sĩ

Xong bản thảo rồi chị mới giật mình khi nghĩ đến khoản kinh phí in sách. Nhưng may thay những người bạn của ông, mỗi người đóng góp, giúp một ít nên cuốn sách cũng đã hình thành. Sau nhiều tháng chuẩn bị, cuốn sách đã kịp ra mắt đúng dịp 1 năm ngày mất của Hồng Đăng. Hôm tôi đến, người của nhà xuất bản đã mang tới hơn 500 cuốn sách. Chị bảo: “Từ khi nhà tôi mất đi, tôi chống chếnh lắm. Tuy anh ấy có tuổi, sức khỏe yếu đi nhưng đầu óc rất minh mẫn, chúng tôi trò chuyện cùng nhau. Lắm khi anh mệt không nói được gì, chỉ có tôi nói thôi, anh nghe và mỉm cười với tôi…”.

Khi nhạc sĩ còn sống, chị Thúy hay chở chồng bằng chiếc xe Cúp màu xanh quen thuộc. Cả hai như đôi chim câu ríu rít. Họ ngược nắng, ngược gió đi trên những con phố đông đúc rồi ra triền đê sông Hồng lộng gió hướng về phía Bát Tràng, hay lội về vùng Kinh Bắc, rẽ sang Hưng Yên… Ông ngồi sau vợ, hai vợ chồng vào mùa hè cùng nhau ngắm những cánh phượng nở đỏ rực góc trời hay những con đường bằng lăng tím ngắt. Sang thu, họ lại đèo nhau đi hít hà mùi hoa sữa dưới đêm trăng sáng. Hoa sữa càng về đêm hương thơm lại càng nồng, có những hôm thích ngửi mùi hoa mà đến gần 12 giờ đêm họ mới về đến nhà. Có cảm giác như hương hoa sữa thơm nồng quấn vương đầy trên tóc vợ, người nhạc sĩ già lại càng bịn rịn hơn. Đông sang, hương hoa bưởi ngào ngạt đến mê đắm… Câu quen thuộc của ông vào mỗi sáng là: “Thúy ơi, hôm nay mình lại đi đâu..”. 

Nhắc đến ông, chị thẫn thờ bảo: “Khi còn sống, anh như tảng đá vững chãi cho tôi tựa vào, từ khi anh mất đi tôi chống chếnh lắm. Khắp căn nhà này, ngay cả ở ngoài kia, mỗi con đường, góc phố thân quen, cũng gợi cho tôi nhớ về anh…”.

Nhìn chị, bất giác tôi nghĩ sự yêu thương day dứt, quay quắt kia của chị, có lẽ ông khó có thể rời đi nổi mà vẫn đang ở đâu đó quanh đây, nhẹ bẫng, vô hình, vô tướng, bao trùm là niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi…

Trần Mỹ Hiền
.
.