Lý do để về

Thứ Tư, 18/01/2023, 08:24

Đứng trước tủ kính cáu bụi trong căn nhà gần như trống trơn, bà Mai Thị Thê loay hoay mãi mới lau được tấm ảnh cưới được đóng khung cẩn thận của người con trai út - thứ kỷ vật hiếm hoi nhắc bà nhớ rằng, trên lý thuyết, bà vẫn còn một gia đình.

“Xuân này con không về”

Năm nay gần 90 tuổi, bà sống một mình trong căn nhà ghép tôn sơ sài từng là nơi lớn lên của 9 người con. Ngoài cậu con út, bà chỉ nhớ mặt và đọc tên được 3 người. Cậu út cũng là người cuối cùng rời khỏi nhà sau một vụ tôm thất bát, những đồng tiền cuối cùng đội nón ra đi. Anh và vợ cùng một đứa con lên Bình Dương làm mướn, để lại món nợ vài trăm triệu và đứa con còn lại cho ông bà ngoại nuôi.

2 năm trước, khi lần đầu ghé thăm bà, chúng tôi đi trên một con đường mà từ phía bên phải, nước sông ngập vào gần sát thềm các căn nhà. Có vẻ là kiểu đường quen thuộc ở Thới Bình (Cà Mau). Nhà bà Thê nằm ở cuối đường, sau 3-4 căn nhà bỏ hoang. Chủ nhân của chúng, cũng như đứa con út của bà Thê, đã phải rời quê hương sau một vài vụ lúa-tôm thua lỗ nặng.

Khi tôi gọi lại để hỏi thăm, bà vẫn còn nhớ đoàn chúng tôi. Vì trong suốt 2 năm, rất ít người đến thăm bà và ở lâu như chúng tôi (khi ấy, chúng tôi phải làm xong một phóng sự về biến đổi khí hậu). Hai cái Tết trôi qua từ đó, hai người con về chớp nhoáng và vội vã đi vì mưu sinh. Tết năm nay, mọi chuyện vẫn bỏ ngỏ.

“Tôi cũng chưa biết nữa, cậu ơi. Tụi nó bận lắm” - bà nói. Trong giọng nói bà giờ đã bắt đầu có nét dửng dưng, không phải vì bà không thương con nữa. Đơn giản là bà đã lẫn quá rồi, không thể nhớ nổi mặt của vài đứa con xa nhà, chứ đừng nói là tên, hay việc chúng đang làm gì.

ANTGGT Tết trang 9: Lý do để về -0
Bà Mai Thị Thê trong căn nhà không bóng người thân. Ảnh: Minh Sơn

Ở nơi bà sống, theo thống kê không chính thức của trưởng ấp, một phần ba những người còn ở độ tuổi lao động đã ly hương và đôi khi giây phút đoàn tụ, thứ chúng ta nghĩ là đương nhiên vào cuối năm, bỗng trở thành xa xỉ.

Trên một diễn đàn mạng khá lớn, vào một ngày cũng gần cuối năm, một bạn trẻ đăng hình ảnh đoàn tàu Bắc - Nam kèm câu hỏi: Vì nghèo, bạn đã làm gì? Mình: 33 tiếng trên tàu hỏa với ghế cứng, trong túi chỉ còn 32 ngàn.

Bài đăng ấy đã thu hút được gần 4 ngàn bình luận và như một dịp để rất nhiều người giãi bày nỗi lòng. Có người đã đi xe máy từ TP Hồ Chí Minh về quê, ngủ bờ ngủ bụi và ăn rất dè sẻn, để đón cái Tết bên gia đình. Có người kể rằng, để về nhà, họ đã bắt xe khách suốt dọc đường, để tiết kiệm tối đa. Và, rất nhiều người thú nhận rằng, họ không thể về vì “cày cuốc” mãi mà không đủ tiền.

Trong bài đăng ấy, Hưng, quê Thanh Hóa, bình luận rằng cậu không dám về, vì đang gần như vỡ nợ. Cậu thoát ly đã chục năm và đến giờ vẫn xoay xở đủ nghề để kiếm sống. “Nhưng, chưa nên trò trống gì thì đã dặt dẹo rồi, anh ạ” - Hưng trả lời. Ban đầu, khi tôi gửi tin nhắn vào inbox của Facebook Messenger để hỏi chuyện, cậu dè dặt, nhưng rồi nhanh chóng mở lòng mình.

4 năm trước, cậu làm nghề môi giới trong một công ty bất động sản. Vào những ngày đỉnh điểm của cơn sốt đất, cậu về quê nằng nặc xin bố bán bớt đất để có tiền đầu tư vào một lô đất vườn ở Đồng Nai. Bán không còn gì hết, trừ chỗ đất nhà ở và cửa hiệu tạp hóa ngay bên hiên nhà, nơi bố cậu đã nuôi cả nhà trong hơn 20 năm.

Thế rồi mọi thứ tan nát. Giá đất chia năm xẻ bảy, thậm chí không đủ thanh khoản. Cậu lại về xin gia đình vay ngân hàng để mở phòng gym, rồi tiệm bi-a. 2 năm dịch COVID-19 ập đến cuốn nốt số vốn ít ỏi còn lại. Mấy chục triệu sau cùng, Hưng “nướng” nốt vào chứng khoán, rồi trắng tay. Những ngày cuối năm, cậu lại đi xin việc và định không về quê năm nay: “Sắp đến hạn trả nợ ngân hàng, mà sợ bố em không gồng nổi nữa, anh ạ”.

Ở làng của Hưng, có một con đường chính dẫn từ ngã ba, chỗ bố cậu bán tạp hóa, xuống cuối làng. Một nửa số nhà trên con đường này đã bỏ trống vì “thanh niên ai cũng như em, mấy năm trước đều bỏ hết ruộng đồng vào Nam làm đất”. Người này bảo người kia và giờ thì số nợ của cả làng cộng vào đã lên đến hàng chục tỷ. “Em bế tắc quá, không dám về nữa” - Hưng nói.

Gánh nặng của người ra đi

Những ngôi làng kiểu thế không còn hiếm nữa. Tùng, quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), chạy Grab ở Hà Nội đã 4 năm, cũng bỏ ngỏ khả năng về quê Tết này: “2 năm rồi em không về, cố ở lại kiếm thêm. Về chi phí quá lớn mà em giờ nghèo quá, không thể kham được”. Ở làng của Tùng, phải hai phần ba người trẻ đã rời bỏ quê hương đi làm ăn xa.

10 năm trước, cậu đỗ đại học trong sự vui mừng của cả họ, trở thành người có học vấn cao nhất trong dòng họ. Vài năm vật vờ ở giảng đường, Tùng nợ môn và cho đến giờ chưa ra được trường. Đấy là một bí mật mà đến giờ cậu vẫn chưa dám nói với bố mẹ.

Tương lai phía trước cậu là một dấu hỏi lớn. Chạy Grab toàn thời gian, Tùng kiếm được khoảng chục triệu mỗi tháng, mất 5-6 triệu vào ăn uống và thuê trọ, một ngày hứng lên, đi nhậu với bạn bè chiến hữu là tháng đó chẳng còn giữ lại xu nào. Cậu vẫn nói với bố mẹ là đi làm công ty cho “các cụ yên lòng”, nhưng để thành “một cái gì đó ở đây”, như các cụ vẫn nghĩ, thì cậu chưa tìm thấy lối ra.

ANTGGT Tết trang 9: Lý do để về -0
Nhiều người trẻ rời bỏ quê hương để lập nghiệp phương xa, bỏ lại những ngôi làng trống không. Ảnh: Tuyết Hương.

Các câu chuyện này đang trở nên phổ biến trong làn sóng ly hương đã ám ảnh đất nước khi kinh tế mở cửa và những đô thị phồn hoa trở thành lựa chọn ưu tiên cho những ai cần một chỗ đứng trong đời. Và, tôi chợt nhận ra rằng, không phải ai cũng lựa chọn ra đi vì cái nghèo. Họ đi vì nghĩ rằng ở chỗ khác sẽ có cơ hội mở ra một cuộc sống tốt hơn.

Đấy có thể là sự hiểu lầm lớn trong thời đại chúng ta: Các đại đô thị chứa trong mình những cơ hội, nhưng tỉ lệ chọi quá khủng khiếp của nó đang đẩy nhiều thân phận mắc kẹt ở giữa dòng. Khi đã quyết định ly hương, anh hầu như không thể quay về, với một ám thị rằng cuộc sống luôn phải tiến lên và chìa khóa là rời bỏ quê nhà. Có một khao khát sâu sắc nào đó trong bức tranh này. Ai cũng muốn về quê với một vị thế khác và một cuộc đời mới.

Rapper Đen Vâu từng sáng tác một bài có câu đã trở thành trend trên mạng như thế này: “Cùng lắm thì mình về quê, nuôi cá và trồng thêm rau”. Nó lan truyền rất nhanh có lẽ vì đã nói trúng tâm sự của nhiều người. Ai xa quê chắc cũng từng nghĩ về một ngày như thế, khi họ có thể bỏ lại ưu tư trong câu chuyện của mình và sống nhẹ nhàng hơn.

Nhưng, theo dõi các câu chuyện này, tôi cảm nhận được gánh nặng mà các tâm hồn nghĩ về nó đang mang theo. Mọi chuyện, như đã nói, không chỉ vì cái nghèo. Lối thoát của chuyện này, về cơ bản, không thể được giải quyết chỉ bởi cái nhìn vĩ mô, nếu như tình cảm và hơi ấm gia đình, trong những ngày cuối năm, là không đủ để người ta vượt qua nỗi ám ảnh về các cuộc đời mới. Đôi khi, cái mới đó không có thật.

Ban Cầm
.
.