Linh thú Thăng Long

Thứ Sáu, 21/10/2022, 13:01

Nếu Hà Nội 12 mùa hoa trải dài theo từng tháng của thời gian trong năm, trải rộng khắp không gian địa giới hành chính và trải sâu vào tâm hồn người Thủ đô thì Thăng Long 6 linh thú gắn liền với sự thăng khởi, hưng phát của mảnh đất ngàn năm văn hiến, ẩn huyền vào các sự tích, truyền thuyết của miền đất địa linh nhân kiệt và hào hoa thanh lịch này.

Mỗi linh thú với sở tính của mình đã xuất hiện, góp sức cho Thăng Long trong từng tao đoạn theo hành trình trầm thăng của vận đất và thịnh suy các triều đại…

Mảnh đất rồng thiêng

Ngay từ tên gọi của Hà Nội 1012 năm trước, khi lần đầu được cất lên đã chất chứa niềm tự hào và khát vọng bay cao: Thăng Long. Nhưng kể cả trước khi niềm kiêu hãnh đó ngân lên thì mảnh đất này đã được xác định là rốn rồng rồi, bởi vị thần bảo trợ cho thành Đại La chính là Thành hoàng Long Đỗ. Cuộc thiên di từ Hoa Lư, khi cập bến Hồng Hà, nhà vua khai sáng triều Lý, Công Uẩn, ngước nhìn bầu trời bắt gặp dáng rồng bay trong sắc vàng của mây, mà phong thủy gọi là thiên tượng ngàn năm mới có, đã chọn đất này để định đô. Ắt hẳn trong thời khắc lung linh đó, ánh mắt rồng bừng sáng như đôi tinh cầu về niềm phát khởi ngàn luân…

Linh thú Thăng Long -0

Rồng và mảnh đất Hà Nội nhuốm màu huyền sử như thế nhưng ước vọng hóa rồng là niềm tin có thật trong mỗi cư dân, từ thuở Thăng Long, khởi từ vị vua triều Lý cho đến quan quân và thường dân nơi đây. Khát vọng hóa rồng từ ngàn xa cho đến tận ngày nay vẫn được nuôi giữ trong tâm trí chính quyền và người dân Hà Thành, một niềm tin ngời sáng. 

Hậu duệ thần Kim Quy

Hà Nội là trái tim của cả nước thì Hồ Gươm chính là trái tim của Thủ đô. Đây chính là cột mốc số 0 để tính khoảng cách địa lý đến các địa phương của nước Việt. Từ hồ nước xanh ngắt này tới muôn nơi, tọa độ huyền thoại này được chọn là điểm khởi đầu để tính dặm dài muôn phương. Sự tích Hồ Gươm hay truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm gắn liền với loài vật xuất hiện trong Tứ linh của phương Đông: loài Rùa. Không những biểu thị cho sự trường thọ trong cát tường Á Đông, mà Rùa Hồ Gươm còn gánh vác trên mai sứ mệnh khải thị cho mong ước thái hòa lâu bền, một nền hòa bình thịnh trị cho bách tính.

Khi xưa, Thần Kim Quy hiện lên trên ngọn sóng triều biển Đông, chỉ cho An Dương Vương giặc sau lưng nhà vua đó. Giờ, khi bờ cõi đã sạch bóng giặc Minh, trong làn nước biếc xanh hồ Lục thủy, Thần lại hiện lên trong dáng vẻ của cụ Rùa, đón nhận Thuận Thiên kiếm, thanh gươm báu của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, trả lại nơi nó thuộc về. 

Trâu vàng đáy nước Hồ Tây

Trong những làn hương sương huyền khói ảo ở đền Kim Ngưu, các tích điển hiện lên cũng sóng sánh mây nước quyện hòa. Vào triều Lý, có vị thiền sư họ Phương, pháp danh Không Lộ, rất giỏi y thuật đã sang sứ nhà Tống chữa bệnh cho Hoàng tộc. Để tỏ lòng tri ơn, vua Tống đặc ân cho sứ thần An Nam thích sản vật gì của Bắc quốc thì vua sẽ ban tặng. Thiền sư tâu xin một ít đồng đen về để đúc chuông. Chuông đúc xong, khi thỉnh lên, tiếng kêu như sấm, ngân vang sang tận Bắc quốc. Trâu vàng của vua Tống ngỡ tiếng mẹ gọi, liền cất vó cong sừng lồng lên phi thẳng sang nước Nam. Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long thì không còn tiếng ngân nữa. Mất phương hướng, trâu vàng đã quần thảo cả khu rừng lim làm nó sụt thành hố nước mênh mông, chính là Hồ Tây bây giờ. Còn đường chạy của trâu thì tạo thành sông Kim ngưu. E ngại có chuyện chẳng lành, nhà vua sai thả luôn quả chuông xuống lòng hồ để ngừa chuyện bất ổn có thể xảy ra. Trâu vàng định vị chỗ đó, liền nhảy xuống hồ…

Thế là đã gần nghìn năm, bao nhiêu mưa nắng trùng hằng, chuông đồng vẫn nằm nguyên yên vị trong lòng Hồ Tây. Cũng ngần ấy thời gian, bao nhiêu sương khói phủ lên mặt Hồ Tây, Trâu vàng vẫn yên ngủ bên cạnh chuông đồng chưa thức giấc. Có lúc nào đó nó mơ màng nghe nhịp thở của trâu mẹ vẳng lên từ một cõi hư hao miên thẳm. Liệu có còn một tiếng chuông như thuở xưa được thỉnh lên kích hoạt trâu vàng thức giấc không?

Ngựa trắng bay ngàn dặm thiên lý

Sự lựa chọn nào cho dải đất Thăng Long, ngựa sắt của cậu bé Phù Đổng Thiên Vương nhổ lũy tre đằng ngà đánh giặc Ân hay ngựa chín hồng mao tung bay trong sính lễ của Tản Viên sơn thánh hỏi cưới nàng Mỵ Nương công chúa. Có lẽ sự lựa chọn nào cũng là chưa thỏa. Cái tinh thần quật khởi trong ngựa sắt Sóc Sơn hay vẻ lộng phiêu của chín hồng mao, phẩm vật đặc biệt của Ba Vì mây trắng đã đủ toàn hảo cho một Hà Nội hào hoa chưa? Thực khó cho một câu trả lời đối với một câu hỏi cũng thật mỹ miều. Với tôi, đó chính là con ngựa trắng từ ngàn mây bay xuống nhẹ bước quanh Quốc đô rồi dừng chân ở lại đây, trong ngôi đền Bạch Mã, số 76 phố Hàng Buồm ngày nay.

Ngựa trắng là linh thú của vị Thần tướng trong giấc mơ Cao Biền, đạo sĩ được vua Đường Ý Tông bổ nhiệm An Nam Tiết độ sứ để sang trấn yểm long mạch nước Nam. Trong giấc mơ đó, vị Thần tướng nói rằng: "Ta là tinh anh Long Đỗ, ở đây đã lâu, nghe tin ông xây thành Đại La, nên đến để hội ngộ, cớ sao phải yểm bùa?". Câu nói bắt bài ấy khiến Cao Biền phải kinh khiếp mà dựng đền ở cửa Đông năm 886 để thờ và sắc phong cho Ngài.

Ngựa trắng lại lần nữa xuất hiện trong giấc mộng vua Lý Thái Tổ khi Người bắt đầu công cuộc xây thành, nhưng cả ba lần thành đắp xong đều bị sụp đổ. Vua lập đàn tràng tế lễ ở chính ngôi đền kia. Đêm ấy, vua mơ thấy một con ngựa trắng từ đền bước ra, đi một vòng từ đông sang tây rồi quay về đền và biến mất. Trong giấc mơ, vua được Thần Long Đỗ căn dặn cứ theo dấu vó ngựa mà đắp thành, tất sẽ được. Sớm hôm sau, vua lần theo vết chân ngựa in trên mặt đất, vẽ đồ án xây thành đắp lũy, từ đó thành mới đứng vững.

Vậy là, dấu chân ngựa trắng đã vẽ lên diện mạo của kinh thành ngàn năm với ba vòng La thành, Kinh thành, Hoàng thành mà đến nay vẫn còn dấu tích trong tên gọi và tâm thức người Hà Nội. Và đền Bạch Mã đã trở thành một trong "Thăng Long tứ trấn" của kinh thành.

"Trấn Tây có Voi phục, muôn thuở vững miếu thờ"

Nếu đền Bạch Mã là trấn Đông, đền Kim Liên là trấn Nam, đền Quán Thánh là trấn Bắc thì đền Voi phục là trấn Tây của Thăng Long. Đền thờ hoàng tử Linh Lang, con thứ tư, người đã giúp vua cha Lý Thánh Tông dẹp giặc Tống, và nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, giúp nhà Lê trong công cuộc phục hưng.

Sau khi nhận được đồ vật vua ban để đánh giặc, gồm: một lá cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi, Hoàng tử Linh Lang liền thét lên một cách hân hoan và hào sảng: "Ta là thiên tướng!". Con voi nghe tiếng thét bèn phủ phục xuống để Hoàng tử ngự lên. Trên lưng voi, chàng thống lĩnh hơn năm ngàn binh mã đánh thẳng vào nơi giặc đồn trú và đã ca khúc khải hoàn. Từ đấy ngôi đền được gọi là đền Voi phục. Ngày nay, trước cửa đền vẫn còn nguyên hai bức tượng voi chầu phục hai bên.

Vậy là, con voi thiên binh đã ứng cảm với tiếng thét của thiên tướng mà xung trận đánh thắng giặc giòn giã, nay lại từ hòa phủ phục bên chủ lĩnh, rất mực trung trinh...

Cẩu nhi hồ Trúc Bạch

Những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền sử bắt nguồn từ hoặc có liên quan đến những chú chó và triều đại nhà Lý đến nay vẫn được lưu truyền trong nhân gian, phảng phất nét sáng tạo yêu mến của ông cha ta.

Dã sử kể rằng: Năm Giáp Tuất 974, khi Lý Công Uẩn sinh ra, ở quê ông có con chó mẹ đẻ ra con chó con có bộ lông trắng và đốm lông vàng hình chữ "Vương" trên lưng, ứng với điềm báo năm Tuất sinh người làm vua. Quả thực, sau này Lý Công Uẩn lên ngôi rồng. Năm Canh Tuất 1010, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, cũng có một con chó bụng chửa từ núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang, bơi qua sông Cái rồi lên núi Nùng đẻ được một con chó con. Đến năm Nhâm Tuất 1022, hai mẹ con chó đều hóa đá. Nơi này sau dựng Chính điện đài và lập điện thờ chó mẹ và chó con, về sau mới dời ra ngoài Hoàng thành, dựng trên gò trong hồ Trúc Bạch như hiện nay. Sự tích đền Cẩu nhi ấy đã biểu đạt về sự thịnh vượng của một triều đại mới trên đất Hà Nội xưa, phải vậy không?

Nếu sự linh thiêng của Hà Nội gắn với Rồng vàng, sự trường cửu của Hà Nội gắn với Rùa thần, sự hào hoa của Hà Nội song hành cùng Ngựa trắng, sự quyến rũ của Hà Nội ẩn trú trong biểu tượng trâu vàng, sự cuốn hút của Hà Nội có trong hình ảnh voi phục, sự thăng khởi rực rỡ triều đại đầu tiên trên mảnh đất này có ân tình với những chú chó nhỏ thì sự thanh lịch của Hà Nội gắn với mùi hương của hoa Bảo tiên (cách điệu từ tổ hợp hoa sen, hoa cúc và mẫu đơn).

Nếu Hà Nội 12 mùa hoa là vẻ đẹp bên ngoài hiện hữu theo chiều dài 12 tháng trong năm thì hoa Bảo tiên là ẩn dụ của cái đẹp bên trong ẩn tàng vào chiều sâu tâm linh của Thăng Long. Nếu 12 mùa hoa trải dài khắp không gian Hà Nội thì hoa Bảo tiên chỉ có ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trên trán các văn bia được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu văn hóa thế giới, biểu tượng cho tinh hoa dải đất ngàn năm văn vật này.

Rồng vàng khởi tạo một Thăng Long linh phiêu và kiêu tráng. Rùa huyền triện ấn một Thăng Long trầm mặc và hoài nhớ. Ngựa trắng mang đến một Thăng Long thảo mặc. Trâu vàng đem tới một Thăng Long hổ phách. Voi phục cảm ứng với Thăng Long quật khởi. Chó nhỏ cho Thăng Long nét khói huyền sương ảo… Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long!

Lê Bảo Âu Long
.
.