Linh hồn của lá…

Thứ Tư, 01/06/2022, 08:43

Dịp cuối hè, đầu thu, tìm về xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nhẹ bước tới chân núi Đính, sẽ thấy những bà, những chị cần mẫn hái lá bồ đề, ngâm và chuốt lá. Họ cứ lặng lẽ làm việc cạnh nhau, có khi cả buổi chẳng nói với nhau một lời, nhưng ai nấy đều thấy lòng bình yên, thư thái…

Chiếc lá bồ đề dưới chân núi Đính

Những người phụ nữ hiền hậu, chân chất dưới chân núi Đính cứ miệt mài với chiếc lá bồ đề từ ngày này qua ngày khác, bận rộn đấy nhưng lại đầy thong thả, cực nhọc đấy nhưng cảm giác nhẹ tênh. Trong cả một năm, họ đợi đến quãng tháng 7, tháng 8 khi trời đã dịu mát hơn để hái lá bồ đề. Đó là thời điểm những chiếc lá thu đủ nắng gió của đất trời, đủ dinh dưỡng từ cội rễ để trở nên căng tràn nhựa sống. Đó cũng là thời điểm cuối cùng lá giữ được sắc xanh trước khi úa vàng và rụng xuống.

“Muốn hái được lá bồ đề đẹp thì phải dậy sớm. Lá bồ đề ở thời điểm đầu ngày mới luôn tươi và xanh, phiến lá thẳng. Phải chọn hái những chiếc lá già khỏe khoắn, lành lặn, cân đối, viền lá lượn sóng, màu xanh thẫm và râu lá dài. Chỉ có lá già thì gân lá mới cứng, xương lá chắc chắn, khi ngâm và chải không bị rách”, một người phụ nữ vừa thoăn thoắt hái lá vừa chia sẻ kinh nghiệm.

Họ không thể đếm được mỗi mùa đã hái bao nhiêu chiếc lá, chỉ biết rằng lượng lá phải đủ để làm tranh xương lá bồ để cho cả một năm. Lá hái về rửa sạch, thả vào bể nước, rắc ít vôi bột, đậy kín lại, ngâm khoảng sáu mươi ngày. Sau khoảng thời gian đó, chiếc lá được ủ chín, rữa ra. Từng phiến lá mềm được đặt lên giá phẳng, rưới chút nước, những bàn tay khéo léo nhẹ nhàng dùng bàn chải để chải xuôi từ cuống lá. Theo từng nhịp chải, bột diệp lục rời bỏ xương lá, tan vào nước một màu xanh thẫm. Những đường gân lá huyền bí dần lộ ra, mỏng tang…

Nếu không tận mắt ngắm những cử động chậm chạp và gượng nhẹ ấy, hẳn sẽ không hình dung ra cách làm cho xương lá “hiện hình”. Bao tháng ngày qua, trong mắt nhiều người, màu xanh của lá tràn trề với muôn hình muôn dáng. Nhưng có lẽ chưa ai tưởng tượng ra được bộ khung mỏng manh tuyệt đẹp ẩn bên trong, chưa bao giờ hình dung ra thời khắc phần thịt lá và xương lá chia tách đôi đường, cảm giác lạ biệt khó nói thành lời.

Bỗng nhận ra phiến lá nhỏ bé và mong manh đó chất chứa bao công sức, bao tình cảm, tâm huyết của người làm lá. Xương lá sau khi chải sạch được thả nhẹ vào chậu nước, mong manh đến độ gần như mất dấu trong làn nước kia. Công việc chải xương lá không máy móc nào thực hiện được, cũng không thể chải nhiều lá cùng một lúc, không thể nóng vội, không thể mạnh dạn. Chỉ có thể cần mẫn chuốt từng lá, không chỉ một ngày, mà kéo dài nhiều ngày.

Linh hồn của lá… -0
Anh Hoàng Thanh Phương cần mẫn ghép xương lá bồ đề.

Từng phiến xương lá bồ đề được đem phơi dưới nắng mặt trời, phô ra toàn bộ những xương lá li ti màu trắng ngà, định hình một vẻ đẹp giản đơn mà đầy cuốn hút. Những người phụ nữ dưới chân núi Đính sẽ làm công đoạn tiếp theo, đó là phân loại xương lá. Một chiếc thước đặt sẵn, từng xương lá được đặt lên đo từ mép lá này sang mép kia, lựa ra những lá có kích cỡ giống nhau để ghép tranh sao cho đẹp nhất.

Ngoài màu nguyên bản, xương lá bồ đề có thể được nhuộm màu vàng son, màu đỏ, màu xanh và đem phơi nắng. Trên khoảng sân rộng, muôn nghìn chiếc lá bồ đề đủ màu sắc trông xa như một rừng hoa dưới chân núi Đính, sống động vô cùng. Tạm biệt gió nắng, đất trời, xương lá được mang vào phòng tranh, bắt đầu sống một đời sống khác.

Trong không gian tranh xương lá bồ đề nép mình trên con phố nhỏ ở thành phố Ninh Bình, những người thợ đang chăm chú làm tranh, mỗi người theo đuổi một ý tưởng riêng, làm những công đoạn riêng, tĩnh tại trong tiếng nhạc thiền văng vẳng. Anh Hoàng Thanh Phương – chủ phòng tranh đang ghép một bức tranh từ xương lá. Lớp lớp xương lá được xếp tròn lại một cách chuẩn xác nhờ chiếc bảng đo độ đã tính sẵn khoảng cách giữa các lá.

“Để làm được tranh, phải đủ duyên. Cây cỏ cũng có linh hồn, hãy dồn tâm huyết vào đó, sẽ tận hiểu được tâm hồn của lá. Chỉ khi nào tinh thần tự tại, đau đáu về những chiếc xương lá, cảm hứng khơi lên, khi ấy hãy ngồi xuống và làm tranh bằng tình yêu và lòng hướng Phật” - anh Phương bộc bạch. Có lạc vào không gian ấy mới thấy sự biến hóa vi diệu của xương lá bồ đề dưới bàn tay tài hoa của người làm tranh.

“Chơi đồ hàng” với lá

Vài năm nay, ở khắp mọi ngả đường và nhiều địa điểm tâm linh trên đất Ninh Bình, đâu đâu cũng phủ bóng bồ đề. Ý nghĩa của loài cây thiêng trong Phật giáo tượng trưng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật tạo cho anh Phương sự chú ý đặc biệt. Những chiếc lá giống bàn tay của Phật tử đang chắp tay niệm Phật gợi lên nét bình dị, thành tâm và tươi mát luôn cuốn hút anh. Nhưng để tìm đường đi và lan tỏa ý nghĩa của xương lá bồ đề, anh đã phải bỏ không ít thời gian để tìm tòi thử nghiệm.

Một lần, cậu em thân thiết đưa cho anh Phương vài chiếc xương lá bồ đề và hỏi: “Anh có làm gì với những xương lá này không?”. Đó là năm 2018, lần đầu tiên anh Phương nhìn thấy xương lá bồ đề. “Em có làm ra được xương lá không?” - anh hỏi lại. Cậu em trả lời: “Nếu anh muốn thì em sẽ làm”. Vậy là một thời gian sau, cậu em đó mang đến cho anh hai nghìn chiếc xương lá. Đăng trên Facebook, bạn bè ai cũng khen đẹp, nhưng chẳng ai biết đó là gì.

Muốn bạn bè biết đến nhiều hơn, anh đem tặng họ những chiếc xương lá. Nhưng việc tặng cũng không hề đơn giản, bởi lá anh tặng, nhiều người từ chối không nhận, hoặc nhận nhưng không lưu giữ, không trân quý. Anh Phương lại bỏ thời gian kể về điển tích Phật giáo, rằng Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ giáo lý Phật giáo. Tuy thế, có bỏ công giải thích cũng chẳng thể lan tỏa rộng rãi ý nghĩa của lá bồ đề.

Anh nghĩ ra cách bảo quản xương lá trong bìa mika, ép plastic, hoặc vẽ, in hình ảnh lên xương lá để trưng bày. Những du khách Nhật Bản đến Ninh Bình là người đầu tiên chú ý và hỏi mua xương lá. Anh tự hỏi họ mua để làm gì, có thể đó sẽ là vật liệu để thực hiện những ý tưởng nghệ thuật. Dù là chưa rõ nét nhưng anh cũng bắt đầu ấp ủ ý tưởng về xương lá. Vậy là những người dân dưới chân núi Đính hỗ trợ anh hái lá và chuốt xương lá bồ đề.

Linh hồn của lá… -0
Một bức tranh ghép xương lá bồ đề.

Muốn mang lại chiều sâu văn hóa của xương lá bồ đề, anh mày mò đưa lá vào tranh. Ngồi lặng lẽ hàng giờ ngắm nghía và suy nghĩ thật sâu về xương lá, anh tìm cách ghép lại thành hình khối. Không gian phòng tranh bắt đầu có nhiều người tò mò tìm đến. Ban đầu, họ thắc mắc không hiểu những xương lá mỏng mảnh kia sẽ làm nên điều gì, có thể vươn xa được không.

Anh Phương không bận tâm đến những câu hỏi đó, bởi anh biết, để trả lời được cần nhiều thời gian. Thời kỳ giãn cách xã hội do dịch COVID-19 là khoảng thời gian để anh tĩnh lại, tìm tòi ý tưởng với xương lá bồ đề. Những chiếc xương lá xinh xắn và bí ẩn đã thu hút nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đến ngắm lá và cùng anh thỏa sức nối, đính, ghép, dán để tạo hình với lá. Anh bảo rằng nếu không có khoảng thời gian “chơi đồ hàng” với xương lá, có lẽ sẽ không tìm được đường đi cho lá như bây giờ.

Ban đầu, người làm tranh chỉ tạo ra những tác phẩm đơn lẻ từ một hoặc một vài xương lá. Xếp tròn xếp vuông, xếp dọc xếp ngang, xếp thẳng xếp chéo, mỗi người một ý tưởng, nương theo đó mà sáng tạo. Dần dần, không gian tranh mở rộng, cần đến vài trăm, thậm chí vài nghìn xương lá. Các thầy chùa cũng tìm đến giảng giải về đạo Phật, lan tỏa tầng sâu ý nghĩa của lá bồ đề. Làm xong một tác phẩm, anh Phương lại mua khung tranh về treo. Nhiều người tìm đến ngắm tranh, thấy ấn tượng và đặt mua. Anh bắt đầu tổ chức làm tranh thường xuyên hơn.

Những mẫu tranh được định hình, đa dạng hơn. Có bức ghép xương lá thuần khiết, có loại tranh vẽ trên toan giấy lá bồ đề, tranh vẽ trên toan điểm lá bồ đề. Nhiều phụ liệu như rơm khô, hoa tre, chỉ thêu, vỏ cây cũng được sử dụng để tạo nên chủ đề thấm đẫm tâm linh. Có đến cả nghìn mẫu tranh đã được tạo tác, có mẫu chỉ làm một lần, có những mẫu nhìn na ná nhau, nhưng mỗi lần làm tranh là một lần sáng tạo, đắp bù thêm. Lại có những tác phẩm phác họa ban đầu, nhiều người cùng thực hiện, gieo duyên mãi vào đó, bồi đắp dần đến khi hoàn thành.

Phòng tranh ngập tràn xương lá bồ đề như tỏa ra một thứ năng lượng diệu kì hút nhiều người tụ lại. Trong tiếng nhạc thiền vi vút, quanh bàn trà, rất nhiều người tìm đến, có khi chỉ để ngắm tranh, chuyện trò, chia sẻ cách làm tranh. Thời gian, cả không gian bỗng trở nên thênh thang, lòng người rộng mở. Ở nơi ấy, mọi việc khởi duyên đều từ xương lá bồ đề, ai có tâm thì làm, vừa làm vừa ngẫm, vừa thấm dần. Nhịp làm việc chầm chậm, không thúc giục, không gấp gáp, tùy thuộc vào duyên, vào hứng. Ở nơi ấy, người làm tranh thấy thư thái, người ngắm tranh, mua tranh cũng cảm thấy tâm hồn nhẹ bẫng.

Đã bốn năm nay anh Phương và những người dân xã Gia Sinh gắn với xương lá bồ đề. Không chỉ dừng lại ở những bức tranh xương lá, anh bỏ công ươm rất nhiều cây từ hạt bồ đề. Anh ấp ủ sẽ gây dựng một khoảng rừng bồ đề. Mỗi người đến đó sẽ tự tay trồng một cây bồ đề, để tâm trí vào cây, dồn năng lượng cho cây. Từ mầm non bồ đề sẽ tạo nên rừng bồ đề vươn cao tỏa rộng. Cũng giống như những hạt giống trí tuệ và thiện lương sẽ nảy mầm, xanh lá trong mỗi con người.

Thái Hưng
.
.