Làm gì để có tác phẩm hay về đề tài lực lượng vũ trang?
Bảy mươi chín năm qua, chúng ta không thể nói đầy đủ, nói hết về những tác phẩm văn học và về những tác giả văn học viết về để tài "Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng". Có thể nói đề tài này phát triển rực rỡ (thực sự là phát triển đỉnh cao) trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhiều tác giả văn học có mặt từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến hôm nay vẫn còn sung sức sáng tác và họ đang và sẽ cho ra đời những tác phẩm về đề tài này.
1. Ngày 30/11/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức cuộc Gặp mặt nhà văn lực lượng vũ trang. Cuộc gặp mặt được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là một khẳng định: Đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ chưa khi nào nguôi cạn. Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt, hơn một trăm nhà văn (chỉ là đại diện cho hàng trăm nhà văn) là những người đã và đang cống hiến trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân).
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định lại những đóng góp quan trọng của lực lượng nhà văn - chiến sĩ trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Các nhà văn lực lượng vũ trang đã đáp lại tiếng gọi của non sông, lên đường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, góp phần lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong các cuộc kháng chiến vĩ đại. Trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, từng thế hệ nhà văn chiến sĩ đi qua chiến tranh đã khẳng định phong cách sáng tạo độc đáo, để lại cho nền văn học những tác phẩm giá trị, làm phong phú, rạng rỡ cho nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa còn khẳng định thêm: "Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ khi ra đời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, đó là: Một đội quân chiến đấu. Một đội quân công tác. Và thực tế chiến tranh cách mạng đã cho thấy đó còn là "Một đội quân văn hóa".
Ý nghĩa của "Một đội quân văn hóa" mà đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã nói chính là ở chỗ: Đồng hành cùng những người cầm súng xông pha nơi chiến tuyến luôn có một đội ngũ hùng hậu những "người lính cầm bút". Họ, những "người lính cầm bút" ấy đã trực tiếp đến nơi chiến tuyến, đã sống, đã viết, đã chiến đấu và cũng có những người ngã xuống trên chiến trường như một người lính thực sự.
Cuộc chiến tranh đã qua đi nhưng đề tài "Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ" vẫn tiếp tục đồng hành trong nền văn học Việt Nam. Bên cạnh những tác phẩm viết về chiến tranh, viết về chiến đấu thì còn có những tác phẩm viết về hậu chiến. Nhiều tác phẩm viết về hậu chiến còn đọng mãi trong tâm trí, đọng mãi trong tâm hồn thế hệ hiện nay.
Có thể thấy, sáng tác của các nhà văn lực lượng vũ trang không chỉ dừng lại ở việc khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là nhân vật trung tâm xuyên suốt cả giai đoạn dài, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong bảo vệ toàn vẹn biên giới, hải đảo Tổ quốc, mà giá trị nghệ thuật nội tại của những tác phẩm ấy đã làm giàu có, làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa của dân tộc ta, đất nước ta thời kì mới. Các nhà văn lực lượng vũ trang, với phẩm chất của người chiến sĩ đã luôn đồng hành với Tổ quốc và nhân dân qua mọi thời kì, mọi giai đoạn, mọi tình huống.
Bước vào công cuộc đổi mới, các nhà văn lực lượng vũ trang với sự từng trải, bản lĩnh, tài năng và nhạy cảm sáng tạo đã xung kích mở đường, trở thành trụ cột trong hành trình đổi mới văn học nước nhà. Thông qua những trang viết của mình, các nhà văn đã "ươm trồng" hạt giống của cái đẹp, của lòng nhân ái và sự tử tế, giữ gìn và thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi con người Việt Nam.
Bên cạnh thế hệ cầm bút đi vào cuộc chiến và từ cuộc chiến mà trưởng thành, còn rất dồi dào và sung sức, là thế hệ những nhà văn, những người cầm bút sinh ra sau chiến tranh và cả những người cầm bút tuy chưa một ngày khoác lên mình bộ quân phục nhưng họ đã và đang hòa vào "không khí chiến sĩ" một cách tự nhiên, một cách nhận thức. Tất cả những người cầm bút hôm nay, người đã hoặc qua quân ngũ và người chưa qua quân ngũ ấy họ tuy biết đến chiến tranh thông qua những câu chuyện kể, thông qua những tác phẩm văn học nhưng đề tài "Người chiến sĩ" vẫn được họ tiếp tục viết, tiếp tục khai thác. Đó là sự tri ân đối với thế hệ cha anh. Đó là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân và với những người chiến sĩ.
Một trách nhiệm được đặt ra với những người cầm bút hôm nay là làm thế nào để có được những tác phẩm hay, những tác phẩm chân thực về người chiến sĩ hôm nay. Đó là một câu hỏi rất đáng quan tâm bởi trước hết đây là đề tài lớn, đề tài truyền thống và là đề tài của thời đại. Vấn đề là các nhà văn có đủ đam mê, có đủ tài năng để viết về đề tài này hay không thôi.
Như Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã bày tỏ mong muốn: "Các nhà văn, nhất là các nhà văn sinh ra trong hòa bình luôn gắn bó, yêu mến Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của đồng chí, đồng đội và nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện để nâng cao hơn chất lượng và sự phong phú tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng phù hợp với sự phát triển của thời cuộc cũng như với lòng tin cậy của bạn đọc".
2. Là một nhà văn lực lượng vũ trang, trong nhiều năm qua tôi được tham dự nhiều trại sáng tác văn học về để tài "Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ". Cuộc thì do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức. Cuộc thì do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Cuộc thì do Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức. Và gần đây nhất là được tham dự Cuộc thi viết có chủ đề "Dấu ấn bộ đội thời bình" do báo Quân đội nhân dân tổ chức. Ở tất cả các cuộc đó điều đặt ra là rất cần có nhiều tác phẩm văn học hay, hấp dẫn và phong phú về đề tài "Quân đội nhân dân. Công an nhân dân". Trong đó ưu tiên đối với những tác phẩm viết về người chiến sĩ Quân đội nhân dân và người chiến sĩ Công an nhân dân hiện nay.
Mong muốn đó cũng rất hợp với thời đại, dĩ nhiên chúng ta vẫn tiếp tục đề tài truyền thống. Nói là ưu tiên bởi công cuộc đấu tranh và bảo vệ chính thể, bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn đặt ra những thách thức. Vẫn còn đó những người chiến sĩ đã ngã xuống giữa thời bình. Vẫn còn đó những thiệt thòi, những khó khăn và những thử thách đối với người chiến sĩ hôm nay.
Và cũng đã thành thông lệ, nhiều cuộc thi sáng tác văn học như: Thi viết truyện ngắn. Thi viết tiểu thuyết. Thi viết ký và bút ký và Thi viết thơ đã được nhiều tờ báo và tạp chí có uy tín tổ chức. Trong những đề tài về công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước thì để tài về người chiến sĩ vẫn được ban tổ chức quan tâm, được đông đảo những người cầm bút tích cực đề cập trong các tác phẩm của mình. Dài hơi hơn thì Bộ Quốc phòng cũng thường xuyên định kỳ 5 năm một lần trao thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ và cũng rất ưu tiên đến đề tài người chiến sĩ hôm nay.
Với tư cách là một người viết, trong nhiều năm qua tôi thường có những cuộc trao đổi, cuộc trò chuyện với đồng nghiệp. Điều mọi người nêu ra là: Viết về người chiến sĩ hôm nay có cái khó của nó. Nếu như viết về đề tài truyền thống và đề tài hậu chiến thì vẫn còn đó những câu chuyện còn nóng hổi về cuộc chiến đấu, về sự hy sinh và về những mất mát. Còn viết về người chiến sĩ hôm nay, cả chiến sĩ quân đội và chiến sĩ công an thì nói thực có rất ít tư liệu.
Nhưng được tham dự các trại sáng tác tôi nhận thấy cái gọi là thiếu thông tin, ít tư liệu ấy chỉ là cách lý giải vì sao còn thưa vắng những tác phẩm văn học về đề tài người chiến sĩ hôm nay. Vấn đề là các nhà văn có sự đầu tư suy nghĩ, đầu tư sáng tác về đề tài đó hay không? "Dấu ấn thời bình" theo tôi hiểu thì đó chính là: Thông qua các tác phẩm của mình các nhà văn bên cạnh tài năng của mình ra còn có một trách nhiệm vô cùng lớn lao, đó là: Thêm một lần khẳng định về phẩm chất người lính của người chiến sĩ hôm nay. Đồng thời tiếp tục khẳng định về bản chất chiến đấu, về phẩm chất cách mạng của người chiến sĩ của nhân dân vẫn không hề phai nhạt. Khẳng định vị trí của người chiến sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.