La Khê vắng bóng thoi đưa…

Thứ Năm, 29/09/2022, 12:55

Đặt chân tới làng cổ La Khê (phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội), giật mình trước những đối lập không khó để nhận ra. Khác xa với không khí náo nhiệt của cụm di tích đình La Khê - chùa Diên Khánh - Bia Bà nổi tiếng, xưởng dệt the lụa ngay cạnh đó im lìm như chưa hề tồn tại.

Những máy dệt the nhộn nhịp ngày nào giờ cũng chỉ là đống gỗ ngổn ngang. Xưởng dệt ngừng hoạt động, bị phá dỡ để xây dựng sân vận động. Những cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm đóng cửa im ỉm. Còn đâu hình ảnh lớp lớp the lụa mượt óng đủ màu. Làng nghề dệt sa màu lụa La Khê vang danh một thời nay đang có nguy cơ chìm vào quên lãng…

Mỗ, La, Canh, Cót…

"The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn", trong câu ca xưa, vải lụa the La Khê được nhắc tới là một trong những sản phẩm làng nghề đặc trưng. Trong tứ quý danh hương Mỗ - La - Canh - Cót thì "La" chính là làng cổ La Khê (nay thuộc địa phận phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng với nghề dệt the lụa. Nếu như làng lụa cổ Vạn Phúc nổi tiếng với lụa gấm lâu đời thì La Khê xưa lại chuyên về sa màu, lụa bạch, lụa vân nức tiếng. Với chất vải mong manh, mềm mát, không rạn, không nhăn, lụa bạch, lụa vân hay sa màu ở La Khê mang những nét đặc trưng không thể lẫn.

La Khê vắng bóng thoi đưa… -0
Nhớ tiếc những guồng tơ vàng óng ở làng nghề dệt lụa La Khê.

Từ thế kỉ thứ 5, làng đã hình thành với tên gọi La Ninh, đến thế kỉ thứ 15 đổi tên thành La Khê. Tương truyền hơn 500 năm trước, các ông tổ đời Minh đã sang dạy dân làng La Khê làm nghề the lụa, nghề dệt the manh nha từ đó. Với công trạng đó, các vua đời Nguyễn đã phong thần và tôn thờ ở đình làng La Khê những ông tổ nghề dệt của làng nghề. Đó là nơi người làng gửi gắm niềm hy vọng được sống sung túc, niềm tin vào sự phát triển lâu bền của nghề dệt the.

Ban đầu, các sản phẩm dệt của làng vẫn còn rất thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi để phục vụ cho nhu cầu của người dân kinh thành Thăng Long xưa. Đến đầu thế kỷ thứ 17 thì người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng của Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam và mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, nhiều gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen dạy cho dân làng. The là phiến lụa mỏng dệt hở lỗ như lưới, có câu "sa y mặc mát áo the". Nhờ các đặc tính mỏng, nhẹ, bền, đẹp mà các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với họa tiết, hoa văn tinh xảo dần thay thế sồi, đũi.

Thế kỉ 17 là thời kỳ thịnh vượng nhất của làng lụa La Khê. Thời ấy, ở La Khê, nhà nào cũng có khung dệt, nhà nhiều có đến hơn 10 khung dệt. Đến đời vua Minh Mạng (1820 -1841), có viên cai đội mãn hạn lính nhà Nguyễn là Trần Quý đã tìm thấy mảnh gấm nước ngoài dệt tinh xảo. Sau đó ông đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu và nắm được cách dệt gấm vóc của nước ngoài. Ông cùng với một số người thợ trong làng bàn bạc cách để cải tiến việc dệt gấm vóc. Cuối cùng họ đã dệt được một tấm gấm tinh xảo không thua kém mảnh gấm mẫu. Từ đó, làng La Khê đã có thêm nghề dệt gấm và Trần Quý đã trở thành ông tổ dệt gấm của làng.

Năm 1823, làng dệt La Khê có vị trí quan trọng đến mức nhà Nguyễn đã ra sắc lệnh xây dựng nơi đây trở thành xưởng dệt phục vụ cho kinh thành Huế. Nhà vua miễn đi lính cho cả làng để người dân tập trung phát triển làng nghề. Những năm 1840 dưới thời vua Thiệu Trị, mỗi năm làng phải sản xuất và cung cấp cho triều đình 600 tấm sa màu. Và chợ Cầu Ðơ - chợ nổi tiếng của vùng mở một tháng sáu phiên là nơi để người dân trong làng bán buôn sản phẩm dệt cao cấp đi khắp cả nước. Sang đầu thế kỷ 20, các nghệ nhân của làng nghề còn được phong cửu phẩm, bá hộ, đồng thời the làng La còn được triển lãm ở thành phố Paris nước Pháp.

Có lẽ về độ tỉ mỉ, công phu thì ít có nghề nào bằng nghề dệt lụa the. Phải mất 2-3 tháng mới dệt xong một mẫu lụa, thậm chí những mẫu hàng phức tạp phải mất nửa năm mới có thể dệt xong. Vẽ hoa để dệt được coi là công đoạn khó nhất của nghề bởi vì không chỉ là vẽ một bức tranh, người vẽ mẫu để dệt phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối. Trong suốt những năm chiến tranh, làng nghề dệt the truyền thống bị gián đoạn một thời gian khá dài. Mãi đến đầu những năm 2000, những nghệ nhân cao tuổi ở La Khê nhớ tiếc nghề xưa, bắt tay dựng lại khung cửi để phục hồi nghề dệt, tìm lại sức sống cho the lụa. Nhưng dù cố gắng, nghề quý vẫn dần tuột mất…

Một người, một xưởng…

Đến La Khê, bỏ lại những ồn ào, náo nhiệt, cất công đi tìm, lắng tai nghe mới thấy tiếng dệt cửi từ xưởng dệt của nghệ nhân Lê Đăng Tưởng. Cho đến thời điểm hiện tại, đây có lẽ là xưởng dệt duy nhất còn sót lại ở La Khê. Thêm một người bỏ nghề, là thêm một nỗi tiếc xót, buồn nản. Nhưng thâm tâm anh Tưởng vẫn cố gắng từng ngày cặm cụi bên khung dệt, bám trụ lại với nghề để cho ra đời những sản phẩm dệt thủ công cao cấp. Bởi theo anh, lụa La Khê mang những nét độc đáo riêng có. Một trong những bí quyết làm nên sự khác biệt, khiến lụa La Khê khác với lụa tơ tằm của các nơi khác chính là bộ go võng tạo nên công nghệ dệt có sợi dọc mỗi hàng ngang lại được đan vặn xoắn lại giúp lụa thoáng mát nhưng lại rất chặt mặt, không bị xô rạn.

La Khê vắng bóng thoi đưa… -0
Người La Khê còn mấy ai mặn mà bên máy dệt the…

Xưa kia, chỉ những người đỗ tiến sĩ mới được mặc vải sa, trong tà áo sa còn có hình hai con cá chép vượt vũ môn, tượng trưng cho việc đỗ đạt khoa cử. Ngày nay, để tất cả mọi người có thể mặc được, hình ảnh cá chép được lược bỏ. Để dệt được vải sa, nghệ nhân cần phải nhuộm tơ trước đó, dùng chất liệu hoàn toàn bằng tơ tằm nên chiếc áo dài thành phẩm sẽ tự khử được mùi hôi, có độ cứng nhất định, giữ được dáng áo và hoa văn trên áo. Hiện nay, gia đình anh Tưởng đã dệt được rất nhiều tấm vải sa với màu sắc đa dạng.

Nỗi mong mỏi của anh Toản là nghề cổ dệt the La Khê được khôi phục, cải tiến và phát triển. Sản phẩm tơ lụa của làng tìm được chỗ đứng trên thị trường. Là người sát cánh cùng nghệ nhân Lê Đăng Toản, một lòng mong muốn hồi sinh làng nghề dệt La Khê, chị Nguyễn Thị Quỳnh đang chú trọng vào phát triển dệt may cổ phục từ chất liệu vải the. Đây là chất liệu được các liền anh, liền chị xưa kia thường sử dụng. Đây cũng là chất liệu chính tạo nên tà áo kép với tơ tằm 100%.

Chiếc áo ngũ thân tay chẽn được phỏng theo áo có từ thời nhà Nguyễn. Áo có 5 tà, đằng trước và đằng sau đều có hai tà và một đường trùng phùng. Kĩ thuật may khéo léo, khâu tà bằng tay, không lộ đường kim bên trong và ngoài, chỉ lộ ra bên ngoài chỉ nhỏ như trứng rện, mặc khoe được tà bên trong.

Cơ sở dệt the lụa của anh Tưởng vẫn đang kiên trì ngày ngày cung cấp cho các cơ sở may cổ phục, các dự án văn hóa lịch sử hay cho những cá nhân, tổ chức lựa chọn lụa La Khê. Sản phẩm phải đích thân anh dệt mới bán ra thị trường các mặt hàng the lụa và nhất quyết không nhập từ nơi khác về để kinh doanh buôn bán. Từng sản phẩm của lụa La Khê chính là tâm huyết của biết bao thế hệ nghệ nhân và anh mong muốn rằng sản phẩm dù ít về số lượng nhưng nó sẽ mang lại những nét đặc trưng riêng có của quê hương anh mà không vùng miền nào có được.

Học nghề dệt từ một người chú họ, anh Tưởng say nghề, làm nghề bền bỉ, ngay cả khi không còn ai tha thiết với the lụa như xưa. Thời gian trước còn có thêm hai người phụ anh dệt lụa. Nhưng khó khăn chồng khó khăn, anh đành phải cho thợ nghỉ và chỉ mình anh túc tắc để làm với một số lượng ít ỏi. "Nghề canh cửi lận đận vận vào, tôi như nặng nợ với người xưa. Mai này không còn đủ sức làm nữa thì có lẽ nơi đây thành bảo tàng khung cửi cổ La Khê", anh Tưởng cười buồn tâm sự.

Giấc mơ hồi sinh làng nghề La Khê cũng như đưa sản phẩm đến với mọi người của anh Tưởng gặp không ít khó khăn. Không chỉ về vốn và thị trường tiêu thụ mà còn thiếu cả người làm nghề. Đặc biệt, sản phẩm the lụa lại cũng là mặt hàng rất kén người sử dụng, chưa thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ sợi tổng hợp may công nghiệp.

Bài toán duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề dệt sa màu vẫn đang đi tìm lời giải. Việc vực dậy làng nghề La Khê, liệu có khả thi ? Đưa ra ý kiến về vấn đề này, tiến sĩ Đỗ Trần Phương - Phó chủ nhiệm khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng La Khê hiện nay vẫn giữ được những giá trị văn hóa hồn cốt của làng nghề. Đó là bí quyết nghề truyền thống, người nghệ nhân, ý thức tự hào của cư dân làng nghề về nghề truyền thống của ông cha và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của làng. Với những tinh hoa văn hóa truyền thống vẫn còn lưu giữ và bảo tồn được cho đến hiện nay, La Khê hoàn toàn có thể phát triển làng nghề thành điểm du lịch văn hóa làng nghề kết hợp với trải nghiệm văn hóa tâm linh của cụm du lịch Bia Bà - đình La Khê - chùa Diên Khánh - làng nghề dệt lụa La Khê.

Để làng nghề La Khê trở thành một điểm du lịch thu hút khách thập phương,  thành công giống như mô hình làng làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, cần phát triển đội ngũ nhân công có tay nghề. Đồng thời xây dựng các vùng để trồng dâu, nuôi tằm để có nguồn nguyên liệu ổn định. Phải có các tổ chức, cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực tiến hành tham gia vào quá trình sản xuất và giúp đỡ làng nghề để thiết kế ra các sản phẩm lụa mới bắt mắt, phù hợp với xu hướng của thị trường.

Thái Hưng
.
.