Ký ức tháng 4/1975 của một người lính
LTS: Với những người đã đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những năm tháng hành quân vượt Trường Sơn vào Nam là ký ức không thể nào quên. Vì thế, những ngày tháng 4 này, khi cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ký ức ấy lại nhắc họ về một thời hoa lửa.
Ông Nguyễn Lân Bình, nguyên chuyên viên Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn - Bộ Ngoại giao, một cựu chiến binh Đoàn 559, tham gia tiếp quản Đà Nẵng tháng 4/1975, gửi cho Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng bài viết này chia sẻ kỷ niệm của một người lính về những ngày tháng lịch sử ấy.
1. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, những người lính chúng tôi luôn sống trong tâm trạng chờ đợi, kèm cả sự lo âu, mong đến ngày kết thúc chiến tranh.
Tháng 3/1975, Đại đội 2, Tiểu đoàn 934, Đoàn 559 của chúng tôi đóng quân trên thượng nguồn sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi được biết có chiến dịch lớn ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, chẳng ai trong chúng tôi hiểu được quy mô của chiến dịch đến mức nào.
Ngày 20/3/1975, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh điều một lúc gần 20 người đi vào phía Nam sông Thạch Hãn để hỗ trợ các cánh quân tác chiến. 2 ngày sau, tiểu đoàn lại điều tiếp hơn 20 quân nữa bổ sung chiến dịch. Đơn vị bắt đầu có cảm giác vắng vẻ nhưng cũng không ít người háo hức, vì lần này đi chiến dịch vào phía Nam, nhưng theo đường Quốc lộ số 1, chứ không phải như mọi khi, phải đi bằng đường rừng núi phía Tây Trường Sơn.
Tối ngày 26/3, chúng tôi được thông báo quân ta đã giải phóng thành phố Huế. Ngày 28/3, tôi và hơn 10 người nữa, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Bảy, nhận lệnh vào tiếp viện chiến dịch.
Chúng tôi được chở bằng chiếc xe Zil157 do Liên Xô sản xuất, chạy từ Bến Tắt, qua Đông Hà, thẳng qua cầu Thạch Hãn và cứ thế tiến thẳng vào Huế. Lần đầu tiên được chứng kiến mảnh đất miền Nam với cảnh quan, cuộc sống của một thế giới khác, chúng tôi tò mò quan sát bằng những con mắt ngạc nhiên, háo hức. Nhiều cây cầu trên Quốc lộ 1 đã bị phá hủy, dọc hai bên đường, cơ man nào là các loại xe quân sự, cùng vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bỏ lại. Dân chúng trên những chiếc xe chở khách, với những diện mạo lo âu, vội vàng, cùng với đồ đạc lỉnh kỉnh, tạo ra cảnh tượng náo loạn, hoảng hốt… Xe chúng tôi chạy vào phía Nam, hầu như không thấy có mấy phương tiện giao thông đi ngược chiều ra phía Bắc.
Chúng tôi được lệnh dừng lại trong thành phố Huế. Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy dòng sông Hương. Ấn tượng duy nhất với tôi, là màu nước sông rất đẹp, khác hẳn với những con sông ở miền Bắc quanh năm nhuốm màu phù sa. Tuy nhiên, vì vô thức, nên tôi cũng không có được thái độ quan sát theo kiểu ngắm nhìn bằng tâm hồn.
Tôi và anh Nghiêm Trọng Hạnh nhân lúc nghỉ đợi lệnh cấp trên, hai người rủ nhau đi bộ một đoạn xa dọc bờ Bắc sông Hương. Chúng tôi cũng nhìn thấy cột cờ, thành cổ… Nhưng cũng không hiểu gì, và cũng chẳng biết tên gọi những nơi đó là gì? Lúc hai đứa chúng tôi đi dọc con đường thấy ghi “Trần Hưng Đạo”, và bỗng… tới chợ Đông Ba, trong lòng đắc chí vì không ngờ, cuộc đời cho mình được đặt chân đến một địa danh mà trước đây, chỉ được biết qua sách vở ngày còn đi học.
Hai đứa chúng tôi quay về nơi dừng chân, đúng lúc chỉ huy triệu tập để lên xe đi tiếp. Càng vào sâu, chúng tôi càng nhận ra sự khác biệt trong cảnh quan một xã hội có chế độ chính trị khác.
Xe chúng tôi vào sân bay Phú Bài và được tạm nghỉ tại đây để đợi lệnh cấp trên. Tôi lại lang thang dạo quanh, nhòm ngó các khu vực lân cận. Chúng tôi ngạc nhiên, vì đâu đâu cũng thấy hàng rào kẽm gai dày đặc. Chúng tôi thích thú khi bắt gặp những tấm biển lớn đề: “Chú ý, đặc công Cộng sản chui luồn khắp mọi nơi!”.
Buổi chiều, nhóm anh em chúng tôi được lệnh tiếp tục di chuyển về phía Nam. Đêm 28/3, xe chúng tôi bị dừng lại tại bờ Bắc của cầu Phú Bài, do cầu bị đánh sập. Chỉ huy cho biết, sẽ phải ngủ đêm tại chỗ (xe dừng ở đâu, thì ở lại chỗ đó), đợi công binh lắp cầu phao, còn bao giờ sẽ xong và thông đường, không ai biết... Chúng tôi chia nhau tìm vào các ngôi nhà dân nằm gần Quốc lộ, với ý định sẽ xin nhờ ngả lưng (có cả một chút tò mò), vì không biết bao giờ mới được đi tiếp.
Sáng ngày 29/3, cầu phao vẫn chưa hoàn chỉnh, nhưng các xe đi chậm vẫn có thể qua được. Đến chiều, chúng tôi nhận được tin: quân ta đang bao vây Đà Nẵng. Ngày 30/3, xe chúng tôi dừng lại phía bên bờ Bắc cầu Lăng Cô, số lượng xe không thể đếm được. Chúng tôi nghe nói, mặc dù cây cầu còn nguyên, nhưng Công binh không cho đi qua cầu để lên đèo Hải Vân với lý do còn đang phải dò mìn.
Gần một ngày một đêm nằm lại Lăng Cô, chúng tôi không thấy có dân cư, mà chỉ thấy các anh em của các binh chủng khác nhau, cũng đang đợi để qua cầu. Tuy nhiên, vô tình, nhóm chúng tôi lại được trò chuyện với mấy người trong tiểu đội trinh sát, là đơn vị bí mật đóng quân ngay trong địa bàn này đã từ cả tháng nay rồi. Các anh ấy cho biết, họ là đơn vị có nhiệm vụ tấn công cầu Lăng Cô. Nhờ các cuộc trò chuyện với nhóm lính trinh sát, chúng tôi mới hiểu được chút ít về những phức tạp của địa bàn này, một khu vực mà phía quân đội VNCH cực kỳ nghiêm ngặt trong việc bảo vệ. Các bạn lính trinh sát còn cho biết, cũng may là bọn tôi không cho nổ nổi cây cầu này, mặc dù đặt bộc phá đến hai lần, lần thứ ba thì ta chiếm được.
Sáng ngày 31/3, cầu Lăng Cô thông xe, xe chúng tôi lăn bánh, bắt vào con đường dẫn lên đèo Hải Vân. Ấn tượng mạnh nhất với tôi là toàn bộ vùng núi mà con đường dẫn lên đèo, hầu như không có một ngọn cây nào, chỉ có đá và đá. Hai bên đường, ngoài những chiếc xe quân sự: GMC, DODGE, ZEEP nằm rải rác do bị hỏng, còn có rất nhiều các loại quân dụng khác... Sau một chặng đường dài, xe của chúng tôi lên dốc khá khó nhọc (đa phần số xe chúng tôi có, đều đã sử dụng từ lâu). Chúng tôi được lệnh dừng nghỉ ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, thực chất là để chiếc xe được nghỉ, vì động cơ đã quá nóng...
Nhảy xuống khỏi xe, tôi vươn người hít một hơi sâu trong tâm trạng ngỡ ngàng khi nhìn sang phía Nam. Vào giây phút ấy, tôi thật sự đã quên cái không khí chiến tranh, chết chóc, mặc dù biết rất rõ rằng, chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.
Phía dưới chân đèo, chúng tôi thấy rất nhiều những điểm sáng trắng trên mặt nước biển, mà khi xe ô tô xuống gần chân đèo mới hiểu, rằng đó là các bồn chứa nguyên liệu của kho xăng Liên Chiểu. Nhìn xa hơn, trên đỉnh quả núi sừng sững ở hướng Đông, tôi thấy có hai hình thù lạ, một hình tròn, một hình chữ nhật, tôi đoán, chắc chúng phải có kích thước rất lớn, nên nhìn rõ lắm. Cũng phải nhiều ngày sau, chúng tôi mới được biết, đó là các trạm ra đa của quân đội Hoa Kỳ.
2. Vào đến Đà Nẵng, chúng tôi được hạ trại tại doanh trại Quân đoàn 3 của quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Cảnh tượng ở khắp mọi nơi rất bừa bãi, cảm giác của chúng tôi bị bao trùm bởi không khí của một cuộc xáo trộn khủng khiếp.
Sáng ngày 1/4, chúng tôi được đưa đến sân bay Đà Nẵng, tôi đã sửng sốt vì nhận thấy, toàn bộ quang cảnh sân bay, chỉ như vừa mới ngừng hoạt động. Trên đường băng, rất nhiều các loại máy bay của quân đội VNCH vẫn nguyên vẹn, nhiều nhất là các loại trực thăng. Khắp nơi, vung vãi các loại vũ khí, xe cộ, đạn dược và quân trang, quân dụng.
Đại úy Nguyễn Văn Bảy, Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi phát lệnh: Tất cả tập trung thu gom những loại xe cơ giới, không phân biệt là xe tải, xe đầu kéo (sơ mi rơ mooc), xe Zeep, hay xe chở nguyên liệu lỏng (xi tec), miễn là còn nổ máy hoạt động được. Chú ý tới việc thu gom các loại đồ nghề sửa chữa, các loại máy nổ, máy phát điện, nếu thấy còn tốt, tập trung gom vào một nơi để tổ chức đưa về Tiểu đoàn (khi đó đang ở Quảng Trị).
Vốn là đứa tò mò, thích khám phá… Tôi và anh Hạnh lao ngay ra đường băng, nơi có nhiều chiếc trực thăng đang đỗ. Chúng tôi nhảy lên một chiếc máy bay (loại HU 1A) ngắm nghía, nghịch ngợm, bất ngờ nhìn thấy một chiếc ví da. Hai đứa chúng tôi mở ra, thấy có mấy thứ giấy tờ và hiểu rằng, đây là ví của một phi công người Việt. Hai đứa chúng tôi giật mình khi thấy trong ví có tấm ảnh một người con gái, phía sau ảnh viết dòng chữ: “Em mãi chờ anh...”. Cả hai thằng nhìn nhau bùi ngùi, và để lại chiếc ví ngay trên ghế ngồi của phi công.
Tôi và anh Hạnh lao vào khu nhà hai tầng nằm gần đường băng, rồi leo lên tầng hai. Dọc hành lang vương vãi nhiều thứ đồ dùng, nhưng các cửa phòng đều không khóa. Hai đứa chúng tôi chia nhau đi hai hướng trong hành lang. Tôi đẩy cửa vào thử một phòng. Tôi ngạc nhiên khi nhận thấy đồ dùng trong phòng khá sang trọng, và chỉ có một chiếc giường đơn, đặc biệt, trên bàn vẫn còn nguyên đồ ăn, thức uống, như kiểu ai đó đang ăn dở thì bỏ chạy, toàn những thứ mà tôi tin, rằng anh bạn tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Tôi ra hành lang gọi to, kêu anh Hạnh đến chỗ mình, mục đích là để chỉ cho anh ấy biết thêm một chút về những thứ thực phẩm mà người dân ở miền Bắc ngày đó mấy ai biết, còn tôi thì hơi biết, vì đã ở Đông Âu, 1971 về nước mới nhập ngũ, nên nhìn thấy đĩa pho mát, xúc xích… thì không lạ.
Một lúc sau chúng tôi mới hiểu, rằng đây là khu nhà dành cho các phi công Mỹ, tất cả các chỉ dẫn đều ghi bằng tiếng Anh, đặc biệt là quần áo, trang phục vẫn còn nguyên trong tủ và vương vãi trên giường, trên ghế.
Cả ngày hôm đó, tôi và anh Hạnh cứ lang thang hết khu này đến khu khác trong sân bay. Thứ làm chúng tôi mê mẩn nhất, hấp dẫn nhất, cảm thấy có vẻ phù hợp nhất với sở thích của mình, đó là các bộ đồ nghề dụng cụ trong các nhà xưởng. Chúng tôi ngây ngất ngắm nghía những bộ tuốc nơ vít, những loại kìm, các loại cờ lê, mỏ lết các kiểu, những thứ mà bọn lính kỹ thuật chúng tôi lúc nào cũng thích và cũng thèm. Chỉ buồn, khi chúng tôi nhận ra, rằng các loại dụng cụ đó đều theo tiêu chuẩn đo lường của Anh (inch), nên việc dùng cho các loại thiết bị kỹ thuật của Liên Xô và Trung Quốc là không phù hợp, do là hệ centimet…
Một hôm, nhân không thấy cấp trên giao nhiệm vụ gì, tôi mò ra phía ngoài nơi đóng quân, lang thang ra ngoài đường lớn. Đi đến đâu đâu, người dân gặp chúng tôi cũng đều nói: “Thưa ông Giải phóng”… làm chúng tôi tự thấy ngượng ngịu, bởi đa phần, chúng tôi chỉ là những thanh niên trong độ tuổi từ 23 - 27, cao lắm là 30 tuổi (trừ vài ba cán bộ lâu năm), vì mình đã làm được gì để được gọi là ông? Dân lại cứ một điều dạ, hai điều thưa, thậm chí có người trong chúng tôi dám mò vào quán cà phê, hút thuốc lá, xong xuôi, đứng dậy trả tiền, nhưng chủ quán nhất quyết không lấy tiền mà còn cảm ơn nữa…
Vâng, nói là trả tiền, nhưng chúng tôi làm gì có tiền của VNCH? Đã có người rút tiền miền Bắc để trả, họ cũng nhận, nhưng họ nhận để lấy đồng tiền đó cho biết, chứ cũng không ai quan tâm đến mệnh giá. Tâm lý này phản ánh một thực tế của dân chúng và cả của chúng tôi, đó là không ai biết, không ai hiểu, rằng mọi sự ngày mai rồi sẽ kết thúc như thế nào?
Tôi tuyệt nhiên không có ý định về việc muốn mua gì, hay thích cái gì. Thực lòng là nhìn thấy nhiều thứ đồ dùng bà con bày bán cũng thích… Nhưng thực tế là mình cũng không có tiền, mặt khác, tôi luôn mang tâm trạng chỉ mong chiến tranh chấm dứt để được về nhà, vậy thôi.

3. Một ngày đầu tháng 4/1975, chúng tôi vẫn đóng quân tại trụ sở Quân đoàn 3, Đà Nẵng, tôi bắt chuyện với một gia đình sống ngay gần cổng ra vào nơi đóng quân, do thấy một người đàn ông đang lau chùi một chiếc xe máy Yamaha nam màu đỏ, bóng loáng, dựng ngay trước cửa nhà. Tôi ngắm nghía chăm chú, không giấu được sự tò mò, tôi mạnh dạn hỏi người đàn ông đó, rằng vận hành chiếc xe này như thế nào?
Người đàn ông niềm nở, lập tức hướng dẫn tôi cách sử dụng… Tiếng máy nổ đanh, giòn giã như kích thích tôi. Người đàn ông bảo tôi: “Chú cứ đi thử đi, ngon lắm… Đây nhá, tay bên trái là bóp côn này, chỉ khi nào sang số thôi, dập cần số về phía đằng trước là số 1 này…”. Tôi như bị mê hoặc, phần vì tiếng nổ của chiếc xe rất khêu gợi (xe hai kỳ), nhất là khi kéo ga, làn khói phụt ra có vẻ như rất oai hùng, phần vì thấy sự tận tình rất vô tư của người chủ, và tôi cũng thích để cho biết, tôi nhảy lên xe đi một đoạn. Thật mê ly, tôi nhớ mãi.
Ngày hôm sau, chúng tôi vẫn chưa thấy có lệnh gì mới, máu phiêu lưu lại ngập tràn trong tôi, đúng lúc nhận được tin, anh Hạnh (bạn thân) bị tai nạn ô tô. Tôi thủ thỉ với anh Trần Văn Liên, người Hà Nội (anh hơn tôi 1 tuổi, cũng giống tôi, từ Đông Âu về, vô tình hai người cùng nhập ngũ một ngày, rồi cùng hành quân vào chiến trường, và may mắn lại cùng ở một đơn vị), rằng làm thế nào để đến thăm anh Hạnh đang trong bệnh viện.
Tôi bàn với anh Liên sẽ đi vào thành phố, tìm đến bệnh viện Duy Tân xem anh Hạnh thế nào. Tôi thì thầm với anh Liên về phương án sẽ mượn xe máy của người đàn ông mà tôi biết, rồi mình sẽ hỏi thăm đường, chắc không khó đâu. Nghe tôi rủ rê, anh Liên gật đầu luôn.
Người đàn ông có xe máy cho chúng tôi mượn với thái độ rất vui vẻ, ông ta còn dặn đường đi tới Bệnh viện Duy Tân, và nhắc: “Các chú cứ đi thoải mái, trong xe còn nhiều xăng đấy!”. Mặc dù là lần đầu tiên đi xe máy ở một nơi xa lạ, nhưng nhờ có tính mạo hiểm, nên cả hai đứa chúng tôi chẳng thấy có gì phải lo ngại. Tôi vào số một cách lập bập, nên mấy lần chết máy… Nhưng xe dễ nổ lắm, rồi hai đứa cũng vù vù lao đi.
Tôi lao xe đến một quãng đường hẹp, dẫn lên một cây cầu xi măng không thấy có thành cầu, một bên là mương nước, còn bên kia là ruộng lúa, tôi thoáng nhận ra cây cầu có cốt cao độ hơn đáng kể so với mặt đường. Tôi chủ động tăng ga, do sợ xe không có đà, nhỡ lúc lên dốc bị chết máy giữa chừng (tâm lý của kẻ chưa bao giờ dùng xe máy Nhật). Tôi không ngờ, chiếc xe phi như bay lên cầu với tốc độ hơi lớn, nên cả chiếc xe lao vụt lên không trung, cao đến gần ba, bốn chục centimet… Và nó rơi xuống tiếp xúc với mặt đường không khác gì người làm xiếc.
Thật may mắn vì tôi vẫn ghì chắc ghi đông, nên hơi hoảng một chút, và rồi xe lại lao đi vù vù. Hai đứa chúng tôi hú vía. Xe chạy được hơn 100m, bỗng phía trước xuất hiện một chiếc xe Zeep đi ngược chiều, tôi không kịp giảm ga do lúng túng, nên xe vẫn lao đi với tốc độ cao. Khi lướt qua trước mặt chiếc xe Zeep, có tiếng kêu… A… a… cùng với một cánh tay chỉ về phía hai đứa chúng tôi. Anh Liên thốt lên: “Thôi chết rồi ông ơi, Tiểu đoàn trưởng đấy, ông Bảy đấy…!”.
Chúng tôi hỏi thăm và đến được Bệnh viện Duy Tân một cách thuận lợi. Tôi dừng xe, tắt máy trước người bảo vệ đứng ở cổng bệnh viện. Anh ta cúi chào chúng tôi một cách trịnh trọng. Anh nghe chúng tôi trình bày, lập tức dẫn chúng tôi đến nơi anh Hạnh đang nằm điều trị. Thoáng nhìn, chúng tôi thấy anh Hạnh nằm trên một chiếc giường bệnh rất hiện đại, cho dù hồi tôi còn ở Đông Âu, đôi lần cũng đã từng đến những bệnh viện lớn vì những lý do khác nhau, xong chưa khi nào nhìn thấy loại giường dành cho bệnh nhân tối tân như một cỗ máy như thế này.
Anh Hạnh trông thể trạng không đến nỗi nào, mặt anh sưng với các vết thuốc bôi màu nâu nâu, vàng vàng (có đến chục năm sau tôi mới biết đó là thuốc sát trùng, vì chúng tôi chỉ quen nhìn thấy thuốc sát trùng màu đỏ), miệng anh bị băng gạc che mất một phần, nhưng anh vẫn nói được.
Anh Hạnh kể: “Chúng tôi lấy được một chiếc Zeep lùn (xe Zeep có hai loại, xe lùn dành cho sĩ quan cấp úy từ 3 sao trở lên, xe cao dành cho cấp thấp hơn). Tôi cùng cậu Tha, Tiểu đội trưởng, đang định đi vào cảng Đà Nẵng. Lúc đầu tôi lái, được một đoạn, cậu Tha thấy xe chạy ngon quá, bảo tôi để cậu ấy cầm vô lăng. Xe chạy thích lắm, nhẹ và rất êm, đường lại tốt. Nhưng khi mát ga, thấy đồng hồ tốc độ lên đến 40 gần 50, thì để tránh một xe khác đang đi tới, cậu Tha phanh gấp… Chiếc xe lật úp, rê đi một đoạn dài… Hóa ra lúc ga lên, xe tăng tốc rất nhẹ, không phải như Gaz 69 (do Liên Xô sản xuất) đâu, thấy đồng hồ cây số lên 30, rồi 40 … Vẫn nghĩ rằng, tốc độ 30 hay 40 ăn thua gì… Mà không hề hiểu rằng, 30, 40… đó là dặm (mile), chứ có phải là km đâu. Trong khi 1 dặm đã bằng đâu như… gần 2km rồi, có chết không cơ chứ”.
Anh Hạnh kể tiếp: “Lúc bị tai nạn, người dân chạy ngay đến giúp đỡ rất tận tình. Họ đưa tạm chúng tôi vào nghỉ ở một cái chùa gần đường đi, họ mang cả bia “Lade Con cọp” ra bảo mời các “ông Giải phóng” mới buồn cười chứ”.
Anh Hạnh bỗng như nhớ ra điều gì, nói thủ thỉ: “Tôi thấy bác sĩ và nhân viên ở đây rất nhiệt tình, mà cậu bác sĩ nói năng điềm đạm lắm, rất lịch sự, tôi thấy lạ quá… Ở đây họ có kỹ thuật cao lắm, này nhé, ở ngoài Bắc, muốn chụp hàm răng là phải chụp bằng máy X-quang, đúng không? Ở đây, hai anh biết không, tôi thấy họ bảo tôi ngồi lên một chiếc ghế hiện đại lắm, cậu bác sĩ nói tôi mở miệng ra, cậu ấy cầm cái gì dài dài, đưa vào miệng tôi, và tôi nghe thấy tách một cái, cậu ấy nhấc tay ra, nói tôi ngậm miệng lại và bảo tôi xong rồi”.
Tôi không hiểu gì, nhưng tôi thấy cậu bác sĩ đi vào cái phòng bên cạnh, chỉ một lúc thôi, rất nhanh, tay cậu ấy cầm cái kẹp, kẹp một tấm phim nhỏ xíu, rồi soi lên đèn… Đấy, hóa ra là cậu ấy chụp cái chân răng của tôi bị gãy… Cậu ấy còn nói, chụp cái chân răng bị gãy xem có phải bỏ nốt đi không? Ôi, sao hiện đại thế cơ chứ…?!”. Chúng tôi hỏi thăm anh Hạnh việc ăn uống thế nào? Anh Hạnh lại nhiệt tình kể: “Hầu hết đồ ăn thức uống đều do người dân nấu ở nhà họ đem vào, mà có phải chỉ cho mình tôi đâu, còn nhiều anh em ở các quân đoàn khác bị thương, cũng nằm ở đây cả. Đang chiến sự thế này, có lẽ việc phục vụ của bệnh viện đều bị hạn chế, hình như không có người làm mấy đâu, chỉ thấy dân tình thay nhau mang thức ăn vào cho anh em chúng tôi, mà tôi thấy có đủ hết, cả cơm canh, cháo, mỳ… Họ tận tình lắm”.
Tôi và anh Liên thấy anh Hạnh kể nhiều, có vẻ mệt, hai đứa chúng tôi chỉ biết chúc anh Hạnh mau bình phục và sớm gặp lại nhau…
Chúng tôi đi ra cổng, lại leo lên chiếc Yamaha, nhưng cũng chưa muốn quay về ngay. Tôi cho xe lượn qua mấy con đường lớn như kiểu tận dụng đi cho biết. Bỗng từ xa, chúng tôi nhìn thấy một khẩu pháo to lắm, đứng ngay bên đường. Đến gần, hai đứa chúng tôi nhận ra, đây là Vua chiến trường loại 175mm (đây là loại pháo tự hành có chiều dài gần 14m và cao gần 4m của quân đội Mỹ). Chúng tôi xuống xe, đứng ngắm nghía vì thấy nó to quá, mà lại có bánh xích. Tôi tò mò muốn leo lên để nhìn vào trong, nhưng anh Liên ngăn cản tôi, vì anh cho rằng… nguy hiểm. Sau này mới thấy việc anh Liên ngăn tôi là đúng, vì đã xảy ra trường hợp, anh em mình tò mò, thấy xe tăng M41 còn nguyên, nhảy lên mở nắp, không ngờ, đã bị nổ gây thương tích, do trước khi chiếc xe tăng bị bỏ lại, đã được buộc một quả mìn dưới nắp xe. Nhưng đáng quan tâm nữa, là bên đường, sâu vào khoảng năm chục mét, là chiếc cổng to, xây rất tráng lệ với dòng chữ khổ lớn bên trên đề: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa - Quân đoàn 1”.
Ngày hôm sau, tôi và anh Liên nhận được lệnh quay về nơi tiểu đoàn đang đóng quân ở Quảng Trị. Chúng tôi quay ra Quảng Trị với nhiệm vụ đưa những chiếc xe GMC, xe DODGE và cả chiếc xe FORD màu vàng chở nhiên liệu gần như mới tinh, những thứ chúng tôi coi như chiến lợi phẩm, nên cần phải sớm đem về “nhà”.
Đoàn xe chúng tôi tiến về phía Bắc mà không biết rằng, số anh em còn lại của đơn vị ở Đà Nẵng, trong đó có cả anh Hạnh, hai ngày sau cũng lên đường đi tiếp vào phía Nam.
Trở lại đơn vị, lòng dạ chúng tôi ngổn ngang những mong đợi vì cuộc chiến vẫn đang nóng bỏng, mà không ai biết rằng chiến tranh đang đến hồi kết thúc, hòa bình sắp tới… Có nhiều đồng đội ở đơn vị ngày ấy tôi không bao giờ gặp lại nữa, trong đó có cả Tiểu đoàn trưởng của mình, một con người đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp, những tình cảm quý báu không bao giờ phai nhạt.
Vậy mà đã tròn 50 năm. Ai trong chúng ta cũng sẽ thốt lên rằng, sao mà nhanh thế, mọi việc như vừa mới hôm nào, mà giờ đã là nửa thế kỷ… Nhiều lúc nghĩ về quãng đời đã qua, tôi thấy mình thật may mắn khi đã vượt qua được bao nhiêu thử thách trong cuộc đời, để hôm nay ngồi mà ngẫm, mà thương, mà nhớ về ký ức một thời oanh liệt.