“Kỳ quan” đẹp nhất thế gian

Thứ Sáu, 18/03/2022, 10:16

Tôi biết chị Văn Dương Thành từ hơn 10 năm về trước. Hai chị em có nhiều kỷ niệm với nhau. Là nhà báo, tôi có nhiều cuộc nói chuyện với chị về hội họa - công việc một đời chị gắn bó và đã đạt được nhiều thành tựu. Tên tuổi họa sĩ Văn Dương Thành từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, được bạn bè quốc tế biết tới.

Qua hội họa, chị trở thành một sứ giả của văn hóa, nối những cây cầu của tình hữu nghị. Và cùng với hội họa, chị mang yêu thương đến với nhiều số phận thiệt thòi thông qua những hoạt động thiện nguyện. Tôi thực sự rất cảm phục ý chí, nghị lực, tài năng và sức mạnh của nữ họa sĩ qua những chia sẻ của chị. Nhưng nếu hỏi về cuộc trò chuyện nào với chị khiến tôi xúc động nhiều nhất, thì đó chính lần chúng tôi nói chuyện về người mẹ. Khi nghe Văn Dương Thành kể về người mẹ kính yêu đã khuất của chị, tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà văn vĩ đại Bernard Shaw: “Vũ trụ có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan lớn nhất là Trái tim người mẹ”.

IMG_6936-1647227934403.JPG
Họa sĩ Văn Dương Thành và người mẹ thân yêu, bà Nguyễn Thị Xích (1920-1995).

Một con số thống kê tạm thời, cho đến nay, họa sĩ Văn Dương Thành đã vẽ khoảng 1.800 bức tranh và có tới 85 cuộc triển lãm cá nhân trong và ngoài nước. Tranh của chị được treo tại 16 viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia trên thế giới, riêng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là 12 bức. Đó là con số biết nói, cho thấy tài năng, sức lao động của nữ họa sĩ. Dù vậy, trong những giây phút nhìn ngắm lại các tác phẩm của mình, Văn Dương Thành vẫn xúc động nhất với những bức vẽ hình ảnh Mẹ. Chân dung Mẹ của chị Văn Dương Thành là người phụ nữ với gương mặt hiền hậu mà cương nghị, đôi mắt nhiều chịu đựng nhưng vẫn đầy ắp thương yêu. Phía sau, dù phong ba, sương gió vần vũ, người Mẹ vẫn bình thản với cuộc đời.

Ở một bức họa khác, chị Văn Dương Thành vẽ lại ngôi nhà tuổi thơ của cha mẹ tại quê nhà Phú Yên. Một mái nhà tranh bình dị như bao mái nhà trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu, với bậc thềm rêu, chiếc sân rộng, cây chuối đứng soi mình bên giếng nước. Chị nói, càng nhiều tuổi đời, những ký ức về tuổi thơ chiến tranh gian khổ, trong ngôi nhà đơn sơ của cha mẹ lại càng trở nên rõ nét. Đặc biệt khi nhắc về mẹ, chị Văn Dương Thành chỉ trực rơi nước mắt vì thương nhớ.

Năm 1960, ông Văn Gói - một nhà trí thức cách mạng bị địch giết hại tại Phú Yên, để lại gánh nặng gia đình cho người vợ hiền, bà Nguyễn Thị Xích. Văn Dương Thành là con áp út của gia đình có tới 8 người con. Bà Nguyễn Thị Xích một mình gồng gánh với quyết tâm nuôi các con trưởng thành theo đúng như ý nguyện của chồng.

Họa sĩ Văn Dương Thành kể: “Thời chiến tranh, má tôi chỉ cặm cụi sinh con, nuôi con để chồng yên tâm đi đánh giặc. Nhưng khi ba tôi mất, má tôi thay đổi tư duy. Bà nghĩ, muốn nuôi dạy đàn con đông đúc thành người phải có kiến thức. Thế là má tôi theo học bổ túc văn hóa. Những đêm nhớ chồng, má chong đèn học bài, giải toán, làm văn. Sau khi tốt nghiệp trung học, má tôi học nghề y tá, sau này phụ trách một phòng khám. Má làm việc quần quật ngày đêm không ngơi nghỉ, lo cho các con từ miếng ăn đến chuyện học hành. Má thương anh chị em chúng tôi sớm phải mồ côi cha, nên hàng đêm má gạt nước mắt tự hứa với lòng sẽ dành tất cả cho con để ba tôi nơi ấy yên lòng”.

“Kỳ quan” đẹp nhất thế gian -0
Bức ký họa “Chân dung Mẹ” của họa sĩ Văn Dương Thành

Trong số 8 người con trong gia đình, chỉ có Văn Dương Thành là theo đuổi hội họa. Nhớ lại, nữ họa sĩ vẫn rưng rưng chia sẻ, nếu không có tình yêu và quyết tâm của người mẹ, sẽ không có một họa sĩ nổi tiếng Văn Dương Thành hôm nay. “Tôi từ nhỏ đã thích vẽ. Nhiều lần ba tôi đi công tác về, nhìn các bức vẽ nghệch ngoạc của tôi, ông khích lệ: “Con vẽ đẹp đấy, cố gắng vẽ nữa nhé”. Ba tôi rất yêu âm nhạc và hội họa, dù gia đình khó khăn ông vẫn dành dụm tiền mua cho con trai cả Văn Ánh một chiếc đàn violin và mong ước trong nhà có cây đàn piano để các con đều được học nhạc. Tôi dù thích vẽ nhưng không có hiểu gì về hội họa, lại càng không dám mơ mình sẽ được học vẽ và trở thành họa sĩ. Nhưng điều kỳ diệu của số phận đã đến. Sau ngày ba tôi hy sinh, năm 1961, họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (trước kia là Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đến thăm trường nữ sinh số 6 ở Hải Phòng- ngôi trường tôi đang học theo diện con em cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc và nói chuyện về hội họa. Tôi nghe một câu nói của họa sĩ: “Khi vẽ tranh, người họa sĩ dùng bút và màu để diễn tả tình cảm của mình trên mặt giấy hay vải”. Trong đầu tôi chợt nghĩ, nếu mình vẽ tranh, mình có thể diễn tả được nỗi nhớ, tình yêu với ba, má, với biển, với quê nhà và rất nhiều thứ khác nữa”.

Buổi hôm đó, khi nhìn thấy những tờ giấy cô bé Văn Dương Thành vẽ, họa sĩ Diệp Minh Châu chắc hẳn đã nhận ra một điều đặc biệt nào đó, ông “mượn” để mang về trường Mỹ thuật. Và chỉ một thời gian ngắn sau, Văn Dương Thành được Ban giám hiệu trường Mỹ Thuật tuyển thẳng vào trường mà không cần phải trải qua một kỳ thi nào. Khi đó, vì còn quá nhỏ, mới 10 tuổi, nên hiệu trưởng nhà trường đã cho gọi bà Nguyễn Thị Xích đến để trao đổi. “Cô hiệu trưởng hỏi má tôi, trong mấy trăm em mới chọn được Thành vào trường, là vinh dự lớn, nhưng việc học vất vả phải trải qua 12 năm, liệu má tôi có đồng ý không. Má tôi không một giây chần chừ trả lời: “Khi còn sống ba cháu rất khích lệ cháu vẽ, chỉ cần cháu đồng ý, tôi sẽ theo”- nữ họa sĩ nhớ lại.

Trong suốt 12 năm theo học hội họa, nhờ sự động viên, khuyến khích của mẹ, Văn Dương Thành từ một cô bé không biết một tí xíu gì về nghệ thuật, đã vượt lên thành một sinh viên giỏi luôn có kết quả học tập hạng A+. Từ năm 1974, Văn Dương Thành bắt đầu có tranh trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật thủ đô. Họa sĩ kể, khi còn sống, mẹ của chị luôn có mặt trong các triển lãm tranh của con. Bà say sưa ngắm từng bức họa, gương mặt ánh lên niềm vui hồn nhiên. Như thể tình yêu bà dành cho nghệ thuật có sẵn từ trong tiềm thức, bà thường cảm động nói: “Má ước gì ba con còn sống để có mặt cùng má lúc này, ngắm những bức tranh con vẽ”.

Ai đó đã nói rằng, một người mẹ thường luôn luôn phải nghĩ 2 lần, 1 lần cho bản thân và 1 lần cho con cái. Nhưng những người mẹ Việt Nam như bà Nguyễn Thị Xích thì có khi còn quên cả nghĩ cho bản thân, mà dành trọn cuộc đời mình cho các con. Những năm đất nước chiến tranh đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, người mẹ quật cường ấy đã vượt qua nỗi đau mất chồng, gồng gánh chợ đời nuôi 8 người con mà sau này ai cũng trưởng thành, có những đóng góp đáng tự hào.

Người con cả Văn Ánh là Tiến sĩ khoa học chuyên ngành Toán xác suất học ở Nga, sau này về nước làm trợ lý cho GS Tôn Thất Tùng, rồi giữ trọng trách Chi cục trưởng Chi cục đo lường chất lượng tỉnh Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa). Người con thứ 2 là Văn Thị Hưởng trở thành bác sĩ, người con thứ 3, Văn Thị Cách là kỹ sư chế tạo máy chính xác làm việc tại Praha (Cộng hòa Séc), người con thứ 4, Văn Thị Mạng trở thành kỹ sư sinh vật học, học trò xuất sắc của GS Nguyễn Lân Dũng. Sau Văn Dương Thành là em trai Văn Tiến Công trở thành một luật sư, Văn Kiều Nguyệt Hà và Văn Kiều Nguyệt Hồng cũng đều tốt nghiệp Đại học ở Thụy Điển, sau này trở thành những doanh nhân thành đạt. Những năm gần đây em út Văn Kiều Nguyệt Hồng dành nhiều thời gian về Việt Nam cùng với chị Văn Dương Thành tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ những số phận có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID 19 vừa qua.

Nhiều người chắc chắn sẽ tự hỏi, người mẹ bé nhỏ ấy lấy đâu ra nghị lực, sức mạnh để nuôi dạy đàn con như vậy. Nhớ về những năm tháng khó khăn cùng cực, họa sĩ Văn Dương Thành ngậm ngùi thương, mẹ của chị làm việc ngày đêm vất vả, quên ngày quên tháng để có tiền nuôi các con ăn học. Bà rất đẹp, và luôn có người để mắt, nhưng bà bỏ qua tất cả, chỉ tâm nguyện dồn tâm sức nuôi con trưởng thành.

“Má tôi bao năm chỉ có vài tấm áo mới, tằn tiện từng xu từng hào nuôi con. Mái tóc má tôi lúc nào cũng để dài, búi tròn trên đầu. Má cũng không biết đến trang sức hay phấn son là gì. Những năm chiến tranh, má tôi gần như chẳng khi nào no bụng, nhưng má thường vờ nói má no bụng rồi, để nhường suất ăn cho bầy con đủ sức học hành”. Nữ họa sĩ kể, sau này, khi các con đã thành đạt, có người nổi tiếng sống ở nước ngoài, muốn đưa mẹ sang để có điều kiện phụng dưỡng, báo hiếu, chăm sóc, nhưng má đều từ chối. “Má tôi muốn ở lại quê nhà Phú Yên, với lý do: “Má ở đây, gần với ba các con là má vui rồi”.

Có một kỷ niệm khiến họa sĩ Văn Dương Thành day dứt không nguôi. “Lần đó trong triển lãm cá nhân, tôi bắt gặp má đứng lặng lẽ rất lâu sau giá vẽ của tôi. Tôi lại gần hỏi má, má nói: “Ôi Thành vẽ đẹp quá. Nếu má còn trẻ, má cũng sẽ vẽ như con”. Năm đó má tôi đã lớn tuổi và yếu rồi. Tôi nghẹn ngào chỉ muốn khóc khi nghe lời má nói. Tôi hối hận và tự dằn vặt mình, sao tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện má cũng muốn thử vẽ để mời má trải nghiệm”. Có thể vì điều này mà mới đây khi hoàn thành không gian hội họa riêng mang tên Văn Dương Thành tại Hà Nội, nữ họa sĩ đã dành hẳn một khu vực để bất kể ai đến xem tranh tại đây cũng đều có thể tự trải nghiệm vẽ một bức tranh nếu muốn. Câu nói của người mẹ nhắc cho họa sĩ hiểu một điều rằng, tình yêu dành cho nghệ thuật luôn có sẵn trong trái tim mỗi người, bất kể họ là ai.

Mỗi chúng ta đủ sức mạnh đi trên đường đời, là bởi sau lưng có những người mẹ để nương tựa. Mẹ của họa sĩ Văn Dương Thành hay là bóng dáng của rất nhiều người mẹ trong cuộc đời, dù gian khổ, cay đắng đến bao nhiêu cũng sẵn sàng chịu đựng để cho con có một tương lai đẹp đẽ. Trên thế gian này, đôi khi vì hoàn cảnh, mẹ có thể nhập rất nhiều vai để con có một đời bình yên, nhưng để mang lại bình yên thật sự cho những đứa con thì không ai có thể thay thế Mẹ.

Họa sĩ Văn Dương Thành không chỉ vẽ tranh, chị còn học chơi đàn theo nguyện ước của cha và mẹ khi xưa. Những lúc nhớ ba mẹ, chị thường ngồi vào cây piano đặt trang trọng trong không gian đầy ắp nghệ thuật của mình và chơi một bản nhạc. Và có lần, rất xúc động, tôi nghe chị vừa đàn vừa hát ca khúc “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến. “Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”.

Quả là như vậy, ngay cả mặt trời cũng không thể sưởi ấm chúng ta bằng trái tim của Mẹ. Trái tim Mẹ - “kỳ quan” đẹp nhất trên thế gian này...

Bình Nguyên Trang
.
.