Kỷ niệm huấn luyện cảnh khuyển ở nước ngoài
Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ vốn đã là một lĩnh vực đặc thù của lực lượng Công an. Nhưng, huấn luyện và cho "ra lò" 30 chú chó nghiệp vụ tại nhiều địa bàn xa Tổ quốc càng là những trải nghiệm đặc biệt.
Có gặp gỡ và nghe Đại tá Dương Đình Đoàn - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an chia sẻ những câu chuyện nghề gắn với 30 chú cảnh khuyển tinh nhuệ ấy, tôi mới thấu hiểu những vất vả, sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ huấn luyện cảnh khuyển trong lực lượng CAND.
Dấu ấn hình thành chuyên khoa mới
Dẫn chúng tôi ra thao trường huấn luyện trên đồi Kim Anh, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Đại tá Dương Đình Đoàn nhớ lại: "Năm 1998, tôi khi ấy là anh lính trẻ hơn 20 tuổi, lần đầu tiên về nhận công tác tại đơn vị. Đặt chân tới vùng đồi xanh um cây lá, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm. Lúc ấy, cơ quan chỉ là những dãy nhà cũ kĩ tiếp quản từ trụ sở UBND huyện Kim Anh từ năm 1979 nên thiếu thốn từ nơi ăn ở cho cán bộ, chiến sĩ đến chỗ luyện tập. Gần 3 thập kỉ trôi qua, vẫn trên quả đồi ấy, nhưng thay vào đó là cơ sở vật chất khang trang với khu nhà hành chính, hội trường, thao trường huấn luyện, đáp ứng yêu cầu của công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay”.
Mùa xuân này, Đại tá Đoàn tròn 30 năm tuổi quân, trong đó phần lớn quãng thời gian công tác của anh gắn bó với lĩnh vực huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Cho đến thời điểm này, anh là một trong những người có thâm niên gắn bó với đơn vị, kinh qua tất cả các chuyên khoa, từ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp phát hiện ma túy, phát hiện thuốc nổ, bảo vệ và truy tìm dấu vết hơi đến giám biệt mùi hơi người, tìm kiếm cứu nạn.
"Học viên" đầu tiên của anh là một con chó Berger Đức. Con chó có màu lông đen vàng ấy, anh đặt tên là Mic. "Lần đầu tiên tôi dắt Mic từ khu chăn nuôi ra thao trường, chú chó tỏ vẻ sợ sệt. Quá trình huấn luyện chuyên khoa bảo vệ và truy tìm dấu vết hơi gặp nhiều khó khăn do thần kinh của chú chó chưa hưng phấn, hung dữ. Muốn cải thiện được thần kinh, đáp ứng công tác huấn luyện, tôi phải kiên trì làm quen, gần gũi, thân hòa để chú chó quen dần. Đó là bài học làm nghề đầu tiên mà tôi học được. Chỉ tiếc rằng, Mic bị ốm và mất sau gần 5 năm gắn bó cùng tôi", giọng Đại tá Đoàn bỗng chùng xuống. Có lẽ, với bất kì một cán bộ huấn luyện động vật nghiệp vụ nào, con vật đầu tiên thường để lại nhiều kỉ niệm và thấm bao tình cảm.
Gần 30 năm công tác, dù đã huấn luyện hàng trăm chú chó nghiệp vụ, nhưng Đại tá Đoàn vẫn nhớ: "Sau khi Mic mất, tôi huấn luyện Zola - một con chó Berger Đức ở chuyên khoa huấn luyện phát hiện thuốc nổ. Zola rất chăm chỉ luyện tập cùng tôi, có khả năng phát hiện mùi thuốc nổ rất tốt. Không một vị trí cất giấu thuốc nổ nào lọt khỏi tầm kiểm soát của Zola". Dưới sự huấn luyện của anh, Zola trở thành chú cảnh khuyển tinh nhuệ, thực hiện tốt nhiệm vụ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các sự kiện như SEA Game 22 năm 2003, Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 5) năm 2004 tổ chức tại Việt Nam.
Trải qua các thời kỳ, công tác chuyên môn của trung tâm ngày càng đi vào chiều sâu, hình thành các chuyên khoa mới đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Đại tá Đoàn cho biết: "Thời điểm tôi về đơn vị mới chỉ có các chuyên khoa huấn luyện chó nghiệp vụ giám biệt mùi hơi người; phát hiện các chất ma túy, thuốc nổ; bảo vệ và truy tìm dấu vết hơi. Từ năm 2008 bắt đầu có các đoàn cán bộ đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ở Belarus. Khóa tôi đi tập huấn ở Belarus là khóa thứ ba. Trên cơ sở tiếp thu kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tế ở nước bạn, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng chuyên khoa huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Tôi tự hào khi là một trong những người góp phần đặt nền móng cho sự hình thành chuyên khoa mới".
Những chuyến công tác đặc biệt
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của đơn vị ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Không chỉ đưa cán bộ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm huấn luyện chó nghiệp vụ ở nước ngoài, Bộ Công an còn chủ trương cử cán bộ của trung tâm sang giúp bạn đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm. Ở cả hai hoạt động trên, Đại tá Đoàn đều được tham gia.
Năm 2011, Đại tá Đoàn là trưởng đoàn công tác gồm 10 cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ và 2 cán bộ phiên dịch được đi huấn luyện, học tập kinh nghiệm theo chương trình hợp tác đào tạo giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Belarus. Suốt 4 tháng tại Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ thuộc Bộ Nội vụ Belarus ở thành phố Mogilev, đoàn được huấn luyện 2 chuyên khoa: huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn và phát hiện thuốc nổ. Cứ 8 giờ sáng, anh em đến nơi huấn luyện cách khu ở 10 km và học thông trưa. Về đến đơn vị khoảng 2 giờ chiều mới ăn trưa, nghỉ ngơi một tiếng và sau đó tiếp tục lên lớp học lý thuyết.
Phía bạn có đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo động vật nghiệp vụ. "4 tháng ở đó, chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều. Từ những giờ học lý thuyết đến thực hành, chúng tôi đều ghi chép tỉ mỉ, cụ thể. Kết thúc một ngày học tập, tối về đoàn công tác thường ghi những điều mình đúc rút được vào sổ tay. Tất cả chúng tôi đều ý thức được rằng đây là những kinh nghiệm quý báu để về nước nghiên cứu vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và biên soạn thành tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện. Vui nhất là khi kết thúc khóa học, sau khi hoàn thành tốt kì thi tốt nghiệp, các cán bộ Việt Nam được phía bạn tặng những chú chó nghiệp vụ đã gắn bó 4 tháng để mang về Việt Nam", Đại tá Đoàn kể.
Năm 2017, Đại tá Dương Đình Đoàn cùng một cán bộ của đơn vị được cử sang Campuchia đào tạo cho 20 sĩ quan cảnh sát của Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia. "Chúng tôi mang theo 20 chú chó do Bộ Công an Việt Nam tặng bạn, cùng nhiều trang bị nghiệp vụ phục vụ cho công tác huấn luyện lên đường sang thủ đô Phnôm Pênh. Trong 4 tháng đó, chúng tôi huấn luyện cho bạn 3 chuyên khoa nghiệp vụ, gồm: bảo vệ và truy tìm dấu vết hơi, phát hiện ma túy và phát hiện thuốc nổ. Campuchia thời điểm đó nắng nóng khắc nghiệt, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nên chúng tôi phải tìm địa điểm và lựa thời gian huấn luyện sao cho phù hợp", Đại tá Đoàn nhớ lại.
Lúc đầu, 2 chuyên gia huấn luyện của Việt Nam còn bỡ ngỡ bởi sự khác biệt về ngôn ngữ. Có nhiều từ chuyên ngành phải giải thích nhiều lần thì người phiên dịch mới hiểu được để chuyển ngữ cho các đồng nghiệp Campuchia. Đại tá Đoàn kể: "Để quá trình huấn luyện diễn ra thuận lợi hơn thì phải nhanh chóng học chút ít tiếng của bạn. Nghĩ thế, chúng tôi tranh thủ mọi thời gian rỗi để học tiếng. Chỉ sau khoảng một tháng, chúng tôi đã có chút ít vốn ngôn ngữ Campuchia để hướng dẫn bạn một cách cơ bản mà có lúc không cần phiên dịch".
Huấn luyện động vật nghiệp vụ là một lĩnh vực mới mẻ ở Campuchia nên một số sĩ quan của nước bạn chưa thực sự hứng thú với công việc vì vất vả, khó khăn. Nhiều sĩ quan còn cảm thấy sợ khi nhìn thấy con chó to và dữ dằn. "Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng cho bạn. Quá trình huấn luyện, làm quen với chó, chúng tôi phải hướng dẫn tỉ mỉ, khơi gợi những đặc tính của loài chó để các bạn làm quen. Tôi cố gắng truyền đạt cho bạn một cách dễ hiểu những kinh nghiệm trong công tác quản lý, nuôi dưỡng, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ. Nhiều sĩ quan nước bạn lúc đầu chưa yêu thích động vật nghiệp vụ, sau trở nên tâm huyết với nghề, yêu quý động vật nghiệp vụ, huấn luyện chó đạt kết quả cao. Nhìn vào thành tích đó, tôi hiểu rằng công sức chúng tôi bỏ ra không hề uổng phí khi truyền được niềm đam mê với nghề cho bạn", Đại tá Đoàn chia sẻ.
Kết thúc khóa huấn luyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Vương quốc Campuchia đã tặng bằng khen nhằm ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các cán bộ Việt Nam đã nhiệt tình truyền đạt, hướng dẫn. Phía bạn cũng đánh giá cao về năng lực làm việc của 20 chú chó nghiệp vụ.