Khuyến khích cây viết trẻ trong lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật
"Các tác phẩm được giải phản ánh sự đa dạng của đời sống lý luận phê bình trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là có những tiếng nói mới, khuyến khích những cây viết trẻ". Đó là nhận định của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong đợt trao giải thưởng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật vừa diễn ra tại Hà Nội.
Khuyến khích những tác giả trẻ
Đây là tặng thưởng do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNTTƯ) tiến hành đánh giá, thẩm định và tổ chức trao tặng hằng năm. Từ năm 2012 đến nay, Hội đồng LLPBVHNTTƯ đã tổ chức 10 đợt xét chọn và trao Tặng thưởng cho các tác phẩm, công trình lý luận, phê bình chất lượng cao, khen thưởng các cơ quan xuất bản, báo chí có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, quáng bá, sáng tạo văn học, nghệ thuật "Lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa" như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã khẳng định.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, quy chế của tặng thưởng này chấp nhận sự tham gia xét giải của các ủy viên hội đồng xét tặng thưởng, các nhà khoa học tham gia chấm xét tặng thưởng. Năm nào các ủy viên, các nhà khoa học có tác phẩm gửi xét tặng thưởng sẽ không tham gia các hội đồng xét tặng thưởng này.
Tặng thưởng được trao cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao, có tính học thuật, tính mới mẻ, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các tác giả khi đi vào vấn đề, hiện tượng, khuynh hướng hay trường hợp văn nghệ cụ thể, đặc biệt là đóng góp của các tác phẩm được giải đối với thực tiễn sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình, quảng bá và tiếp nhận giá trị tác phẩm.
Mùa tặng thưởng năm nay cũng không có mức A mà chỉ có 4 tác phẩm được trao mức B. Tác phẩm "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" của bà Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPBVHNTTƯ, được trao mức B cùng với 3 tác phẩm khác: "Neo chữ" của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, "Nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương của Nguyễn Thị Ngọc Diệp, "Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" của Nguyễn Sĩ Đại. 4 tác phẩm được trao mức B ở 4 lĩnh vực khác nhau, đều tôn vinh những giá trị của lý luận phê bình trong việc gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc - gốc rễ của sự phát triển.
Về cuốn sách được tặng thưởng của TS Ngô Phương Lan, trước đó trong lễ ra mắt sách ở Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đánh giá TS Ngô Phương Lan có một lối phê bình "vừa sắc sảo, vừa chừng mực", "đây là một công trình dày công và tinh tế".
Trước cuốn "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập", TS Ngô Phương Lan từng ra mắt "Đồng hành cùng màn ảnh" (1998, Giải thưởng chính của Hội Điện ảnh Việt Nam cho công trình lý luận, phê bình), "Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam" (2005, Giải Cánh diều Vàng cho công trình lý luận, phê bình của Hội Điện ảnh Việt Nam)…
"Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" gồm hai phần nói về điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và thời hội nhập. Tác giả Ngô Phương Lan bộc bạch bà muốn xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài hơn 30 năm từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến thời điểm hiện tại để cho ra một bức phác thảo rõ nét.
"Phê bình là một công việc nặng nhọc. Muốn viết phê bình, phải có tác phẩm", bà chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt sách trước đó. Ngoài những bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam hai thời kỳ trên, trong tập tiểu luận "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập", bà cũng dành nhiều trang về điện ảnh Việt Nam trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam theo đuổi cách viết giản dị, dễ hiểu trong cuốn "Neo chữ". Đây là tập hợp các bài phê bình ông đã đăng trên các báo, không phải trên các tạp chí chuyên ngành. Ông chia sẻ: "Tôi luôn cố gắng viết phê bình theo cách giản dị, dễ hiểu là vì một phần do "chất" người. Tôi yêu thích sự đơn giản. Đơn giản và hài hước được thì càng tốt. Phần khác, là do yêu cầu của công việc báo chí. Tôi đăng bài trên báo chí phổ thông chứ không đăng bài trên các tạp chí chuyên ngành, vì thế chẳng dại gì tôi lại trở nên bí hiểm khó hiểu với quảng đại công chúng độc giả, là những người mua báo, là những người đọc tiềm năng của tôi.
Theo một cách phân loại nào đó, người ta gọi đó là "phê bình báo chí", "phê bình theo phong cách báo chí" Vậy về những nhà "phê bình hàn lâm", "phê bình theo phong cách hàn lâm" thì sao? Xét cho cùng, cũng do yêu cầu công việc cả thôi".
"Nguyễn Bính - hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" gồm phần viết về cuộc đời Nguyễn Bính và phân tích thơ Nguyễn Bính của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Cuốn sách gồm tám phần, tập trung nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và những nét độc đáo trong thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Tác giả Nguyễn Sĩ Đại đã khai thác một cách sâu sắc về "hồn dân tộc" trong những tác phẩm của Nguyễn Bính, đồng thời phân tích sự ảnh hưởng của ông đối với nền văn học cách mạng Việt Nam. Tác phẩm này cũng đang tham gia tranh giải tại Giải thưởng Sách quốc gia năm nay.
Sách "Nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương" của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Diệp nêu ra những đặc điểm nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương thông qua nghiên cứu 11 ngôi đình tiêu biểu trong tỉnh, có so sánh, đối chiếu với đình Bắc Bộ, Nam Bộ.
Ngoài 4 tác phẩm được trao mức B, Hội đồng LLPBVHNTTƯ còn tặng thưởng mức C cho 12 tác phẩm và mức khuyến khích cho 9 tác phẩm. Và trao tặng thưởng cho 18 cơ quan, đơn vị báo chí, xuất bản có thành tích nổi bật trong hoạt động tuyên truyền cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong năm 2023, trong đó có Ban Chuyên đề - Báo Công an nhân dân.
Khoảng trống lý luận phê bình
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Các tác phẩm lý luận phê bình đã đưa ra những vấn đề, hiện tượng, xu thế của văn học nghệ thuật và góp phần định hướng cho văn học nghệ thuật trong thời gian tới".
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng nhấn mạnh việc quan tâm bồi dưỡng đội ngũ phê bình lý luận trẻ để có thêm nhiều tiếng nói mới. "Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các cây viết trẻ, tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các cây viết trẻ xuất bản tác phẩm, cả khâu sáng tác và lý luận phê bình. Nhiều tác phẩm đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật và được công chúng đón nhận".
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng: "Bên cạnh giải thưởng thì sự hỗ trợ với các nhà văn trẻ, những nhà phê bình trẻ rất quan trọng để họ có động lực phát triển và tìm tòi, sáng tạo".
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách giải thưởng năm nay và thực tiễn của đời sống lý luận, phê bình văn học nước nhà vẫn thấy còn nhiều khoảng trống. Tại Tọa đàm chủ đề “Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật từ đổi mới (1986) đến nay - những vấn đề đặt ra cần giải quyết” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, hoạt động lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật chậm phát triển, thiếu tính học thuật, tính chiến đấu, ít tác dụng thúc đẩy sáng tác…
Hy vọng, Tặng thưởng lần này sẽ là một cú hích đối với công tác phê bình lý luận ở nước ta, để càng ngày càng đón nhận thêm nhiều tiếng nói mới, đa chiều hơn, khuyến khích người trẻ dấn thân vào địa hạt khó khăn nhưng vô cùng quan trọng này đối với đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.