Khủng hoảng tinh thần vì bão giá

Thứ Hai, 30/05/2022, 12:35

Xăng dầu tăng kéo theo giá của hàng loạt thực phẩm tăng vọt vài chục %. Cơn bão giá khiến đời sống của một số gia đình ở các đô thị lớn trở nên khó khăn, một số người bị rối loạn lo âu, trầm cảm vì áp lực kiếm sống.

Lê Chi, 39 tuổi, sống cùng chồng và hai con trong một căn hộ chung cư trả góp ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Từ sau Tết Nguyên đán, mỗi lần cầm 500 nghìn đi chợ, nữ nhân viên kế toán của công ty xây dựng cảm thấy như bị đánh cắp: "Giá cả những mặt hàng thiết yếu tăng vọt, đường từ 18 nghìn lên 30 nghìn, gas từ 370 nghìn lên 500 nghìn, mỳ tôm 4 nghìn lên 5 nghìn, gạo từ 13 nghìn lên 16 nghìn. Chưa kể rau củ quả, cá thịt đều tăng 10-30%. Thay vì chỉ mất 400.000 đồng sắm gia vị nửa tháng, nay tôi mất thêm 100.000 đồng, chưa kể mọi chi phí sinh hoạt đều leo thang", Chi rầu rĩ than.

Căn hộ chung cư ba phòng ngủ của gia đình cô đang trong thời gian trả góp với khoản gốc lẫn lãi rơi vào 10 triệu một tháng, chưa kể khoản trả góp chiếc ô tô chồng cô lái grab hàng ngày trong thời gian tìm việc. Ngoài thu nhập 18 triệu đồng/1 tháng của Chi, trước đại dịch, mỗi ngày chồng cô kiếm được 300-500 nghìn nhờ chạy xe grab. Tuy nhiên, xăng tăng khiến giá một cuốc xe tăng theo, sau khi trừ mọi chi phí đi chỉ còn khoảng 50-100 nghìn một ngày, "hầu như không có lãi".

"Mọi thứ cứ như một chiếc thòng lọng quấn quanh cổ. Trừ đi 18 triệu trả tiền nhà, sinh hoạt và tiền học phí, cả gia đình tôi trông chờ vào số tiền chạy grab hàng ngày của chồng. Tôi tự nhủ bản thân không dám ốm vì nếu ốm cũng không có tiền đi khám và mua thuốc chữa bệnh".

Khủng hoảng tinh thần vì bão giá -0
Ảnh: L.G

Nỗi lo tiền bạc kéo dài trong nhiều tháng khiến Chi trở nên căng thẳng, hay nổi nóng, mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ. "Tôi trở nên căng thẳng và thường xuyên cáu gắt, tức giận, mắng chửi con vì những lỗi rất nhỏ như rớt thức ăn ra sàn nhà hay quên tắt điện. Nhiều đêm tôi không thể chợp mắt vì cứ nghĩ đến tiền bạc ruột gan thắt lại. Thêm vào đó bệnh trào ngược dạ dày tái phát khiến ngực nghẹn thắt, cổ họng đau, nhiều khi không thở nổi. Nhiều lần, tôi có ý nghĩ muốn biến mất đi đâu đó một thời gian để trốn tránh cuộc sống quá nhiều áp lực này". Tình trạng mất ngủ và sụt cân kéo dài khiến Chi phải đến Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Bác sĩ kê đơn thuốc an thần, thuốc rối loạn lo âu và đưa ra một số lời khuyên về giảm căng thẳng.

Gia đình Lê Chi chỉ là một trong hàng triệu người bị tác động bởi sự leo thang giá cả trong những năm vừa qua. Trong một khảo sát khác với trên 23.000 lượt trả lời của một tờ báo cho thấy, áp lực lạm phát với giá cả tăng vọt là một trong 10 biến động kinh tế năm qua tác động lớn nhất. Giá hàng hóa leo thang khiến hầu bao của người tiêu dùng bị bào mòn mạnh.Theo tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, giá xăng tăng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, sản xuất, giá hàng hóa cũng như dịch vụ. Các mặt hàng thiết yếu vì thế sẽ bị kéo lên, làm giảm mức sống của người dân, ông Nam phân tích. Cuộc khủng hoảng bão giá hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến người dân các nước đang phát triển mà còn tác động mạnh mẽ đến các quốc gia như Anh, Mỹ…

Theo tờ The Independent, từ tháng 3 năm nay, 5 triệu hộ gia đình ở Anh sẽ buộc phải dành ít nhất 10% ngân sách gia đình để chi trả hóa đơn tiền điện và khí đốt sau khi chính phủ nâng mức giá trần năng lượng. Giá cả ở Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm, cùng với lạm phát tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng giá hóa đơn điện, nước, xăng, giá nhà ở và các chi phí hàng ngày như thực phẩm đã khiến gần 4/10 người (38%) lo lắng về tài chính của họ và hơn một nửa (51%) cảm thấy không kiểm soát được sức khỏe tâm thần của mình, theo nghiên cứu của University College London.

Nhà tâm lý học nghiên cứu người Mỹ, tiến sĩ Galen Buckwalter, Giám đốc điều hành của psyML, một công ty khoa học dữ liệu, đã nghiên cứu mối quan hệ của con người với tiền bạc trong 25 năm. Ông định nghĩa rối loạn căng thẳng sau sang chấn  (PTSD) tài chính là những khủng hoảng về thể chất, cảm xúc và nhận thức mà con người trải qua khi họ không thể đối phó với mất mát tài chính đột ngột, hoặc căng thẳng kinh niên khi có nguồn tài chính hạn hẹp.

Tiến sĩ Buckwalter giải thích: "Không có đủ tiền là một loại căng thẳng hoàn toàn khác. Nó kích hoạt hệ thống gây dị ứng bao gồm hệ thống miễn dịch, tim mạch và trao đổi chất của chúng ta, đồng thời giải phóng hormone căng thẳng cortisol và khiến con người cảnh giác cao độ. Sự tiến hóa đã chuẩn bị cho cơ thể chúng ta đối phó với những đợt căng thẳng 'chiến đấu hay bỏ chạy' trong thời gian ngắn cực kỳ tốt - miễn là giai đoạn căng thẳng qua đi và chúng ta trở về vị trí cân bằng nội môi. Nhưng căng thẳng về tài chính khiến tâm sinh lý của con người tăng lên 24/7 và kéo dài vô thời hạn".

Theo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, biểu hiện của chứng rối loạn lo âu tiền bạc bao gồm: Thường xuyên cãi vã với người thân, đặc biệt khi nhắc đến tiền bạc; Mất ngủ, dễ cáu gắt, khó chịu; Chán ăn, ăn không ngon, ăn uống không điều độ; Đau đầu, chóng mặt, khó thở, tâm tính thất thường; Có xu hướng tìm đến chất kích thích; Tiêu xài bất hợp lý, không kiểm soát được chi tiêu; Nhạy cảm, lo lắng khi nhắc đến tiền bạc.

Những tác động ngắn hạn là mất ngủ, khó tập trung, cảm thấy mất kiểm soát và cảm xúc và gặp khó khăn trong mối quan hệ. Tiến sĩ Buckwalter cho biết thêm: "Về lâu dài, loại căng thẳng này gây stress rất lớn cho cơ thể chúng ta và bạn có thể mắc bệnh tiểu đường hoặc thậm chí bị đau tim, ung thư, đột quỵ".

Vậy làm sao để hạn chế và giải thoát khỏi nỗi lo âu, căng thẳng vì tiền bạc?  Theo Chantel Chapman, nhà giáo dục tài chính và đồng sáng lập Trauma of Money,  bước đầu tiên để đối phó với lo lắng là tìm cách làm dịu hệ thần kinh và tìm hiểu vấn đề gốc rễ gây ra nó. Một vấn đề mà những người bị áp lực về tiền bạc gặp phải chính là dễ cáu gắt, u uất, không có sức sống. Việc một người không thể kiểm soát được cảm xúc tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến những quyết định, mà còn liên quan đến những mối quan hệ với đối tác, bạn bè, gia đình khiến bạn khó đạt được niềm tin từ người khác. Do đó, học cách kiểm soát cảm xúc là điều quan trọng. Thiền định sẽ là liệu pháp đơn giản giúp bạn tĩnh tâm, cân bằng tâm trạng, giảm stress mệt mỏi. Chỉ cần dành 15 phút ngồi thiền mỗi ngày, có thể là sáng hay tối đều sẽ giúp bạn tăng sự tập trung và thoải mái về cả trí não lẫn thể chất. Đặc biệt khi cảm thấy quá áp lực ngột ngạt, khó khăn trong quyết định thì hãy thử ngồi thiền để mở rộng tâm trí hơn.

"Thông qua các phương pháp như thiền, thở bụng, kỹ thuật chánh niệm, bạn có thể làm cho hệ thần kinh lắng dịu. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bài tập tâm lý khác như viết nhật ký lòng biết ơn, trắc ẩn, suy nghĩ tích cực về hoàn cảnh như so sánh mình với những người khốn khó khác trong xã hội và thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều", Chapman nói.

Khủng hoảng tinh thần vì bão giá -0

Bên cạnh đó, để tìm ra gốc rễ vấn đề, bạn hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân về điều gì đang gây ra rắc rối tài chính cho mình. Liệu sự căng thẳng tiền bạc bắt nguồn từ công việc, món nợ, thu nhập thấp hay chi phí sinh hoạt thường ngày? Khi bạn đã xác định được nguồn gốc của vấn đề, bạn có thể lập nên một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Trong bối cảnh giá cả gia tăng, Lê Chi đã tìm mọi cách để tiết kiệm tối đa các nguồn chi, ví dụ cô nói ra tình trạng khó khăn của mình và được bố mẹ hỗ trợ bằng cách chu cấp cho nguồn thực phẩm sạch từ quê gửi xuống. Ngoài ra, hai vợ chồng cô đều mang cơm đi làm, tự pha cà phê, nước hoa quả ở nhà mang theo, cắt giảm các khoản học thêm và giải trí của con cái. "Hiện mỗi tháng tôi tiết kiệm được 3-5 triệu nhờ cắt giảm những khoản chi này", cô cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng khuyên những người bị căng thẳng tiền bạc nên học cách lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm rõ ràng theo quy tắc 50/20/30. Điều này có nghĩa là 50% tiền lương hàng tháng của bạn sẽ được dùng vào các khoản chi phí bắt buộc như tiền thuê nhà, bảo hiểm và các hóa đơn điện, nước, Internet; 20% sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm và 30% còn lại sẽ được sử dụng cho các khoản chi phí phục vụ cho nhu cầu vui chơi và giải trí. Những chi tiêu hằng ngày dù là nhỏ nhất bạn cũng nên học cách ghi chép lại, để sau đó xem và phân tích để biết mình cần gì, dư gì và cân nhắc phù hợp hơn.

Một cách nữa được Lê Chi áp dụng hiệu quả là dành thời gian cho bản thân bằng việc tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn uống đa dạng, dành thời gian cuối tuần để đọc sách, nghe nhạc hoặc nấu ăn. "Nếu cứ làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi, tôi có thể càng rơi vào vòng luẩn quẩn. Vì thế, việc thư giãn, chăm sóc sức khỏe tinh thần ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất là ưu tiên số 1 của tôi", Chi nói. 

Minh Đức
.
.