Khúc tráng ca biển trời Côn Đảo
Hình ảnh con tàu hải quân mang cờ giải phóng cập bến Côn Đảo 50 năm về trước vẫn luôn là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời cựu tù Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tháng 4 về, lòng bà lại dội lên ký ức bi tráng về những năm tháng đấu tranh trong xà lim chuồng cọp.
1. Hoàng Thị Khánh dấn thân vào cuộc chiến theo một lý tưởng rất hồn nhiên và giác ngộ cách mạng qua tổ chức Việt kiều yêu nước ở Campuchia. Ba mẹ của bà là người miền Bắc, thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, họ di cư sang Campuchia làm công nhân cho hãng cao su Mê Kông. Tại đây, cộng đồng người Việt có cơ hội tiếp nhận những tin tức của đất nước.
Các tổ chức Việt kiều yêu nước thành lập, sống đoàn kết, thân ái, giúp nhau trên đất bạn và bí mật vận động tầng lớp thanh niên về miền Nam Việt Nam tham gia chiến đấu. Hoàng Thị Khánh lúc bấy giờ tham gia phong trào dạy chữ, văn nghệ, phong trào đóng tiền cứu quốc… Từ những phong trào này, cuối năm 1963, Hoàng Thị Khánh, khi đó mới 16 tuổi, được tổ chức động viên, gia đình khuyến khích về miền Nam chiến đấu.
Đoàn Việt kiều yêu nước từ Campuchia về gồm 19 người, đa phần đều là thanh niên, có trình độ văn hóa hoặc giỏi về văn nghệ quần chúng nên được bố trí vào các khối hậu cần, văn phòng, đài phát thanh, nhà in. Hoàng Thị Khánh được đưa về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam làm “chị nuôi”.
3 năm sau, “chị nuôi” Hoàng Thị Khánh được tổ chức lựa chọn tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 với vai trò là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động trong nội thành Sài Gòn.
Đợt 1 của chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 bắt đầu, lúc này địch còn sơ hở nên đội của bà Khánh đánh thọc sâu vào chợ Thiếc (quận 11, TP Hồ Chí Minh ngày nay). “Khung cảnh hoang tàn của những trận đánh Mậu Thân vẫn còn mãi trong trí nhớ của tôi. Các con đường ngổn ngang quân tư trang, vũ khí của binh lính bỏ lại, khói súng khét lẹt một khoảng trời. Quân ta len lỏi mọi ngóc ngách, mọi tuyến đường của Sài Gòn. Đội của chúng tôi bám trụ tại chợ Thiếc, sống trong các khu ổ chuột, bám vào dân lao động để hoạt động”, bà Hoàng Thị Khánh kể.
Tuy nhiên, khi địch ổn định lại tình hình, thêm quân chi viện và bắt đầu mở những cuộc phản công, tấn công quân giải phóng khắp thành phố. Những cuộc đấu súng, đấu trí diễn ra khốc liệt trong từng con hẻm, từng khu chợ, giữa một bên là vũ khí hiện đại, trực thăng, máy bay quần thảo và một bên là đội quân bền gan, dũng khí, chiến đấu kiên cường.
“Chúng tôi giằng co với địch từng giây từng phút, quyết không lùi bước. Cuối cùng, chúng đã phải dùng đến hạ sách là đốt chợ Thiếc, sau đó bao vây các lối ra. Quân của địch thì đông, lại đánh từ 4 phía, vậy mà anh em vẫn kiên cường bám trụ đánh trả từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối. Tôi không quên được hình ảnh nhiều đồng đội khi hy sinh vẫn ở tư thế quỳ ngắm bắn”, bà Khánh kể, đôi mắt rưng rưng nhớ về người đồng đội của mình.
Kết thúc đợt 1, đội của bà Hoàng Thị Khánh tiếp tục tham gia vào đợt 2 của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Lúc này, bà và đồng đội đã len lỏi vào sâu trong nội thành Sài Gòn hoạt động trong nhiều vỏ bọc khác nhau, thoắt ẩn thoắt hiện ở chợ, bến xe, sân bay, cảng sông, trung tâm Sài Gòn... Cô gái trẻ Hoàng Thị Khánh được giao thực hiện nhiệm vụ vận động, giác ngộ quần chúng, tuyên truyền về tình hình địch bị đánh bại, thua cuộc, thiệt hại nặng nề trước quân giải phóng…
Ở những nơi đó, nữ biệt động Thành thường xuất hiện bất ngờ, tham gia treo cờ, treo biểu ngữ tuyên truyền ở khu vực trung tâm, tham gia “diệt ác, phá kìm”, theo dõi, điều tra những đối tượng ác ôn, nguy hiểm với cách mạng để báo cáo tổ chức. Trong các đợt tấn công Mậu Thân, đội Võ trang Tuyên truyền của bà Hoàng Thị Khánh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng thưởng Huân chương Chiến công.
2. Tháng 11/1969, trong một lần treo cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng trên cầu Quách Thị Trang (quận 1 ngày nay), nữ biệt động 22 tuổi Hoàng Thị Khánh bị địch phát hiện và bắt giữ, đưa về giam ở nhà lao Thủ Đức. Trong trại giam, Khánh cùng các nữ tù chính trị nhiều lần bị tra tấn dã man vì chống chào cờ, không khai báo cơ sở, vận động, tập hợp bạn tù đấu tranh đòi công lý, lẽ phải…
“Chúng tôi đấu tranh không ra tòa nên là những người tù không có bản án, không có số tù và bị đưa ra Côn Đảo. Chúng tôi bị đánh phủ đầu từ dưới tàu lên. Tất cả mọi người đều bị nhốt vào chuồng cọp. Mỗi ngày, bọn chúng cho mỗi người tù một lon nước (khoảng 0,75 lít) để sử dụng cho cả việc ăn uống, vệ sinh, tắm giặt. Ngoài nước ra, vấn đề thứ hai chúng tôi gặp phải là tuyệt đối không được ra ngoài; không được tắm nắng, chỉ nằm im co ro trong chuồng cọp. Hễ có ai hô la lên thì vôi bột phía trên sẽ đổ xuống. Vôi bột đổ xuống thì không ngán, nhưng sau đó sẽ bị đổ nước. Lúc đó, vôi bột nóng lên và làm cả người chúng tôi bị lở loét. Mùa nắng, ruồi bay đen rồi sinh sôi nảy nở trong môi trường ẩm ướt. Khi con dòi nở ra, bọn chúng đổ lên dĩa cơm cho chúng tôi ăn, nếu không ăn thì chúng tôi sẽ chết, sẽ không còn sức để đấu tranh”, bà Khánh hồi tưởng về ngày tháng bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo.
Ở trong tù, tuy không có vũ khí nhưng người tù có tiếng hát. Họ hát để xua đi nỗi sợ hãi, hát để động viên đồng đội, để chứng minh rằng tinh thần cách mạng không thể bị khuất phục. Cuộc đấu tranh ở trong chuồng cọp của những người tù diễn ra bền bỉ, kiên cường. Trong bóng tối của xà lim, qua bức tường đá lạnh buốt, họ vẫn truyền cho nhau tin tức từ các mặt trận.
Bà Khánh kể: “Khi ra Côn Đảo, một bạn tù giấu được chiếc đài Radio, chúng tôi âm ầm theo dõi tin tức qua đài. Đến giai đoạn khoảng tháng 3/1975, quân ta đánh vào Gia Lai, Kon Tum và mặt trận Tây Nguyên, sau đó là chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ Long Khánh (Đồng Nai) được giải phóng, chúng tôi biết được rằng, ngày toàn thắng sắp về. Suốt những ngày sau đó, các xà lim tù chính trị lòng người tù rạo rực, hân hoan, mọi khổ đau cùng cực của sự tra tấn đều nhẹ tựa mây bay”, bà Khánh bồi hồi diễn tả lại cảm xúc nghe tin chiến trận từ trong chuồng cọp.
Khi niềm vui chiến thắng của người tù đang dâng trào thì đến ngày 26/4, cai ngục nhà lao ập vào lục soát phòng tịch thu chiếc đài. Từ đó, thông tin về chiến dịch Hồ Chí Minh bị ngắt. Tù nhân chính trị trong các phòng biệt giam bị hụt hẫng và rất lo lắng. Họ bắt đầu nghe ngóng tin tức từ nhóm tù nhân mới bị đưa ra nhưng chờ mãi không thấy. Họ lại chuyển hướng sang những tù nhân thường phạm, số này bị đưa ra Côn Đảo do các tội hình sự…
“Đến ngày 27/4, chúng tôi nghe có tiếng máy bay quần thảo liên hồi trên vùng trời Côn Đảo, ai cũng nghĩ rằng, có lẽ địch sắp thủ tiêu tù chính trị. Ngày 28/4, cai ngục đi cài mìn ở các buồng giam nữ, cài lựu đạn ở phòng biệt giam, chuồng bò, chuồng cọp. Chúng tôi nhận ra âm mưu của địch và xác định “con đường chết” sắp đến. Chúng tôi bàn nhau và cùng một ý chí: “nếu phải chết thì sẽ chết đàng hoàng, chết ngẩng cao đầu nên tuyệt đối không sợ hãi”, bà Khánh kể giây phút ngặt nghèo trong chuồng cọp.

Tuy nhiên, sau đó xuất hiện những chiếc máy bay chở sĩ quan cao cấp của địch từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Côn Đảo xuống tàu để chạy trốn. Từ ngày 29 - 30/4, tình hình trong các buồng giam ở Côn Đảo im ắng lạ thường. Cai ngục không mang cơm cho tù nhân nữa. Chiều 30/4, tin giải phóng Sài Gòn đã truyền tới các xà lim, nhưng số phận của các tù chính trị vẫn nằm trong tay quản lý nhà tù. “Lúc này, chúng tôi họp với nhau, phải thuyết phục được các trại trưởng buông vũ khí, hợp tác với tù chính trị và trại trưởng trại 6B là người đầu tiên mang chìa khóa đến mở cửa xà lim. Câu đầu tiên cai ngục nói với chúng tôi là: “Bên các bà thắng rồi, hãy mau ra đi”.
Để khẳng định cho lời mình nói, trưởng trại đã mở đài Radio cho chúng tôi nghe lời đồng chí Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn đọc thiết quân luật. Chúng tôi vui sướng đến ngã khuỵu xuống, không ai nói được câu nào, chỉ biết ôm nhau vừa cười vừa khóc. Hạnh phúc ngỡ như trong mơ”, cựu tù chính trị Hoàng Thị Khánh xúc động hồi tưởng lại giây phút nghe tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong tư thế làm chủ tình hình nhưng lực lượng tù chính trị ở Côn Đảo vẫn cảnh giác cao độ. Những ngày sau đó, họ thu giữ vũ khí của cai ngục để lại, đi chiếm máy bay và các trụ sở quan trọng ở Côn Đảo, bố trí lực lượng canh gác, bảo vệ đường biển. Ngày 4/5/1975, tàu hải quân của ta mang cờ giải phóng, ảnh Bác Hồ cập bến Côn Đảo, sau đó, lực lượng tù chính trị đã tổ chức một cuộc mít tinh mừng chiến thắng. “Một chương trình biểu diễn văn nghệ hoành tráng, rầm rộ do chính tù nhân chính trị thể hiện. Khi lá cờ nửa xanh nửa đỏ kéo lên, chúng tôi vừa khóc vừa hát vang bài ca “giải phóng miền Nam” trong khí thế linh thiêng của biển trời Côn Đảo”, bà Hoàng Thị Khánh kể.
***
Trở về Sài Gòn sau ngày giải phóng, bà Hoàng Thị Khánh đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng của TP Hồ Chí Minh. Trước lúc nghỉ hưu, bà là Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Lẽ thường sau khi nghỉ hưu, nhiều người sẽ chọn an dưỡng tuổi già, vui cùng con cháu, nhưng với bà Khánh thì không như thế. Ở tuổi 79, chất lửa và khí tiết, tinh thần tận hiến đến cùng cho quê hương, đất nước của người cựu tù Côn Đảo không cho phép bà dừng lại.