Khúc đồng dao tháng Bảy

Thứ Tư, 24/08/2022, 20:23

“Con châu chấu ma đậu gốc cây đa/ Đứa nào đi qua, ma bắt/ Con cành cạch đêm kêu ngoài giậu trúc/ Đứa nào ra vườn nó bám vào vai/ Bông hoa thài lài buông tay/ Chị tôi gánh cả ánh ngày vào đêm”.

Không hiểu sao những ngày tháng Bảy ngâu dầm này, trong tôi bỗng văng vẳng mấy câu vu vơ viết từ thuở nhỏ. Viết bởi một nỗi sợ, sự ám ảnh cài sâu trong tiềm thức mỗi khi tôi nghe tiếng con châu chấu voi có cái đầu vuông vuông, đôi mắt lồi nâu đỏ, cánh xanh, nâu, những cặp càng cực sắc.

Hay nỗi nhớ chị tôi dáng gầy vai mỏng, đêm đêm gánh hai thùng nước đầy sóng sánh trăng sao từ giếng xóm về đổ đầy tràn bể. Những đêm không trăng không sao, trời tối đen như mực, tôi đi đằng trước, tay cầm cây đèn dầu, chị tôi oằn gánh nước nặng đi sau.

Khúc đồng dao tháng Bảy -0

Chị tôi cần chút ánh sáng liêng biêng của chiếc đèn tôi cầm từ trên cao rọi vào lòng giếng, để chị khỏa bớt mấy cọng bèo ong cứ chốc chốc theo gió lại giạt vào. Cái giống bèo ong sạch sẽ, nhưng theo về bể nước ăn uống hàng ngày thì không được. Những đêm trăng sáng, không cần đến cây đèn, tôi theo chị cho vui chân bước, chuyện trò véo von cho chị đỡ sợ châu chấu ma và đỡ phần mệt nhọc. Cái bể ước chừng ba chục gánh nước mới đổ đầy. Cây đòn gánh oằn cong trên vai, tôi ngỡ xương đòn của chị cũng đang từ từ võng xuống. Chân chị chùn lại, mỏi chồn. Đôi chân con gái thanh xuân, thẳng tắp, thon đẹp là thế, mà mỗi đận cái bể hết nước, phải gánh cả mấy chục gánh, đi như chạy băng băng một đoạn đường chừng bốn trăm mét từ giếng về nhà, chị nhiều phen thở dốc, chân như phải khuỳnh ra, cong lại, bước đi có lúc méo mó, chân nọ xẹo xọ chân kia, lắm khi chị phải dừng lại giữa đường để nghỉ và thở. Mồ hôi đầm đìa lưng áo, chảy thành giọt thành dòng từ má xuống ngực, từ cổ xuống vai. Những lúc ấy, đôi thùng nặng nước đột ngột bị chị đặt uỵch xuống đất cho xong, nước sóng sánh đầy lối ngõ. Trăng như vỡ ra từng mảnh nhỏ trong lòng chiếc thùng tôn vô tri, trước mắt tôi vô tư nhỏ, chưa biết làm gì đỡ đần chị cho bớt nỗi nhọc nhằn.

Khi tôi viết mấy câu vu vơ ấy, chẳng nhớ ở tuổi mười ba hay mười lăm, mấy đứa trẻ trong xóm chả biết có hiểu gì hay không, chúng chỉ thường đọc bốn câu đầu. Chuyện ma luôn hấp dẫn trẻ con trong làng. Mấy con châu chấu voi cứ xẩm tối là kêu cành cạch cành cạch nơi bụi trúc ở góc bờ ao, nghe ghê ghê như xóm làng có điềm báo. Mẹ tôi lúc bảo nó tên là con cành cạch, lúc lại bảo nó là con chàn chạt, hẳn là mẹ dựa theo tiếng kêu của nó mà đặt tên. Tôi thấy nó giống con cào cào/châu chấu, chỉ khác là nó rất to, cánh nó nâu non hoặc xanh nõn ở lớp ngoài, lớp trong mỏng tang trong suốt, có một vệt đỏ, đầu nó to vuông, mắt nó cũng màu nâu đỏ, chân to càng chắc, răng cưa sắc nhọn, trông rất khiếp. Nghe tiếng kêu kỳ quái mà có phần thảm thê của nó, chị em tôi gọi nó là con châu chấu ma.

Chúng tôi thường đi học vào lúc sương đang tan, về mùa đông xuân, có khi sương đậu cả vào tóc và mi mắt. Qua gốc ông đa đầu làng, mấy con châu chấu ma đêm qua bám vào thân ông ngủ nhờ, sáng bảnh nắng chan dường như chúng còn chưa tỉnh mộng. Chả hiểu sao, mấy con châu chấu ma đậu ở gốc ông đa to hơn hẳn những con bám vào giậu trúc. Mấy đứa trẻ làng lại vung tay chắc nịch, rằng nó chính là ma, bọn châu chấu ma! Nhưng trẻ con cũng có đứa không biết sợ. Đã thế, thử xem có phải ma không, chúng lấy cây gậy dứ dứ chọc chọc khiến con châu chấu khổng lồ giật mình bay lên, nhưng không bay đi ngay mà chấp chới, cánh gió cứ ràn rạt, rồi có khi nó đậu bốp một cái lên đầu lên vai một đứa nào đó. Chúng tôi rú lên. Đúng là ma! Không phải ma sao không bay đi mà còn biết dọa trêu bọn mình như thế? Nhưng nó chỉ dọa mình thôi, mình không làm gì hại nó, đừng sợ!

Từ đó, mấy câu nhát ma của tôi thành ra thứ đồng dao đùa nhây về đêm, khi chúng tôi đi tập văn nghệ ở sân kho hợp tác, chuẩn bị cho Tết Trung thu sẽ cắm trại, biểu diễn, thi đua giữa bọn trẻ các làng. “Con châu chấu ma đậu gốc cây đa, đứa nào đi qua…”, chỉ cần nghe câu ấy thôi, là chẳng đứa nào dám một mình đi qua cái gốc ông đa đầu làng về đêm nữa. Rồi thì nỗi sợ dần lan ra gốc ông gạo giữa làng, bụi tre bà xóm dưới. Đã thế, tập văn nghệ Trung thu thường diễn ra từ tháng Bảy Âm lịch, người làng bảo đó là tháng của vong âm. Mấy cụ già thường hay nhắc nhở con cháu giữ gìn kiêng khem trong cái tháng Bảy cho thật cẩn thận, không xây nhà sửa cửa, ra đường đêm không được gọi tên, đêm có người gõ cửa không được lên tiếng, kẻo cô hồn vất vưởng đói khát nó theo...

Tháng Bảy thường mưa, khi dầm dề kéo dài cả tuần, nhiều trận bão về theo làm tả tơi ruộng vườn làng mạc, nước lụt có khi ngập lút cả làng, gà nhảy lên cây, cá bơi trên sân, cửa nhà tốc mái. Lại cũng có khi xanh biếc trời quang mà phấp phỏng, vừa mưa vừa nắng bảy sắc cầu vồng, bóng mây khó lường biến ảo. Người già làng tôi bảo tháng Bảy âm u, trời độc mây mù rủ người đi lúc nào có khi chẳng biết. Những người làng xưa nay ăn ở phúc đức bỗng đâu gặp tai ách, những người yên lành khỏe mạnh bỗng đâu đột ngột ra đi, đều có thể khiến mọi người nghĩ rằng tháng Bảy âm khí nặng nề, trời ứng vào ai người nấy chịu. Bọn trẻ làng tôi thì bảo cô hồn sẽ nhập vào những con châu chấu voi, nó đậu vào cây nhà nào thì nhà đó, chuyện buồn xui sẽ đến.

Tháng Bảy bỗng đâu trở thành ám ảnh. Người ta thận trọng hơn từ lời ăn tiếng nói, dè dặt hơn trong những cuộc đi. Trẻ con đi chơi tối, đi văn nghệ, đứa nào cũng ren rén nghe tiếng châu chấu ma hết cành cạch lại chàn chạt ở mé vườn, cộng thêm đom đóm từng chùm hết lập lại lòe miên man phát sáng.

Nhưng cũng vào tháng Bảy, thời tiết khi ấy đã dịu, cấy hái đã xong, ruộng đồng đang xanh mùa lúa đến thì con gái. Trẻ con thật rảnh rỗi bởi chưa phải đến trường. Các đường mương, bờ ruộng mơn mởn cỏ non, là lúc châu chấu/cào cao bay rợp. Chẳng hiểu sao, bọn trẻ lúc thường vẫn đem câu đồng dao châu chấu ma ra dọa, nhưng khi bố mẹ đan cho cái vỉ ruồi, đưa cái chai thủy tinh 65 (650ml), bảo rủ nhau ra đồng mà đập châu chấu về rang, thì quên sạch, í ới gọi nhau chạy túa mà đi. Những con châu chấu hiền lành, cánh xanh sọc nâu lẫn màu trong đất cỏ. Tiết đã vào thu nhưng vẫn có hôm nắng dữ, châu chấu dường như cũng bị say nắng, hoa mắt rúc vùi thân mình, lặng yên trong cỏ. Có khi hai con cõng nhau, có khi là những con châu chấu cái, bụng căng trứng vàng, hiền lành lim dim nấp dưới lá cúc tần tránh nắng.

Món châu chấu rang lá chanh lá gừng hay rim với nước cà muối, rất ngon, xưa là món ăn của nhà quê nghèo, nay trở thành món đặc sản mà người thành phố cũng muốn thưởng thức. Chị tôi không biết đọc được ở đâu, bảo món châu chấu rang, lượng đạm, canxi còn gấp mười lần đạm thịt gà, thịt lợn. Chị tôi cười ngả nghiêng, chả trách, ngày xưa ăn châu chấu nhiều thì chắc bắp khỏe xương, dư sức mỗi tuần trăng lại vài lần gánh nước.

Chúng tôi dường như đã quên đi nỗi sợ về châu chấu ma. Đêm ấy tôi mơ, bọn trẻ ở làng tôi, cái ngày chúng rủ nhau bắt châu chấu voi mà chúng vốn gọi là châu chấu ma, buộc sợi chỉ vào cổ từng con mà chơi trò chọi châu chấu như chọi dế. Những cuộc chơi quên ăn quên ngủ, và từ lúc nào không rõ, chúng đã quên bẵng đi mấy câu đồng dao châu chấu ma.

Tôi cũng đã mấy chục năm xa quê nhà, vào một đêm mưa tháng Bảy, kỳ thay, tôi lại có thể nghe tiếng gì như thể ràn rạt cánh một con châu chấu voi vừa đậu rất gần cửa sổ. Ký ức thức dậy nỗi sợ mơ hồ ẩn tàng trong nỗi nhớ, những bờ tre giậu trúc vườn quê, gốc ông đa ông gạo sừng sững ở làng.

Không biết từ bao giờ, hay có phải vì xa quê mà trong tôi đã dần tan loãng đi những ám ảnh tháng Bảy cô hồn, tiếng châu chấu ma chàn chạt bờ ao như muốn đập vỡ ánh trăng rụng vào đáy nước. Tôi chỉ còn nhớ những gương mặt người thân, cho dù vẫn còn hay đã khuất, thấp thoáng bóng trong sân, trong bếp, trong vườn, lẫn trong lúa khoai rơm rạ, trong tiếng côn trùng rỉ rả đêm đêm những mùa thu, mùa hạ. Trong tôi nôn nao mùi hương tháng Bảy, mùa xá tội vong nhân, mùa báo hiếu cũng là mùa thương nhớ. Khắp làng tôi lúc này thoảng thơm hương cau hương thị, hương của hoa huệ hoa lan quyện trong mùi xôi nếp chín. Khói trầm thơm lên những gương mặt thân thương từ cõi xa trở về hiển hiện...

Trang Thanh
.
.