Khi thảm họa được tung hô

Thứ Hai, 10/06/2024, 09:48

Tự bỏ tiền làm MV hay thu âm ca khúc rồi tung lên mạng đang là mốt của nhiều người. Sẽ chẳng vấn đề gì nếu chính chủ hát hay hoặc dở vì đó là quyền cá nhân. Nhưng, thật tai hại khi những giọng ca "đấm vào tai" lại được tung hô như một ca sĩ danh bất hư truyền. Những phiên bản của Lệ Rơi dần quay trở lại và ngày càng đáng báo động hơn.

1. Khuấy đảo mạng xã hội thời gian gần đây là Anna Yến Phượng, Ruby Ái Vân và Mai Hương. Họ không phải là ca sĩ nhưng có niềm đam mê ca hát. Và, để thỏa đam mê, họ mạnh tay chi tiền để được đứng trên sân khấu cùng vũ đoàn hoặc quay MV hẳn hoi. Ca khúc họ hát đa phần đều là nhạc phẩm nổi tiếng thuộc đủ thể loại như "Sao trời làm gió", "Tình là sợi tơ", "Đất phương Nam", "Cắt đôi nỗi sầu", "Chúng ta của tương lai"... Cover (hát lại) ca khúc đình đám là mốt của nhiều bạn trẻ. Khá nhiều tài năng được phát hiện từ trào lưu cover và chuyển hướng làm ca sĩ chuyên nghiệp như Tăng Phúc, Jang Mi, Eward Dương, Hoa Vinh...

Khi thảm họa được tung hô -0
Anna Yến Phượng trong MV "Tôi yêu tiền".

Ba "chị đại" trên không nằm ngoài xu thế đó. Vấn đề ở chỗ: giọng ca của họ vô cùng dở tệ. Ngoài âm sắc đục hoặc the thé, họ hát như thể hụt hơi và thường xuyên lạc tông, trật nhịp, sai nốt. Nhạc đi một đằng, giọng đi một nẻo. Xem MV, khán giả càng choáng hơn. Ngoài trang phục, kiểu làm tóc sến súa, bóng lộn, biểu cảm lẫn cách diễn xuất của nhân vật chính từ đầu đến cuối không thay đổi. Khẩu hình miệng không khớp với giọng hát thu sẵn cùng cách quay cũ kỹ, cắt ghép thô vụng khiến MV như một thảm họa không hơn không kém.

Giọng ca và diễn xuất không giống ai khiến họ trở thành tâm điểm gây cười và "ném đá" trên mạng. Cộng đồng mạng gọi họ là "bộ ba hủy diệt". Ruby Ái Vân gắn với việc phá nát ca khúc "Con bướm xuân", "Vũ điệu hoang dã" hay Mai Hương khiến "Cắt đôi nỗi sầu" trở nên chán ngán hơn lúc nào hết. Riêng Anna Yến Phượng còn "chơi lớn" với ca khúc tự sáng tác. Có thể kể đến nhạc phẩm "Tôi yêu tiền", "Happy birthday"... Ở những MV này, giọng ca ngang phè càng được "tôn vinh" thêm khi kết hợp với bài hát có giai điệu xập xình và lời ca thô, đơn điệu lặp đi lặp lại. Kiểu sáng tác của Anna Yến Phượng khiến người ta liên tưởng đến chùm ca khúc thảm họa "Da nâu" của Phi Thanh Vân hay "Nói dối" của Phương My năm nào.

Lúc mới xuất hiện trên YouTube, MV của ba "chị đại" này liên tục vấp phải làn sóng phản đối, chê bai của người nghe. Lẻ tẻ có vài ý kiến khen độ dũng cảm và hồn nhiên của chính chủ khi dám khoe giọng hát "Chaien" và phô cách trình diễn ngớ ngẩn giữa bàn dân thiên hạ.

Càng ngày, kiểu "khen cho nó chết" càng lấn át các góp ý thẳng thắn để khích ba "chị đại" tiếp tục làm trò hề, kiểu như: "Dù ai nói ngả nói nghiêng, chị cứ lì vậy cho em"; "Chị là thần tượng của tụi em", "Nghe bả hát, thấy cuộc sống thêm tươi vui"... Sau ca khúc "Tôi yêu tiền", có khán giả còn đặt biệt danh cho Anna Yến Phượng là "Taylor Swift phiên bản Việt" hay "bà trùm âm thanh". Những tưởng đó là trò đùa vô thưởng vô phạt của khán giả nhưng không ngờ "ca sĩ" tưởng thật hay cố tình tưởng thật, thế là họ hăm hở ra MV...

Trò đùa ngày càng đi xa khi báo mạng bắt đầu vào cuộc ca ngợi, tôn vinh những giọng ca này. Xuất hiện dày đặc nhất trên mặt báo là Anna Yến Phượng. Một tờ báo tung hô: "Với niềm đam mê ca hát từ nhỏ cùng chất giọng truyền cảm, ấm áp, cô còn sở hữu kênh YouTube có tên Anna Yến Phượng Official với hàng ngàn lượt theo dõi". Một báo khác đánh giá: "Ca sĩ Anna Yến Phượng đã trở thành gương mặt được yêu thích của cộng đồng giới trẻ trong thời gian gần đây".

Chuyện ví Anna Yến Phượng là "Taylor Swift phiên bản Việt" những tưởng chỉ là kiểu "khen đểu" của khán giả nhưng khi được một tờ báo phỏng vấn, Anna Yến Phượng xác nhận và cho biết vô cùng hạnh phúc với biệt danh này. Đỉnh điểm nhất là khi Anna Yến Phượng được mời làm giám khảo gameshow truyền hình "Nốt nhạc vui"! Cô còn khiến công chúng thảng thốt khi tiết lộ: "Nếu có dịp, tôi không từ chối cơ hội thử sức trong các vai trò khác như điện ảnh".

2. Hiện tượng Anna Yến Phượng không khác mấy so với hiện tượng Lệ Rơi cách đây mười năm. Năm 2014, giọng hát í ẹ của chàng nông dân trồng ổi ban đầu làm gây cười mỉm cho thiên hạ. Khán giả thấy anh chàng này thuộc "ca" lạ quá, xúm vào khen lấy khen để coi thử độ ảo tưởng của anh chàng tới đâu. Cả xóm nhào vô tung hô Lệ Rơi là ca sĩ, lập "Hội những người phát cuồng vì Lệ Rơi". Một số tờ báo không thể bỏ qua hiện tượng câu view béo bở này. Họ tán tụng, xem Lệ Rơi như người nổi tiếng và về tận vườn ổi của anh mà cày xới chuyện đời tư, chuyện trồng ổi, chuyện bị chửi...

Khi thảm họa được tung hô -1
Mai Hương thực hiện MV cover "Cắt đôi nỗi sầu".

Một tờ báo vô danh đến kênh truyền hình đình đám còn mời Lệ Rơi làm nhân vật giao lưu như người thành công. Thiên hạ và truyền thông ì xèo đến mức các quán bar, tụ điểm phải nhanh chân mời Lệ Rơi đi hát bằng được. Giá cát-sê cho anh tương tương ca sĩ hạng A. Một hãng karaoke tài trợ cho Lệ Rơi dàn máy xịn rồi mời anh hợp tác làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, làm đĩa. Làng điện ảnh cũng không kém cạnh. Một đạo diễn năn nỉ Lệ Rơi tham gia vai nhỏ trong bộ phim sắp bấm máy. Khán giả lẫn giới chuyên môn lúc ấy mới nhốn nháo nhìn nhau không biết chuyện gì đang xảy ra bởi đây là sự việc ngược đời nhất từ trước đến nay của showbiz. Họ không biết từ khi nào mọi giá trị bị đảo lộn đến mức điên cuồng như thế này? Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng: "Cái bẫy dân trí thấp đã khiến nhiều người nhầm lẫn và chỉ quy nghệ thuật vào tiêu chuẩn duy nhất: Giải trí, tệ hơn nữa là giải trí rẻ tiền. Đáng sợ hơn, nó càng tăng thêm hiệu ứng cấp số nhân nhờ vào cái bẫy truyền thông".

Bây giờ, hiện tượng đáng báo động ấy lại bùng phát nhưng ở cấp độ nguy hiểm và tai hại hơn. Rất hiếm bài báo hay nghệ sĩ lên án, mổ xẻ mặt trái của hiện tượng này như sự việc của Lệ Rơi trước đây để khán giả và nhân vật chính tỉnh ngộ. Đặc biệt, nguy hiểm ở chỗ nhân vật chính có quá nhiều tiền để bỏ ra làm MV hoành tráng, thậm chí mời được ca sĩ nổi tiếng về song ca với mình, chứ không chật vật để cho ra những clip vỉa hè như Lệ Rơi.

Không ai cấm Anna Yến Phượng, Ruby Ái Vân, Mai Hương ca hát và chia sẻ nó lên mạng xã hội. Tựu trung, họ cũng như Lệ Rơi, hát để thỏa đam mê, dù trong số họ, có người biết mình hát dở. Họ không làm hại ai. Nhưng, nếu nó chỉ dừng lại ở sở thích cá nhân mà đừng có sự tung hô giả tạo của khán giả lẫn truyền thông thì có lẽ mức độ tai hại của nó sẽ không lan rộng. Chính những lời khen có cánh giả tạo khiến nhân vật tự ảo tưởng về mình, ngày càng ra vô số ca khúc "tra tấn" người nghe và nuôi mộng nhảy vào showbiz.

Còn phía khán giả lẫn những bạn trẻ yêu âm nhạc, họ bị nhầm lẫn giữa các giá trị. Người xem ca khúc để hả hê cho một vố lừa, người xem vì tò mò, người xem để chửi, người xem để cười... Tất tần tật khiến lượt xem tăng chóng mặt để rồi vô tình đẩy ca khúc lên top thịnh hành của YouTube, TikTok. Với những khán giả không có nhu cầu nghe giọng ca thảm họa, họ cũng bị buộc nghe ít nhất vài giây khi ca khúc thịnh hành được mạng xã hội ưu ái quảng cáo chèn ngang.

Có người thừa nhận, ban đầu họ thấy MV quá dở. Nhưng, đi đâu cũng thấy ca khúc phủ sóng, chủ nhân liên tục được truyền thông tung hô, họ bị đám đông thao túng tâm lý, không biết đánh giá của mình là đúng hay sai. Số khác thừa nhận bị nghe đi nghe lại hoài, họ bỗng đâm ghiền, thích kiểu hát chênh phô, dở ẹc như thế. Từ khi có mạng xã hội và truyền thông tiếp tay dưới cái bóng của tâm lý đám đông, văn hóa thưởng thức của giới trẻ đối với các tác phẩm nghệ thuật mang nặng sự đam mê hình thức và những trò giật gân, lai căng, đi ngược lại chân - thiện - mỹ.

Lý giải về kiểu cổ xúy ngược đời này, GS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phân tích: "Trong thế giới ảo, giới trẻ và một số cá nhân dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông do bản lĩnh không phải tự dưng có được. Hơn nữa, sức mạnh của tâm lý đám đông có thể diễn ra theo những cơ chế ám thị, thôi miên (tạm thời), đồng hóa... làm cho người ta thiếu đi sự tỉnh táo. Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông. Giới trẻ với tâm lý nhanh nhạy, thích thể hiện cá tính và cái tôi, thích đẩy mạnh những gì là lạ, thích phản ứng... đôi lúc đã đẩy mình lao vào chiếc bẫy của sự ngộ nhận. Từ đó, những giá trị ảo có thể thành thật, những xu thế không thực sự đáng trân trọng lại thành điểm đến".

Theo ông, để tỉnh ngộ, mỗi khán giả cần xác định cho mình những chuẩn mực sống, chân giá trị để không bị những hiện tượng lệch chuẩn làm lung lay. Mặt khác, cần xây dựng cho mình một bộ lọc. Chính bộ lọc này sẽ giúp người ta tỉnh táo hơn để có thể có sự ứng xử cân bằng, văn minh với cái nhìn toàn diện. Thay vì a dua chạy theo trò tôn vinh thảm họa của đám đông, hãy phê phán, tẩy chay trước mọi trò lố. Đừng để ngộ nhận xảy ra để rồi trong tương lai, không phải một Lệ Rơi, ba "chị đại", mà hàng loạt thảm họa hát dở đàng hoàng bước vào showbiz, làm đủ trò hề chỉ hòng mong hai chữ "nổi tiếng".

Mai Quỳnh Nga
.
.