Khi nhà văn viết báo, làm báo

Chủ Nhật, 09/07/2023, 19:25

Tôi là nhà văn nhưng viết báo từ lúc chưa in cái truyện ngắn đầu tay. Thời gian trôi lặng lẽ, viết văn cứ dày lên, và viết báo cũng nhiều hơn. Có bạn nghề hỏi tôi: "Ông thấy viết văn khó hay viết báo khó?".

Tôi bảo: Mỗi cái có cái khó riêng, cái dễ riêng. Tôi tin rằng bạn nghề văn chương của tôi cũng từng được hỏi, bị hỏi như thế, mà hỏi nhiều lần chứ không chỉ một lần. Tôi cũng tin những người hỏi như thế, và các câu hỏi tương tự thì ít đọc, hoặc đọc mà quên các nhà văn tiền bối đã từng viết báo, làm báo…

a2.jpg -0
Tập sách của nhà văn Sương Nguyệt Minh tập hợp từ những bài báo

1. Thời kháng chiến chống Pháp, nhiều nhà văn nhà thơ lên chiến khu Việt Bắc viết báo và làm báo. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ngay từ tháng 6/1945 đã làm báo Tiền phong, sau đó còn giúp biên tập tờ báo Cờ Giải phóng… Tập "Ký sự Cao Lạng" được ông viết khi tham gia Chiến dịch Biên giới theo những đoàn dân công tải vũ khí, đạn dược; theo các chiến sĩ pháo binh. Nhà văn Trần Đăng với thiên bút ký "Một lần tới thủ đô", "Trận phố Ràng". Ông là phóng viên báo Vệ quốc quân, viết ở chiến trường, hy sinh ở chiến trường lúc 28 tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết và tài năng. Nhà thơ Thâm Tâm với "Tống biệt hành" nổi tiếng đã từng viết văn viết báo đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ... Sau làm báo Tiên phong, Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân), và là một người thư ký tòa soạn mẫu mực…

Thời chống Mỹ, các nhà thơ Chu Cẩm Phong, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Lê Anh Xuân… vừa viết văn làm thơ, viết báo đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, và rất nhiều nhà văn nhà thơ khác vừa viết văn làm thơ, vừa làm nhiệm vụ của phóng viên chiến trường. Nhà thơ Phạm Tiến Duật phóng viên mặt trận, làm báo Trường Sơn; nhà thơ Hữu Thỉnh làm báo Tăng thiết giáp, nhà văn Nguyễn Trí Huân làm tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ, nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Hà Phạm Phú, Cao Tiến Lê, Hà Đình Cẩn… làm báo Quân đội nhân dân. Dĩ nhiên, không thể kể hết các nhà văn nhà thơ khác vừa viết văn, làm thơ và viết báo nữa.

Bây giờ cũng có rất nhiều nhà văn làm báo hay, viết báo hay. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một ví dụ. Một thời ông làm báo, cầm cái tờ An ninh thế giới Cuối tháng, Cảnh sát toàn cầu, chuyên đề Viettimes của Vietnamnet, Bóng đá và cuộc sống… thật tưng bừng, số lượng phát hành lớn, bạn đọc đón chờ. Ông Thiều viết báo cũng "mả", bài viết nào cũng có vấn đề, cũng có tính phát hiện, mà đọc vẫn thấy lung linh. Nhà thơ Thanh Thảo thường xuyên viết về các vấn đề chính trị, xã hội từ cái nhìn của nhà văn cho chuyên mục "Chào buổi sáng" của báo Thanh Niên.  Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một thời làm tạp chí Cửa Việt rất nóng hổi, đình đám; sau đó ông ra Hà Nội làm tạp chí Âm nhạc, rồi làm báo Thơ rộn ràng, mới mẻ, hấp dẫn và sang. Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng dọc ngang khắp các báo trong Nam ngoài Bắc. Ông viết đủ các thể loại, và mọi vấn đề. Từ điểm sách, bình thơ, bàn về tiếng Việt, khảo cứu đến nghệ thuật… Bài nào cũng sâu sắc, và có giọng điệu rất riêng. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng cho thiếu nhi cũng chính là "Anh Bồ Câu" trong chuyên mục Vườn Hồng của tờ Thanh niên Chủ nhật từ năm 1990. Nhà văn Võ Đắc Danh viết phóng sự, điều tra, ông được gọi là "vua phóng sự miền Tây". Bài viết nào cũng gai góc, dữ dội mà vẫn chân thành, da diết tràn ngập nỗi đau đời, thương người. Các nhà văn Huỳnh Dũng Nhân, Xuân Ba, nhà thơ Vương Tâm, Lê Thiếu Nhơn… cũng thường xuyên có những bài phóng sự, bút ký không khoan nhượng với cái xấu, cái ác mà vẫn thấm đẫm tình người...

Khi nhà văn viết báo, làm báo -0
Hai quyển sách của nhà thơ Trần Đăng Khoa từng gây sốt cũng là tập hợp những bài đã đăng trên báo

Nhà văn không chỉ viết báo mà còn… làm báo. Thời bây giờ, có nhiều nhà văn là tổng biên tập, đặc biệt có người là nhà thơ mà lại làm tổng biên tập các tờ báo chính trị, kinh tế, tài chính, đoàn thể, ngành…, có tính ngay ngắn, nghiêm trang, chuẩn chỉnh, chẳng dính dáng gì đến văn thơ như nhà thơ Dương Trọng Dật (báo Sài Gòn giải phóng), nhà thơ Dương Kỳ Anh (báo Tiền Phong), nhà thơ Hoàng Trần Cương (Thời báo Tài chính), nhà thơ Hồng Thanh Quang (báo Đại đoàn kết), nhà thơ Bùi Đức Khiêm (Tổng biên tập báo Công thương); nhà thơ Trần Đăng Thao, nhà thơ Nguyễn Ngọc Chụ (Báo Giáo dục & Thời đại), nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh (tạp chí Đời sống & Pháp luật)… Rồi báo của lực lượng vũ trang cũng có nhà văn, nhà thơ làm tổng biên tập như: nhà văn Ngôn Vĩnh, nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Phạm Khải (báo Công an nhân dân).  Dĩ nhiên cũng phải kể đến các Tổng biên tập báo, tạp chí văn nghệ:… như các nhà văn nhà thơ: Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc, Vũ Tú Nam, Hữu Thỉnh,… (báo Văn nghệ); Thanh Tịnh, Vũ Cao, Dũng Hà, Nguyễn Trí Huân… (Tạp chí Văn nghệ quân đội); nhà văn Bùi Anh Tấn (Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh)… Còn các nhà văn, nhà thơ làm phó tổng biên tập, làm trưởng ban văn nghệ thì kể không xiết.

2. Nhà văn viết báo không chỉ do nhu cầu tự thân kiếm tiền mưu sinh mà còn do yêu cầu cuộc sống. Từ trước đến nay, hầu như các báo đều có trang văn nghệ, một số báo có góc suy ngẫm, có thời luận… cần đến tư duy và tầm nhìn nhà văn. Báo cũng in thơ, bút ký, tản văn, truyện ngắn, thậm chí báo, tạp chí trước năm 1975 còn in dài kỳ tiểu thuyết, một số báo có mục chân trang in dài kỳ phóng sự, bút ký… Tết Nguyên đán hoặc vào các dịp kỉ niệm, lễ lạt thì trang văn nghệ nào cũng phong phú, đa dạng, tưng bừng nở hoa.

Trong số bạt ngàn tin bài chính trị, xã hội, kinh tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản, chính trường quốc tế…, người đọc cần đọc văn nghệ như dừng chân ở chiếu nghỉ cầu thang, như một chốc giải trí lấy lại cân bằng tinh thần. Các chuyên mục thời đàm, thời luận, lăng kính, tầm nhìn, nghĩ ngợi về một vấn đề nào đó cũng cần cây bút nhà văn tham gia. Nhà văn nhìn vấn đề bao giờ cũng hướng thiện, thiên về nhân ái, nhân đạo, và có những dự báo, phát hiện đột sáng. Bên cạnh các bài trang trọng, nghiêm cẩn, chuẩn mực, chính thống, giữ vững lập trường, quan điểm, thì cũng cần các bài có giọng điệu nhà văn uyển chuyển, tinh tế, thậm chí phiêu bồng, bay bổng, tươi xanh… như một cách cân bằng, và làm báo chí đa dạng, phong phú, hấp dẫn để lôi kéo người đọc. Cuộc sống cần có văn nghệ trên báo chí, tất nhiên báo chí cần ngòi bút của nhà văn.

Nhà văn viết báo thì thường chọn các chuyên mục như: góc nhìn, lăng kính, bình luận, bàn luận, tiếng nói nhà văn…, hoặc phóng sự, ký sự. Nhà văn viết báo thường sử dụng ngón nghề lao động nhà văn, dù vô tình hay cố ý thường đưa hình ảnh, biểu tượng vào bài viết. Họ hay sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, phóng đại, ngoa dụ, ví von, so sánh, chơi chữ, nhân hóa… Viết báo bao giờ cũng có tính toán, để khi hết năm, hoặc một vài năm chọn trong số đã in, dồn lại xuất bản sách. Họ biết kết hợp giữa cái thời sự và lâu dài, cái nhất thời và cái bền vững. Chả thế mà ông nhà thơ Trần Đăng Khoa có tập sách "Chân dung và đối thoại", "Hầu chuyện thượng đế". Nhà văn Xuân Ba có "Thời chưa xa người chưa cũ", "Một tuần nước Mỹ", "Đêm dài lắm mộng"… Còn tôi, chỉ những bài viết cho chuyên mục cho báo Tuổi trẻ & Đời sống, về sau cũng chọn ra in được mấy tập sách: "Trường Sa - kì vĩ và gian lao", "Đàn bà trong con mắt đàn ông", "Tàu ngầm Việt Nam huyền thoại và những câu chuyện lạ"…

Nhà văn làm báo, viết báo là được bổ khuyết hiện thực xã hội từ báo chí, được "lãi mẹ lãi con". Nhà văn viết phóng sự, hay ký sự báo chí không chạy theo, mà chỉ nương vào thông tin, thông tấn, sự kiện, để thể hiện bài viết cho nhân vật có góc cạnh, có ngôn ngữ riêng, có không gian, thời gian, thậm chí có cả tư liệu các ngành khoa học khác… và thường có những khái quát, nghĩ ngợi, luận bàn hay chen vào những triết lý nhân sinh. Nhà văn Văn Giá một thời làm Chủ nhiệm khoa Viết Văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa, ông vừa làm nhiệm vụ đào tạo nhà báo, vừa huấn luyện học viên tư duy và kỹ năng viết văn nói rằng: "Nhìn từ phía viết văn, nghề báo giúp cho người làm văn chương có một cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế, sự dấn thân mạnh mẽ, vốn liếng ngôn từ sống động, cập nhật, hiện đại; một tinh thần trẻ và năng động. Nhìn từ phía nghề báo, năng lực văn chương giúp cho người làm báo kỷ luật ngôn ngữ cao độ, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa và linh hoạt, ý thức về cái tôi phong cách của người cầm bút thường trực; và nhất là khát vọng sáng tạo những tác phẩm có sức sống lâu bền với cuộc đời".

Nhà văn viết báo không làm cho văn chương khô khan, hay đứt mạch. Viết văn hay không viết được là do tài năng và chăm chỉ hoặc lười nhác, chứ không thể đổ lỗi cho vì viết báo mà viết văn kém đi. Chọn thể loại thông tấn có tính chi tiết, cụ thể, thông tin, thời sự… hay chọn thể loại có hơi hướng văn chương như chân dung, ký sự, ghi chép, phóng sự, tản văn… là do tạng của người viết. Văn chương và báo chí không loại trừ nhau, mà còn có mối quan hệ với nhau, thúc đẩy nhau phát triển nếu như nhà văn và nhà báo có tâm có tài. Nhưng, thường là nhà văn viết báo như một lao động tay trái, lấy ngắn nuôi dài, chuyện này cũng bình thường như một số nhà báo thỉnh thoảng lại bất chợt làm vài bài thơ, hoặc rẽ ra viết vài cái tản văn, dựng vài cái truyện ngắn, thậm chí viết cả một cuốn tiểu thuyết chơi. Tôi không cho là cứ viết văn hay là viết báo giỏi, và cứ viết báo giỏi là viết văn hay. Tùy người. Có người viết báo rất "mả", nhưng đụng đến văn chương là chịu thua. Có người viết văn hay, nhưng viết một bài báo không ra hồn. Số người viết văn hay, viết báo cũng hay bao giờ cũng hiếm hoi.

Bây giờ, đời sống nhà văn nhà báo có khá hơn. Nhiều nhà văn nhà báo đi làm có ô tô. Có nhiều nhà báo ngồi ở nhà lấy tin trên mạng, rồi "cào bàn phím" mà vẫn sản xuất bài đều đều. Báo chí đã phần nào hội nhập báo chí toàn cầu. Các nhà văn cũng nhanh nhạy tiếp cận báo chí thị trường. Khoảng 10 năm trở lại đây, với tốc độ phát triển như vũ bão của internet, truyền thông thì sự thể đã khác. Báo chí là báo chí, văn chương là văn chương, đặc biệt là báo mạng. Có nhiều tờ báo… đặc sệt thông tin thông tấn, không có một chút văn chương nào, mà bạn đọc vẫn vồ vập đón đọc. Thông tấn thuần chủng dường như đang muốn nói cuộc chia tay với văn chương. Dường như, thời đại báo chí hiện đại đang tiến dần đến không chấp nhận tình trạng "đồng tính" viết báo mà dở văn dở báo? Nhà văn, muốn sống được với nghề báo phải hóa thân thành… nhà báo, chứ không thể cứ mãi cái kiểu… nhà văn viết báo?

Nhà văn muốn viết báo, muốn làm báo trong thập niên thứ 3 của thế kỷ này phải nhận biết được điều đó, làm báo và muốn viết báo sẽ không dễ dàng như trước. Muốn hành nghề báo thì phải thay đổi tư duy, quan niệm, nhận thức mới về báo chí hiện đại thời cách mạng chuyển đổi số. Từ đó trang bị cho mình kỹ thuật, kỹ năng mới đáp ứng được báo chí số hóa. Nhưng, nhà văn viết báo thời nào cũng cần đến một tấm lòng - tấm lòng trung thực, can đảm, và nhân ái, bao dung.

Sương Nguyệt Minh
.
.