Khi nhà văn mở lớp dạy viết văn!

Thứ Hai, 30/10/2023, 08:54

Thời gian gần đây bỗng rộ lên "mốt" các nhà văn mở lớp dạy viết văn. Nào lớp trực tiếp, trực tuyến, một kèm một… đủ mọi mô hình, cách thức và đối tượng học viên thì vô cùng phong phú về tuổi tác, vùng miền, cá tính, mơ ước… Không ít người đặt ra câu hỏi: Động lực nào khiến công việc này nở rộ?

Mỗi người một lý do…

Tiến sĩ ngôn ngữ - nhà thơ Đỗ Anh Vũ vừa có buổi khai giảng lớp dạy online môn văn đầu tiên vào đầu tháng 10 với hình thức miễn phí. Anh tâm sự, thuở nhỏ, vốn là học sinh giỏi toán, nhưng rồi càng về sau, có lẽ do những cơ duyên đưa đẩy, anh càng ngày càng gắn cuộc đời mình với môn văn, từ việc vào đội tuyển học sinh giỏi văn cấp huyện, tỉnh, quốc gia cũng như đã theo học lớp chuyên văn trong suốt ba năm phổ thông trung học.

Khóa của anh là khóa chuyên văn cuối cùng của trường PTTH Lê Quý Đôn, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Người thầy dạy anh vẫn dõi theo hành trình của cả lớp chính là nhà thơ-nhà giáo ưu tú Đặng Hiển, tác giả của bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão" được đưa vào chương trình sách giáo khoa tiểu học rất nhiều năm. Đỗ Anh Vũ từng đoạt giải Ba quốc gia môn Văn năm 1998. Tỉnh Hà Tây năm đó chỉ có hai giải Ba, không có giải Nhất và Nhì.

Khi nhà văn mở lớp dạy viết văn! -0
Nhà văn Uông Triều cùng các học viên tại một sự kiện văn học.

"Những năm gần đây, quan sát tình hình học văn nói chung của học sinh, tôi không khỏi có nhiều lúc chạnh lòng. Nhiều khi, việc học văn với các em chỉ như bị bắt buộc mà phải học, học mà không có tình yêu và hứng thú. Vây quanh các em bây giờ là đủ các trò giải trí qua máy tính nối mạng, smart phone, ipad, máy tính bảng… Bản thân các con tôi cũng không thoát nổi những vòng quay tít mù của công nghệ giải trí thời 4.0. Đứng trước tình thế con của mình cũng sắp sửa cần vượt qua một kỳ thi, tôi quyết định mở lớp dạy online, khai giảng môn văn dành cho học sinh lớp 9, cùng một công dạy cho con nhà mình, cũng là trò chuyện, truyền kinh nghiệm và hy vọng truyền được ít nhiều cảm hứng yêu môn Văn cho các học sinh có sự quan tâm đến lớp học của tôi", Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ trải lòng.

Nhà văn Uông Triều (công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội) gần đây được biết đến trong vai trò người thầy dạy viết văn cho nhiều học viên đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp. Anh chia sẻ, một phần cơ duyên này bắt nguồn từ việc anh từng là thầy giáo dạy ngoại ngữ khi còn sống và làm việc ở tỉnh Quảng Ninh.

Nền tảng đó cộng với công việc của một nhà văn, một biên tập viên hiện tại khiến anh nhận ra rằng: Cơ bản nhiều người đang viết văn theo lối bản năng, số lượng được học bài bản rất ít nên nhiều người có câu chuyện để kể không biết tạo nên một tác phẩm thế nào. Trong khi đó, sự thật không thể phủ nhận, viết văn đang là nhu cầu của rất nhiều người, bằng chứng là đã có nhiều hội nhóm được lập ra với tương tác cực cao. Theo anh, văn chương cũng giống bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, nếu được trang bị kiến thức thì thực hành đam mê tốt hơn. Mọi người nghĩ viết văn là năng khiếu, không cần học, nhưng không phải. Tất nhiên, học có nhiều cách: Tiền bối, trao đổi, tự học… và trường lớp được mở ra đều có lý do riêng, thế giới đều vậy.

Nhà thơ Lữ Mai (công tác tại Báo Nhân dân) đang giảng dạy hai lớp mang tên "Tuyệt chiêu viết văn" và "Viết văn miêu tả" cho Trung tâm Cây bút nhí. Đây là hai khóa học "hot" bậc nhất của trung tâm quy mô này với số lượng học sinh độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở tham gia đông đảo, khóa học mới luôn được tiếp nối ngay khi khóa học cũ vừa kết thúc. Lý do thôi thúc chị nhận lời mời của trung tâm này là cô con gái vừa học xong lớp 5 và lên lớp 6.

Đó là một cô bé đầy đam mê văn chương, bước đầu đã có những thành tích được ghi dấu ở nhiều cuộc thi như Viết thư Quốc tế UPU của Liên minh bưu chính thế giới, Dế Mèn của Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức. Con gái thường nhờ mẹ lan tỏa tới các bạn mình những nguồn cảm hứng, kỹ năng để yêu môn văn hơn. Sau các trường hợp có tác động hiệu quả, "tiếng lành đồn xa", Trung tâm Cây bút nhí đã tìm đến chị đặt vấn đề hợp tác. Có thể nhận thấy một đặc điểm chung của các nhà văn đã mở lớp học là hầu hết họ đều từng là giáo viên hoặc nắm nghiệp vụ giảng dạy, công việc hiện tại liên quan tới biên tập, thực hành văn chương. Đó là một trong những điều kiện cần thiết giúp họ có nền tảng cơ bản để truyền đạt kiến thức, kỹ năng và một số kinh nghiệm cơ bản.

Lan tỏa giá trị nhân văn

Thực tế, các hội nghề nghiệp thỉnh thoảng vẫn mở các khóa đào tạo ngắn hạn, nhất là lĩnh vực văn chương. Tuy số lượng học viên khá đông nhưng theo giới chuyên môn đánh giá, yếu tố "cầm tay chỉ việc" ở những khóa học kiểu này là rất ít. Theo đó, các nhà văn chủ yếu mang đến bài giảng về kinh nghiệm, thực tế sáng tác hay các tình huống nghề nghiệp đã trải nghiệm, còn kỹ năng nghiệp vụ, giáo án, giáo trình thiếu bài bản. Chưa kể, ở các lớp bồi dưỡng, đa phần lý thuyết nhiều, học viên ít được chữa bài, thực hành. Trong khi đó, nhóm lớp cá nhân do các nhà văn chủ động mở hoặc phối hợp bài bản với trung tâm thường ưu tiên việc thực hành, thực tế. Gần như sau mỗi bài giảng, thầy và trò sẽ cùng chữa bài, trao đổi và hiệu quả có thể nhìn thấy bằng văn bản. Đó là những bài tập, bài thi ở lớp của học sinh được đánh giá cao, những sáng tác được đăng báo, in sách, đoạt giải thưởng…

Khi nhà văn mở lớp dạy viết văn! -0
Tập truyện ngắn "Những cơn gió băng đồng" (NXB Hội Nhà văn) do nhà văn Uông Triều tuyển chọn từ một khóa học.

Theo đánh giá chung của các nhà văn đang tham gia giảng dạy, những người viết không chuyên ít khi có thể tự đánh giá được tác phẩm của mình. Họ sẽ không biết đó là hay hay dở. Thậm chí, do tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, nhận được nhiều lời khen, bình luận đưa "lên mây" còn bị ảo tưởng. Khi bước vào một khóa học cụ thể, được người dạy phân tích thông qua những tiêu chí cụ thể: Cốt truyện, hành văn, độ hấp dẫn… Nhiều người lần đầu nhận ra hạn chế của mình, bước đầu có thể tự nhận xét được tác phẩm cá nhân và cảm thấy công việc này không "đùa" không "chơi" được mà thực sự cần đam mê, kỹ thuật và phương pháp.

Nhà văn Uông Triều dí dỏm chia sẻ: "Không ít người vào học mới bắt đầu biết "sợ". "Sợ" là đương nhiên, sợ mới có thể mới định hình được con đường. Đó cũng là quy luật của giáo dục: Được chỉ ra, biết sợ rồi mới có thể ý thức, tư duy, tiến bộ. Có người nhận ra và vượt qua, cũng có người phải nắn chỉnh, phải "giải mê" mới bớt "ảo tưởng sức mạnh". Nhiều cung bậc lắm".

Trong các học viên, nhà văn Uông Triều ấn tượng với bà Huỳnh Thị Thành (ngoài 60 tuổi, sinh ra tại Hà Nội, hiện sống ở miền Nam). Bà là con gái của nhà thơ-nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng Huỳnh Văn Nghệ. Bà Thành vốn học và hoạt động một ngành nghề khác nhưng đam mê lớn nhất trong cuộc đời là muốn viết điều gì đó về cha mình. Thậm chí, ở tuổi này, bà vẫn đi học đại học chính quy để mong đam mê ấy được bổ trợ thông qua kiến thức. Suốt quá trình học, bà "sợ" nhiều điều: Sức ép về thời gian, sức khỏe cộng với việc chưa từng có tác phẩm… Dù vậy, được bồi dưỡng kiến thức và động viên của thầy và bạn, sau khi học khoảng 6 tháng, bà viết được một truyện ngắn. Có thể, với nhiều người, đó là sự chậm trễ, nhưng nhà văn Uông Triều khâm phục tính kiên trì, nhẫn nại ấy của một học viên cao tuổi nhất lớp - người cuối cùng có tác phẩm để lớp in thành tuyển tập "Những cơn gió băng đồng" sẽ xuất bản trong tháng 11/2023 của 19 học viên.

Khác với khóa học của bạn viết, các lớp do nhà thơ Lữ Mai giảng dạy đều là các em nhỏ ở hai thái cực khác nhau: Một là, rất xuất sắc, đã tỏa sáng và cần được tiếp thêm động lực đặc biệt nào đó để chinh phục những khát vọng lớn hơn. Hai là, rất chán học văn, rất ghét học văn và đã thể hiện điều đó qua điểm số, thái độ với nhà trường, gia đình. Khi được hỏi về bí quyết, chị thành thật chia sẻ: "Các cháu đang ở độ tuổi của con tôi, và tôi thực sự coi đó như một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của mình. Chúng ta muốn trẻ em tiến bộ thì đầu tiên cần biết lắng nghe, quan sát và chấp nhận sự khác biệt để có phương pháp phù hợp. Ta không thể mong mười cháu như nhau cả mười. Thậm chí, ở một đứa trẻ cũng có nhiều sắc thái khác nhau, tùy tâm trạng và nhiều yếu tố khác".

Một trong những học sinh đặc biệt chị nhớ đó là Lê Đăng Bách - cậu bé khi mới 10 tuổi đã đăng quang Quán quân Giọng hát Việt nhí. Thông thạo ngoại ngữ, giỏi đàn piano, hát hay, nhảy đẹp… nhưng Đăng Bách còn muốn chinh phục văn chương. Cậu bé sáng tác nhiều, nhưng bởi thông minh, cá tính nên từ trước đến nay gia đình vẫn gặp khó khi chọn thầy cô giảng dạy. Thách thức đầu tiên của nhà thơ Lữ Mai là đọc một tập bản thảo dày dặn cậu bé viết tay mà tất cả các cô giáo, thành viên trong gia đình đều "bó tay" vì chữ viết loằng ngoằng, gần như đã được "mã hóa" theo phong cách riêng. Sau khi nghe cô giáo đọc lưu loát tới dòng chữ cuối cùng, cậu bé tròn xoe mắt hỏi "tại sao" và nhận được lời đáp: "Cô đọc bằng tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình".

Một vấn đề khá tế nhị đó là thù lao của các nhà văn có thực sự đủ "sức nặng" để thu hút họ gắn bó với công việc này? Trả lời câu hỏi này, nhà văn Uông Triều thành thực tiết lộ, anh đã dạy được 4 khóa, mỗi khóa 10 buổi với mức kinh phí chỉ một vài triệu một học viên mỗi khóa. Anh đã miễn giảm học phí cho nhiều người và không đặt nặng vấn đề đó. Động lực chủ yếu cho cả người học và người dạy là phải có tình yêu, đam mê. Đa số những người viết văn thường ít có điều kiện kinh tế, có người chỉ gửi một nửa học phí, hy hữu ở lớp của nhà văn Uông Triều còn có học viên xin nợ với lời hứa hẹn: "Khi nào có nhuận bút thì em trả thầy!". Nghe xong, nhà văn mỉm cười: "Không sao, không sao…"

Thanh Khê
.
.