Khi người trẻ theo dòng lịch sử

Thứ Tư, 30/03/2022, 13:28

Trong gần hai chục năm qua, xu hướng tìm hiểu về lịch sử văn hóa truyền thống của giới trẻ Việt Nam đang trở thành một trào lưu xã hội rộng lớn với nhiều hội nhóm khác nhau, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia.

Người ta cứ hay ca thán rằng giới trẻ ngày nay ghét sử, không thích học sử, không coi trọng truyền thống văn hóa. Nhưng, đó chỉ là nhận xét của một số thầy cô trước những ánh mắt hờ hững của học trò nghi phải ngồi nghe những bài giảng lịch sử trên ghế nhà trường. Còn sau những giờ đi học, và làm ăn, những người trẻ tuổi đã và đang thực hiện những cuộc "theo dòng lịch sử" để tự kiến tạo cho mình những tri thức riêng về lịch sử văn hóa Việt Nam.

Biểu hiện đầu tiên là nhóm những thư pháp gia trẻ tuổi của thập niên 2000 (đến nay phần đa đã ngoài 40, 50 tuổi). Như những đốm lửa vương vãi khắp nơi trong cuộc sống, những người trẻ tuổi biết chữ Hán, và viết thư pháp đã tụ họp với nhau và tạo nên những sân chơi thư pháp, những lớp giảng dạy chữ Nho. Các lớp học ở chùa Tảo Sách của Lê Thanh Hải, chùa Cót của Lê Quốc Việt,... đã góp phần lan tỏa những nét văn hóa bị lãng quên.

Các câu lạc bộ thư pháp cũng xuất hiện ở nhiều nơi, như Câu lạc bộ Thư pháp của Khoa Văn học (USSH) do Nguyễn Quang Thắng chủ nhiệm. Một lớp các thư pháp gia trẻ tuổi dần hình thành với những tên tuổi như Vũ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Đức Dũng, Lê Trung Kiên, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Đạt Thức, Nam Long, Tiểu Hạng,... Nhiều cuộc sự kiện đã diễn ra. Tiêu biểu nhất là  triển lãm và trình diễn thư pháp liên tục tại Văn Miếu như Nhị thập Bát tú, Hồn thu thảo,...

Ngoài triển lãm, nhóm đã khôi phục lại tục viết chữ đầu xuân tại vỉa hè phố Văn Miếu, và trong khuôn viên Quốc Tử Giám. Từ xuân 2003 đến nay, hoạt động cho chữ đầu năm đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người yêu văn hóa, và được hàng chục báo chí đài truyền hình đưa tin, ghi hình, công chiếu. Từ con số 28 người trẻ tuổi ấy, đến nay số lượng người học chữ Hán và viết chữ Hán đã lên đến hàng chục ngàn, không chỉ còn tập trung ở Hà Nội, mà mở rộng đến nhiều địa phương. Các lớp học của Nhân Mĩ học đường trong 15 năm qua đều đặn có hàng trăm người theo học hàng năm, với nhiều hoạt động học tập, triển lãm, và thực hành văn hóa truyền thống.

Trang Thư họa Việt Nam, và nhóm Hán Nôm Kinh Kỳ được lập ra để mọi người khắp nơi chia sẻ học tập và trao đổi kinh nghiệm dịch thuật, với trên 30.000 thành viên. Số lượng này là rất lớn so với sinh viên Hán Nôm đào tạo chính quy (mỗi năm chỉ khoảng 20-30 người). Cũng chính từ đây, những người trẻ tuổi biết chữ Hán đã dấn thân vào những công việc hàn lâm hơn như dịch thuật, nghiên cứu, xuất bản thư tịch cổ, góp phần tạo nên đời sống sôi động của xã hội.

nsut lê thiện trong vai nhân tuyên thái hoàng thái hậu.jpg -0
NSƯT Lê Thiện trong vai Nhân Tuyên Hoàng thái hậu.

Trong số những thư pháp gia trẻ tuổi nêu trên, tôi muốn nhắc đến Trần Quang Đức, anh sinh năm 1985, được đào tạo căn bản về Hán văn và Trung văn. Năm 2013, anh xuất bản cuốn “Ngàn năm áo mũ”, đây là một cuốn chuyên luận nghiên cứu về lịch sử trang phục Việt Nam trong suốt nghìn năm lịch sử. Nghiên cứu dựa trên các khảo sát sử liệu Hán Nôm (nguyên cấp) và các nguồn tư liệu bia ký, hiện vật, tượng pháp để nghiên cứu về tư tưởng chính trị và chế độ mũ áo của các triều đại trong lịch sử, cả ở triều đình lẫn trang phục dân gian.

Cuốn sách ngay từ khi ra đời đã trở thành một sự kiện văn hóa, được GS Liam Kelley điểm sách trên trang học thuật của Mĩ, đến nay sách đã được tái bản gần chục lần với trên chục ngàn bản in. Quan trọng hơn, Trần Quang Đức đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào đời sống học thuật và là người truyền cảm hứng cho hàng vạn bạn trẻ đam mê cổ phục. Các trang Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Centre,... được thành lập, và ngay lập tức trở thành những diễn đàn sôi động thu hút hàng chục ngàn bạn trẻ tham gia, nghiên cứu và thảo luận.

Đại Việt Cổ Phong đã có nhiều dự án vẽ hoa văn Đại Việt, chủ trương ứng dụng di sản mĩ thuật vào đời sống đương đại. Những bạn trẻ bằng sự đam mê của tuổi trẻ, tự bỏ tiền bỏ công, tự bỏ thời gian, mua máy ảnh, máy tính, học đồ họa, đi điền dã hàng trăm di tích, chụp hàng ngàn bức ảnh tư liệu, để trực tiếp tìm hiểu về văn hóa cổ của cha ông, từ đó hướng đến phỏng dựng, phục dựng văn vật của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước qua nhiều phương tiện như tranh vẽ, mô hình, phim ảnh, cosplay v.v. để người nay có thể hình dung được về người Việt xưa (https://daivietcophong.wordpress.com/).

Những hoa văn Lý - Trần- Lê Nguyễn đã được các bạn sưu tập, chỉnh lý, đồ họa, vẽ line, và đưa vào ứng dụng cho xuất bản sách, in lịch, và đưa vào làng nghề. Số lượng gần 150.000 thành viên của Đại Việt Cổ Phong, cùng hàng ngàn bài viết và chủ đề thảo luận về cổ phục, cổ ngọc, ẩm thực, lịch sử xã hội, lịch sử kiến trúc, lịch sử xe cộ, phong tục tập quán... cho thấy giới trẻ đang tạo nên một phong khí mạnh mẽ trên con đường tìm về quá khứ cha ông. Ngoài Đại Việt Cổ Phong, có thể kể đến hàng chục diễn đàn, trang xã hội như Đại Việt Thần Thoại (51,6k thành viên), Lịch Sử Việt Nam (2,1k), Việt Sử Kiêu Hùng (155.072 người theo dõi), Đại Việt Cổ Phục, Đại Việt Phong Hoa (22,000 followers), Thủ Phất Thanh Đài (12.555), Great Vietnam...

Năm 2017, Vietnam Centre được thành lập bởi nhiều bạn trẻ yêu văn hóa. Họ có một niềm tin mãnh liệt rằng "văn hóa Việt Nam là một phần không thể thiếu trong tấm thảm văn hóa thế giới và bây giờ là lúc để thể hiện toàn bộ tiềm năng và sức sống của nó." Nhóm tự nhận thức về sứ mệnh "mang văn hóa đến cho mọi người" (bring Vietnam to you). Cho đến nay, dự án đã có sáu chi nhánh đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sydney (Úc), Aliso Viejo - CA, Boston - MA và Washington D.C. (USA). Hoạt động cơ bản của nhóm gồm tổ chức trình diễn, triển lãm, hội nghị, hội thảo về văn hóa Việt Nam, xuất bản, sản xuất các sản phẩm đa phương tiện, giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Thế mạnh của nhóm là nghiên cứu, và tổ chức sự kiện dựa trên nền tảng nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử trang phục, lịch sử sinh hoạt, và lịch sử vũ khí. Sản phẩm media của nhóm giới thiệu và minh họa Việt phục thời Nguyễn, Việt phục Đàng Trong thời Lê Trung Hưng, trang phục tăng lữ qua tranh "Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ",... Video minh họa tổng quan 1000 năm cổ phục Việt Nam mang tên "Người Việt xa lạ" gói gọn trong 3 phút, nhưng truyền tải sinh động và giàu tri thức, thu hút hơn 300 ngàn lượt xem.

Nhóm Long Thành Xạ Nghệ có số thành viên rất hạn chế (gần 30 người, với sáng lập viên Phan Đức Bình), song rất đặc sắc vì tính chuyên sâu của mình. Nhóm chủ trương "hướng tới xây dựng một cộng đồng nơi các thành viên có thể hoà mình trong những giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc với trung tâm là "Xạ" - cung thuật truyền thống".

Nhóm đã thực hiện các dự án như phỏng dựng trang phục thời Lý - Trần, cụ thể là tiện phục của hoàng đế, áo Tứ điên, mô phỏng kỹ thuật bắn cung thời Trần, nghiên cứu cách chế tạo cung nỏ truyền thống, sản xuất cung sừng (theo đúng chất liệu cổ) và phương pháp cổ, nghiên cứu kĩ thuật bắn cung, và thực hiện các buổi luyện cung tại thực địa (cả đứng bắn và cưỡi ngựa) thường xuyên vào các buổi thứ bảy chủ nhật hàng tuần... Nhóm sử dụng áo giao lĩnh (một trang phục phổ biến trước thế kỷ XIX) được nhóm thiết kế riêng để làm trang phục tập bắn. Áo có ống tay hẹp gọn, nai nịt kĩ càng, nách rộng, vai mở,... để có thể thực hiện các thao tác bắn cung như thời xưa.

ghep.jpg -0

Không chỉ tạo ra trào lưu đi tìm về những giá trị của quá khứ, các bạn trẻ đã dùng những đam mê của mình để khởi nghiệp. Ỷ Vân Hiên là công ty do Nguyễn Đức Lộc thành lập nhằm đưa văn hóa truyền thống vào xã hội hiện đại. Đây là một công ty chuyên sản xuất cổ phục, với tham vọng biến những tín đồ của cosplay và tín đồ của cổ phục trở thành một mạng lưới kinh tế và văn hóa. Nơi Việt phục được coi là sản phẩm văn hóa, là nơi để những thành quả nghiên cứu trở thành thương phẩm.

Ngay từ đầu Lộc đã xác định "Làm văn hóa nhưng không có kinh tế thì không thể phát triển. Ngược lại, làm kinh tế mà không có văn hóa thì chẳng thể thăng hoa". Ỷ Vân Hiên đã tiến hành nghiên cứu, phục dựng, sản xuất nhiều trang phục cung đình và dân gian, đồng thời lan tỏa văn hóa truyền thống bằng cách mở rộng khách hàng với phân khúc từ trung đến cao cấp: từ thanh niên đến trung niên, người già. Phim “Phượng Khấu” mà Ỷ Vân Hiên tham gia thực hiện phần trang phục là dự án phim cổ trang được đầu tư bài bản nhất về cổ phục.

Danh sách những hoạt động của giới trẻ về việc nghiên cứu, quảng bá, và tái sản xuất các giá trị văn hóa truyền thống có thể kéo dài thêm nhiều nữa. Có thể kể đến Nguyễn Trí Quang với việc số hóa 3D các di sản kiến trúc, mĩ thuật, xây dựng các bảo tàng ảo về cổ vật Việt Nam. Hay công ty Art3D của KTS. Đinh Việt Phương, Holomia của KTS. Đinh Anh Tuấn, Hội quán Di sản của NTK. Trần Thanh Tùng, gần đây là Sen Heritage với những nghiên cứu và phục dựng về mĩ thuật, kiến trúc của Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến nỗ lực bảo tồn các nghề truyền thống thông qua nghệ thuật, như dự án Trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng, dự án bảo tồn giấy dó Zó Project của Hồng Nhung và nhiều nghệ nhân khác...

Nhiều người trong số này khởi nghiệp khi mới đôi mươi, nhưng đến giờ đã gần 50 tuổi. Họ có thể không còn trẻ nữa, nhưng giá trị của họ đem đến cộng đồng là tiếp tục nhen lên niềm đam mê văn hóa, và truyền lửa đến các thế hệ trẻ hơn mình. Như thế, không đơn thuần chỉ là một cuộc dạo chơi theo dòng lịch sử, những con người trẻ tuổi cứ tiếp nối nhau cầm trên tay mình ngọn đuốc di sản, để đem quá khứ soi vào hiện tại và đầu tư cho văn hóa tương lai. 

Trần Trọng Dương
.
.