Khi nghệ thuật lụi tàn thành những đôi giày

Thứ Năm, 12/01/2023, 10:17

Chẳng phải chỉ nghề gốm mới có kintsugi, nghệ thuật ghép những mảnh vỡ để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mới, trong nghề phim cũng có.

Năm 1992, nhà làm phim người Hà Lan Peter Delpaut kiếm được những cuộn phim nitrate đã gần như sắp hỏng từ bảo tàng điện ảnh ở Amsterdam, ghép chúng lại để tạo nên Lyrical Nitrate - Thơ tình Nitrate, một bộ phim tưởng nhớ những hình ảnh đang trên bờ vực chìm mãi vào quên lãng. Đoạn cuối phim có một cảnh Adam và Eva tung tăng giữa vườn địa đàng trên nền nhạc opera da diết, nhưng chưa cần đến Chúa ra tay tống cổ họ, tổ tiên của loài người đã bị sự thoái hóa của chính những cuộn phim đang phân hủy gặm nhấm đến khi rè nhiễu và mất hút. Thước phim ấy chết theo nghĩa đen, và cái chết ấy là sự tiêu vong của tiêu vong, bởi phim vốn dĩ là để lưu lại những hình ảnh thoáng qua, nhưng ngay cả cái vỏ lưu trữ đó cũng không mãi mãi.

 Khi nghệ thuật lụi tàn thành những đôi giày_ANTG GT-CT TET2023_T26 -0
Áp phích phim “Lyrical Nitrate”.

Những tấm ảnh mà đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chụp lại trong kho lưu trữ phim, với 300 cuộn phim - hay đúng hơn, 300 xác phim - nằm chồng chất lên nhau như một nghĩa địa phim tập thể, cũng là hình ảnh về một sự tiêu vong của tiêu vong như thế. Những xác phim mốc meo đến mục rữa, cáu cạnh và chảy nước trước sự tấn công của độ ẩm, bụi, không khí… Trông căn phòng không giống như một nơi lưu phim nữa mà giống như một nhà kho chất chứa những thứ bỏ đi. Ngay cả khi đã được số hóa phần lớn, việc mất đi sự tồn tại vật lý của những cuộn phim vẫn là sự mất mát không thể chuộc đền. Trong thực tế, không một phương thức số hóa nào cho đến nay thực sự thay thế được những bản in phim, bởi khả năng lưu trữ của phương tiện số sẽ bị vô hiệu nhanh chóng do tốc độ tiến hóa của các định dạng dữ liệu, trong khi những bản in được bảo quản tốt có thể đạt được tuổi thọ trăm năm. Đó là chưa kể, quá trình số hóa nếu không phải sử dụng công nghệ tối tân nhất thì hầu hết đều làm giảm chất lượng hình ảnh phim.

Thế rồi, chỉ vài ngày trước khi câu chuyện 300 cuộn phim của Hãng phim truyện Việt Nam từ những buổi đầu không thể phục hồi lại, Viện nghiên cứu Hán Nôm xác nhận rằng 25 cuốn sách cổ trong viện không cánh mà bay (một cuốn đã tìm lại được, do lỗi đánh số của nhân viên thủ thư).

Tất cả những cuốn sách bị mất và những bộ phim bị hư đều đã mất và hư được một quãng thời gian cho đến khi sự mất mát và hư hao được phát hiện ra. Quãng thời gian ấy, bất kể ta đã và đang làm gì, thì ở một ngã rẽ không gian khác, những tài sản văn hóa quý giá nhất phải đương đầu với những khổ nạn mà chúng ta không hề hay biết. Ngay cả nếu có ai đó đứng ra nhận trách nhiệm "đó là sơ suất của chúng tôi", thì có thể làm gì hơn nữa khi những cuộn phim đã tắt thở hay những cuốn sách đã mất dấu rồi.

Không phải để so sánh giữa tây hay ta, bởi ngay cả các đất nước phát triển nhất, với nguồn ngân sách bảo tồn dồi dào nhất, cũng có lúc không bảo tồn được những gia tài văn chương nghệ thuật của mình (nếu không, làm sao có những bộ phim như “Lyrical Nitrate”?, Làm sao một vài bức tranh của Picasso bị hủy hoại vì hỏa hoạn?, Hay làm sao có những tiểu thuyết đồ sộ hấp dẫn như “Tên của đóa hồng” lấy cảm hứng từ một cuốn sách về hài kịch thất lạc của Aristotle?), nhưng chỉ vừa tháng trước, nhà báo người Ý Elisabetta Povoledo có một bài phóng sự "viral" về một người thợ lau dọn với công việc hết sức đặc biệt. Cô không lau dọn nhà cửa văn phòng như những người giúp việc thông thường, cô là người lau dọn cho bức tượng David của Michelangelo ở Florence.

 Khi nghệ thuật lụi tàn thành những đôi giày_ANTG GT-CT TET2023_T26 -0
Một thước phim hỏng được sử dụng trong “Decasia”.

"Bức tượng được tôn thờ ở Ý không thể tự phủi bụi cho mình. Đó là lúc mà Eleonora Pucci vào cuộc" - bài phóng sự mở đầu như vậy. Đúng thế, những kiệt tác có thể là ông hoàng trong thế giới nghệ thuật nhưng lại chỉ là những đứa trẻ trong thế giới thực, vô cùng dễ tổn thương và không thể tự bảo vệ mình. Và kể cả Michelangelo có là một nhà đại điêu khắc thì ngay cả nhà đại điêu khắc ấy cũng phải cậy tới những người bảo tồn vô danh để tác phẩm song hành với thời gian. Pucci yêu công việc của cô, coi việc "trao chuyền lại cái đẹp" là công việc tốt nhất trên đời, và một năm sáu lần, trong những ngày bảo tàng đóng cửa, cô sẽ trèo lên một chiếc thang cao 5 mét để quét dọn mạng nhện, hóa chất, bụi ô nhiễm, sợi áo của khách tham quan và tất cả những yếu tố ngoại lai khu trú nơi bức tượng cẩm thạch trắng nặng 5 tấn vừa kiên cường mà cũng quá yếu ớt trước những tấn công không thể tránh khỏi từ bên ngoài.

Nếu tìm hiểu thêm về lịch sử bảo tồn tượng David, ta sẽ biết nó từng trải qua vô số những chuyện dở khóc dở cười. Như vào khoảng đầu những năm 2000, báo chí châu Âu từng nổ ra một cuộc tranh cãi lớn về việc nên bảo quản tượng David như thế nào: dùng khoa học kỹ thuật xóa vết lấm bẩn bằng oxy nguyên tử hay trung thành với các loại bàn chải lông, tăm bông, tẩy cao su và khăn da hươu? Bất kể đúng sai ra sao, nhưng một cuộc tranh luận như vậy tồn tại đồng nghĩa với việc tất cả đều dồn sự quan tâm tới David. David có một số phận may mắn hơn rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật không được đoái hoài trên đời này, vì David không bị phớt lờ hay bỏ bê. Và người ta cần những gì để có thể bảo tồn một tác phẩm ư? Tiền, không sai. Nhưng hơn cả thế, đó là một vài người nào đó tha thiết tin rằng việc bảo tồn là công việc tốt đẹp nhất trên đời.

Tất nhiên, ngay cả sự mất mát hay tổn thương cũng có vẻ đẹp riêng, vì xét cho cùng, đòi hỏi sự vẹn nguyên tuyệt đối cũng là chống lại quy luật của tạo hóa. Chẳng hạn vào thế kỷ 16, tượng David bị quấn thêm một chiếc khố kim loại để che đi phần hạ bộ, những dấu vết ấy vẫn còn để lại từ đó và trở thành một phần bản sắc của David. Hay những thước phim sắp lâm chung khi được tập hợp lại ở “Lyrical Nitrate” của đạo diễn Paul Delpeut và “Decasia” của đạo diễn Bill Morrison - tác phẩm ngợi ca sự lụi tàn của những bộ phim cũ như một hình thức nghệ thuật - ta vẫn cảm thấy một vẻ lộng lẫy ám ảnh tuôn trào từ những vết chập chờn, những khuôn hình vỡ, những hình ảnh đen sì, những mặt người nổ lụp bụp siêu thực những vết "cháy" lẹm, những chi tiết mà ta không nhìn rõ để gọi được tên, hay cảnh một vận động viên quyền Anh thay vì đánh vào bao cát thì đánh vào một đám bùi nhùi sinh ra từ sự mốc meo của thước phim hỏng hóc. Đằng nào cũng không thể đảo ngược quá trình hồi sinh những gì đã mất, chi bằng hóa kiếp cho nó sang một hình hài mới của cái đẹp, nhưng sau rốt, ta có thật sự muốn tất thảy những thước phim lịch sử cuối cùng chỉ còn là một bãi phế liệu mà ta chỉ có thể nhặt nhạnh, lượm lặt những mẩu còn dùng được và từ đó cố gắng tái chế đến đâu thì đến?

 Ở Mỹ, ước tính 90% những bộ phim câm trước thập niên 1920 và 50% phim câm trước thập niên 1950 đã mất vĩnh viễn, trong đó có cả những viên ngọc quý của Alfred Hitchcock hay Charlie Chaplin. Còn những ai yêu điện ảnh Nhật Bản khi tìm hiểu về sự nghiệp của Yasujiro Ozu thời kỳ đầu cũng lâm vào một khoảng không gần như trắng trơn bởi phần lớn tác phẩm câm đen trắng của ông đã không còn lưu lại được.

Năm 2011, đạo diễn Martin Scorsese làm bộ phim giả tưởng “Hugo”, trong đó có một nhân vật có thật, Georges Méliès, một trong những nhà làm phim tiên phong xây dựng cốt truyện cho tác phẩm điện ảnh, cũng là tác giả của bộ phim khoa học viễn tưởng đầu tiên trong lịch sử, “A trip to the moon” (Chuyến du hành tới mặt trăng) dựa theo tiểu thuyết của Jules Verne. Có một chi tiết thực trong cuộc đời của Méliès đã được Scorsese đưa vào, là khi quân đội Pháp tịch thu những cuộn phim nitrate mà Méliès thực hiện, đem đốt chảy chúng ra để lọc lấy bạc và những gì còn lại được tận dụng để đóng gót giày cho binh lính. Những gót giày ấy nay có lẽ cũng đã trải qua muôn vàn những lần biến đổi khác, ai biết được chúng đã hóa thân sang hình thái nào rồi, và theo cách nói kiểu "định luật bảo toàn", những chất liệu sẽ chẳng bao giờ thật sự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này qua dạng khác, nhưng có những linh hồn đã bị tống xuất không thể nào quay lại. Và cái đã mất không chỉ là những tác phẩm, cái đã mất có lẽ là một cảm thức như Bill Morrison khi đứng trước những chồng phim vẹn nguyên, cảm thức như khi "Balboa  trèo lên ngọn đồi cuối cùng và nhìn thấy Thái Bình Dương mở ra trước mắt", cảm thức khi "tìm thấy một điều gì đó muôn đời".

Hiền Trang
.
.